Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2011/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH HỖ TRỢ MỘT PHẦN KINH PHÍ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI TỰ NGUYỆN ĐỐI VỚI GIÁO VIÊN MẦM NON CÓ THỜI GIAN CÔNG TÁC TỪ TRƯỚC NĂM 1995 NHƯNG CHƯA ĐỦ ĐIỀU KIỆN HƯỞNG CHẾ ĐỘ HƯU TRÍ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 190/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định việc hỗ trợ một phần kinh phí cho người đã có thời gian làm giáo viên mầm non trước năm 1995 đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đến khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định.

2. Đối tượng áp dụng là người đã có thời gian làm giáo viên mầm non trước năm 1995 tại các cơ sở giáo dục mầm non bao gồm: trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập thuộc các loại hình công lập, dân lập và bán công chưa chuyển đổi có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 2 của Quyết định này.

Điều 2. Điều kiện được hưởng hỗ trợ, mức hỗ trợ và thời gian được hưởng hỗ trợ

1. Các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại điểm a khoản 2 Điều này với các điều kiện sau:

a) Đã có thời gian công tác trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995, liền sau đó được tuyển dụng hoặc ký hợp đồng lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non.

b) Khi nghỉ việc có đủ tuổi đời theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội và có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.

c) Chưa nhận chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần, cam kết tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

2. Mức hỗ trợ, thời gian được hưởng hỗ trợ

a) Mức hỗ trợ

Nhà nước hỗ trợ kinh phí bằng 13% tiền lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm đối tượng được hưởng hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Khuyến khích các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non hỗ trợ thêm kinh phí đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

b) Thời gian được hưởng hỗ trợ

Thời gian được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này là số tháng thực tế làm giáo viên mầm non trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 của người được hỗ trợ nhưng tối đa không quá 60 tháng.

Điều 3. Phương thức hỗ trợ

1. Nhà nước hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các đối tượng được hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này thông qua cơ quan bảo hiểm xã hội, thực hiện đồng thời với việc đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của cá nhân.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho các đối tượng thuộc diện hưởng hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này khi bảo đảm các điều kiện sau:

a) Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;

b) Đóng phần phí bảo hiểm còn lại sau khi đã được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí theo quy định tại Quyết định này.

Điều 4. Nguồn kinh phí

1. Nguồn kinh phí thực hiện chi hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Quyết định này được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm của các địa phương và nguồn hỗ trợ có mục tiêu từ Ngân sách Trung ương.

2. Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương theo nguyên tắc: ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tự cân đối được ngân sách, hỗ trợ 50% đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%; các tỉnh, thành phố còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định này.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn lập dự toán kinh phí hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện trong phạm vi địa phương; hàng năm báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 6. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2011.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng