Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 456/2001/QĐ-UB

Huế, ngày 05 tháng 03 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỒNG, ĐỒI NÚI TRỌC, MẶT NƯỚC EO VỊNH ĐẦM PHÁ, ĐẤT HOANG HÓA VEN BIỂN, VEN PHÁ VÀO MỤC ĐÍCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, NUÔI TRỒNG THỦY SẢN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

- Căn cứ Luật Đất đai ngày 14/7/1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02/12/1998;

- Căn cứ Nghị định 04/2000/NĐ-CP ngày 1/02/2000 của Chính phủ về thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai;

- Căn cứ Nghị định 64/CP ngày 27/09/1993 của Chính phủ ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài và mục đích sản xuất nông nghiệp và Nghị định 85/1999/NĐ-CP ngày 28/08/1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bản Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài;

- Căn cứ Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.

- Căn cứ Nghị quyết 03/2000/NQ-CP ngày 02/02/2000 của Chính phủ về kinh tế trang trại;

- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Sở Thủy sản,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định về chính sách khuyến khích sử dụng đất trắng, đồi núi trọc, mặt nước eo vịnh đầm phá, đất hoang hóa ven biển, ven phá vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điếu 3: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Địa chính, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Thủy sản, Sở Tài chính - Vật giá, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ NN & PTNT;
- Bộ Thủy sản;
- Tổng cục Địa chính;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh
- VP: LĐ và các chuyên viên
- Lưu: VT, LT.

TM. UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Mễ

 

QUY ĐỊNH

VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH SỬ DỤNG ĐẤT TRỐNG,ĐỒI NÚI TRỌC, MẶT NƯỚC EO VỊNH ĐẦM PHÁ, ĐẤT HOANG hóa VEN BIỂN, VEN PHÁ VÀO MỤC ĐÍCH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP, NUÔI TRÔNG THUỶ SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 456/2001/QĐ-UB ngày 5 tháng 3 năm 2001 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Ở tỉnh ta đất canh tác trồng cây ngắn ngày bình quân rất thấp, nếu chỉ dựa và diện tích này thì đời sống của nông dân rất khó có thể nâng cao được một cách cơ bản, trong khi đó đất chưa sử dụng còn nhiều. Kết quả điều tra, kiểm kê đất chưa sử dụng năm 2000 cho thấy toàn tỉnh cớ 190.623 ha đất chưa sử dụng và sông suối trong đó có 18.317 ha có khả năng nông nghiệp, 128163 ha có khả năng lâm nghiệp và 2783 ha có khả năng nuôi trồng thủy sản.

Để khuyến khích mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư khai thác quỹ đất nói trên một cách có hiệu quả. UBND tỉnh ban hành quy định về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trên đất trống, đồi núi trọc, mặt nước eo vịnh đầm phá, đất hoang hóa ven biển,ven phá.

Điều 1: Các loại đất thuê, diện tích giao đất và cho thuê đất:

1) Diện tích đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt là đất dùng cho mở rộng sản xuất nông lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản.

2) Trường hợp cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch đã duyệt phải có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi.

3) Việc quản lý sử dụng đất được giao, cho thuê phải theo đúng các quy định của Nhà nước về quy hoạch, về bảo vệ môi trường, về cơ cấu cây trồng vật nuôi, về bảo vệ môi trường và sinh thái nhằm bảo vệ và làm giàu diện tích đất mặt nước, đất gò đồi, đầm phá.

Điều 2: Đối tượng được giao đất, cho thuê đất.

1) Các tổ chức kinh tế;

2) Hộ gia đình, nhóm hộ gia đình (gọi chung là hộ gia đình), cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nuôi trồng thủy sản mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất đó được UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú xác nhận; nếu có nhu cầu, có người quản lý thường xuyên tại nơi nhận đất, và có khả năng sử dụng đất để mở rộng sản xuất thì ngoài phần đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản đã được giao trong hạn mức của địa phương còn được giao thêm đất trống, đồi núi trọc, mặt nước eo vịnh, đầm phá, đất hoang hóa ven biển, ven phá (sau đây gọi là đất chưa sử dụng) bằng hạn mức cho từng loại đất theo quy định ở Điều 3 dưới đây để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (nếu nhận vượt hạn mức thì phần vượt phải chuyển sang thuê).

3) Những hộ gia đình, cá nhân khác nếu có vốn, có lao động và có người quản lý thường xuyên tại nơi nhận đất sản xuất thì được cho thuê đất để làm kinh tế trang trại.

Điều 3: Hạn mức đất giao, hạn mức đất cho thuê

1) Hạn mức đất giao

a - Đối với hộ gia đình, cá nhân

- Để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản: không quá 2 ha

- Để trồng cây lâu năm: không quá 10 ha ở xã đồng bằng, không quá 30 ha ở xã trung du, miền núi.

- Để trồng rừng sản xuất không quá 30 ha.

(Hạn mức được tính riêng cho từng loại theo mục đích sử dụng).

b - Đối với tổ chức:

Theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2) Hạn mức đất cho thuê.

Đối với tổ chức: theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với hộ gia đình, cá nhân: xét khả năng đầu tư ở phương án sản xuất của hộ gia đình cá nhân, mức tối đa được áp dụng như hạn mức giao đất ở khoản 1 Điều này.

Điều 4: Thời hạn giao đất, cho thuê đất

1) Đới với hộ gia đình, cá nhân:

- Thời hạn giao đất cho hộ gia đình cá nhân để trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản là 20 năm, để trồng cây lâu năm là 50 năm, để trồng rừng sản xuất là 50 năm.

- Thời hạn cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất để sử dụng vào các mục đích trên theo đơn xin thuê đất của hộ gia đình, cá nhân nhưng không quá 20 năm đối với trồng cây hàng năm và nuôi trồng thủy sản; không quá 50 năm đối với đất trồng cây lâu năm và trồng rừng sản xuất.

2) Đối với tổ chức:

Thời hạn giao đất cho tổ chức thực hiện theo dự án được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhưng nếu thuê đất thì không quá 50 năm.

Điều 5: Miễn, giảm tiền thuê đất

a/ Tổ chức hộ gia đình, cá nhân thuê đất hoang hóa, mặt nước eo vịnh đầm phá để nuôi trồng thủy sản thì được miễn tiền thuê đất năm đầu.

b/ Tổ chức hộ gia đình, cá nhân thuê đất gò đồi, đất cát nội đồng để sản xuất nông nghiệp thì được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản và cộng thêm 10 năm sau khi đã đi vào thu hoạch; sau đó nếu đất được sử dụng và bảo vệ tốt nhưng chưa đạt hiệu quả có thể được xem xét miễn, giảm tiếp tiền thuê đất.

c/ Tổ chức hộ gia đình, cá nhân thuê đất để trống rừng sản xuất thì được miễn tiền thuê đất 10 năm; trường hợp trồng một số loại cây có chu kỳ dài hơn 10 năm hoặc gặp thiên tai gây thiệt hại thì có thể được xét miễn, giảm tiền thuê đất một số năm tiếp theo.

Điếu 6: Miễn, giảm thuế sử dụng đất:

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất trống, đồi núi trọc, mặt eo vịnh đầm phá, đất hoang hóa ven biển, ven phá thì được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo luật định.

Điều 7: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản quy định như sau:

- UBND tỉnh giao đất và cho thuê đất đối với tổ chức.

- UBND huyện, thành phố giao đất và cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân theo đề nghị của UBND xã nơi có đất và nơi thường trú của người xin giao đất, thuê đất.

Giám đốc Sở Địa chính, Trưởng phòng (Ban) địa chính huyện, thành phố ký hợp đồng với bên thuê đất (theo thẩm quyền của UBND cùng cấp quyết định giao đất, cho thuê đất).

Điều 8: Thu hồi đất:

Đất được giao, được cho thuê để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nếu không sản xuất liên tục trong 12 tháng hoặc không đầu tư mà chỉ cho thuê lại kể cả trường hợp trồng rừng quảng canh không đạt tiêu chuẩn thì được coi là bao chiếm đất bị thu hồi đất không đền bù.

Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại về đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật.

Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao đất, được cho thuê đất:

Tổ chức, hộ gia đình cá nhân được giao đất, cho thuê đất trống, đồi núi mặt nước eo vịnh đầm phá, đất hoang hóa ven biển, ven phá để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 10: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Huế, Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện những quy định trên trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của mình.

Giám đốc Sở Địa chính phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Sở Thủy Sản hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc và kiểm tra báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện Quy định này.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

UBND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ