THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 456/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2016 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030 với những nội dung chính như sau:
Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang (sau đây gọi tắt là Khu kinh tế) có tổng diện tích tự nhiên là 30.729,8 ha; bao gồm 03 khu vực cửa khẩu: Vĩnh Xương, Khánh Bình và Tịnh Biên. Cụ thể:
- Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: Thuộc một phần huyện Tịnh Biên, có diện tích tự nhiên khoảng 10.100 ha, gồm các thị trấn: Tịnh Biên, Nhà Bàng và các xã: An Nông, An Phú, Nhơn Hưng. Ranh giới cụ thể được xác định như sau:
+ Phía Tây Bắc: Giáp biên giới Campuchia;
+ Phía Đông Bắc: Giáp thành phố Châu Đốc;
+ Phía Tây Nam: Giáp xã Lạc Quới và xã Lê Tri thuộc huyện Tri Tôn;
+ Phía Đông Nam: Giáp xã Thới Sơn, xã An Cư và xã Văn Giáo thuộc huyện Tịnh Biên.
- Khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Thuộc một phần huyện An Phú, có diện tích tự nhiên khoảng 8.140 ha, gồm thị trấn Long Bình và các xã Khánh Bình, Khánh An, Quốc Thái, Nhơn Hội và Phú Hữu. Ranh giới cụ thể được xác định như sau:
+ Phía Bắc: Giáp tỉnh Kanadal thuộc Vương quốc Campuchia, biên giới là sông Bình Di;
+ Phía Nam: Giáp xã Phú Hội, xã Phước Hưng và xã Vĩnh Lộc thuộc huyện An Phú;
+ Phía Tây: Giáp tỉnh Tà Keo thuộc Vương quốc Campuchia, biên giới là sông Bình Di;
+ Phía Đông: Giáp xã Phú Lộc, xã Vĩnh Xương thuộc thị xã Tân Châu.
- Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương: Thuộc thị xã Tân Châu, có diện tích tự nhiên khoảng 12.487 ha, gồm xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa, Tân An, Tân Thạnh, Phú Lộc, Long An và các phường Long Thạnh, Long Hưng, Long Châu, Long Sơn và Long Phú. Ranh giới cụ thể được xác định như sau:
+ Phía Bắc: Giáp tỉnh Kanadal thuộc Vương quốc Campuchia;
+ Phía Nam: Giáp xã Long Sơn, Phú Long (Huyện Phú Tân) và Châu Phong, Phú Vĩnh, Lê Chánh (thị xã Tân Châu);
+ Phía Đông: Giáp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, ranh giới là sông Tiền;
+ Phía Tây: Giáp huyện An Phú.
- Là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm: Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp gắn với các cửa khẩu quốc tế;
- Là đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa các nước tiểu vùng sông Mekong, đặc biệt trong quan hệ với Campuchia;
- Là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, động lực phát triển kinh tế, phát triển đô thị của vùng biên giới phía Tây Bắc, tỉnh An Giang;
- Có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng.
- Gắn kết đồng bộ các khu vực cửa khẩu và các khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; liên kết chặt chẽ với các khu kinh tế cửa khẩu khác trong vùng biên giới Tây Nam. Cân đối giữa phát triển đô thị, công nghiệp với bảo vệ khu vực sản xuất nông nghiệp; xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường toàn Khu kinh tế bảo đảm sự phát triển bền vững.
- Hình thành khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu và khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình; đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư; phát triển chuỗi đô thị trong Khu kinh tế, bao gồm các đô thị: Tân Châu, Tịnh Biên, Nhà Bàng.
- Hình thành trung tâm du lịch sinh thái Khu kinh tế cửa khẩu An Giang có sức hấp dẫn, liên kết với hệ thống trung tâm du lịch của tỉnh An Giang và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Campuchia ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển kinh tế biên giới.
a) Đến năm 2020, quy mô dân số của toàn Khu kinh tế đạt khoảng 310.000 - 320.000 người; dân số đô thị khoảng 160.000 người. Trong đó:
- Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương: Quy mô dân số khoảng 168.000 người; trong đó dân số đô thị khoảng 114.000 người.
- Khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Quy mô dân số khoảng 86.500 người; trong đó dân số đô thị khoảng 13.000 người.
- Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: Quy mô dân số khoảng 56.500 người; trong đó dân số đô thị khoảng 33.000 người.
b) Đến năm 2030, quy mô dân số của toàn Khu kinh tế đạt khoảng 340.000 - 350.000 người; dân số đô thị khoảng 174.000 người. Trong đó:
- Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương: Quy mô dân số khoảng 182.500 người; trong đó dân số đô thị khoảng 120.000 người.
- Khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Quy mô dân số khoảng 99.500 người; trong đó dân số đô thị khoảng 14.000 người.
- Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: Quy mô dân số khoảng 66.700 người; trong đó dân số đô thị khoảng 40.000 người.
5. Quy mô đất xây dựng: Tổng diện tích tự nhiên là 30.729,8 ha.
- Đến năm 2020: Quy mô đất xây dựng tập trung tại Khu kinh tế sẽ đạt khoảng 3.100 ha - 3.200 ha, trong đó: Đất xây dựng khu vực cửa khẩu (gồm các khu dịch vụ, quản lý, phi thuế quan và phụ trợ) khoảng 330 ha - 350 ha; đất xây dựng và phát triển đô thị khoảng 2.800 ha - 2.900 ha. Nhu cầu đất xây dựng các khu dân cư nông thôn khoảng 1.950 ha - 2.000 ha.
- Đến năm 2030: Quy mô đất xây dựng tập trung tại Khu kinh tế sẽ đạt khoảng 3.600 ha - 3.700 ha, trong đó: Đất xây dựng khu vực cửa khẩu (gồm các khu dịch vụ, quản lý, phi thuế quan và phụ trợ) cần khoảng 500 ha - 520 ha; đất xây dựng và phát triển đô thị khoảng 3.100 ha - 3.200 ha. Nhu cầu đất xây dựng các khu dân cư nông thôn khoảng 2.250 ha - 2.300 ha.
6. Định hướng phát triển không gian:
a) Cấu trúc phát triển không gian:
Cấu trúc không gian Khu kinh tế cửa khẩu An Giang hình thành theo mô hình từng khu vực cửa khẩu, bao gồm: Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, khu vực cửa khẩu Khánh Bình và khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, liên kết với nhau thông qua các tuyến Quốc lộ N1, Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, tuyến Khánh Bình - Chợ Mới - Vàm Cống...
Phân vùng phát triển:
- Các khu vực cửa khẩu, gồm khu quản lý, kiểm soát cửa khẩu, khu phi thuế quan tại các cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Tịnh Biên và cửa khẩu chính Khánh Bình.
- Các khu vực phát triển đô thị gồm: Thị trấn Tịnh Biên, thị xã Tân Châu, đô thị cửa khẩu Vĩnh Xương, đô thị Nhà Bàng, thị trấn Long Bình.
- Các khu vực phát triển dân cư nông thôn gồm: Các khu vực ngoại thị của thị xã Tân Châu, Tịnh Biên, các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bố theo các tuyến giao thông thủy và bộ.
- Các vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, không gian du lịch sinh thái, không gian cây xanh cảnh quan và mạng lưới sông rạch: Phân bố đa dạng và xen kẽ trong các khu vực phát triển gồm các khu vực canh tác nông nghiệp bao quanh các đô thị; các hành lang cây xanh theo sông Tiền, sông Bình Di, kênh Vĩnh Tê và các kênh rạch trong khu kinh tế; khu vực cây xanh thuộc quần thể du lịch núi Cấm trong khu vực cửa khẩu Tịnh Biên...
- Các khu vực phân bố các khu, cụm công nghiệp địa phương.
b) Định hướng phát triển không gian các khu kiểm soát cửa khẩu, các khu phi thuế quan và cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
- Các khu kiểm soát cửa khẩu:
Khu quản lý kiểm soát cửa khẩu được tổ chức tại 3 khu vực cửa khẩu với tổng diện tích 52,8 ha. Trong đó tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên khoảng 31,5 ha, tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương khoảng 13,3 ha và tại cửa khẩu chính Khánh Bình khoảng 8 ha.
- Các khu phi thuế quan:
+ Khu phi thuế quan tại cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên có tổng diện tích 88,5 ha, chức năng chủ yếu là thương mại dịch vụ.
+ Khu phi thuế quan tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương có tổng diện tích 135 ha, bao gồm khu thương mại dịch vụ quy mô 85 ha và khu công nghiệp có quy mô 50 ha.
+ Khu phi thuế quan tại cửa khẩu chính Khánh Bình có tổng diện tích 80 ha, bao gồm khu thương mại dịch vụ quy mô 40 ha và khu công nghiệp có quy mô 40 ha.
Các khu phi thuế quan bao gồm các khu thương mại dịch vụ hỗn hợp và các khu công nghiệp:
+ Các khu thương mại dịch vụ hỗn hợp gồm các chức năng: Khu tổ chức hội chợ; khu triển lãm; khu văn phòng giao dịch, văn phòng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức; trung tâm mua sắm, khu vui chơi giải trí; công viên cây xanh.
+ Các khu sản xuất công nghiệp gồm: Các khu trung tâm thương mại công nghiệp; kho ngoại quan; văn phòng cơ quan hải quan; trạm xăng; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật. Tại đây có các hoạt động sau: Sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp, đóng gói hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu và hàng phục vụ tại chỗ.
- Các khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp:
Các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có diện tích khoảng 396 ha, được phân bố như sau:
+ Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương có điện tích khoảng 134 ha. Bao gồm tại khu vực nội thị giáp sông Tiền khoảng 100 ha, các cụm công nghiệp khoảng 34 ha; loại hình công nghiệp chủ yếu là chế biến nông thủy sản (chủ yếu phục vụ cho xuất khẩu nhỏ: Lương thực, thực phẩm, trái cây, đồ hộp), cơ khí, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, các loại hình sản xuất công nghiệp liên quan đến hoàn tất (tinh chế, đóng gói, bao bì);
+ Khu vực cửa khẩu Khánh Bình có diện tích khoảng 50 ha. Loại hình công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến nông thủy sản, cơ khí, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng và các ngành nghề khác có liên quan đến hoạt động kinh tế cửa khẩu.
+ Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên có diện tích khoảng 212 ha. Trong đó công nghiệp phi thuế quan được lồng ghép trong Khu công nghiệp Xuân Tô; các Cụm công nghiệp địa phương phân bố tại khu vực An Nông, An Phú và Nhơn Hưng, các ngành công nghiệp về chế biến nông thủy sản, cơ khí, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, bao bì, dịch vụ văn phòng.
- Cửa khẩu phụ:
Ngoài 02 cửa khẩu quốc tế và 01 cửa khẩu chính, Khu kinh tế cửa khẩu An Giang còn có cửa khẩu phụ Bắc Đai tại xã Nhơn Hội (thuộc khu vực cửa khẩu Khánh Bình). Quy mô phát triển không gian (bao gồm khu quản lý kiểm soát cửa khẩu, khu thương mại dịch vụ, khu dân cư) khoảng 60 ha.
c) Định hướng phát triển không gian đô thị và điểm dân cư tập trung:
- Thị xã Tân Châu:
+ Tính chất: Là đô thị loại III, đô thị trung tâm phía Bắc trong chuỗi đô thị biên giới tỉnh An Giang; là trung tâm kinh tế, khoa học kĩ thuật và văn hóa của tỉnh; là khu vực đô thị hỗ trợ hậu cần cho khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.
+ Quy mô dân số đô thị Tân Châu (phần nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang): đến năm 2020 là 168.000 người; đến năm 2030 là 182.000 người.
+ Quy mô đất xây dựng đô thị Tân Châu (phần nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang): Đến năm 2020 là 1863 ha; đến năm 2030 là 1990 ha.
+ Định hướng phát triển không gian:
. Định hướng phát triển không gian của thị xã Tân Châu dựa trên cấu trúc lưu thông vùng là sông Tiền và trục Quốc lộ N1, Đường tỉnh 953, Đường tỉnh 954. Hướng phát triển chính dọc theo Đường tỉnh 953, tuyến Quốc lộ N1 và các tuyến giao thông liên vùng khác.
. Các trung tâm cấp vùng như dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, được bố trí tại khu vực trung tâm thị xã, tiếp cận thuận tiện từ Quốc lộ N1.
. Trung tâm hành chính và dịch vụ công cộng thị xã vẫn bố trí tại vị trí hiện hữu.
. Hệ thống công viên cây xanh cảnh quan bố trí dọc theo kênh Vĩnh An, kênh Thầy Cai, kênh Ranh. Các khu công viên cây xanh tập trung - Thể dục thể thao đô thị được bố trí trên nguyên tắc khai thác cảnh quan mặt nước hiện có, tạo điểm nhấn và cải tạo môi trường trong đô thị.
. Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp có vị trí tại phía Đông Nam, nằm giữa Đường tỉnh 954 và Quốc lộ N1 dự kiến, giáp sông Tiền; quy mô khoảng 100 ha.
- Đô thị mới cửa khẩu Vĩnh Xương
+ Tính chất: Đầu mối giao thông đường thủy, đường bộ; trung tâm giao thương về kinh tế văn hóa của khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương; trung tâm thương mại, công nghiệp đặc thù của khu kinh tế cửa khẩu; là khu dịch vụ hậu cần cảng sông; có vị trí quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng.
+ Quy mô dân số: Đến 2020 là 18.000 người; đến 2030 là 22.000 người.
+ Quy mô đất xây dựng đô thị: Đến 2020 là 470 ha; đến 2030 là 596 ha.
+ Định hướng phát triển không gian đô thị cửa khẩu Vĩnh Xương được hình thành trong giới hạn từ cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đến kênh Cùng: Khu quản lý cửa khẩu bố trí tiếp giáp với biên giới về phía Tây Bắc của đô thị và phía Đông Đường tỉnh 952. Khu công nghiệp phi thuế quan kết hợp cảng bố trí dọc sông Tiền. Trung tâm hành chính, dịch vụ của đô thị cửa khẩu có vị trí tại phía Nam tuyến kênh Bảy Xã (nhánh Đông).
- Khu vực đô thị Tịnh Biên - Nhà Bàng
+ Tính chất: Là đô thị loại III đến năm 2030; là một trong những đô thị trung tâm trong chuỗi đô thị biên giới tỉnh An Giang; là trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, giao thương của khu vực cửa khẩu Tịnh Biên thuộc Khu kinh tế cửa khẩu An Giang; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
+ Quy mô dân số: Đến 2020 là 33.000 người; đến 2030 là 40.000 người.
+ Quy mô đất xây dựng đô thị: Đến 2020 là 763 ha; đến 2030 là 890 ha.
+ Định hướng phát triển không gian: Phát triển dọc theo hành lang của tuyến Quốc lộ 91, kết nối với khu vực Nhà Bàng, trên cơ sở hiện trạng các thị trấn Tịnh Biên và Nhà Bàng. Các khu dân dụng phát triển tại phía Đông kênh Vĩnh Tế, không gian được hình thành, kết hợp giữa khu hành chính của Đô thị đang xây dựng với khu công nghiệp Xuân Tô. Tuyến tránh Quốc lộ 91, kết nối với Quốc lộ N1 ở phía Nam là giới hạn của khu vực phát triển mật độ cao.
- Thị trấn Long Bình:
+ Tính chất: Là đầu mối giao thương đường bộ, đường thủy, trung tâm giao thương về kinh tế văn hóa, thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp của khu vực cửa khẩu Khánh Bình. Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.
+ Quy mô dân số: Đến 2020 là 13.000 người; đến 2030 là 14.000 người.
+ Quy mô đất xây dựng đô thị: Đến 2020 khoảng 207 ha; đến năm 2030 khoảng 255 ha.
+ Định hướng phát triển không gian được hình thành trên cơ sở phát triển không gian khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Khu quản lý cửa khẩu và trung tâm hành chính, dịch vụ của đô thị cửa khẩu nằm dọc theo Quốc lộ 91C, giáp cửa khẩu chính Khánh Bình. Khu thương mại phi thuế quan và khu công nghiệp phi thuế quan nằm trên trục giao thông chính Bắc Nam, về phía Bắc Quốc lộ 91C. Khu dịch vụ hậu cần cảng sông gắn với sông Tiền và nối kết với khu công nghiệp. Khu dân cư phát triển trên cơ sở chỉnh trang dân cư hiện trạng khu vực dọc sông Bình Di, sông Hậu và một phần dân cư phát triển mới.
d) Định hướng phân bố các khu dân cư nông thôn:
- Các khu trung tâm xã được bố trí trên cơ sở phát triển và mở rộng khu dân cư trung tâm hiện hữu.
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
- Mô hình phân bố dân cư chủ yếu theo dạng tuyến, phát triển theo các tuyến giao thông đường bộ kết hợp các tuyến dân cư vượt lũ; một số khu vực trung tâm xã có thể mở rộng.
đ) Định hướng phân bố các trung tâm đô thị và chuyên ngành:
- Trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng: Trung tâm thương mại dịch vụ cấp tiểu vùng quy mô khoảng 3 ha - 5 ha bố trí tại thị xã Tân Châu, có chức năng dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng, hội chợ, hội nghị, giao lưu tiếp thị; là nơi tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại,... của khu kinh tế.
- Trung tâm thể dục thể thao cấp vùng: Được bố trí tại thị xã Tân Châu, đô thị Tịnh Biên, phục vụ các hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục thể thao cho người dân trong Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, thị xã Tân Châu, đô thị Tịnh Biên và các huyện lân cận.
- Trung tâm Giáo dục - Đào tạo cấp vùng: Bố trí tại phía Đông thị xã Tân Châu, có quy mô khoảng 32 ha, bao gồm: Trường dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên. Tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên, thị trấn An Phú, hoàn thiện các trung tâm dạy nghề nhằm hỗ trợ đào tạo lao động ngắn hạn cho khu kinh tế; đầu tư nâng cấp trung tâm dạy nghề thị xã Tân Châu thành trường trung cấp nghề.
- Trung tâm y tế cấp vùng: Phát triển bệnh viện đa khoa thị xã Tân Châu thành bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh, quy mô 200 giường bệnh, kết hợp với Bệnh viện đa khoa khu vực Châu Đốc hiện có quy mô 500 giường đóng vai trò là các trung tâm y tế cấp vùng.
e) Định hướng vùng sản xuất nông, lâm nghiệp:
Quy mô khoảng 21.000 ha, nằm ngoài khu vực phát triển đô thị và khu phi thuế quan. Phát triển ngành nông nghiệp đa dạng trên nên cây lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, phát triển vùng trồng các loại nông sản có thế mạnh vượt trội như: Sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả,... phục vụ xuất khẩu và tạo lập cảnh quan đặc trưng.
g) Định hướng các vùng cảnh quan và không gian mở:
- Các vùng bảo tồn hệ sinh thái và cảnh quan đặc trưng, bao gồm khu vực rừng cảnh quan công viên Núi Cấm, cồn nổi trên sông Tiền thuộc khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương, Búng Bình Thiên.
- Vùng khai thác phục vụ du lịch là các khu vực hiện đang khai thác du lịch như quần thể núi cấm, Búng Bình Thiên, cồn Nổi trên sông Tiền.
- Vùng cảnh quan nông nghiệp là các khu vực canh tác nông nghiệp truyền thông bao gồm vùng chuyên canh lúa và các loại cây trồng khác, vùng nuôi trồng thủy sản như làng bè Châu Đốc...
7. Quy hoạch sử dụng đất: Tổng diện tích đất tự nhiên là 30.729,8 ha.
- Đến năm 2020: Đất xây dựng khu vực cửa khẩu là 339,9 ha; đất xây dựng đô thị là: 2.832,8 ha; đất phát triển nông thôn là: 27.557,2 ha; đất khác (mặt nước tự nhiên) là: 2.918,4 ha.
- Đến năm 2030: Đất xây dựng khu vực cửa khẩu là 506,9 ha; đất xây dựng đô thị là: 3.137,6 ha; đất phát triển nông thôn là: 27.085,3 ha; đất khác (mặt nước tự nhiên) là: 2.918,4 ha.
8. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan:
a) Công trình điểm nhấn:
Trong khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương bao gồm các công trình trong khu hành chính đô thị, khu dịch vụ bảo thuế nằm trên trục Đường tỉnh 952, trục ngang nối các cửa khẩu Khánh Bình, Vĩnh Xương và trung tâm thị xã Tân Châu. Trong khu vực cửa khẩu Khánh Bình bao gồm các công trình thuộc khu hành chính đô thị, khu dịch vụ bảo thuế nằm trên trục Quốc lộ 91C. Trong khu vực cửa khẩu Tịnh Biên bao gồm các công trình trong khu hành chính đô thị, khu dịch vụ bảo thuế phía Tây kênh Vĩnh Tế và Quốc môn.
Kiểm soát hình thái kiến trúc dọc sông Tiền, hạn chế tình trạng xây dựng tự phát vi phạm thủy giới và mất an toàn đường thủy.
b) Định hướng không gian cây xanh cảnh quan:
Vùng bảo tồn hệ sinh thái và cảnh quan đặc trưng: Khu vực Búng Bình Thiên lớn và Búng Bình Thiên nhỏ, rừng ngập nước (rừng tràm Trà Sư), cảnh quan lâm viên núi Cấm tại khu vực cửa khẩu Tịnh Biên.
Vùng khai thác phục vụ làm du lịch: Khu vực vùng đệm của các khu bảo tồn (núi Ông Két, núi Cấm), sông nước phục vụ giao thông và du lịch (sông Tiền, sông Hậu, sông Bình Di, sông Châu Đốc, kênh Vĩnh Tế, kênh Trà Sư...)
Vùng cảnh quan nông nghiệp: Khu vực canh tác nông nghiệp truyền thống bao gồm vùng chuyên canh lúa và các loại cây trồng khác, vùng nuôi trồng thủy sản như làng bè Châu Đốc...
9. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
a) Giao thông: Khai thác mạng lưới đường đối ngoại để phát triển đô thị, kiểm soát nghiêm ngặt hành lang và các điểm giao cắt; tăng khả năng kết nối giữa đường bộ với đường thủy bằng các công trình đầu mối.
- Đường bộ:
+ Đường đối ngoại
. Cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ gồm Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C, Quốc lộ N2, đường Khánh Bình - Chợ Mới - Vàm Cống đạt cấp III.
. Cải tạo, nâng cấp Đường tỉnh 948, Đường tỉnh 943 và đoạn mở mới thành quốc lộ; kiến nghị mở mới đoạn tuyến vòng tránh qua khu vực Nhà Bàng nối vào Quốc lộ 91.
. Xây dựng và cải tạo tuyến đường tuần tra biên giới dọc biên giới Việt Nam - Campuchia quy mô tối thiểu đạt cấp VI.
. Nâng cấp cải tạo, xây mới các tuyến đường tỉnh gồm Đường tỉnh 955A, Đường tỉnh 957, Đường tỉnh 952, Đường tỉnh 953, Đường tỉnh 954, tuyến đường dọc bờ nam Kênh Xáng Tân Châu đạt cấp IV; các tuyến đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV.
. Đầu tư, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với quy mô kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải.
+ Đường đô thị: Định hướng phát triển theo quy hoạch ngành giao thông được duyệt: Quốc lộ 91 C đoạn qua thị trấn Long Bình, lộ giới 55 m; đường trục chính trung tâm thị trấn Long Bình lộ giới 60 m; quốc lộ 91 đoạn qua khu vực Tịnh Biên, lộ giới 42 m; hương lộ 17 đoạn qua khu vực Tịnh Biên, lộ giới 29 m - 42 m;...
- Đường thủy:
+ Phát triển dựa trên các tuyến giao thông thủy hiện có. Kết nối các tuyến giao thông đường bộ hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn trong Khu kinh tế;
+ Nâng cấp, cải tạo, khơi thông dòng chảy các luồng giao thông thủy; thường xuyên nạo vét, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn đường thủy các tuyến kênh Vĩnh Tế, kênh Trà Sư.
- Công trình đầu mối giao thông:
+ Cải tạo, mở rộng bến xe thị xã Tân Châu; xây dựng mới bến xe tại cửa khẩu Vĩnh Xương, thị trấn Long Bình, đô thị Tịnh Biên.
+ Xây dựng mới: Cảng Tân Châu, bến Vĩnh Xương, bến bốc xếp hàng hóa tại thị trấn Long Bình, bến bốc xếp hàng hóa tại cửa khẩu Bắc Đai, bến tàu phía bắc cầu Hữu Nghị trên kênh Vĩnh Tế, bến tàu trên kênh Trà Sư phía Nam cầu Trà Sư.
+ Xây dựng mới cầu Tân An khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương.
b) San nền thoát nước mưa:
- San nền:
+ Cao độ nền khống chế: Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: Hxd ≥ 5,41 m; Khu vực cửa khẩu Khánh Bình Hxd ≥ 6,20 m; Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương Hxd ≥ 6 m đối với khu vực ngoài đê bao; đối với khu vực trong đê bao chọn Hxd ≥ 5 m.
+ Giải pháp san nền:
. San đắp nền toàn bộ điện tích xây dựng đối với các khu vực xây dựng mới, các khu xây dựng tập trung.
. Đắp đê bao vượt đỉnh lũ kết hợp đường giao thông đối với các khu vực xây dựng cải tạo có mật độ xây dựng cao.
. Có thể kết hợp các giải pháp đắp nền và bao đê nhằm giảm thiểu kinh phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
- Thoát nước mưa:
+ Hệ thống thoát nước mưa được xây dựng mới, đồng bộ và hoàn chỉnh, tách riêng nước mưa với nước thải bằng cống hoặc mương bê tông cốt thép.
+ Tại các đô thị hiện hữu đang sử dụng hệ thống thoát nước chung; giai đoạn sau, theo tính chất và sự phát triển của mỗi đô thị có thể tách riêng hai hệ thống thoát nước.
c) Cấp nước:
- Nguồn cấp nước: Nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền, sông Hậu, sông Bình Di, kênh Vĩnh Tế,... Tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030 khoảng 58.000m3/ngày đêm.
- Định hướng cấp nước:
+ Nguồn cấp nước: Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: Đầu tư mở rộng nhà máy nước Nhà Bàng, công suất Q = 6000m3/ngày; mở rộng nhà máy nước Tịnh Biên công suất Q = 10.000m3/ngày. Khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Đầu tư mở rộng nhà máy nước tại thị trấn Long Bình, công suất Q = 6000m3/ngày; mở rộng nhà máy nước tại xã Nhơn Hội công suất Q = 2000m3/ngày; mở rộng nhà máy nước tại xã Phú Hữu công suất Q = 2.500m3/ngày.
+ Mạng lưới cấp nước: Sử dụng hệ thống mạng lưới cấp nước hiện hữu và thay thế các tuyến ống cấp nước xuống cấp; xây dựng phát triển mới hệ thống đường ống chuyền tải cấp I, II từ các nhà máy nước tập trung theo các trục đường chính của Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, hình thành các khung chính, kết nối, cung cấp cho các đô thị, các xã và các khu vực hiện hữu và khu phát triển mới của Khu kinh tế.
d) Cấp điện:
- Phụ tải điện yêu cầu: Tổng công suất điện yêu cầu đến 2030 là 109,71 MW; tổng điện năng yêu cầu đến 2030 là 366,46 triệu kWh/năm.
- Nguồn cấp điện: Từ nguồn điện lưới quốc gia thông qua các trạm biến áp 110/220 KV, cụ thể như sau:
+ Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương lấy điện từ trạm 110/22 kV Phú Châu qua tuyến đường dây 110 kv từ trạm 220/110 kV Châu Đốc - Phú Châu và dự kiến công suất như sau: 1x40 +1x63 MVA (đến năm 2020) và nâng công suất lên 3x63 MVA (đến năm 2030).
+ Khu vực cửa khẩu Khánh Bình lấy điện từ trạm 110/22 kv An Phú qua tuyến đường dây 110 kv từ trạm 220/110 kv Châu Đốc - An Phú và dự kiến công suất như sau: 1x40 MVA (đến năm 2020) dự kiến nâng công suất lên 2x40 MVA (đến năm 2030).
+ Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên lấy điện từ trạm 110/22 kv Tịnh Biên qua tuyến đường dây 110kV từ trạm 220/110 kv Châu Đốc - Tịnh Biên và dự kiến công suất như sau: 2x40 MVA (đến năm 2020), dự kiến nâng công suất lên 2x63 MVA (đến năm 2030).
- Mạng lưới điện:
+ Tuyến trung thế: Điện áp chuẩn: 22kV, 3 pha; đối với trung tâm thị xã, thị trấn, sử dụng mạch vòng vận hành hở; các tuyến trục từ trạm 110kV có chiều dài 15 km - 30 km, các nhánh chính dài 10 km - 20 km; sử dụng đường dây hỗn hợp trung hạ thế để giảm vốn đầu tư.
+ Tuyến hạ thế: cấp điện áp chuẩn 380/220V, 3 pha 4 dây; bán kính cấp điện của trạm hạ thế cho khu đô thị từ 300 m - 500 m và ở nông thôn từ 500 m - 800 m ở các khu dân cư tập trung.
đ) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:
- Định hướng thoát nước thải:
+ Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng đồng bộ được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra sông rạch. Tại mỗi đô thị xây dựng từ 1 đến 2 trạm xử lý tập trung vị trí đặt các trạm xử lý phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường.
+ Lưu lượng nước thải: Tổng lưu lượng nước thải giai đoạn 2030 khoảng 36.900 m3/ngày đêm; trong đó nước thải sinh hoạt khoảng 28.200 m3/ngày đêm; nước thải công nghiệp khoảng 8.700 m3/ngày đêm
+ Các trạm xử lý:
. Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: Dự kiến đầu tư xây dựng 03 trạm xử lý nước thải sinh hoạt gồm: Trạm số 1, công suất Q=1.000 m3/ngày, vị trí giáp với kênh Vĩnh Tế, diện tích 0,5 ha; Trạm số 2, công suất Q=1.800 m3/ngày, vị trí gần đường Quốc lộ 91, diện tích 1,5 ha; Trạm số 3, công suất Q=1.500 m3/ngày, vị trí ở phía Đông của thị trấn Tịnh Biên hiện hữu, diện tích 1,5 ha.
. Khu vực cửa khẩu Khánh Bình: Dự kiến đầu tư xây dựng 01 trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho thị trấn Long Bình có Q=1.500 m3/ngày, vị trí phía Tây Nam của thị trấn Long Bình, diện tích 1,0 ha.
. Khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương: Dự kiến đầu tư xây dựng 02 trạm xử lý nước thải sinh hoạt gồm: Thị xã Tân Châu xây dựng 1 trạm, có Q=11.000 m3/ngày vị trí ở phía Tây Nam nằm gần khu công nghiệp của thị xã, diện tích 3,0 ha; đô thị Vĩnh Xương xây dựng 01 trạm xử lý công suất Q=1.700 m3/ngày vị trí ở phía Bắc của Đô thị, giáp đường tuần tra biên giới, diện tích 1,0 ha.
. Đối với các khu công nghiệp bắt buộc phải xây dựng hệ thống thoát nước và các trạm xử lý nước thải ngay từ đầu, nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn cột A TCVN40 - 2011/BTNMT mới được xả ra sông rạch.
. Tất cả các hộ dân cư nông thôn đều sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Nước thải cần xử lý qua bể tự hoại và ao sinh vật trước khi xả ra sông rạch.
. Tất cả các chuồng trại gia súc đều phải được xây dựng hợp vệ sinh. Khuyến khích và phát triển mạnh việc xây dựng các hầm biogas. Nước thải từ các chuồng trại gia súc cũng phải được xử lý.
- Quản lý chất thải rắn và nghĩa trang:
+ Quản lý chất thải rắn:
. Tại mỗi đô thị và xã xây dựng 01 điểm tập kết chất thải rắn (CTR). CTR hàng ngày được thu gom về điểm tập kết, sau đó được vận chuyển đến các khu xử lý tập trung.
. Khu vực cửa khẩu Tịnh Biên: CTR được xử lý tại khu xử lý Kênh 1, thành phố Châu Đốc có diện tích 18 ha, công suất 200 tấn/ngày.
. Khu vực cửa khẩu Khánh Bình: CTR được xử lý tại cụm xử lý An phú có diện tích 15 ha công suất xử lý 200 tấn/ngày tại xã Phước Hưng.
+ Nghĩa trang: Mỗi đô thị xây dựng 01 khu nghĩa trang nhân dân tập trung có quy mô khoảng 5 ha, các khu vực xã, mỗi xã hoặc kết hợp 2 - 3 xã xây dựng 01 khu nghĩa trang tập trung có quy mô khoảng 3 ha, trong tương lai, cần xây dựng trung tâm hỏa táng.
+ Nghĩa trang: Xây dựng tại mỗi đô thị 01 khu nghĩa trang nhân dân tập trung có quy mô khoảng 5 ha, các khu vực xã, mỗi xã hoặc kết hợp 2 - 3 xã xây dựng 01 khu nghĩa trang tập trung có quy mô khoảng 3 ha, trong tương lai, cần xây dựng trung tâm hỏa táng.
10. Biện pháp bảo vệ môi trường:
Triển khai theo quy hoạch đảm bảo các nguyên tắc dành nhiều diện tích cho cây xanh và mặt nước, tăng khả năng thoát nước trong Khu kinh tế và điều hòa vi khí hậu. Nghiên cứu phát triển hệ thống cây xanh có khả năng chịu môi trường chua phèn mặn khu vực bên ngoài đê bao để bảo vệ, nâng cao tuổi thọ công trình cơ sở hạ tầng sẽ được xây dựng.
Các vùng nông nghiệp cần xem xét triển khai các biện pháp khoa học kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi giống thích ứng cao với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ban hành quy chế kiểm soát bắt buộc đối với các khu công nghiệp, khu đô thị về việc xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quy định.
Lập bản đồ ngập lụt và xây dựng hệ thống mốc cảnh báo ngập, nâng cao nhận thức về cách phòng tránh rủi ro thiên tai cho cộng đồng.
11. Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2020:
a) Công trình kiến trúc:
- Quốc môn, trạm kiểm soát liên hợp và bãi hàng hóa phục vụ kiểm soát tại các cửa khẩu.
- Khu dịch vụ thương mại và vui chơi giải trí Vĩnh Xương.
- Xúc tiến đầu tư Khu phi thuế quan tại các cửa khẩu.
- Khu hành chính, khu tái định cư và chợ Vĩnh Xương.
- Mở rộng, nâng cấp khu bảo thuế Tịnh Biên.
b) Các công trình hạ tầng kỹ thuật
- Nâng cấp Quốc lộ 91C đoạn từ đường Khánh Bình - Chợ Mới - Vàm Cống nối vào cửa khẩu Vĩnh Xương.
- Đường tuần tra biên giới qua các khu vực cửa khẩu chiều dài khoảng 33,6 km.
- Tuyến đường bộ qua cửa khẩu Vĩnh Xương.
- Nâng cấp nạo vét kênh Vĩnh Tế đoạn qua khu vực cửa khẩu Tịnh Biên chiều dài khoảng 19,6 km.
- Xây dựng bến cảng Tân Châu, Khánh Bình; bến tàu Vĩnh Xương trên sông Tiền, bến tàu phía Bắc cầu Hữu Nghị trên kênh Vĩnh Tế.
- Giao thông nội bộ và bãi xe trong khu thương mại dịch vụ cửa khẩu Tịnh Biên, Khánh Bình, Vĩnh Xương.
- Đường nối từ Quốc lộ 91C đến bến cảng Khánh Bình; đường nối từ Đường tỉnh 952 đến bến Vĩnh Xương.
- Xây mới và nâng cấp các nhà máy nước tại các khu vực cửa khẩu.
- Đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải cho các khu vực cửa khẩu.
- Đầu tư xây dựng tuyến trung thế dẫn điện từ các trạm 110/22KV ra các khu vực cửa khẩu và từng bước cải tạo các tuyến hạ thế đến các công trình.
Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng công bố công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030;
- Lập, ban hành Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030;
- Lập kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo nhằm cụ thể hóa đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030;
- Xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực, thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật để Khu kinh tế cửa khẩu trở thành động lực phát triển của tỉnh An Giang và toàn vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1 Quyết định 1936/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 218/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 2236/TTg-KTTH năm 2015 về lựa chọn khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 5 Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 6 Luật Xây dựng 2014
- 7 Quyết định 169/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 9 Luật xây dựng 2003
- 1 Quyết định 169/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, tỉnh An Giang đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư 218/2015/TT-BTC hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định 52/2015/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 3 Công văn 2236/TTg-KTTH năm 2015 về lựa chọn khu kinh tế cửa khẩu để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 1936/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tỉnh Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành