Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 46/1999/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 06 tháng 12 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN LÀNG VĂN HOÁ TIỂU KHU PHỐ VĂN HOÁ - BẢN VĂN HOÁ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;

- Căn cứ quyết định số 25/1999/QĐ-UB ngày 03/5/1999 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá - Làng văn hoá tỉnh Quảng Bình;

- Theo đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo xây dựng nếp sống văn minh gia đình văn hoá, làng văn hoá tỉnh Quảng Bình và của ông Chánh văn phòng UBND tỉnh;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định tiêu chuẩn công nhận Làng văn hoá - Tiểu khu văn hoá - Bản văn hoá”.

Điều 2: Quy định ban hành kèm theo quyết định có hiệu lực kể từ 01/01/2000. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thủ trưởng các ngành liên quan hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt các nội dung trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và tổ chức xét đề nghị công nhận Làng văn hoá hàng năm.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng NSVM-GĐVH-LVH tỉnh, Giám đốc sở VHTT, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thủ trưởng các ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- TV Tỉnh uỷ, TT HĐND tỉnh (BC)
- CT, các PCT UBND tỉnh
- UBMT TQVN tỉnh
- Các đoàn thể CT xã hội (để PH thực hiện)
- UBND các H, thị xã
- Các TV Ban chỉ đạo
- Lưu VT, CVVX

TM/ UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT/ CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Viết Dũng

 

QUY ĐỊNH

TIÊU CHUẨN CÔNG NHẬN LÀNG VĂN HOÁ-TIỂU KHU PHỐ VĂN HOÁ, BẢN VĂN HOÁ
(Ban hành kèm theo quyết định số 46/1999/QĐ-UB ngày 06/12/1999 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay, việc xây dựng Làng văn hoá - Tiểu khu phố văn hoá - Bản văn hoá có ý nghĩa quan trọng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.

Việc ban hành quy định tiêu chuẩn công nhận Làng văn hoá - Tiểu khu phố văn hoá - Bản văn hoá là một yêu cầu cấp thiết, nhằm định hướng cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” ở tỉnh ta hiện nay theo tinh thần Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) của Đảng.

Tiêu chuẩn Làng văn hoá - Tiểu khu phố văn hoá - Bản văn hoá gồm các nội dung sau đây:

I. Về xây dựng hương ước - Quy ước.

1. Phải có hương ước, quy ước xây dựng nếp sống văn hoá ở cơ sở. Nội dung của hương ước, quy ước phản ánh được nét đặc thù của địa phương, đề cập tới các lĩnh vực nếp sống cá nhân, gia đình, cộng đồng dân cư, bảo vệ vốn văn hoá truyền thống, xây dựng và phát triển kinh tế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, hình thành những nghi thức văn hoá, tiến bộ.

2. Quy ước, hương ước phải được quần chúng nhân dân bàn bạc thông qua, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương.

II. Về văn hoá - xã hội.

1. Xây dựng nếp sống cá nhân lành mạnh, có văn hoá, lao động sản xuất có hiệu quả.

2. Có phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở khu vực đồng bằng nông thôn, ít nhất có 50% gia đình được cấp giấy chứng nhận gia đình văn hoá; 60% ở khu vực đô thị.

3. Có từ 4 - 5 mặt hoạt động khá theo các nội dung sau:

- Có Đài truyền thanh xã hoặc cụm truyền thanh của Làng - Tiểu khu phố hoạt động thường xuyên. Đối với Bản ở khu vực miền núi, rẻo cao ít nhất có 50% hộ gia đình có Rađio.

- Có đội văn nghệ hoặc đội tuyên truyền hoạt động thường xuyên.

- Có tủ sách công cộng hoặc tủ sách gia đình, câu lạc bộ, có điểm sinh hoạt văn hoá, bảo vệ tốt di tích lịch sử văn hoá và các giá trị văn hoá truyền thống.

- Có phong trào hoạt động thể dục thể thao.

- Thực hiện tốt các quy định của Chính phủ trong việc cưới, việc tang và lễ hội (theo tinh thần Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Không có các tệ nạn xã hội như cờ bạc, số đề, mại dâm, nghiện hút ... đặc biệt là không có trọng án hình sự. Không có hộ sản xuất kinh doanh hàng giả, buôn lậu và chứa chấp hàng lậu.

- Chăm lo đến cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

4. Về y tế.

Thực hiện tốt chương trình và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, hạn chế số trẻ em suy dinh dưỡng (đảm bảo số trẻ bị suy dinh dưỡng dưới mức trung bình của tỉnh).

- 80% gia đình có đủ các công trình vệ sinh: nước sinh hoạt, nhà tắm, hố xí ... hợp vệ sinh.

- Thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ. Đối với khu vực đô thị, không có hộ trong độ tuổiquy định sinh con thứ 3; đối với khu vực nông thôn, tỷ lệ sinh có thứ 3 dưới mức trung bình của tỉnh.

5. Về giáo dục.

- Đảm bảo 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường. Đối với khu vực đô thị phải phổ cập tiểu học, tiến tới phổ cập trung học cơ sở. 95% số cháu 5 tuổi được vào lớp mẫu giáo. Đối với khu vực nông thôn, hoàn thành xoá mù chữ và phổ cập tiểu học.

- Có cơ sở vật chất nhà trẻ, mẫu giáo theo đúng quy định.

III. Về kinh tế.

- Trên 80% hộ gia đình có cuộc sống ổn định chăm lo giải quyết việc làm, không để có người thất nghiệp, thực hiện có hiệu quả chương trình xoá đói, giảm nghèo, đối với khu vực đô thị không có hộ đói, hộ nghèo dưới 10%.

- Có mức thu nhập bình quân trên mức trung bình của tỉnh; các hộ chính sách: thương binh, gia đình liệt sỹ, bệnh binh, người có công với cách mạng có mức sống bằng mức trung bình của địa phương trở lên.

- Có đường giao thông nông thôn thuận lợi cho việc giao thông đi lại của nhân dân.

- Từng bước ngói hoá nhà ở, nhà kiên cố, nhà cao tầng, tiến tới xoá hết hộ tranh tre nứa, lá.

- Đối với khu vực đã có điện lưới quốc gia, 90% số hộ có điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, quản lý và sử dụng điện an toàn.

IV. Về trật tự an toàn xã hội.

1. Có phong trào xây dựng nếp sống cộng đồng tốt, đảm bảo trật tự trị an làng, bản, khu phố và nơi công cộng; không có trộm cắp, đánh nhau và các tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Có tổ chức hoà giải trong dân.

2. Không có người vi phạm nghiêm trọng luật pháp và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

3. Thực hiện nghiêm luật nghĩa vụ quân sự, không có người đào ngũ.

4. Triển khai và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong cộng đồng dân cư làng, bản, tiểu khu phố.

V. Tiêu chuẩn bắt buộc.

Kể từ năm 2000, để xét công nhận danh hiệu “Làng văn hoá” cấp tỉnh, ít nhất làng, bản, tiểu khu phố đó phải đạt danh hiệu Làng văn hoá cấp huyện, thị 2 năm liên tục.

Quy định này có hiệu lực từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề gì nảy sinh ngoài phạm vi điều chỉnh của quy định này, UBND các huyện, thị xã, Ban chỉ đạo kịp thời đề xuất để UBND tỉnh nghiên cứu bổ sung cho phù hợp.