Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4621/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 08 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT, PHÂN BỔ VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định sổ 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND ngày 07/01/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29/9/2009; Quyết định số 27/2013/QĐ-UBND ngày 18/7/2013 về việc Quy định chi tiết việc xác định giá đất ở, giá bán nhà tái định cư làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phổ Hà Nội;

Xét đề nghị của Liên ngành: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế Hà Nội, Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố tại Tờ trình liên ngành số 3166/TTrLN:STC-SXD-STN&MT-CT-BCĐGPMB ngày 25 tháng 6 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định về phê duyệt, phân bổ và quản lý sử dụng kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể như sau:

1. Phê duyệt và phân bổ kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

a) Phê duyệt kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt dự toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tổng kinh phí cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt không vượt quá 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ.

Đối với các dự án thực hiện trên các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, dự án xây dựng công trình hạ tầng theo tuyến thì tổ chức được giao thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được lập dự toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án theo khối lượng công việc thực tế, không khống chế mức 2% nêu trên. Mức kinh phí cụ thể do UBND cấp Huyện quyết định.

b) Phân bổ kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

Nguồn kinh phí 2% được phân bổ như sau:

- Tổ chức được Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (hoặc chủ đầu tư chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư) được sử dụng 60% tổng mức dự toán được duyệt để chi cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bao gồm các nội dung sau: Tuyên truyền, vận động các đối tượng có liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất; Chi khảo sát điều tra về tình hình kinh tế, xã hội, về thực trạng đất đai, tài sản thuộc phạm vi dự án, tiểu dự án; Chi kiểm kê, đánh giá đất đai tài sản thực tế bị thiệt hại bao gồm: phát tờ khai, hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai, xác định diện tích đất, kiểm kê số lượng và giá trị nhà cửa, công trình, cây trồng, vật nuôi và các tài sản khác, kiểm tra đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê, tính toán giá trị thiệt hại về đất đai, nhà cửa công trình và các tài sản khác; Chi thuê đơn vị tư vấn (nếu có); Chi lập phương án, công khai phương án đền bù, hỗ trợ, tái định cư và các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác giải phóng mặt bằng.

- 40% tổng mức dự toán kinh phí được trích chuyển theo quy định sau:

+ 30% chuyển về tài khoản của Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng cấp huyện để chi cho các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cấp huyện, cấp xã bao gồm các nội dung sau: Chi tuyên truyền thông báo quyết định thu hồi đất và các chính sách chế độ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Chi thẩm định và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; Chi phục vụ kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư và các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến công tác giải phóng mặt bằng.

+ 4% chuyển về tài khoản của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố theo quy định.

+ 2,8% chuyển về tài khoản của Sở Tài chính để chi cho công tác xác định giá đất làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giá bán nhà tái định cư; giá đền bù, hỗ trợ cây hoa màu, vật nuôi; công tác xây dựng cơ chế chính sách và các công việc khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

+ 1,2% chuyển về tài khoản Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội để chi cho các công việc có liên quan đến tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

+ 1% chuyển về tài khoản của Sở Xây dựng để chi cho việc khảo sát hiện trạng các công trình xây dựng, đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc làm cơ sở bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; xác định cơ chế chính sách quản lý nhà tái định cư và các công việc khác có liên quan đến tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

+ 0,5% chuyển về tài khoản của Sở Tài nguyên và Môi trường để chi cho việc rà soát, xây dựng kế hoạch phát triển quỹ đất tái định cư và các công việc khác có liên quan đến tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

+ 0,5% chuyển về tài khoản của Thanh tra Thành phố Hà Nội để chi cho việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Trường hợp tổng kinh phí cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư của cả dự án có giá trị từ 100 triệu đồng trở xuống thì Chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển 10% tổng kinh phí này vào tài khoản của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố mà không phải chuyển vào tài khoản của các Sở, ngành gồm: Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Thành phố và Văn phòng UBND Thành phố.

2. Quy định về nội dung chi, mức chi, lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

a) Nội dung chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm:

- Chi tuyên truyền, thông báo quyết định thu hồi đất và các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện quyết định thu hồi đất; khảo sát, điều tra vế tình hình kinh tế, xã hội, về thực trạng đất đai, tài sản thuộc phạm vi dự án, tiểu dự án.

- Chi kiểm kê, đánh giá đất đai, tài sản thực tế bị thiệt hại bao gồm: phát tờ khai hướng dẫn người bị thiệt hại kê khai; xác định diện tích đất, kiểm kê số lượng và giá trị nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại với từng đối tượng bị thu hồi đất cụ thể; tính toán giá trị thiệt hại về đất đai, nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác v.v...

- Chi lập, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ khâu ban đầu tính toán các chỉ tiêu bồi thường đến khâu phê duyệt phương án bồi thường, thông báo công khai phương án bồi thường.

- Chi thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Chi phục vụ việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong công tác bồi thường và tổ chức thực hiện chi trả bồi thường.

- Chi thuê văn phòng và trang thiết bị làm việc của Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và cơ quan thẩm định (nếu có). Trường hợp tổ chức chuyên trách giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Hội đồng thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án, tiểu dự án có thời gian hoạt động dài mà chưa có trang thiết bị làm việc hoặc việc mua sắm trang thiết bị làm việc có hiệu quả hơn việc thuê trang thiết bị thì được mua sắm trang thiết bị làm việc để phục vụ công tác. Việc mua sắm tài sản thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

- Chi in ấn, phô tô tài liệu và văn phòng phẩm.

- Chi thuê nhân công thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có).

- Chi phí tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc trách nhiệm của Chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án thuộc Bộ, ngành thành tiểu dự án riêng.

- Chi phí dịch vụ trả cho doanh nghiệp trong trường hợp thuê doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ về bồi thường, giải phóng mặt bằng.

- Chi phí thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá (nếu có).

- Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

b) Mức chi:

+ Đối với các khoản chi đã có định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực hiện theo quy định hiện hành.

+ Đối với những khoản chi chưa có tiêu chuẩn, định mức, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp Huyện căn cứ vào nguồn thu để cân đối, đề xuất mức chi cụ thể trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.

+ Đối với tiền lương và các khoản phụ cấp lương của Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng cấp Huyện: Thực hiện theo chế độ tiền lương, phụ cấp lương trong các đơn vị sự nghiệp có thu quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ, Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính và Thông tư số 113/2007/TT-BTC ngày 24/9/2007 của Bộ Tài chính.

Căn cứ nguồn kinh phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và khối lượng, hiệu quả công việc của các dự án trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp Huyện quyết định mức chi cụ thể.

c) Công tác lập và phê duyệt dự toán, quyết toán:

Căn cứ kế hoạch, nhiệm vụ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trên địa bàn quận, huyện, thị xã, UBND cấp Huyện giao Ban bồi thường Giải phóng mặt bằng cấp Huyện lập dự toán gửi Phòng Tài chính Kế hoạch thẩm định và trình UBND cấp huyện phê duyệt. Các Sở, Ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công lập dự toán trình UBND Thành phố phê duyệt. Việc quyết toán các khoản chi được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng kinh phí Ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế những quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã Sơn Tây; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch UBND TP; (để b/c)
- Bộ Tài chính; (để b/c)
- Các Phó Chủ tịch UBND TP;
- Như Điều 3;
- Ban KTNS HĐND TP;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND TP;
- VPUB: Các PVP, TH, các Phòng chuyên viên;
- Lưu: VT, TN(07b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Hồng Khanh