Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 464/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ CỬA KHẨU QUỐC TẾ LỆ THANH, TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2045

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai tại Tờ trình số 08/TTr-UBND ngày 06 tháng 01 năm 2021 và Báo cáo thẩm định số 17/BC-BXD ngày 24 tháng 02 năm 2021 của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai đến năm 2045 với nội dung chính sau:

1. Phạm vi, ranh giới:

Phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thị trấn Chư Ty, các xã: Ia KIa, Ia Dom, Ia Nan, Ia Pnôn thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 41.515 ha. Phạm vi, ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp xã Ia Chía (huyện Ia Grai);

- Phía Đông giáp xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ);

- Phía Nam giáp xã Ia Puch (huyện Chư Prông);

- Phía Tây giáp tỉnh Ratanakiri, Campuchia.

2. Thời hạn quy hoạch:

Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2045.

3. Mục tiêu:

- Cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia, Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Khai thác tiềm năng lợi thế vùng phía Tây của tỉnh Gia Lai, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.

- Xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh thành một vùng kinh tế động lực của tỉnh Gia Lai, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của một khu kinh tế cửa khẩu quốc tế năng động, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

- Phát triển đầu mối giao thương với các vùng kinh tế trong khu vực Đông Bắc Campuchia và khu vực Tây Nguyên.

- Phát triển cân bằng giữa khu vực kinh tế cửa khẩu - đô thị - nông nghiệp, nông thôn, gắn với phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.

- Làm cơ sở triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để quản lý, thực hiện các dự án đầu tư trong Khu kinh tế.

4. Tính chất:

- Là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm...) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận...) của vùng tỉnh Gia Lai.

- Là đầu mối giao thương phía Tây của tỉnh Gia Lai, vùng Tây Nguyên với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan; điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông - Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

- Là động lực phát triển kinh tế của tiểu vùng phía Tây tỉnh Gia Lai, với trọng tâm phát triển tập trung các hoạt động công nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, cửa khẩu giữa khu vực Đông Bắc Campuchia với khu vực Tây Nguyên và cảng biển Quy Nhơn.

- Trung tâm dịch vụ du lịch lâm viên sinh thái nghỉ dưỡng dưới tán rừng.

- Khu vực có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh của vùng Tây Nguyên và Quốc gia.

5. Dự báo sơ bộ về quy mô phát triển:

- Dự báo sơ bộ quy mô dân số: Đến năm 2030 khoảng 50.000 - 55.000 người. Đến năm 2045 khoảng 75.000 - 90.000 người;

- Dự báo đất xây dựng đến năm 2045, xác định một số chỉ tiêu đất xây dựng chính như sau:

Đất dân dụng đô thị: 55 - 100 m2/người.

Đất ngoài dân dụng: 100 - 120 m2/người (đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ...).

Đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn áp dụng theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới có tính đến các yếu tố tác động từ các khu chức năng khác thuộc Khu kinh tế.

(Dự báo quy mô dân số và đất đai sẽ được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch).

- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chính, lựa chọn áp dụng cho khu vực phát triển đô thị trong Khu kinh tế được phân ra theo các chức năng chính, trong đó khu vực Thị trấn Chư Ty áp dụng các chỉ tiêu cho đô thị loại IV và khu vực thị trấn cửa khẩu áp dụng các chỉ tiêu cho đô thị loại V, có xét đến các yếu tố đặc thù của khu vực quy hoạch. Khuyến khích áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế một cách phù hợp để nghiên cứu cho đồ án. Các chỉ tiêu cụ thể được xác định trong giai đoạn nghiên cứu lập quy hoạch.

6. Những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung quy hoạch:

- Rà soát tổng thể các quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trong Khu kinh tế và tình hình thực tiễn phát triển đô thị, nông thôn và các khu chức năng tại Khu kinh tế, so sánh các chỉ tiêu phát triển làm cơ sở dự báo quy hoạch.

- Đánh giá tác động các định hướng từ các quy hoạch có liên quan và các biến động mới về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia, vùng, tỉnh để xác định các vấn đề lớn cần nghiên cứu trong đồ án quy hoạch.

- Phân tích các động lực mới để dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới đảm bảo định hướng phát triển hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch, di tích lịch sử văn hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường tại khu vực.

- Đề xuất cấu trúc phát triển không gian và cơ cấu phân khu chức năng cho Khu kinh tế trên nguyên tắc hài hòa về không gian, hợp lý, linh hoạt trong liên kết, chia sẻ chức năng và có thể kiểm soát, xác định các vùng phát triển.

- Đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập trong quá trình phát triển của Khu kinh tế về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sử dụng đất, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về kiểm soát kiến trúc, cảnh quan và quản lý theo quy hoạch.

- Xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài và là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Khu kinh tế.

7. Yêu cầu về nội dung hồ sơ:

Nội dung nghiên cứu thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và làm rõ một số nội dung sau:

a) Đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng:

- Phân tích, đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất; đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên du lịch... của Khu kinh tế và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển Khu kinh tế. Đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và hạn chế hoặc cấm xây dựng.

- Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội: Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, xem xét thực trạng phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu.

- Hiện trạng dân cư, lao động, việc làm: Thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỷ lệ dân số, lao động (05 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị - nông thôn), các hiện tượng dịch cư, các vấn đề đô thị hóa.

- Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và không gian cảnh quan: Thống kê hiện trạng sử dụng đất khu vực lập quy hoạch; phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng đất và các vấn đề tồn tại về sử dụng đất, cảnh quan, không gian cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu phát triển.

- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội: Thực trạng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội trên địa bàn Khu kinh tế. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội để đáp ứng Khu kinh tế xanh, hiện đại, thông minh.

- Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường: Bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang...; xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu kinh tế để đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

- Đánh giá tình hình triển khai, thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt trên địa bàn; đánh giá hiện trạng đầu tư và phát triển Khu kinh tế theo quy hoạch, các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư có liên quan đã được phê duyệt; đánh giá tình hình các dự án đang và dự kiến đầu tư.

- Đánh giá tổng hợp hiện trạng, đề xuất các vấn đề cần giải quyết, những nội dung cần điều chỉnh các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; xác định các thế mạnh cần khai thác làm cơ sở hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

b) Phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển:

Phân tích vai trò, vị thế của Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh trong mối quan hệ với khu vực và quốc tế; mối liên hệ với thành phố Pleiku, thành phố Kon Tum và các huyện, thị xã trong tỉnh về dịch vụ, du lịch, hạ tầng và nguồn nhân lực; mối quan hệ với các trọng điểm phát triển khác của khu vực, vùng và quốc gia để xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của Khu kinh tế.

c) Định hướng phát triển không gian:

Nghiên cứu, đề xuất định hướng phát triển không gian của Khu kinh tế trên cơ sở địa hình, cảnh quan, khả năng kết nối hạ tầng kết hợp các yếu tố đặc thù, nghiên cứu, đề xuất cấu trúc phát triển không gian và cơ cấu phân khu chức năng cho Khu kinh tế trên nguyên tắc hài hòa về không gian, hợp lý, linh hoạt trong liên kết, chia sẻ chức năng và có thể kiểm soát dễ dàng, xác định các vùng phát triển bao gồm:

- Khu vực vành đai biên giới và vùng cấm.

- Khu cửa khẩu quốc tế.

- Các khu công nghiệp, khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu...

- Các cơ sở tài chính, thương mại.

- Khu đô thị.

- Khu trung tâm hành chính.

- Khu dân cư biên giới, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn.

- Các khu chức năng xây dựng khác (khu du lịch, khu vực và các cơ sở quốc phòng - an ninh, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông, nghĩa trang, nghĩa địa, khu xử lý chất thải; các khu vực cấm, hạn chế phát triển; khu vực dự trữ phát triển...).

d) Định hướng quy hoạch sử dụng đất và các phân khu chức năng theo các giai đoạn phát triển:

- Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng và các hạng mục công trình chính theo cấu trúc và phân khu đã lựa chọn. Thiết lập ranh giới các khu chức năng: Khu vực hành chính, dịch vụ, du lịch và các hạng mục trọng tâm khác.

- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực, nhằm phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát phát triển.

- Xác định các khu vực yêu cầu phải giải tỏa, các khu vực giữ lại chỉnh trang, khu vực phải được bảo vệ.

- Xác định ranh giới, quỹ đất các khu chức năng, các khu vực bảo tồn tự nhiên, khai thác phục vụ sản xuất và du lịch, đất dự trữ phát triển... trên cơ sở phân bố hài hòa, đảm bảo cảnh quan, thuận lợi khi triển khai thực hiện và tuân thủ các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, các quy định pháp luật.

đ) Định hướng kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:

- Đề xuất bố cục không gian kiến trúc cảnh quan cho toàn bộ Khu kinh tế và phân vùng chức năng. Cụ thể:

Nghiên cứu tổ chức không gian kết nối giữa các khu chức năng, đặc biệt là các khu chức năng chính, khu vực trung tâm đô thị;

Nghiên cứu tổ chức không gian sinh thái; các trục không gian cảnh quan kết nối với đường đối ngoại;

Nghiên cứu thiết kế đô thị tổng thể bao gồm các trục, vùng kiểm soát phát triển, các công trình điểm nhấn, các vùng cảnh quan, không gian mở; các điểm trọng tâm mang tính biểu tượng của quốc gia, của Khu kinh tế, các cửa kiểm soát tại cửa ngõ Khu kinh tế.

- Xác định các giải pháp kiểm soát, quản lý và quy định cho từng khu vực phát triển; đề xuất tổ chức hệ thống cây xanh, mặt nước trong các khu vực xây dựng với các khu vực tự nhiên trong Khu kinh tế.

e) Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Quy hoạch hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội bao gồm: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, văn hóa, thể dục thể thao... đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng chung của Khu kinh tế và các khu vực lân cận theo các giai đoạn phát triển.

- Quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng chất lượng, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách, các thành phần lao động thuộc Khu kinh tế, phù hợp với đặc điểm của khu vực.

g) Định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

- Về hệ thống giao thông:

Quy hoạch, phân loại, phân cấp các tuyến giao thông và đề xuất các giải pháp thiết kế cho mạng lưới giao thông nội bộ; đề xuất mạng lưới và các công trình hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; xác định vị trí, quy mô, số lượng các công trình đầu mối giao thông;

Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại chính, có tính liên khu vực để đáp ứng nhu cầu vận tải tăng cao của Khu kinh tế, đặc biệt là với khu vực cửa khẩu và các khu, cụm công nghiệp;

- Về chuẩn bị kỹ thuật: Rà soát, xác định cao độ khống chế cho các khu chức năng, tính toán ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đề xuất, xác định hệ thống thoát nước mưa và các lưu vực thoát nước chính, kết cấu mạng lưới cống, mương trong khu vực xây dựng tập trung của Khu kinh tế.

- Về quy hoạch cấp nước: Xác định chỉ tiêu và nhu cầu dùng nước; quy hoạch nguồn cấp nước, nghiên cứu bổ sung nguồn cấp nước mặt và các giải pháp xây dựng công trình cấp nước.

- Về quy hoạch cấp điện, chiếu sáng: Xác định chỉ tiêu, nhu cầu sử dụng điện; đề xuất giải pháp thiết kế mạng lưới cấp điện; đề xuất các giải pháp sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện môi trường như điện gió, điện mặt trời.

- Về quy hoạch thông tin liên lạc: Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng và mở rộng hạ tầng viễn thông băng thông rộng đến các khu chức năng thuộc Khu kinh tế; phát triển các điểm truy cập công cộng, cáp quang hóa và ngầm hóa các đường cáp để đảm bảo chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị, đặc biệt là dọc các tuyến đường, phố chính.

- Về quy hoạch thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang: Xác định chi tiêu và dự báo khối lượng thoát nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang; định hướng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; nghĩa trang.

h) Đánh giá môi trường chiến lược:

- Nhận diện, dự báo các yếu tố tác động đến môi trường do các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gây ra; xác định các vùng bảo vệ thiên nhiên, vùng cảnh quan, khu vực cấm xây dựng, khu vực bảo tồn, khu vực bảo vệ nguồn nước, xử lý nước thải, bãi thải, vùng ảnh hưởng khói bụi, khí độc hại, tiếng ồn...

- Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm trong quá trình đầu tư, xây dựng; chú trọng giải pháp kiểm soát ô nhiễm về môi trường gắn với các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững.

i) Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư và nguồn lực thực hiện:

- Phân kỳ tổ chức thực hiện và xác định mục tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn quy hoạch. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu có ý nghĩa tạo động lực phát triển, đảm bảo phù hợp với dự báo nguồn lực thực hiện (nguồn lực từ ngân sách, nguồn lực từ xã hội hóa và các nguồn lực hợp pháp khác).

- Đề xuất các dự án chiến lược, lộ trình và phương thức thực hiện.

k) Yêu cầu khác:

- Việc lập quy hoạch xây dựng cần chú trọng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh.

- Đề xuất quy định quản lý quy hoạch phù hợp đồ án quy hoạch, tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan và yêu cầu thực tế.

8. Nội dung và thành phần hồ sơ:

- Nội dung đồ án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị và Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật khác về quy hoạch và xây dựng.

- Thành phần hồ sơ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29 tháng 6 năm 2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù.

9. Tổ chức thực hiện:

Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi Nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt, không kể thời gian thẩm định, phê duyệt.

Trách nhiệm các cơ quan liên quan:

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng.

- Cơ quan trình duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Gia Lai.

- Cơ quan lập quy hoạch: Đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động phù hợp, được lựa chọn theo quy định pháp luật.

Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, tỉnh Gia Lai đến năm 2045 theo quy định pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, KGVX, NN, NC, PL;
- Lưu: VT, CN (2b). Tuấn

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng