Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4654/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 13 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC SẢN XUẤT RAU AN TOÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2015-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn;

Căn cứ Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 6593/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Quyết định số 1702/QĐ-UBND ngày 06/5/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Phê duyệt đề cương “Đề án phát triển sản xuất cây ngô tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020”;

Căn cứ Quyết định số 3396/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 của UBND tỉnh Nghệ An về việc Phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 2305/TTr-SNN-KHTC ngày 11 tháng 9 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức sản xuất rau an toàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu chung:

Hình thành và phát triển các vùng sản xuất rau an toàn theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai của các địa phương; áp dụng nhanh khoa học công nghệ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn sản xuất với thu mua và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng; tạo sản phẩm rau an toàn hàng hóa cung cấp cho thị trường, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Diện tích canh tác đạt khoảng 1.600 ha.

- Diện tích gieo trồng rau an toàn 6.000 ha, chiếm khoảng 22% tổng diện tích gieo trồng rau toàn tỉnh.

- Năng suất bình quân đạt 150 tạ/ha.

- Sản lượng đạt khoảng 90.000 tấn.

- Sử dụng có hiệu quả và nâng cao giá trị sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cao, tăng thu nhập cho người trồng rau, giá trị sản lượng bình quân đạt 120 - 130 triệu đồng/ha/năm (theo giá hiện hành năm 2015); hiệu quả sản xuất tăng 15 -20% so với sản xuất thông thường.

2. Phương án tổ chức sản xuất

a) Lựa chọn, bố trí đất để sản xuất:

- Vùng để bố trí sản xuất rau an toàn phải phù hợp với quy hoạch của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, phát triển nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác.

- Vùng đất sản xuất rau an toàn phải là đất có thành phần cơ giới từ cát pha, thịt nhẹ đến trung bình, có tầng canh tác > 20 cm, vùng đất không có các mối nguy cơ gây ô nhiễm về hoá học, sinh học và vật lý và kim loại nặng lên rau quả, xa chất thải công nghiệp, chất thải y tế 2 km, chất thải sinh hoạt và chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, lò giết mổ gia súc 200 m. Nếu bị ô nhiễm phải có khả năng khắc phục hoặc làm giảm các nguy cơ tiềm ẩn.

- Vùng sản xuất rau an toàn được bố trí trên đất chuyên canh, không trùng với đất bố trí cây trồng khác đã được quy hoạch.

- Đất trồng rau an toàn phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy trình sản xuất rau an toàn hiện hành (đất, nước, không khí).

b) Quy mô, bố trí địa bàn sản xuất:

Phấn đấu đến năm 2020 diện tích canh tác rau an toàn đạt 1.600 ha, diện tích gieo trồng đạt khoảng 6.000 ha, dự kiến được bố trí tại các huyện, thành, thị như sau:

TT

Địa phương

Thực hiện năm 2014 (ha)

Đến năm 2020 (ha)

Diện tích canh tác

Diện tích gieo trồng

Diện tích canh tác

Diện tích gieo trồng

1

TP. Vinh

45

122

70

260

2

TX. Cửa Lò

3

8

10

40

3

TX. Thái Hoà

12

32

50

175

4

Quế Phong

 

 

20

70

5

Quỳ Châu

 

 

30

110

6

Kỳ Sơn

 

 

60

210

7

Tương Dương

10

25

30

110

8

Nghĩa Đàn

30

81

100

370

9

Quỳ Hợp

5

14

50

185

10

Quỳnh Lưu

120

324

200

800

11

Con Cuông

 

 

50

180

12

Tân Kỳ

20

54

80

280

13

Anh Sơn

55

149

50

175

14

Diễn Châu

20

54

100

350

15

Yên Thành

5

14

70

245

16

Đô Lương

35

95

80

280

17

Thanh Chương

 

 

140

560

18

Nghi Lộc

15

41

50

180

19

Nam Đàn

50

125

160

640

20

Hưng Nguyên

50

110

120

480

21

TX. Hoàng Mai

15

41

80

300

 

Tổng:

490

1.289

1.600

6.000

3. Các giải pháp tổ chức thực hiện

a) Tổ chức sản xuất :

- Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nói chung và đầu tư vào sản xuất rau an toàn nói riêng là đầu tàu để liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; đầu tư các dự án sản xuất rau an toàn, rau công nghệ cao.

- Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GAP cơ bản trong sản xuất rau an toàn.

- Tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển các HTX, Tổ hợp tác theo Luật HTX năm 2012 để liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất rau an toàn.

- Xây dựng các mô hình điểm về sản xuất rau an toàn, các mô hình điểm phải được xây dựng khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ.

- Kiểm soát sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm: Thực hiện tốt hoạt động giám sát chất lượng nội bộ để kiểm soát quy trình kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thường xuyên lấy mẫu sản phẩm trước khi thu hoạch nhằm kiểm tra chất lượng (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng nitrau an toàn, vi sinh vật gây hại) để đảm bảo sản phẩm rau an toàn đạt các chỉ tiêu chất lượng theo quy định.

b) Về khoa học công nghệ:

Nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong nước và thế giới trong sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và lưu thông rau, củ, quả phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương, từng loại cây trồng với chi phí thấp, giảm giá thành sản phẩm và thân thiện với môi trường. Trong đó:

- Về giống:

+ Tiếp tục sử dụng các giống, chủng loại rau đang được sản xuất hiện nay có năng suất, có đặc điểm sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất và phù hợp với thị hiếu của thị trường để tổ chức sản xuất.

+ Chọn lựa một số giống cây có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện của từng địa phương: Lai ghép, nuôi cấy tạo giống mới. Nhập giống mới có đặc tính ưu việt của các nước như Nhật bản, Trung Quốc, Thái Lan,... và một số tỉnh khác phù hợp với điều kiện sản xuất tại Nghệ An.

- Về thời vụ: Để sản xuất rau có hiệu quả, đảm bảo chất lượng và khả năng sinh trưởng của cây rau ở Nghệ An, bố trí cơ cấu các loại rau theo mùa vụ như sau:

+ Vụ Xuân: bầu, cà chua, cà tím, cà bát, cà tím quả dài, cải cúc, bí xanh, dưa hấu Thái, dưa chuột, đậu cove, xà lách, mồng tơi, mướp đắng, rau dền, mướp hương.

+ Vụ Hè: Cà chua, cà tím quả dài, củ cải trái vụ, mồng tơi, mướp hương, rau dền, rau đay, rau gia vi, rau muống, rau ngót, xà lách, các loại đậu, hành, su su

+ Vụ Thu: Bắp cải (vụ sớm, vụ chính), bí đỏ, bí xanh, bí ngồi, các loại rau cải, cải thảo( vụ sớm, vụ chính), mướp, rau dền, rau đay, rau muống, đậu

+ Vụ Đông: bắp cải, bí đỏ, bí xanh, bí ngồi, các loại rau cải, đậu, xúp lơ, xu hoà, rau gia vị, xà lách.

- Kỹ thuật canh tác

Áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GAP cơ bản hiện hành để tổ chức sản xuất rau an toàn, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

+ Nước tưới: Nước tưới cho rau và nước xử lý sau thu hoạch yêu cầu phải là nước sạch. Nếu không có nước giếng cần dùng nước sông, ao, hồ không bị ô nhiễm phải được xử lý qua hệ thống lọc. Nước sạch còn dùng để pha các loại phân bón lá, thuốc bảo vệ thực vật,... Đối với các loại rau ăn quả giai đoạn đầu có thể sử dụng nước từ mương, sông, hồ để tưới rãnh.

+ Giống và gốc ghép: Giống và gốc ghép phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, không có mầm bệnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép sản xuất và sử dụng, hạt giống được xử lý mầm bệnh trước khi gieo.

+ Phân bón: Ưu tiên sử dụng phân chuồng đã hoai mục và phân hữu cơ vi sinh để bón lót, việc bón phân phải đảm bảo cân đối và hợp lý theo yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của cây rau. Tuyệt đối không dùng phân chuồng tươi để loại trừ các vi sinh vật gây bệnh, tránh nóng cho rễ cây và để tránh sự cạnh tranh đạm giữa cây trồng và các nhóm vi sinh vật. Tuyệt đối không dùng phân tươi và nước phân chuồng pha loãng tưới cho rau.

+ Bảo vệ thực vật (BVTV): Nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), hạn chế việc dùng thuốc BVTV, đặc biệt thuốc hoá học BVTV thuộc nhóm độc I và II. Nên chọn các loại thuốc có hoạt chất thấp, ít độc hại với ký sinh thiên địch. Kết thúc phun thuốc hoá học trước khi thu hoạch ít nhất 15 đến 20 ngày. Ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học như hạt củ đậu, các chế phẩm thảo mộc, các ký sinh thiên địch để phòng bệnh. Áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để phòng trừ tổng hợp IPM như: luân canh cây trồng hợp lý, sử dụng giống tốt không bệnh, chăm sóc cây theo yêu cầu sinh lý,...

+ Thu hoạch, đóng gói: Rau được thu hoạch đúng độ chín, loại bỏ các lá già, héo, quả bị sâu, dị dạng. Rau được rửa kỹ bằng nước sạch, để ráo cho vào bao, túi sạch trước khi mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng. Trên bao bì phải có phiếu bảo hành ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

c) Về quản lý chất lượng:

- Ngoài việc theo dõi, ghi chép trong quá trình sản xuất, rau trước lúc xuất bán còn phải được kiểm tra chất lượng, có mẫu phân tích để được chấp nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng rau an toàn.

- Quản lý quầy hàng bán giống, thuốc BVTV và thuốc kích thích sinh trưởng: Các quầy được bán giống, thuốc BVTV và kích thích sinh trưởng phải được cấp giấy phép và có kiểm tra chất lượng, có niêm yết công khai những loại giống, thuốc BVTV, kích thích sinh trưởng được dùng cho rau để cán bộ và mọi người dân biết và kiểm tra.

Cấp giấy chứng nhận cho những cơ sở sản xuất, sơ chế, thu mua và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn theo quy định hiện hành, ngoài ra còn cấp giấy cho cơ sở bán giống và thuốc, phân hoá học phục vụ sản xuất rau an toàn.

- Tuyên truyền, giáo dục: Tăng cường công tác quảng bá, tuyên truyền, giáo dục cho mọi người từ khâu sản xuất, lưu thông và sử dụng rau an toàn. Để mọi người tự giác thực hiện và tạo tập quán sản xuất, sử dụng rau an toàn. Có thông báo công khai danh sách những cơ sở, cá nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn lên phương tiện thông tin đại chúng. Thông báo những cơ sở không đạt tiêu chuẩn kể cả cơ sở bán thuốc BVTV và giống. Có biển quảng cáo, áp phích tuyên truyền quảng cáo về sử dụng rau an toàn và tránh ngộ độc thực phẩm để nhân dân chấp hành tốt.

- Kiểm tra và xử lý vi phạm: Tăng cường tổ chức thanh kiểm tra, giám sát sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh rau an toàn để giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.

d) Giải pháp về thị trường tiêu thụ:

- Hỗ trợ các mô hình kinh tế hợp tác, liên kết 4 nhà theo các hình thức khác nhau để tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho rau an toàn.

- Hỗ trợ thành lập các HTX, phát huy vai trò của các HTX trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nông dân.

- Củng cố và xây dựng các chợ đầu mối để tiêu thụ sản phẩm rau, rau an toàn của vùng sản xuất. Xây dựng mạng lưới tiêu thụ rau an toàn thông qua các siêu thị, các cơ sở, các cửa hàng đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi.

e) Giải pháp về chính sách

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện hành của trung ương, như: Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (trong đó có rau an toàn); Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 87/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh; Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND, ngày 22/01/2015 của UBND tỉnh về ban hành quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2020 (trong đó có rau an toàn).

- Chính sách tín dụng: Tổ chức triển khai Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trong đó có sản xuất rau an toàn); Các Tổ chức tín dụng xây dựng quy trình, thủ tục cho vay theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để triển khai thực hiện chính sách này.

- Về đất đai: Tập trung thực hiện hoàn thành công tác dồn điền dồn thửa tạo tiền đề hình thành các cánh đồng lớn, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng cơ giới hóa và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất; Rà soát cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất rau an toàn được thuê đất, liên doanh, liên kết để tổ chức sản xuất rau an toàn quy mô lớn, sản xuất hàng hóa.

g) Nguồn vốn để thực hiện đề án

Khái toán tổng vốn đầu tư để thực hiện đề án là 222.377 triệu đồng. Để triển khai thực hiện, cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Trong đó: Vốn của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất và vốn của các hộ dân sản xuất rau an toàn là hai nguồn vốn chính; Nhà nước hỗ trợ thông qua các cơ chế chính sách hiện hành và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Điều 2. Trách nhiệm của các Sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan:

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án; theo dõi tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Đề án hàng năm; tham mưu, điều chỉnh, bổ sung các nội dung Đề án phù hợp với yêu cầu phát triển; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Đề án có hiện quả.

b) Chỉ đạo các đơn vị thực thuộc cấp chứng chỉ đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho tổ chức, cá nhân; hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh; tập huấn và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất rau an toàn; xây dựng các mô hình trình diễn sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất rau an toàn tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

d) Phối hợp với các Sở ngành liên quan tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn hiện hành của Trung ương và địa phương, trong đó có chính sách hỗ trợ sản xuất rau an toàn.

e) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí để triển khai tổ chức thực hiện Đề án.

2. Các Sở, ngành liên quan

Chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong tổ chức thực hiện đề án; xây dựng kế hoạch, giải pháp và biện pháp để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung đề án theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của Sở, ngành mình. Tham mưu cho UBND tỉnh những cơ chế, chính sách, nội dung, giải quyết các vướng mắc liên quan lĩnh vực của Sở, ngành mình quản lý để thực hiện đề án có hiệu quả.

3. UBND các huyện, thành, thị

a) Xây dựng kế hoạch đến từng xã, từng cánh đồng và giải pháp cụ thể thực hiện đề án; tuyên truyền vận động nhân dân tổ chức sản, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu Đề án đã đề ra.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các Sở ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn; đồng thời chủ động tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện quy chế giám sát cộng đồng đối với việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn trên địa bàn quản lý.

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp & PTNT và các Sở, ngành liên quan xúc tiến đầu tư để thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất rau an toàn tập trung, ứng dụng công nghệ cao.

d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện liên quan, các xã hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất rau an toàn; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ trên địa bàn.

e) Chỉ đạo các đơn vị cấp xã tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, đẩy mạnh liên doanh, liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công thương, Khoa học và Công nghệ; Liên minh HTX tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng