Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4774/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 31 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG THUỐC THAY THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA TỪ 2013 - 2015 VÀ ĐẾN 2020”

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật phòng, chống ma túy ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy ngày 03/6/2008;

Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

Căn cứ Nghị định 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Căn cứ Thông tư số 12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 2479/TTr-SYT ngày 25/12/2013 về việc đề nghị phê duyệt Đề án "Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn năm 2013 đến năm 2020",

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2015 và đến 2020" với các nội dung chính như sau:

1. Mục tiêu chung:

Mở rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế đảm bảo cho ít nhất 60% số người nghiện chích ma túy, ngăn chặn sự lây truyền HIV/AIDS và các bệnh liên quan; tăng cường nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa, mục đích, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc điều trị thay thế bằng Methadon; góp phần duy trì tính bền vững hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS, đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2015

Đảm bảo cho ít nhất 53% số người nghiện chích ma túy trên địa bàn tỉnh được điều trị bằng thuốc thay thế Methadon.

2.2. Giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020

Đảm bảo điều trị cho ít nhất 60% số người nghiện chích ma túy trên địa bàn tỉnh được điều trị bằng thuốc thay thế Methadon.

3. Lộ trình thực hiện

3.1. Giai đoạn từ năm 2013-2015

Triển khai 18 cơ sở điều trị, 05 cơ sở cấp phát thuốc ở 16 huyện, thị, thành phố: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc, Thành phố Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Sầm Sơn, Đông Sơn, Hậu Lộc, Quảng Xương, Thọ Xuân, Nông Cống, Tĩnh Gia, Bỉm Sơn, Thiệu Hóa.

3.2. Giai đoạn từ năm 2016-2020

Triển khai 06 cơ sở điều trị tại các huyện: Thường Xuân, Thạch Thành, Triệu Sơn, Lộc, Yên Định, Nga Sơn, Như Xuân, Như Thanh; 01 cơ sở cấp phát thuốc ở huyện Lang Chánh.

4. Các giải pháp

4.1. Giải pháp về tăng cường truyền thông và giáo dục sức khỏe

Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là các đối tượng nghiện chích ma túy về lợi ích kinh tế, xã hội và sức khỏe của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadon.

Đa dạng hóa về các hình thức giáo dục, truyền thông có các nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng, lứa tuổi, trình độ, phong tục tập quán; lồng ghép truyền thông về điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thường xuyên tại địa phương.

4.2. Giải pháp về nguồn lực

4.2.1. Cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất

Trên cơ sở các phòng làm việc hiện có của Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế xã, phường, thị trấn được triển khai Đề án để bố trí, sắp xếp; cải tạo, sửa chữa cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu của cơ sở điều trị thay thế, cơ sở cấp phát thuốc theo quy định.

4.2.2. Nguồn nhân lực

Sử dụng nguồn nhân lực hiện có của Trung tâm Y tế, Trạm Y tế các huyện, thị xã, thành phố để bố trí làm việc tại các cơ sở điều trị thay thế, cơ sở cấp phát thuốc đạt hiệu quả. Lồng ghép công tác điều trị thay thế với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS và các dịch vụ y tế khác tại địa phương.

Tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh: Cho phép thành lập Khoa Điều trị thay thế, có chức năng và nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

4.2.3. Giải pháp nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động điều trị thay thế:

- Nguồn ngân sách nhà nước.

- Nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ điều trị.

- Nguồn tài trợ, huy động, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài.

- Các nguồn hợp pháp khác.

4.3. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị; phối hợp với ngành y tế về đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động điều trị thay thế tại địa phương.

- Ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần chi phí khám sức khỏe và chi phí điều trị cho người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại các cơ sở điều trị công lập được quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 23 Nghị định 96/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ.

- Bệnh nhân được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế có trách nhiệm đóng một phần viện phí và các chi phí khác theo quy định.

- Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương; huy động các nguồn lực của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước cho việc thực hiện Đề án.

5. Tổ chức thực hiện:

5.1. Sở Y tế

Chủ trì, phối hợp với các ngành thành viên Ban chỉ đạo, các ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các mục tiêu, giải pháp, lộ trình thực hiện của Đề án; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh.

Tổ chức thẩm định cấp phép, cấp lại giấy phép hoạt động và thu hồi giấy phép đối với các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo Nghị định 96/NĐ-CP ngày 15/11/2012. Chỉ đạo và hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế.

Xây dựng định mức thu phí khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Thực hiện xã hội hóa công tác điều trị thay thế đảm bảo duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc điều trị thay thế theo lộ trình thực hiện Đề án.

Phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, Thành phố tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm liên quan đến việc triển khai hoạt động điều trị thay thế theo quy định của pháp luật.

5.2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp cùng Sở Y tế chỉ đạo tổ chức triển khai hoạt động điều trị thay thế; thực hiện công tác quản lý người điều trị Methadon về học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, chấp hành pháp luật tại nơi cư trú.

5.3. Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai lồng ghép các hoạt động phòng, chống ma túy với điều trị thay thế. Chỉ đạo công tác điều tra, phân loại người nghiện ma túy để cung cấp số liệu thực tế về nhu cầu triển khai cơ sở điều trị thay thế ở các địa phương.

Chỉ đạo Công an các cấp phối hợp và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tổ chức hoạt động điều trị thay thế, bảo vệ kho thuốc khi cần thiết; giữ gìn an ninh trật tự và quản lý người bệnh tại các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc cũng như địa phương nơi người bệnh cư trú.

5.4. Bộ đội Biên phòng và Cục Hải Quan Thanh Hóa

Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tăng cường công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, hoạt động điều trị thay thế khu vực biên giới triển khai thuận lợi, có hiệu quả.

5.5. Sở Kế hoạch - Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội cân đối phân bổ các Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, ngân sách tỉnh cho hoạt động điều trị thay thế.

5.6. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch kinh phí hỗ trợ từ ngân sách cho các đối tượng được quy định tại Khoản 1, khoản 2 Điều 23 Nghị định số 95/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thẩm định định mức thu phí khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện trình Hội đồng nhân dân tỉnh và UBND tỉnh phê duyệt.

5.7. Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông

Chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực thuộc phối hợp với các cơ quan Báo chí, Đài phát thanh và truyền hình tổ chức các hoạt động tuyên truyền về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, lồng ghép trong chương trình phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

5.8. Sở Nội vụ

Chỉ đạo và phối hợp với Sở Y tế, Lao động Thương Binh và Xã hội lập kế hoạch bổ sung, cơ cấu nguồn nhân lực làm việc tại khoa Điều trị thay thế, các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đảm bảo thực hiện Đề án.

5.9. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể khác

Căn cứ trách nhiệm, quyền hạn quy định trong các văn bản pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm; các văn bản về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, chỉ đạo các đơn vị cơ sở trực thuộc triển khai hỗ trợ hoạt động điều trị thay thế của Đề án đạt hiệu quả.

5.10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Căn cứ mục tiêu, lộ trình và giải pháp thực hiện, tổ chức triển khai hoạt động điều trị thay thế tại địa phương theo lộ trình của Đề án. Chỉ đạo các ngành Y tế, Công an, LĐTB&XH trong việc quản lý, xác minh đối tượng nghiện chích ma túy tại cộng đồng; tư vấn và hỗ trợ bệnh nhân tuân thủ trong quá trình điều trị; tạo điều kiện hỗ trợ về tinh thần, vật chất, việc làm cho người nghiện chích ma túy tham gia điều trị tại các cơ sở điều trị thay thế, cơ sở cấp phát thuốc.

5.11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường giáo dục, truyền thông đến các đối tượng được điều trị; vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho công tác điều trị thay thế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Lao động, Thương Binh và Xã hội, Nội vụ; Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các ban, ngành và đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2 QĐ (để thực hiện);
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- Cục phòng, chống HIV/AIDS (để báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch (để báo cáo);
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền