Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc

 

Số : 48/2003/QĐ-BGDĐT

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC CHẤT LƯỢNG TỐI THIỂU CỦA CÁC TRƯỜNG, ĐIỂM TRƯỜNG VÀ LỚP HỌC Ở TIỂU HỌC (THÍ ĐIỂM)

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/07/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 05/03/20003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;
Căn cứ Hiệp định tín dụng số 3752/
VN ngày 14/07/2003 giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hiệp hội phát triển Quốc tế;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học và Trưởng Ban điều hành Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định Mức chất lượng tối thiểu của các trường, điểm trường và lớp học ở tiểu học (thí điểm).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Trưởng Ban điều hành Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo và Hiệu trưởng các trường tiểu học chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Đặng Huỳnh Mai

 

QUY ĐỊNH

MỨC CHẤT LƯỢNG TỐI THIỂU CỦA CÁC TRƯỜNG, ĐIỂM TRƯỜNG VÀ LỚP HỌC Ở TIỂU HỌC (THÍ ĐIỂM)
(ban hành theo Quyết định số 48/2003/QĐ-BGDĐT ngày 24/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Văn bản này quy định Mức chất lượng tối thiểu của các trường, điểm trường và lớp học ở tiểu học. Được áp dụng khoảng 14.902 điểm trường và 4.272 trường chính thuộc 195 huyện của 38 tỉnh thuộc Dự án Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và được áp dụng thí điểm trong phạm vi cả nước.

Điều 2. Mục đích

1. Mức chất lượng tối thiểu của các trường, điểm trường và lớp học (sau đây gọi tắt là MCLTT) quy định những điều kiện tối thiểu cần thiết cho các trường, điểm trường và lớp học đảm bảo cho việc giảng dạy và học tập đạt chất lượng.

2. MCLTT bao gồm những tiêu chí phù hợp với yêu cầu xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. MCLTT là mức độ đầu tiên, cơ bản, tối thiểu nhằm giúp cho các trường tiểu học từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia.

Điều 3. Yêu cầu

1. MCLTT là căn cứ để chính quyền địa phương các cấp xây dựng kế hoạch đầu tư các nguồn lực cho giáo dục tiểu học (đặc điểm ở những vùng khó khăn).

2. MCLTT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học trên phạm vi toàn quốc, tạo ra động lực thúc đẩy sự phấn đấu của mỗi thành viên trong nhà trường để tăng trưởng về chất lượng giáo dục của bậc tiểu học, làm giảm khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các vùng khác nhau.

3. MCLTT tạo điều kiện vững chắc đảm bảo cho mọi trẻ em ở bất cứ hoàn cảnh nào đều được hưởng thụ về giáo dục, góp phần phổ cập giáo dục tiểu học có chất lượng, đúng độ tuổi và tiến tới hoàn thành mục tiêu phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010.

Chương 2

TIÊU CHÍ MỨC CHẤT LƯỢNG TỐI THIỂU

Điều 4. Tổ chức và quản lý trường học

1. Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng

a) Đã qua bồi dưỡng hoặc được đào tạo về nghiệp vụ quản lý trường học, quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo.

b) Có trình độ đào tạo tối thiểu hệ 12 + 2. Được tập huấn về quản lý và hỗ trợ điểm trường và quản lý trường học ở các vùng khó khăn.

c) Được cán bộ, giáo viên trong trường và cán bộ, nhân dân địa phương tín nhiệm về chính trị, đạo đức và chuyên môn.

2. Thực hiện các nhiệm vụ quản lý

a) Có kế hoạch phát triển và các biện pháp thực hiện kế hoạch 5 năm, 1 năm và từng học kỳ sát với tình hình thực tế của nhà trường và địa phương.

b) Thực hiện chương trình giảng dạy theo quy định.

c) Có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng giáo viên và cán bộ nhà trường hàng năm.

d) Có bảng theo dõi số lượng và chất lượng học sinh 5 năm học liên tiếp. Lưu trữ tốt hồ sơ nhà trường theo quy định.

e) Có biên bản bàn giao với chính quyền địa phương về tỷ lệ huy động trẻ đến trường vào đầu năm học (chú ý đến trẻ khuyết tật và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn).

g) Công khai các nguồn thu và chi.

Điều 5. Đội ngũ giáo viên

1. Trình độ đào tạo

a) Giáo viên đạt trình độ Trung học Sư phạm 12 + 2.

b) Đối với giáo viên đạt trình độ 9 + 3 giảng dạy ở vùng đặc biệt khó khăn phải phấn đấu để đạt trình độ 12 + 2. Các trường có kế hoạch để 100% giáo viên có trình độ 9 + 3 được vào các lớp bồi dưỡng nâng trình độ 12 + 2 vào năm 2005.

2. Phẩm chất đạo đức

Có tinh thần trách nhiệm trong công việc; có lối sống trung thực, giản dị lành mạnh; có tinh thần đoàn kết hợp tác với đồng nghiệp; có quan hệ tốt với gia đình, học sinh và cộng đồng.

3. Bồi dưỡng thường xuyên và chuyên đề

a) Tất cả giáo viên phải được tham gia bồi dưỡng: chuyên đề; thường xuyên; dạy trẻ khuyết tật; dạy lớp ghép; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc…

b) Giáo viên được bồi dưỡng lý luận Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

4. Nhiệm vụ

a) Giảng dạy và giáo dục theo đúng chương trình và kế hoạch dạy học. Thường xuyên cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy. Tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm ít nhất 2tiết/ 1 môn/ 1 học kỳ.

b) Giáo viên lên lớp phải có giáo án được chuẩn bị trước và sử dụng đồ dùng dạy học hiệu quả.

Giáo viên xếp loại yếu kém phải được tập thể giáo viên nhà trường dự giờ và nhận xét ít nhất 4 tiết/ 1 môn/ 1 học kỳ.

c) Đối xử công bằng với tất cả học sinh, đánh giá khách quan, chính xác Quan tâm phụ đạo cho học sinh yếu và tăng cường bồi dưỡng cho học sinh có năng khiếu đặc biệt. Đảm bảo cho tất cả học sinh trong một lớp học đạt yêu cầu kiến thức, kỹ năng theo quy định.

Điều 6. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học

1. Trường học, lớp học

a) Trường học không học 3 ca, không mở nhiều điểm trường. Những nơi có 3 điểm trường và có từ 150 học sinh nên thành lập trường mới. Số học sinh trong một lớp không được vượt quá 10% theo quy định (35 học sinh/1 lớp).

b) Có một phòng dành cho giáo viên, thư viện và thiết bị dạy học, 1 phòng dành cho lãnh đạo và 1 phòng phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi.

c) Trường, điểm trường phải có hàng rào cây xanh, khu vệ sinh riêng dành cho thầy và trò, có giếng hoặc các nguồn nước sạch khác, đặt tại nơi yên tĩnh, cao ráo, thoáng mát, thuận tiện cho tất cả học sinh đi học. Trong khuôn viên trường không có nhà ở, hàng quán. Có sân chơi đủ để sinh hoạt toàn trường vào đầu tuần và cuối tuần.

d) Phòng học ở tất cả các trường và điểm trường đều được xây dựng kiên cố và có đủ ánh sáng - tự nhiên. Các trường và phòng học phải đảm bảo thuận lợi cho các học sinh khuyết tật đến học.

e) Nếu trong lớp có một học sinh khuyết tật học hòa nhập thì được giảm sĩ số học sinh/ lớp (theo quy định) từ 2 đến 3 học sinh. Chú ý động viên khen thưởng học sinh khuyết tật dựa vào sự tiến bộ cụ thể của từng học sinh.

g) Tất cả các phòng học ở trường và điểm trường đều được trang bị đủ bảng đen, bàn ghế cho giáo viên, bàn ghế cho học sinh và có hộp đựng (dễ vận chuyển) hoặc tủ có khóa để chứa các tài liệu giảng dạy và học tập.

2. Trang thiết bị dạy học

a) Trường và mỗi điểm trường phải có một bộ thiết bị dạy học tối thiểu và tài liệu dạy học cho mỗi khối lớp; có sách, tài liệu tham khảo để giảng dạy và giáo dục học sinh vùng khó khăn phù hợp với mỗi khối lớp.

b) Mỗi giáo viên ở trường và điểm trường có ít nhất một bộ đồ dùng văn phòng phẩm cần thiết (như: thước kẻ, kéo, phấn, giấy, bút); có một bộ sách giáo khoa, tài liệu hướng dẫn giảng dạy và các tài liệu cần thiết khác theo yêu cầu của từng khối lớp mà giáo viên đó dạy.

c) Có báo, tạp chí ngành và báo Nhân dân.

3. Tài liệu, đồ dùng học tập cho học sinh.

a) Tất cả học sinh của trường và các điểm trường phải có ít nhất một bộ sách giáo khoa (Toán và Tiếng Việt); có đủ các đồ dùng học tập tối thiểu như vở và bút.

b) Mỗi học sinh dân tộc theo học ở trường và các điểm trường được cung cấp các tài liệu Tăng cường tiếng Việt, được nhà trường quan tâm bồi dưỡng tiếng Việt để học tốt các môn học khác.

Điều 7. Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo

1. Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương và cộng đồng, tổ chức Đại hội Giáo dục cấp cơ sở theo định kỳ với nội dung thiết thực và tham gia vào Hội đồng Giáo dục cấp cơ sở.

2. Các trường và điểm trường đều có Ban đại diện cha mẹ học sinh. Ban đại diện cha mẹ học sinh phối hợp với nhà trường theo định kỳ, có hiệu quả để giáo dục học sinh. Thường trực Ban đại diện cha mẹ học sinh được tập huấn về các nội dung, biện pháp cụ thể để hỗ trợ học sinh ở trường và các điểm trường; xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng; tham gia xây dựng kế hoạch nội dung, giám sát hoạt động nhà trường.

3. Nhà trường tổ chức các hoạt động tuyên truyền dưới nhiều hình thức để tăng thêm sự hiểu biết trong cộng đồng về mục tiêu giáo dục tiểu học, về nội dung, phương pháp và cách đánh giá học sinh tiểu học, tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia thực hiện mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học. Huy động sự tham gia từ nhiều nguồn lực xã hội để học sinh có đủ dụng cụ học tập tối thiểu.

4. Huy động sự tham gia của các gia đình và cộng đồng trong việc bảo vệ, bảo dưỡng, bảo quản cơ sở vật chất nhà trường góp phần cải thiện chất lượng và làm đẹp khung cảnh sư phạm nhà trường.

Điều 8. Các hoạt động giáo dục và chất lượng giáo dục

1. Tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho học sinh theo các chủ đề và những ngày lễ lớn; thu hút học sinh trong “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”, đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Chú trọng vận động trẻ em khó khăn và trẻ em khuyết tật tới trường.

2. Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ ở địa phương, xây dựng kế hoạch nhập học đúng độ tuổi, không để xảy ra hiện tượng lưu ban và bỏ học.

3. Đảm bảo 100% học sinh đạt yêu cầu kiến thức kỹ năng cơ bản. Tổ chức các kỳ kiểm tra, khách quan, chính xác, đánh giá đúng chất lượng dạy và học.

4. Mỗi giáo viên được tham dự hội thảo chuyên môn ít nhất 1 lần trong một năm học (có biên bản cụ thể lưu tại trường). Tùy trường hợp cụ thể có thể phân 2 giáo viên cùng dạy 1 lớp theo khả năng sở trường của giáo viên nhưng phải làm tốt công tác chủ nhiệm lớp được phân công.

Chương 3

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ CÁC CẤP

Điều 9. Trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo

1. Thực hiện công tác kiểm kê phục vụ cho việc thực hiện MCLTT. Xây dựng các kế hoạch thực hiện MCLTT trên địa bàn huyện.

2. Huy động và hỗ trợ Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường, điểm trường và lớp học.

3. Giám sát việc thực hiện MCLTT ở các trường, điểm trường và lớp học trên địa bàn huyện. Đánh giá MCLTT, bao gồm việc kiểm tra các báo cáo về nhập học của các trường và điểm trường, xác định số trẻ không đi học.

Điều 10. Trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Giám sát và đánh giá việc thực hiện MCLTT và xác định phương thức thực hiện công tác cải tiến chất lượng giáo dục ở các huyện.

2. Tổ chức và giám sát các chương trình xây dựng MCLTT do các huyện chuẩn bị. Cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá các kết quả của các hỗ trợ mục tiêu của Dự án. Kiểm tra tính thống nhất của các số liệu MCLTT cấp huyện.

3. Hỗ trợ các chương trình tập huấn về MCLTT, như : lập kế hoạch, phát triển chuyên môn giáo viên (tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc, giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật…), tăng cường sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng.

4. Những trường và điểm trường có Dự án đầu tư thì sử dụng kinh phí dự án để xây dựng MCLTT; những nơi chưa có nguồn kinh phí của Dự án thì sử dụng kinh phí chi thường xuyên và nguồn vốn huy động trong cộng đồng để đầu tư, xây dựng.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Kiểm tra và giám sát tiến độ thực hiện và hoàn thành MCLTT ở các địa phương.

2. Kiểm tra tính thống nhất của các số liệu MCLTT các huyện, tỉnh. Đánh giá các kết quả của các hỗ trợ mục tiêu của Dự án (đối với các đơn vị thí điểm).

3. Xem xét và điều chỉnh về MCLTT để phù hợp với tiến độ và những điều kiện phát triển đất nước và địa phương.

4. Xây dựng kế hoạch và ban hành quy định chính thức MCLTT trên phạm vi toàn quốc cho các trường, điểm trường tiểu học./.