Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/2016/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 31 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA KHI CHUYỂN TỪ ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA NƯỚC SANG SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH PHI NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Thông tư số 56/2016/TT-BTC ngày 25/3/2016 của Bộ Tài chính Quy định sửa đổi, bổ sung hệ thống mục lục ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 07/2016/NQ-HĐND ngày 29/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lạng Sơn về việc thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 267/TTr-STC ngày 17/10/2016.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2016.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Cục trưởng Cục Thuế; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Các Bộ: TN&MT, TC, NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh ủy; TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, các Đoàn thể tỉnh;
- Công báo tỉnh; Báo Lạng Sơn;
- Các PVP UBND tỉnh, các Phòng CV, TTTH-CB;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Công Trưởng

 

QUY ĐỊNH

MỨC THU TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA KHI CHUYỂN TỪ ĐẤT CHUYÊN TRỒNG LÚA NƯỚC SANG SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH PHI NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Kèm theo Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 31/10/2016 của UBND tỉnh Lạng Sơn)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về mức thu tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa khi chuyển từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp và chế độ thu nộp, quản lý, sử dụng tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

a) Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài (gọi chung là người sử dụng đất) khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì ngoài nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật, còn phải nộp một khoản tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.

b) Cơ quan, đơn vị có liên quan đến thu, nộp, quản lý sử dụng tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Điều 3. Mức thu tiền khi chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp

1. Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa:

Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (gọi chung là người sử dụng đất) để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước thì ngoài nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật, còn phải nộp một khoản tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa bằng ( = ) tỷ lệ phần trăm (%) (x) diện tích (x) giá của loại đất trồng lúa.

Cụ thể mức nộp tiền được xác định tùy theo mục đích sử dụng đất:

a) Trường hợp sử dụng đất vào mục đích thương mại, dịch vụ gồm: xây nhà ở để bán hoặc cho thuê; kinh doanh dịch vụ, thương mại; tài chính; nhà hàng; khách sạn; văn phòng làm việc và cho thuê: Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa nước được tính bằng 70% giá đất trồng lúa theo Bảng giá đất theo từng địa bàn do UBND tỉnh quy định tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất nhân (x) với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất;

b) Trường hợp sử dụng đất vào mục đích xây nhà ở riêng lẻ; để sản xuất, xây dựng công trình công cộng, xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bến xe, chợ: Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất chuyên trồng lúa nước được tính bằng 50% giá đất trồng lúa theo Bảng giá đất theo từng địa bàn do UBND tỉnh quy định tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (x) với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

2. Đối với các dự án phục vụ mục đích công cộng (trừ công trình thương mại, dịch vụ và trụ sở làm việc), công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông, công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình an ninh quốc phòng do UBND tỉnh, UBND các huyện và thành phố, các Sở, ngành quyết định đầu tư thì số tiền phải nộp để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa được dự toán trong tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt.

3. Đối với các trường hợp thu hồi đất trồng lúa nước giao Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thành phố thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng để giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án thì Trung tâm phát triển quỹ đất đó có trách nhiệm nộp tiền để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa và thu lại số tiền này khi bàn giao đất cho các chủ đầu tư theo quy định.

Điều 4. Xác định và phê duyệt số tiền phải nộp để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa

1. Diện tích đất nông nghiệp trồng lúa nước thu hồi, chuyển mục đích sử dụng sang mục đích phi nông nghiệp được xác định cụ thể trên quyết định thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

2. UBND tỉnh phê duyệt số tiền phải nộp để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đối với trường hợp do UBND tỉnh quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính.

Căn cứ vào quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và bản kê khai của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất Sở Tài chính xác định trình UBND tỉnh phê duyệt số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; Trên cơ sở quyết định của UBND tỉnh, cơ quan thuế thông báo số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa cho tổ chức, cá nhân phải nộp.

3. UBND các huyện, thành phố quyết định phê duyệt số tiền phải nộp để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa đối với các trường hợp do UBND cấp huyện quyết định thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa nước sang mục đích phi nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo đề nghị của Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch.

Căn cứ vào quyết định chuyển mục đích sử dụng đất và bản kê khai của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất Phòng Tài chính - Kế hoạch xác định trình UBND cấp huyện phê duyệt số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; Trên cơ sở quyết định của UBND cấp huyện, cơ quan thuế thông báo số tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa cho tổ chức, cá nhân phải nộp.

Điều 5. Trách nhiệm của người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước

1. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và phải nộp một khoản tiền theo quy định tại Điều 3 Quy định này.

2. Lập bảng kê khai số tiền phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê; thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày có quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt số tiền phải nộp để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.

3. Thực hiện đúng các quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 6. Quản lý và sử dụng kinh phí

1. Số tiền thu để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa được nộp vào mục Thu khác Ngân sách cấp tỉnh và được sử dụng để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa bàn huyện, thành phố.

2. Tiền thu do người sử dụng đất nộp ngân sách và nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh (theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ) được sử dụng để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 18/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố.

1. Sở Tài nguyên và Môi trường: Sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp thông tin địa chính (hồ sơ địa chính), gửi Sở Tài chính để xác định số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp.

2. Sở Tài chính:

a) Căn cứ hồ sơ và thông tin địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển đến để xác định số tiền phải nộp để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định.

b) Quản lý khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và tham mưu UBND tỉnh phân bổ, sử dụng kinh phí theo quy định.

c) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí được hỗ trợ theo quy định.

3. Cục Thuế tỉnh:

a) Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, thông báo nộp tiền chuyển mục đích sử dụng đất vào ngân sách tỉnh theo quy định.

b) Hướng dẫn việc thu nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa vào ngân sách nhà nước theo quy định.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Hàng năm tổng hợp, trình UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể của địa phương về khai hoang, phục hóa, cải tạo đất và bổ sung diện tích đất trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng trước ngày 31/10.

b) Hướng dẫn xây dựng các phương án khai hoang, phục hóa, cải tạo đất và bổ sung diện tích đất trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng.

c) Hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết quả khai hoang, phục hóa, cải tạo đất và bổ sung diện tích đất trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng trước ngày 31/10.

d) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh việc sử dụng kinh phí, lựa chọn nội dung chi để thực hiện bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.

5. UBND các huyện, thành phố:

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định cụ thể vị trí, diện tích đất chuyên trồng lúa nước được chuyển thành đất phi nông nghiệp.

b) Hàng năm, trước ngày 30/9 báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình quản lý, sử dụng đất trồng lúa của địa phương để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

c) Kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền đối với các trường hợp sai phạm hoặc các trường hợp khiếu nại, tố cáo có liên quan đến việc xác định và thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Các nội dung liên quan được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 35/2015/NĐ-CP; Thông tư số 18/2016/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Người sử dụng đất phải nộp khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa khi chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp đối với các dự án giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định kể từ ngày 01/7/2015.

3. Các cấp, các ngành, các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quy định này.

4. Trong quá trình thực hiện Quyết định này nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố phản ánh kịp thời cho Sở Tài chính để nghiên cứu, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.