Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 48/QĐ-TANDTC-TĐKT

Hà Nội, ngày 09 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH SƠ KẾT CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng; Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 trong Tòa án nhân dân.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh án Tòa án quân sự trung ương; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các tập thể, cá nhân Tòa án nhân dân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Đ/c CA TANDTC (để b/c);
- Ban TĐ-KTTW (để b/c);
- Các đ/c PCA TANDTC (để p/h chỉ đạo);
- Thành viên HĐ TĐ-KT TAND;
- Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tin);
- Trang tin TĐ-KT TAND (để đăng tin);
- Lưu: VP, Vụ TĐKT.

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Văn Tiến

 

KẾ HOẠCH

SƠ KẾT CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022 TRONG TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Kèm theo Quyết định số 48/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 09 tháng 3 năm 2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

Căn cứ Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân; Chỉ thị số 01/2022/CT-CA ngày 10/01/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2022; Quyết định số 524/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 25/11/2021 ban hành Kế hoạch thực hiện công tác thi đua, khen thưởng năm 2022 trong Tòa án nhân dân; Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 trong Tòa án nhân dân. Cụ thể như sau:

1. Hình thức sơ kết, báo cáo

Để bảo đảm chất lượng công tác sơ kết, các đơn vị cơ sở và các cụm thi đua Tòa án nhân dân quyết định hình thức tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 phù hợp (có thể trực tuyến, tập trung hoặc gửi xin ý kiến bằng văn bản, tùy điều kiện cho phép) đảm bảo thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 theo quy định.

Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức sơ kết và gửi báo cáo sơ kết bằng văn bản về đơn vị Cụm trưởng để tổng hợp, xây dựng báo cáo chung của Cụm; đồng thời, gửi Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân (Vụ Thi đua-Khen thưởng) để theo dõi.

Các đơn vị Cụm trưởng cụm thi đua tổ chức sơ kết và tổng hợp, đánh giá, gửi báo cáo sơ kết bằng văn bản về Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân bảo đảm chất lượng và tiến độ yêu cầu.

2. Nội dung báo cáo sơ kết: (theo đề cương chi tiết gửi kèm).

2.1. Đối với các đơn vị, Tòa án nhân dân các cấp:

Nội dung báo cáo tập trung đánh giá các phong trào thi đua nổi bật, các sáng kiến, giải pháp (đã được công nhận và áp dụng trong thực tế) để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuyên môn, đạt thành tích cao trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phòng chống dịch Covid-19”. Phân tích và đánh giá cụ thể tác động, hiệu quả của phong trào thi đua đến việc thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị; tập trung đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ: tỷ lệ thụ lý, giải quyết các loại vụ việc; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành nói chung; việc thực hiện chỉ tiêu đề xuất bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật là nguồn để phát triển thành án lệ... (có số liệu chứng minh); kết quả thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và Thông tư liên tịch về tổ chức phiên tòa trực tuyến... Đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân, giải pháp đã thực hiện để khắc phục, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm và các biện pháp tổ chức thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022. Các số liệu kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua phải so sánh với cùng kỳ năm 2021 và có nhận xét, đánh giá.

* Lưu ý: Phần kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua về công tác chuyên môn trong báo cáo chỉ nêu ngắn gọn tổng số vụ việc đã thụ lý, tỷ lệ % giải quyết nói chung và tỷ lệ % giải quyết từng loại vụ việc cụ thể (theo các tiêu chí trong Bảng chấm điểm thi đua). Phần số liệu chi tiết từng loại vụ việc của từng đơn vị, cấp Tòa án lập thành Biểu thống kê riêng kèm theo Báo cáo và phải đảm bảo chính xác, trùng khớp với số liệu đã nhập trên phần mềm thống kê chung trong hệ thống Tòa án nhân dân.

2.2. Đối với các cụm thi đua Tòa án nhân dân:

Tập trung đánh giá hình thức tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua trong cụm; phân tích, rút ra bài học kinh nghiệm về tổ chức phong trào thi đua, mô hình mới, cách làm hay, kết quả phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến (tập thể, cá nhân), những tấm gương tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua và công tác chuyên môn, gương người tốt, việc tốt được phổ biến, nhân rộng trong cụm thi đua và hệ thống Tòa án nhân dân. Đồng thời, đánh giá rút kinh nghiệm đối với các đơn vị tổ chức phong trào thi đua chưa hiệu quả, còn hình thức, chưa hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ công tác chuyên môn; từ đó đưa ra giải pháp, phương hướng phấn đấu trong 6 tháng cuối năm 2022, những kiến nghị, đề xuất đối với công tác quản lý, chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân (nếu có).

2.3. Đối với các Tòa án quân sự: Chánh án Tòa án quân sự trung ương chỉ đạo thống nhất trong các Tòa án quân sự việc tổ chức sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 theo quy định chung của Bộ Quốc phòng.

3. Thời gian gửi báo cáo

3.1. Đối với sơ kết 6 tháng đầu năm:

- Thời gian chốt số liệu báo cáo: Từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/3/2022.

* Lưu ý: Số liệu khen thưởng trong 6 tháng đầu năm 2022 tách riêng số liệu khen thưởng dịp tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021.

- Thời gian gửi báo cáo:

+ Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân các cấp hoàn thành sơ kết và gửi báo cáo kết quả của cơ quan, đơn vị về Cụm trưởng Cụm thi đua trước ngày 10/4/2022.

+ Các cụm thi đua Tòa án nhân dân hoàn thành việc sơ kết và gửi báo cáo kết quả của Cụm về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Thi đua-Khen thưởng) trước ngày 20/4/2022.

3.2. Đối với đề nghị khen cấp Nhà nước:

Hồ sơ đề nghị xét tặng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và gửi về Vụ Thi đua-Khen thưởng trước ngày 15/3/2022.

* Lưu ý: Các đơn vị gửi báo cáo, hồ sơ bằng văn bản về Vụ Thi đua-Khen thưởng; đồng thời gửi File mềm văn bản vào hộp thư điện tử của Vụ Thi đua-Khen thưởng (vuthiduakhenthuong@gmail.com).

4. Một số lưu ý đối với sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022

4.1. Căn cứ đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022: Thực hiện theo Thông tư số 01/2018/TT-TANDTC ngày 24/4/2018, Bảng chấm điểm thi đua (ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 30/7/2020); Công văn số 356/CV-TANDTC-TĐKT ngày 15/12/2020 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn hiện hành của Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án năm 2022.

4.2. Chỉ tiêu hòa giải thành, đối thoại thành

Căn cứ Kết luận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022, nhằm tiếp tục bảo đảm chất lượng công tác hòa giải, đối thoại phù hợp với tình hình thực tế; từ năm 2022 chỉ áp dụng chỉ tiêu: “Slượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động được hòa giải thành so với số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động mà Tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương đã giải quyết trong một năm đạt tỷ lệ từ 60% trở lên” (Điểm 2 Mục II Phần I Bảng chấm điểm thi đua đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện ban hành kèm theo Quyết định số 22/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 30/7/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao).

Được cộng dồn số lượng các vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã hòa giải, đối thoại thành theo các Luật tố tụng (dân sự, hành chính) và theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Thẩm phán cùng cấp đã có Quyết định công nhận) đạt tỷ lệ từ 60% trở lên.

4.3. Chỉ tiêu phát triển án lệ

Thực hiện Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 13/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường hơn nữa công tác phát triển, áp dụng án lệ trong Tòa án nhân dân; tại các đơn vị (Vụ Giám đốc kiểm tra, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu) hoàn thành hoặc vượt chỉ tiêu đề xuất các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để phát triển thành án lệ là một trong các căn cứ để tính điểm thưởng trong bình xét thi đua.

4.4. Một số lưu ý khác

Các đơn vị, Tòa án nhân dân quan tâm, kịp thời đề nghị khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân trực tiếp xét xử, giải quyết xuất sắc các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ (thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực tiếp chỉ đạo), các vụ án liên quan đến dịch bệnh Covid-19 (được xã hội và các cấp lãnh đạo ghi nhận, đánh giá cao); các tập thể, cá nhân có tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành vượt chỉ tiêu cao nhất; triển khai thực hiện xuất sắc Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; các quy định của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm với các hình thức linh hoạt dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, quy định về công khai bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân...

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Thi đua-Khen thưởng) để tổng hợp, báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định./.

 

ĐỀ CƯƠNG

BÁO CÁO SƠ KẾT CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 48/QĐ-TANDTC-TĐKT ngày 09/3/2022 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
ĐƠN VỊ …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:      /BC-TĐKT

…………, ngày   tháng   năm 2022

 

BÁO CÁO

Sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Quá trình triển khai nhiệm vụ và những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện của cơ quan, đơn vị, Cụm thi đua.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác thi đua, khen thưởng

- Phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về công tác thi đua, khen thưởng (nêu rõ hình thức, văn bản đã phổ biến).

- Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, chương trình, kế hoạch kiểm tra về thi đua, khen thưởng trong năm.

2. Tổ chức, triển khai thực hiện phong trào thi đua

a) Phong trào thi đua của Tòa án nhân dân

- Việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua của Tòa án nhân dân, nhất là phong trào thi đua đặc biệt “Tòa án nhân dân cùng cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, phong trào thi đua năm 2022 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, nêu gương, vì Công lý” và tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên trong năm, phong trào thi đua theo đợt/chuyên đề (nêu rõ chủ đề, nội dung phong trào).

- Tổ chức phát động thi đua, ký giao ước thi đua và chấp hành quy định về đăng ký thi đua.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết phong trào thi đua đã phát động.

b) Kết quả thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát động

3. Kết quả thực hiện các chỉ tiêu thi đua về chuyên môn nghiệp vụ

Nêu rõ số lượng, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tổng số vụ việc dân sự, vụ án hành chính hòa giải thành, đối thoại thành (theo Luật tố tụng và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án); tổng số phiên tòa rút kinh nghiệm và số phiên tòa bình quân/Thẩm phán; số bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử/tổng số bản án, quyết định thuộc diện phải công bố; công tác thi hành án phạt tù, thanh tra, kiểm tra (nêu rõ số liệu chứng minh)...

4. Công tác khen thưởng

- Việc triển khai thực hiện các quy định về khen thưởng, nhất là công tác lập, giải quyết hồ sơ đề nghị khen thưởng; việc trích lập, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán quỹ thi đua, khen thưởng năm 2022.

- Kết quả khen thưởng 6 tháng đầu năm 2022 (tách riêng số liệu khen thưởng dịp tổng kết năm 2021): Tổng số tập thể, cá nhân được khen và số lượng tập thể, cá nhân cụ thể đối với từng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã được tặng; số lượng, tỷ lệ cá nhân không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được khen thưởng; số lượng, tỷ lệ tập thể nhỏ được khen thưởng; số lượng, tỷ lệ các trường hợp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phát hiện, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng; số lượng tập thể, cá nhân được khen thưởng về công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống dịch Covid-19 và khen thưởng theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (So sánh các số liệu với cùng kỳ năm 2021).

* Lưu ý: Có biểu thống kê riêng về số lượng, tỷ lệ khen thưởng theo các tiêu chí nêu trên.

5. Công tác tuyên truyền, xây dựng điển hình tiên tiến

- Việc triển khai xây dựng, ban hành các văn bản, kế hoạch tuyên truyền, xây dựng điển hình tiên tiến năm 2022.

- Kết quả xây dựng điển hình tiên tiến (Nêu rõ số lượng tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến của cơ quan, đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022; các mô hình mới, nhân t, điển hình tiên tiến mới được phát hiện;...);

- Việc biểu dương, vinh danh các điển hình tiên tiến.

6. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng

- Công tác củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng: số lượng, chất lượng công chức; tính chất hoạt động chuyên trách/kiêm nhiệm; xây dựng, ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng và Hội đồng Khoa học-Sáng kiến cơ sở.

- Hoạt động của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng, Hội đồng Khoa học-Sáng kiến cơ sở trong việc tham mưu cho cấp ủy, thủ trưởng cơ quan (số lượng đề nghị khen thưởng, số lượng sáng kiến, giải pháp công tác đã được công nhận).

7. Kết quả triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

8. Các hoạt động công tác khác: Cải cách đổi mới thủ tục hành chính-tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức cán bộ (nêu rõ số cán bộ bị kỷ luật, hình thức kỷ luật); hoạt động của các tổ chức đoàn thể (tổ chức Đảng, đoàn thể) trong cơ quan, đơn vị; quản lý, sử dụng kinh phí, cơ sở vật chất; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; hoạt động xã hội, từ thiện (nêu rõ các hoạt động và tổng số tiền, hiện vật ủng hộ);...

III. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Ưu điểm

2. Tồn tại, hạn chế

3. Nguyên nhân

4. Giải pháp khắc phục

IV. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ CÔNG TÁC THI ĐUA, KHEN THƯỞNG 6 THÁNG CUỐI NĂM 2022

1. Các nhiệm vụ trọng tâm công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng cuối năm 2022

2. Biện pháp tổ chức thực hiện

3. Kiến nghị, đề xuất (nếu có).

 


Nơi nhận:
- Đ/c Chánh án TANDTC (để báo cáo);
- Đ/c PCA TANDTC phụ trách (để báo cáo);
- Vụ TĐ-KT TANDTC;
- Trưởng Cụm thi đua (để báo cáo);
- Lưu:....

THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký tên, đóng dấu)