Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 480/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THANH TRA DIỆN RỘNG CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG NĂM 2010

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Căn cứ Quyết định số 2512/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành Chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình thanh tra diện rộng năm 2010 về tài nguyên và môi trường.

Điều 2. Giao Chánh Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ kiểm tra, đôn đốc và tổ chức thực hiện Chương trình này; Căn cứ tình hình triển khai thực tế và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước để đề xuất việc điều chỉnh Chương trình này cho phù hợp.

Điều 3. Các công Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên (để báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ;
- Các Bộ (để phối hợp);
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (để phối hợp);
- Các Sở Tài nguyên và Môi trường (để thực hiện);
- Lưu: VT, TTr.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Mạnh Hiển

 

CHƯƠNG TRÌNH

THANH TRA DIỆN RỘNG VỀ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 480/QĐ-BTNMT ngày 05 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đảm bảo việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường thống nhất, hạn chế sự trùng lặp các đoàn thanh tra, kiểm tra của các đơn vị trong Bộ và giữa kế hoạch của Bộ với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

- Tăng cường sự phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường giữa các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Kết quả của các cuộc thanh tra sẽ đánh giá một cách tổng thể công tác quản lý của địa phương và chấp hành pháp luật của đối tượng thanh tra, phát hiện những bất cập trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường đối với các công trình, dự án thủy điện, sân gôn, các khu công nghiệp… để sửa đổi, bổ sung kịp thời, đồng thời qua đó tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm làm cơ sở đề ra các biện pháp giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường ngày càng hiệu quả.

- Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường vào trật tự, kỷ cương và phục vụ tốt cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

2. Yêu cầu

- Việc thanh tra phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao.

- Các cuộc thanh tra được tiến hành nhanh, gọn, đúng đối tượng, đúng nội dung, thời gian theo Quyết định thanh tra; thu thập đầy đủ, có chất lượng các thông tin, tài liệu có liên quan đến cuộc thanh tra; quá trình thanh tra phải đảm bảo yêu cầu chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ không làm cản trở đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và thực hiện nghiêm túc chế độ bảo mật và chế độ thông tin, báo cáo.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG, THÀNH LẬP CÁC ĐOÀN THANH TRA VÀ THỜI GIAN THANH TRA

1. Thanh tra việc bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật khoáng sản trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên các lưu vực sông và chấp hành pháp luật tài nguyên nước trong hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất tại các tỉnh miền Tây Nam bộ

1.1. Nội dung thanh tra việc bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật khoáng sản trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên các lưu vực sông

a) Đối với công tác quản lý nhà nước của địa phương từ năm 2006 đến nay

- Việc ban hành các văn bản quản lý nhà nước về quản lý, khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.

- Tình hình thực hiện của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc cấp giấy phép khảo sát, thăm dò, khai thác, kinh doanh cát, sỏi, nạo vét kết hợp thu hồi cát, sỏi lòng sông; việc thu hồi các giấy phép thăm dò, khai thác và kinh doanh cát, sỏi đã cấp không đúng quy định; việc xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Tình hình thực hiện công tác khoang định, phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; xây dựng, phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền (trong đó có cát, sỏi lòng sông); việc quy hoạch cảng, bến bãi tập kết cát, sỏi theo quy định; những bất cập trong quá trình thực hiện.

- Công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và giải quyết “điểm nóng” về khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn địa phương.

b) Đối với hoạt động khai thác cát, sỏi của các tổ chức, cá nhân

* Các tổ chức, cá nhân đã được thanh tra, kiểm tra:

- Kiểm tra việc thực hiện các kết luận của các Đoàn thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua.

- Kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi sau thời điểm thanh tra, kiểm tra.

* Các tổ chức, cá nhân chưa được thanh tra, kiểm tra:

- Việc thực hiện các quy định trong giấy phép hoạt động khoáng sản.

- Nghĩa vụ lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Bản cam kết bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp giảm thiểu tác động tới môi trường; ký quỹ phục hồi môi trường trong khai thác; nộp phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

- Ảnh hưởng của hoạt động khai thác cát, sỏi tới sự biến đổi dòng chảy ở các sông, suối và những vấn đề khác tới môi trường sinh thái.

1.2. Nội dung thanh tra việc chấp hành pháp luật tài nguyên nước trong hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất

a) Đối với công tác quản lý nhà nước của địa phương từ năm 2006 đến nay

- Tình hình ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn về tài nguyên nước;

- Về việc cấp, thu hồi giấy phép về tài nguyên nước;

- Công tác điều tra, quy hoạch về tài nguyên nước; quy định về khu vực cấm, hạn chế hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm dưới đất.

- Công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước; giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước.

b) Đối với hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất của các tổ chức, cá nhân.

- Việc tuân thủ các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Tài nguyên nước và các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT ngày 31 tháng 12 năm 2008 về việc ban hành Quy định Bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

- Lấy mẫu và trưng cầu giám định mẫu nước thải để đánh giá chất lượng môi trường.

- Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ tài nguyên nước.

- Việc thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước.

- Thực hiện nghĩa vụ tài chính: việc nộp thuế tài nguyên nước; phương án, bồi thường thiệt hại gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

- Việc thực hiện nghĩa vụ trám lấp giếng theo quy định.

- Việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng các nguồn nước dưới đất.

1.3. Đối tượng thanh tra

- UBND cấp tỉnh và cơ quan tham mưu của UBND cấp tỉnh của 13 tỉnh miền Tây Nam bộ: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau trong hoạt động quản lý khoáng sản và hoạt động quản lý tài nguyên nước tại địa phương.

- Các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác cát, sỏi trên các lưu vực sông và hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất tại 13 tỉnh miền Tây Nam bộ nêu trên.

1.4. Thành lập các Đoàn thanh tra

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định thành lập 04 Đoàn thanh tra, trên cơ sở đó các đoàn thanh tra sẽ chia thành các Tổ để triển khai đối với một số đối tượng thanh tra trọng điểm trên địa bàn các tỉnh (Danh sách chi tiết các đối tượng và địa điểm thanh tra được công bố kèm theo Quyết định thanh tra). Thành phần của mỗi Đoàn thanh tra bao gồm:

- Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Thanh tra Bộ.

- Cán bộ trưng tập từ các Bộ, ngành Trung ương có liên quan.

- Cán bộ của các địa phương có liên quan bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các đối tượng còn lại (Có danh sách chi tiết khi ban hành Quyết định thanh tra) các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra và báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

1.5. Thời gian tiến hành

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4 năm 2010.

2. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường, đất đai, tài nguyên nước đối với các dự án có sân gôn trên cả nước

2.1. Nội dung thanh tra

a) Về Dự án đầu tư và quản lý sử dụng đất

- Lập, phê duyệt dự án đầu tư có sân gôn; sự phù hợp của dự án đầu tư đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn.

- Việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư; việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Việc chấp hành nghĩa vụ tài chính về đất.

- Việc thực hiện dự án đầu tư: việc thực hiện các hạng mục công trình trong dự án đầu tư; tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

- Việc kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án đầu tư có sân gôn.

b) Về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường

- Về việc lập và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Tình hình thực hiện Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải.

- Tình hình thực hiện chương trình giám sát môi trường.

- Lấy mẫu và trưng cầu giám định mẫu nước thải, mẫu đất để đánh giá chất lượng môi trường.

c) Về tài nguyên nước

- Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, suy thoái tài nguyên nước.

2.2. Đối tượng thanh tra

Các chủ dự án có sân gôn trên cả nước.

2.3. Thành lập các Đoàn thanh tra

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định thành lập 06 Đoàn thanh tra để triển khai tại 03 khu vực (miền Nam, miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên). Thành viên Đoàn Thanh tra bao gồm: Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước, cán bộ trưng tập từ các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan.

2.4. Thời gian tiến hành

Từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7 năm 2010.

3. Thanh tra việc thực hiện trách nhiệm của các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi theo quy định của Nghị định số 112/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi tại các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc

3.1. Nội dung thanh tra

a) Thanh tra việc tuân thủ pháp luật về tài nguyên nước

- Việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

- Cung cấp thông tin để kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước; chế độ báo cáo khai thác tài nguyên nước.

- Thực hiện nghĩa vụ tài chính; phương án bồi thường thiệt hại gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

- Việc sử dụng hợp pháp nguồn tài nguyên nước; thực hiện các quy định ghi trong giấy phép khai thác nước.

- Sử dụng tài nguyên nước theo quy hoạch lưu vực sông, thực hiện chế độ dòng chảy tối thiểu; kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước; công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; quy định về bảo vệ môi trường.

- Phương án bảo đảm an toàn công trình; công tác phòng chống lũ lụt, hạn hán cho hạ du.

b) Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai.

- Việc lập và phê duyệt dự án đầu tư.

- Việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

- Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.

- Việc cắm mốc và sử dụng hành lang an toàn công trình thủy điện.

c) Thanh tra chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường

- Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, việc tuân thủ nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt đối với dự án thủy điện.

- Thanh tra việc thu gom, xử lý chất thải phát sinh từ quá trình kinh doanh, khai thác các công trình thủy điện, thủy lợi của các đơn vị.

d) Thanh tra tuân thủ pháp luật về Khí tượng Thủy văn

- Hoạt động công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng đo các yếu tố khí tượng thủy văn và môi trường.

- Sử dụng tư liệu khí tượng thủy văn, dự báo lưu lượng nước trong lưu vực về hồ chứa.

- Thực hiện theo giấy phép hoạt động công trình khí tượng thủy văn chuyên dùng của cơ quan có thẩm quyền.

- Thẩm định dự án công trình khí tượng thủy văn, hệ thống quan trắc tài nguyên môi trường hồ chứa.

3.2. Đối tượng thanh tra

Chủ công trình khai thác, sử dụng hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn 15 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

3.3. Thành lập các Đoàn thanh tra

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định thành lập 04 Đoàn thanh tra. Thành viên Đoàn Thanh tra bao gồm: Thanh tra Bộ, Tổng cục Môi trường, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và cán bộ trưng tập từ các địa phương.

3.4. Thời gian tiến hành

Từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11 năm 2010.

4. Thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường đối với các khu công nghiệp trên cả nước

4.1. Nội dung thanh tra

- Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp của các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (lập và thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường; việc thu gom và xử lý nước thải của khu công nghiệp; việc thực hiện quan trắc môi trường của khu công nghiệp…).

- Lấy mẫu và trưng cầu giám định mẫu nước thải của khu công nghiệp trước khi thải vào môi trường.

- Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp; số doanh nghiệp đã được cấp phép đầu tư vào khu công nghiệp; số doanh nghiệp đang hoạt động; tổng diện tích đất của khu công nghiệp; diện tích đất thuê của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

4.2. Đối tượng thanh tra

Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp trên địa bàn 54 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình.    

4.3. Thành lập các Đoàn thanh tra

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định thành lập các Đoàn thanh tra chung để tiến hành thanh tra đối với chủ đầu tư của các khu công nghiệp tại 54 tỉnh nêu trên. Thành phần các Đoàn Thanh tra bao gồm: Tổng cục Môi trường; Cục Cảnh sát Môi trường (C36); Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh được thanh tra; Ban quản lý các KCN; Công an tỉnh, thành phố.

4.4. Thời gian tiến hành

Từ đầu tháng 8 đến đầu tháng 9 năm 2010.

III. PHƯƠNG THỨC TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thành lập Ban Chỉ đạo

1.1. Thành phần của Ban Chỉ đạo

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thành lập Ban Chỉ đạo các cuộc thanh tra diện rộng, bao gồm:

- Trưởng ban: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Phó Trưởng ban: Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Thành viên thường trực: Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Cục Quản lý Tài nguyên nước, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu); Lãnh đạo Vụ I - Thanh tra Chính phủ; Lãnh đạo Thanh tra các Bộ có liên quan.

- Thành viên không thường trực: Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phụ trách công tác thanh tra, kiểm tra ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn làm địa bàn thanh tra để chỉ đạo thực hiện.

1.2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo

- Tổ chức, điều hành, hướng dẫn, đôn đốc các đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ; tổ chức tập huấn cho các địa phương và các Đoàn thanh tra.

- Định hướng công tác thông tin, tuyên truyền đạt kết quả tốt; tổ chức, tuyên truyền nội dung, kết quả cuộc thanh tra.

- Chỉ đạo tổng hợp, đánh giá kết quả cuộc thanh tra và tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm.

2. Thành lập Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo

2.1. Thành phần của Tổ giúp việc

Ban Chỉ đạo thành lập tổ giúp việc gồm các thành phần sau:

- Lãnh đạo Thanh tra Bộ, Tổ trưởng.

- Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Thanh tra Bộ: Tổng hợp; Thanh tra Đất đai, Môi trường, Khoáng sản, Thanh tra Tài nguyên nước và Khí tượng Thủy văn và Thanh tra Tài nguyên và Môi trường phía Nam.

- Lãnh đạo thanh tra của Tổng cục Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và 01 cán bộ theo dõi công tác kiểm tra của Cục Quản lý Tài nguyên nước.

2.2. Nhiệm vụ của Tổ giúp việc

- Tổng hợp, báo cáo.

- Đôn đốc, kiểm tra và giám sát.

3. Tổ chức tập huấn

3.1. Thời gian, địa điểm và thành phần

a) Đợt  01: Tổ chức tập huấn về nội dung đã được nêu tại Mục 1 và Mục 2 Phần II cho 13 tỉnh miền Tây Nam bộ.

- Thời gian: 03 ngày (22 - 24 tháng 3 năm 2010).

- Địa điểm: thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Thành phần: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, thành viên Đoàn Thanh tra, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường 13 tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam bộ.

b) Đợt 2: Tập huấn về các nội dung thanh tra được nêu tại Mục 3, Mục 4 và Mục 5 phần II cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

- Thời gian: 03 ngày (10 - 12 tháng 5 năm 2010).

- Địa điểm: thành phố Hải Phòng

- Thành phần: Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc, thành viên Đoàn Thanh tra, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3.2. Trách nhiệm tổ chức tập huấn

* Thanh tra Bộ: Chủ trì tổ chức tập huấn.

* Tổng cục Quản lý đất đai: Phối hợp với Thanh tra Bộ Xây dựng nội dung tập huấn về thanh tra đất đai đối với các nội dung thanh tra có liên quan.

* Tổng cục Môi trường: Phối hợp với Thanh tra Bộ Xây dựng nội dung tập huấn về thanh tra môi trường đối với các nội dung thanh tra có liên quan.

* Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: Phối hợp với Thanh tra Bộ Xây dựng nội dung tập huấn về thanh tra khoáng sản đối với các nội dung thanh tra có liên quan.

* Cục Quản lý Tài nguyên nước: Phối hợp với Thanh tra Bộ Xây dựng nội dung tập huấn về thanh tra tài nguyên nước đối với các nội dung thanh tra có liên quan.

* Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu: Phối hợp với Thanh tra Bộ Xây dựng nội dung tập huấn về thanh tra khí tượng thủy văn đối với các nội dung thanh tra có liên quan.

4. Giao trách nhiệm tổ chức thực hiện

Giao trách nhiệm cho Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp với các Thanh tra các Bộ ngành ở Trung ương và các địa phương có liên quan thực hiện các nội dung cụ thể như sau:

4.1. Thanh tra Bộ: chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng cuộc thanh tra diện rộng; tổ chức tập huấn; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai các cuộc thanh tra theo đúng kế hoạch đã đề ra; tổng hợp báo cáo, kết luận của các Đoàn thanh tra và tổ chức tổng kết các cuộc thanh tra.

4.2. Tổng cục Quản lý đất đai: bố trí đủ lực lượng cán bộ để thực hiện các cuộc thanh tra có liên quan đến lĩnh vực đất đai.

4.3. Tổng cục Môi trường: bố trí đủ lực lượng cán bộ để thực hiện các cuộc thanh tra có liên quan đến lĩnh vực môi trường.

4.4. Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam: bố trí đủ lực lượng cán bộ để thực hiện các cuộc thanh tra có liên quan đến lĩnh vực khoáng sản.

4.5. Cục Quản lý Tài nguyên nước: bố trí đủ lực lượng cán bộ để thực hiện các cuộc thanh tra có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước.

4.6. Vụ Tổ chức, Vụ Kế hoạch, Văn phòng Bộ bố trí đủ kinh phí và các phương tiện để phục vụ các cuộc thanh tra diện rộng đạt kết quả cao.

Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan thực hiện Chương trình thanh tra diện rộng của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Tổng hợp báo cáo các Đoàn Thanh tra

- Chế độ báo cáo định kỳ: Các Đoàn phải báo cáo hàng tuần cho Thường trực Ban Chỉ đạo về tình hình triển khai của Đoàn mình vào thứ 6 hàng tuần trong suốt đợt triển khai. Các báo cáo có thể gửi qua địa chỉ email của Ban Chỉ đạo hoặc thông báo qua điện thoại trực tiếp cho Thường trực Ban Chỉ đạo (địa chỉ email sẽ được cung cấp trước khi các đoàn thanh tra triển khai).

- Báo cáo kết quả thanh tra: Sau 15 ngày kể từ ngày kết thúc thanh tra, các Đoàn thanh tra phải báo cáo kết quả thanh tra về Ban Chỉ đạo. Báo cáo được gửi bằng Văn bản cho Ban Chỉ đạo.

6. Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm

Sau khi các Đoàn thanh tra của một cuộc thanh tra diện rộng kết thúc, sẽ tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm để thực hiện các cuộc thanh tra diện rộng tiếp theo.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp và tổ chức tổng kết thanh tra diện rộng vào tháng 01 năm 2011.

7. Kinh phí tổ chức thực hiện

Dự kiến tổng kinh phí để tổ chức thực hiện 05 cuộc thanh tra là 7,5 tỷ đồng, bao gồm:

- Chi phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo: 400 triệu đồng.

- Chi phí cho việc triển khai các Đoàn thanh tra: 4 tỷ đồng.

- Chi phí lấy và phân tích mẫu về môi trường cho các Đoàn thanh tra: 2,4 tỷ đồng.

- Chi phí tổ chức tổng kết: 700 triệu đồng.