Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ  
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 482/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐỐI NGOẠI VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO VÀ VIỆT NAM - CAMPUCHIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 2113/BKH-KTĐN ngày 01 tháng 4 năm 2010 về việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định chung

1. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia gắn liền với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng an ninh.

2. Vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia được quy định tại Quyết định này bao gồm các tỉnh của Việt Nam có một phần địa giới hành chính trùng với đường biên giới đất liền Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia (danh sách tại Phụ lục kèm theo).

3. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại khu vực biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia. Các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức triển khai thực hiện cơ chế theo quy định hiện hành.

Điều 2. Phạm vi áp dụng.

1. Các tỉnh được quy định tại khoản 2 Điều 1 Quyết định này.

2. Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế của Việt Nam thực hiện các chương trình, dự án đầu tư tại các tỉnh nêu tại Phụ lục của Quyết định này và các tỉnh của Lào, Campuchia có biên giới đất liền với Việt Nam.

3. Cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia không áp dụng đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu.

Điều 3. Các cơ chế, chính sách khuyến khích

1. Ưu tiên đầu tư bằng vốn hỗ trợ hợp tác với Lào và Campuchia hàng năm từ ngân sách trung ương và nguồn hỗ trợ chính thức (ODA) dành cho các tỉnh của Việt Nam có biên giới với Lào hoặc Campuchia để:

a) Hỗ trợ xây dựng các khu liên kiểm của các cửa khẩu chính và cửa khẩu quốc tế, các tuyến đường thuộc khu vực cửa khẩu nối cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế với các trục đường chính. Ưu tiên mở các đường tuần tra biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát và tăng cường giao lưu kinh tế;

b) Các dự án chợ biên giới được ưu tiên hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Riêng chợ biên giới tại địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn ngân sách nhà nước hỗ trợ 80% tổng số vốn đầu tư xây dựng/chợ và địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% tổng số vốn đầu tư xây dựng/chợ;

c) Các dự án hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho bảo quản hàng hóa được hưởng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư theo quy định của Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

d) Hỗ trợ đầu tư trang, thiết bị, phương tiện cho các cơ quan kiểm soát liên ngành tại cửa khẩu nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát hàng xuất nhập khẩu, chống xâm phạm an ninh, chống buôn lậu và gian lận thương mại;

đ) Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất dành cho học sinh Lào, Campuchia của các cơ sở đào tạo từ bậc cao đẳng trở lên thuộc các tỉnh biên giới có đào tạo giúp Lào, Campuchia từ 30 cán bộ, học sinh/năm trở lên;

e) Hỗ trợ bổ sung từ ngân sách trung ương mỗi tỉnh biên giới từ 2 - 3 tỷ đồng/năm để đào tạo cán bộ, học sinh Lào, Campuchia hoặc hỗ trợ vật chất cho các tỉnh của Lào, Campuchia ngoài ngân sách đã được phân bổ hàng năm.

g) Ưu tiên, khuyến khích thực hiện các dự án quân, dân y kết hợp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; đầu tư xây dựng và nâng cấp các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã tại các huyện, xã biên giới với Lào và Campuchia và thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nước bạn Lào, Campuchia sống ở vùng biên giới sang khám, chữa bệnh ở Việt Nam;

h) Ưu tiên, khuyến khích thực hiện các dự án thuộc chương trình khống chế dịch bệnh nguy hiểm gia súc, gia cầm, dịch bệnh gây hại cây trồng vùng biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia;

i) Xây dựng, nâng cấp các trạm phát thanh, truyền hình, viễn thông phù hợp với quy mô, tính chất của từng vùng tại các huyện, cụm xã biên giới của Việt Nam giáp với Lào, Campuchia bảo đảm thông tin, tuyên truyền kịp thời tới các cư dân khu vực biên giới;

k) Xây dựng một số cụm dân cư tại các khu vực quan trọng đối với an ninh quốc gia ở các tỉnh có biên giới với Lào, Campuchia.

2. Ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư nêu tại khoản 2 Điều 2 Quyết định này khi thực hiện đầu tư (hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo Luật Đầu tư) tại các tỉnh của Lào, Campuchia có biên giới với Việt Nam:

a) Điều kiện được hưởng ưu đãi:

- Thực hiện mục tiêu sản xuất, kinh doanh điện có nhập khẩu điện về Việt Nam; khai thác, chế biến dầu khí, muối mỏ, quặng sắt, bauxite; trồng và chế biến sản phẩm từ cây công nghiệp; sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu từ nước khác; sản xuất chế biến, bảo quản sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản;

- Gắn hợp tác đầu tư với việc nâng cao đời sống cư dân biên giới và đảm bảo quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.

b) Chính sách ưu đãi:

- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam chính thức giới thiệu với các cơ quan có thẩm quyền của Lào, Campuchia, được áp dụng một số cơ chế, chính sách ưu đãi tại bản “Thỏa thuận Hà Nội năm 2007” ký giữa Việt Nam và Lào ngày 14 tháng 9 năm 2007, với Campuchia và Lào tại bản thỏa thuận “Cơ chế ưu đãi đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam ngày 26 tháng 11 năm 2008”;

- Cơ chế tín dụng đầu tư của Nhà nước:

+ Chủ đầu tư đảm bảo các điều kiện vay vốn theo quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước và có vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 15% tổng mức vốn đầu tư của dự án được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tại Ngân hàng Phát triển. Cơ chế cho vay thực hiện theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP và 106/2008/NĐ-CP.

+ Mức lãi suất tín dụng đầu tư được thực hiện theo quy định hiện hành;

+ Riêng đối với các dự án được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư:

(i). Được áp dụng hình thức bảo lãnh tín dụng đầu tư đối với các dự án do doanh nghiệp Việt Nam (nhà đầu tư Việt Nam) là chủ sở hữu 100% vốn theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu nhà nước;

(ii). Được Bộ Tài chính bảo lãnh cho Chủ đầu tư các khoản vay trong và ngoài nước để đầu tư cho các dự án và được miễn phí bảo lãnh nói trên;

+ Về đảm bảo tiền vay và thẩm định cho vay: việc bảo đảm tiền vay thực hiện theo quy định hiện hành nhưng được miễn thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm; đối với những dự án đặc biệt có vốn và quy mô lớn thuộc lĩnh vực quan trọng sẽ trình để Thủ tướng Chính phủ cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam được miễn thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ vốn vay nhưng Chủ đầu tư phải có cam kết trả đủ nợ vay (gốc và lãi) của dự án.

Riêng đối với các dự án về thăm dò khai thác khoáng sản, hình thức đảm bảo tiền vay đối với tín dụng đầu tư của nhà nước chỉ được xem xét ở giai đoạn khai thác, chế biến.

3. Ưu đãi đối với các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư tại các tỉnh biên giới của Việt Nam.

a) Điều kiện được hưởng ưu đãi:

- Xuất khẩu ít nhất 50% giá trị hàng hóa sản xuất ra sang Lào hoặc Campuchia; hoặc:

- Nhập khẩu 100% nguyên liệu chính từ Lào hoặc Campuchia.

b) Chính sách ưu đãi:

- Thuộc diện được hưởng các cơ chế tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức vốn vay và bảo lãnh tối đa theo quy định hiện hành;

- Các ưu đãi khác được áp dụng như đối với việc đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ.

a) Làm cơ quan đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc các Bộ, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Quyết định này; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các vấn đề nảy sinh ngoài thẩm quyền;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để giới thiệu các nhà đầu tư Việt Nam với phía bạn;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương liên quan lập kế hoạch đầu tư hàng năm theo quy định hiện hành; các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Bộ Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về quy định vay, bảo lãnh vốn và các cơ chế chính sách ưu đãi liên quan đến Quyết định này.

3. Bộ Công thương:

Tổ chức nghiên cứu, bổ sung những cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực công nghiệp và thương mại cho phù hợp với chiến lược khuyến khích phát triển kinh tế đối ngoại khu vực biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và tích cực tổ chức thực hiện kêu gọi hợp tác, đầu tư những công trình dự án của ngành tại khu vực này.

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và phía Lào, Campuchia xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.

4. Bộ Giao thông vận tải: phối hợp với các địa phương đánh giá cụ thể thực trạng, rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các tuyến đường thuộc khu vực cửa khẩu nối cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế với các trục đường chính, đề xuất với Chính phủ phương án triển khai xây dựng.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

Phối hợp với phía Lào và Campuchia thỏa thuận nội dung an toàn lao động, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động và nội dung thỏa thuận về hợp tác lao động giữa Việt Nam với Lào và Việt Nam với Campuchia.

6. Bộ Ngoại giao:

Trên cơ sở các Điều ước thỏa thuận song phương, chỉ đạo các cơ quan ngoại giao ở Lào và ở Campuchia chủ động can thiệp khi có biểu hiện thực hiện không đúng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan đại diện Ngoại giao và Lãnh sự của Việt Nam tại Lào, Campuchia thực hiện tốt nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Lào và Campuchia theo quy định của pháp luật về Cơ quan đại diện.

Giao các cơ quan đại diện Ngoại giao và Lãnh sự của Việt Nam có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế khu vực biên giới giữa Việt Nam với Lào và Campuchia; chủ động can thiệp khi có biểu hiện không đúng, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp và công dân Việt Nam.

7. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an:

Trên cơ sở chiến lược quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, nghiên cứu tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các dự án thực hiện trong phạm vi khu vực biên giới ba nước đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế đối ngoại gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

8. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:

a) Khuyến khích các ngân hàng thương mại quan tâm và tạo điều kiện đảm bảo để các ngân hàng thương mại liên quan thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi này.

b) Phối hợp với Ngân hàng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Ngân hàng Quốc gia Campuchia tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mở chi nhánh ngân hàng hoặc liên doanh với các ngân hàng thương mại của Lào, Campuchia để mở chi nhánh ngân hàng tại mỗi nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động đầu tư; thương mại của các nhà đầu tư Việt Nam tại Lào, Campuchia.

9. Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới:

Phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương phía bạn giải quyết các công việc liên quan; quản lý và sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các khoản kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ.

10. Ngân hàng Phát triển Việt Nam:

Trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ chế ưu đãi về tín dụng đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện đầu tư tại các tỉnh của Lào, Campuchia có biên giới với Việt Nam.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 6. Điều khoản thi hành

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC

CÁC TỈNH VÙNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO VÀ VIỆT NAM - CAMPUCHIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 14 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Điện Biên

2. Sơn La.

3. Thanh Hóa.

4. Nghệ An.

5. Hà Tĩnh.

6. Quảng Bình.

7. Quảng Trị.

8. Thừa Thiên Huế.

9. Quảng Nam.

10. Kon Tum.

11. Gia Lai.

12. Đắk Lắk.

13. Đắk Nông.

14. Bình Phước.

15. Tây Ninh.

16. Long An.

17. Đồng Tháp.

18. An Giang.

19. Kiên Giang./.