ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 484/QĐ-UBND | Quảng Ngãi, ngày 10 tháng 7 năm 2017 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2017-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23/11/2009;
Căn cứ Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người cao tuổi;
Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;
Căn cứ Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;
Căn cứ Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;
Căn cứ Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 891/TTr-SYT ngày 27/6/2017 về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2025,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2017-2025
(Kèm theo Quyết định số 484/QĐ-UBND ngày 10/7/2017 của UBND tỉnh Quảng Ngãi)
SỰ CẦN THIẾT, CƠ SỞ XÂY DỰNG CỦA ĐỀ ÁN
I. Sự cần thiết xây dựng đề án
Trong cộng đồng xã hội, người cao tuổi (NCT) là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương bởi các yếu tố tác động của môi trường tự nhiên và xã hội. Do sức khỏe giảm sút, dễ mắc bệnh mãn tính nên NCT thường sinh buồn bực, phiền não, nảy sinh tâm lý sống thừa. Bên cạnh đó sự suy giảm trí nhớ, giác quan khiến NCT khó hoặc chậm nhận biết sự việc nên thấy mình yếu kém, lạc lõng. Họ cảm thấy cuộc sống hiện tại khó hòa hợp, dễ tủi thân, ngại giao tiếp, gây tâm lý cô đơn. Từ chỗ mất đi những khả năng đã có như không thể lái xe, không tự nấu ăn, không tự chăm sóc vệ sinh cơ thể... NCT phải lệ thuộc vào người khác nên lo lắng quá độ và lúc nào cũng đòi hỏi con cái quan tâm, chăm sóc. Họ rất dễ gắt gỏng khi con cái bê trễ trong việc đáp ứng những nhu cầu của mình. Vì vậy, con cái cần cư xử một cách tế nhị nhằm tránh làm các cụ có cảm giác bị hắt hủi hay ngược đãi.
Tất cả những lý do trên khiến NCT bắt đầu cảm thấy mình không còn có ích như trước và trở nên lo lắng quá độ nên có những xáo trộn tâm lý như phát bệnh trầm cảm hoặc trở nên lo lắng hay đa nghi. “Lòng tự trọng của NCT dễ bị tổn thương; NCT dễ tủi thân, cáu kỉnh vô cớ, hờn dỗi; cảm giác hụt hẫng lúc về hưu; sự cô đơn và mong được quan tâm chăm sóc... Nhìn chung NCT có những thay đổi tâm lý phần lớn thuộc về tâm lý tiêu cực.
Theo kết quả Điều tra Quốc gia về NCT năm 2011 cho thấy, hơn 60% số NCT có tình trạng sức khỏe yếu hoặc rất yếu cần người chăm sóc. Các bệnh mãn tính thường gặp ở NCT là bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; các bệnh rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường, thoái hóa khớp, loãng xương, bệnh gút, suy thận mãn tính; các bệnh không lây nhiễm khác như ung thư, hen phế quản, tắc nghẽn mạch phổi; sa sút trí tuệ tuổi già... NCT đang phải đối diện gánh nặng “bệnh tật kép” và các bệnh mãn tính, cần nhiều thời gian điều trị, thậm chí phải điều trị suốt đời. Vì vậy, người thân và những người chăm sóc NCT cần có được sự hiểu biết về những thay đổi sinh lý, tâm lý và đặc điểm bệnh lý ở NCT để chăm sóc sức khỏe NCT một cách tốt nhất”.
Bên cạnh đó, sự già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, như hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi về hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống... và hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Theo kết quả điều tra năm 2010 của Tổng cục Thống kê và Điều tra dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tỷ lệ dân số từ 60 tuổi trở lên ở Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 10%, từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 7% tổng dân số vào năm 2017 và dân số Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn “già hóa” dân số từ năm 2011 và nằm trong tốp 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới cho thấy, thời gian quá độ chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở Việt Nam là 15 năm. Theo ước tính NCT ở nước ta hiện khoảng 10 triệu người, dự báo đến năm 2050, số NCT này sẽ tăng lên 32 triệu người, đưa nước ta trở thành quốc gia “siêu già” trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra những thách thức cho sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển bền vững của quốc gia và nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe NCT.
Tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam tăng đáng kể trong các thập kỷ qua, cụ thể tuổi thọ trung bình tăng từ 67 tuổi năm 1999 lên 72,8 tuổi năm 2010, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuổi thọ tăng đồng nghĩa là số người cao tuổi cũng nhiều hơn, tạo ra cơ cấu dân số theo tuổi của Việt Nam có sự thay đổi đáng kể theo hướng giảm tỷ trọng của dân số ở các nhóm tuổi trẻ và tăng ở các nhóm tuổi trung niên và cao tuổi. Năm 1979, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam là 6,7% (3,7 triệu người) đến năm 2012 là 10,2% (9.058.549 người), năm 2015 là 11,1% (10.179.122 người) và xu hướng này vẫn tiếp tục diễn ra trong các thập kỷ tới[1].
Quảng Ngãi là một trong các tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi ở mức cao và tốc độ gia tăng nhanh, cụ thể: năm 2012 là 12,53% (150.553 người), năm 2013 là 12,99% (159.831 người), năm 2014 là 13,28 % (167.263 người), năm 2015 là 13,60% (174.367 người); năm 2016 là 13,71% (182.269 người)[2].
Tỷ lệ người cao tuổi tăng cao sẽ tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh của cá nhân, gia đình, cộng đồng và của toàn xã hội. Trong khi đó 68,2% NCT Việt Nam sinh sống tại nông thôn, làm nông nghiệp, 70% NCT không có tích lũy.
Thực hiện Thông tư 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong những năm qua ngành y tế trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người cao tuổi dựa vào cộng đồng tại 27 xã/phường với 423 tình nguyện viên viên thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe cho 69.761 người cao tuổi; Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người cao tuổi cho 54.941 người; Đảm bảo người cao tuổi tại địa phương được khám sức khỏe định kỳ 1 lần/năm cho 44.435 người cao tuổi; Cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế cho 2.422 người cao tuổi.
Để ứng phó với một xã hội già hóa, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình Hành động Quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đề án được coi là một giải pháp kịp thời nhằm chăm sóc sức khỏe NCT, góp phần phát huy vai trò NCT, ứng phó những thách thức của một xã hội già hóa. Theo đó, các giải pháp, nhiệm vụ và hoạt động chủ yếu chú trọng vào các nội dung: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe NCT; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho NCT; xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT; hoàn thiện chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia chăm sóc sức khỏe NCT. Trên cơ sở Đề án “Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025” của Bộ Y tế, UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2025 là hết sức cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
1. Căn cứ pháp lý
- Luật Người cao tuổi năm 2009;
- Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
- Nghị định số 06/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi;
- Quyết định 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
- Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;
- Quyết định 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030;
- Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi;
- Thông tư 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;
- Quyết định số 7618/QĐ-BYT của Bộ Y tế ngày 30/12/2016 về việc phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025.
- Quyết định 612/QĐ-UBND ngày 02/5/2013 của UBND tỉnh về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2013 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi;
- Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017 của Bộ Y tế về hướng dẫn xây dựng và triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;
- Công văn số 14626/BTC-HCNS ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính về bố trí kinh phí và phát huy vai trò người cao tuổi.
2. Căn cứ thực tiễn
- Thực trạng về đời sống sức khỏe tinh thần và thể chất NCT tỉnh Quảng Ngãi;
- Nhu cầu thực tiễn về chăm sóc ngày càng cao và đa dạng của NCT trong giai đoạn hiện nay.
3. Căn cứ dự báo
- Tỷ lệ người cao tuổi của tỉnh được dự báo gia tăng nhanh trong giai đoạn 2017-2025.
1. Tên Đề án: Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2017-2025.
- Cơ quan chủ trì: Sở Y tế Quảng Ngãi.
- Cơ quan thực hiện: Chi cục Dân Số-Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Ngãi.
- Cơ quan phối hợp thực hiện: Cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương; các sở, Ban, ngành, hội đoàn thể; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại cộng đồng người cao tuổi sinh sống.
- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017-2025.
2. Phạm vi của Đề án: Trên địa bàn 14 huyện/thành phố thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
3. Đối tượng thụ hưởng: Người cao tuổi, gia đình có người cao tuổi.
1. Mục tiêu tổng quát
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về NCT, Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
* Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 100% lãnh đạo, các cấp ủy Đảng chính quyền, ban ngành đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi;
- 100% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
b) Nâng cao sức khỏe của người cao tuổi trên cơ sở nâng cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi.
* Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe;
- 80% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.
c) Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà,...)
Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 100% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
- 100% bệnh viện tuyến tỉnh có tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi;
- 70% bệnh viện tuyến huyện đến tỉnh có tổ chức buồng khám bệnh riêng cho người cao tuổi tại Khoa Khám bệnh.
- 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
d) Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc sức khỏe tập trung.
Chỉ tiêu đến năm 2025: 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng;
III. Phân kỳ giai đoạn thực hiện đề án
Đề án được thực hiện từ 2017 đến 2025 và chia làm 2 giai đoạn:
1. Giai đoạn 1 (2017-2020): Tập trung chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng: tăng cường các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã; tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi của các cơ sở y tế; thực hiện theo quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật trong các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hướng dẫn sử dụng Bảo hiểm y tế trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tổ chức, quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phổ biến các tài liệu, tổ chức đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; thực hiện các mô hình, loại hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn; xây dựng phong trào xã/phường phù hợp với người cao tuổi.
2. Giai đoạn 2 (2021-2025): Tổng kết giai đoạn 1, lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của kế hoạch đã triển khai có hiệu quả trong giai đoạn 1; nhân rộng các mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi, ưu tiên cho các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; tạo môi trường thân thiện cho người cao tuổi thông qua việc thúc đẩy phong trào xã/phường/thị trấn phù hợp với người cao tuổi; hướng dẫn tổ chức, quản lý các cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, triển khai chính sách huy động các nguồn lực bao gồm cả tư nhân trong việc thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
IV. Giải pháp, nhiệm vụ và các hoạt động chủ yếu
1. Nhiệm vụ 1: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
a) Nội dung
- Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh đạo Đảng, Chính quyền, Đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình “già hòa dân số” đối với việc chăm sóc sức khỏe NCT nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh phí cho các nội dung thích ứng với xã hội “dân số già hóa”; xây dựng môi trường y tế thân thiện với NCT.
- Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; cơ quan, tổ chức và gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị và coi tuổi già là gánh nặng; giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình có NCT; trách nhiệm thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo cho tuổi già khi còn trẻ bao gồm việc mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
- Thực hiện hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với NCT và gia đình có NCT.
b) Các hoạt động chủ yếu
Giai đoạn 2017-2020:
- Thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng các chuyên mục, phóng sự phát trên sóng truyền hình, Đài phát thanh; Đài truyền thanh xã/phường; xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên báo ở địa phương.
- Nhân bản các sản phẩm truyền thông, tư vấn mẫu (tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, cẩm nang...) cấp cho đối tượng vào năm 2017, 2018.
- Định kỳ tổ chức các sự kiện truyền thông, các hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn.
- Thường xuyên tổ chức truyền thông trực tiếp hướng dẫn chăm sóc và NCT tự chăm sóc.
- Lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác.
Giai đoạn 2021-2025:
Triển khai duy trì và bổ sung mở rộng một số hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.
2. Nhiệm vụ 2: Xây dựng, phát triển phong trào xã/phường/thị trấn “phù hợp với người cao tuổi”
a) Nội dung
Triển khai xây dựng phong trào xã/phường/thị trấn phù hợp với NCT (Các phong trào vệ sinh thân thể, rèn luyện sức khỏe, tổ chức hội thi...), triển khai thí điểm, phát động phong trào thực hiện xã/phường/thị trấn phù hợp với NCT.
b) Các hoạt động chủ yếu
Giai đoạn 2017-2020:
- Năm 2019, 2020 phối hợp triển khai thử nghiệm xây dựng xã/phường/thị trấn phù hợp với NCT.
Giai đoạn 2021-2025:
Căn cứ vào kết quả triển khai giai đoạn 2017-2020, triển khai xây dựng xã/phường/thị trấn phù hợp với NCT trong toàn tỉnh.
3. Nhiệm vụ 3: Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi
a) Nội dung
- Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại gia đình và cộng đồng.
- Tổ chức tập huấn về lão khoa, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực cho các phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu có giường điều trị người bệnh là NCT thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thực hiện khám và chữa, bệnh cho NCT.
b) Các hoạt động chủ yếu
* Giai đoạn 2017-2020:
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho cán bộ y tế cơ sở.
- Đầu tư bổ sung trang thiết bị thiết yếu cho y tế cơ sở thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng đồng.
- Thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT tại trạm y tế xã/phường/thị trấn theo quy định, bao gồm:
+ Tuyên truyền phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở NCT.
+ Hướng dẫn NCT các kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe.
+ Khám bệnh, chữa bệnh cho NCT tại trạm y tế và tại nơi cư trú của NCT.
+ Trạm y tế phối hợp với gia đình NCT có kế hoạch chăm sóc sức khỏe đối với đối tượng NCT không tự chăm sóc.
- Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi.
- Khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho NCT.
- Năm 2018, xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí để thực hiện cung cấp trang thiết bị cho các phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là NCT của 100% bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố.
- Bố trí cán bộ tham dự các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật theo tiến độ.
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cơ sở y tế và cán bộ y tế thực hiện khám, chữa bệnh cho NCT
* Giai đoạn 2021-2025:
- Triển khai thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe NCT thành hoạt động thường quy tại trạm y tế xã/phường/thị trấn.
- Căn cứ đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2017-2020, duy trì và bổ sung các hoạt động phù hợp với giai đoạn 2021-2025.
- Năm 2021, xây dựng kế hoạch sử dụng kinh phí để thực hiện cung cấp cho các phòng khám lão khoa, khoa lão hoặc có giường điều trị người bệnh là NCT của các cơ sở KCB, để 100% số bệnh viện có khoa lão hoặc có giường điều trị người bệnh là NCT.
- Căn cứ đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn 2017-2020, duy trì và bổ sung các hoạt động phù hợp với giai đoạn 2021-2025.
4. Nhiệm vụ 4: Xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình
a) Nội dung
Phát triển đội ngũ chăm sóc sức khỏe NCT tại gia đình nhằm thực hiện quản lý sức khỏe NCT (theo dõi, thăm tại nhà) tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, lồng ghép với quản lý sức khỏe cộng đồng, quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại gia đình để đến năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe cho NCT.
b) Các hoạt động chủ yếu
Giai đoạn 2017-2020:
- Thành lập tổ tình nguyện viên ở cấp xã (Trưởng trạm y tế là Tổ trưởng, cán bộ dân số và đại diện Hội NCT xã là Tổ phó; thành viên: Mỗi thôn có 3-5 người tình nguyện viên là cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, hội viên Hội NCT và thành viên một số ban ngành ở thôn/ấp/bản/làng).
- Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới tình nguyện viên về kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT
- Trang bị một số thiết bị thiết yếu phục vụ chăm sóc sức khỏe NCT cho tình nguyện viên.
- Duy trì các hoạt động của tổ tình nguyện viên ở cấp xã/phường/thị trấn, bao gồm:
+ Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho NCT tại hộ gia đình được phân công.
+ Theo dõi, ghi chép tình hình sức khỏe của NCT được phân công.
+ Tổ chức các buổi họp của Tổ tình nguyện viên hàng tháng.
- Triển khai thí điểm mô hình sử dụng bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.
Giai đoạn 2021-2025:
- Tiếp tục duy trì các hoạt động giai đoạn 2017-2020, triển khai bổ sung mở rộng địa bàn và một số hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.
- Phát triển mô hình sử dụng mạng lưới bác sỹ gia đình tham gia chăm sóc sức khỏe NCT đã triển khai thí điểm ở giai đoạn 2017-2020.
5. Nhiệm vụ 5: Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác.
a) Nội dung
- Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT hoặc lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào sinh hoạt của câu lạc bộ liên thế hệ, các loại hình câu lạc bộ của NCT với sự tham gia của NCT và người nhà của NCT thúc đẩy cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe của NCT và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT cho người nhà. Phấn đấu 70% số xã có CLB có nội dung chăm sóc sức khỏe NCT vào năm 2025.
- Triển khai mô hình xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung ở một số địa bàn, trên cơ sở đó xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tập trung cho NCT.
b) Các hoạt động chủ yếu
Giai đoạn 2017-2020:
- Xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe NCT.
- Lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe vào các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác.
- Tổ chức tập huấn về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho người nhà người cao tuổi, chủ nhiệm câu lạc bộ để hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe
- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ tập trung tại nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố hoặc các cơ sở khác có đủ điều kiện để:
+ Hướng dẫn kiến thức về rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là phòng các bệnh thường gặp ở NCT.
+ Hướng dẫn, cung cấp một số dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho NCT đơn giản, dễ thực hiện cho người nhà NCT.
+ Chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu.
- Năm 2018: Triển khai thí điểm mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn và mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày tại tỉnh.
- Năm 2020: Phối hợp đánh giá đánh giá kết quả mô hình, xây dựng các quy định để triển khai mở rộng mô hình.
Giai đoạn 2021-2025:
- Tiếp tục duy trì các hoạt động giai đoạn 2017-2020, triển khai bổ sung mở rộng địa bàn và một số hoạt động theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.
- Kêu gọi xã hội hóa đầu tư Triển khai Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn và Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày theo hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.
6. Nhiệm vụ 6: Phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi
a) Nội dung
- Xây dựng quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi các cấp tỉnh, huyện, xã/phường/thị trấn.
- Cử bác sỹ tham gia học chuyên khoa lão khoa chăm sóc sức khỏe NCT. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đối tượng có nhu cầu
b) Các hoạt động chủ yếu
Giai đoạn 2017-2020
- Phối hợp với Trung ương xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cấp tỉnh, huyện, xã/phường/thị trấn.
- Đào tạo bác sỹ chuyên khoa lão khoa.
- Tập huấn về lão khoa cho các cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe NCT.
- Đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho người thân NCT.
- Tập huấn các nhóm đối tượng có nhu cầu.
Giai đoạn 2021-2025: Đào tạo đáp ứng giai đoạn mới.
7. Nhiệm vụ 7: Phổ biến chính sách pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
a) Nội dung
Triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT.
b) Các hoạt động cụ thể
Giai đoạn 2017-2020:
- Phối hợp thực hiện các khảo sát đánh giá và đề xuất xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe NCT; các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe NCT;
- Tổ chức triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Giai đoạn 2021-2025:
- Tiếp tục tổ chức triển khai các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
- Phối hợp với Trung ương tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản đã được xây dựng và triển khai, đề xuất chỉnh sửa hoặc ban hành mới.
8. Nhiệm vụ 8: Triển khai một số nghiên cứu khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và hợp tác quốc tế
- Triển khai nhiên cứu khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi phù hợp với tình hình và điều kiện của địa phương phục vụ cho việc triển khai thực hiện Đề án.
- Tăng cường hợp tác với các cơ quan chuyên môn Trung ương về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.
9. Nhiệm vụ 9: Củng cố, phát triển, giám sát hệ thống chỉ số báo cáo thống kê về quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
- Sử dụng các chỉ số thống kê và quản lý, giám sát chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các địa phương theo quy định.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện theo kế hoạch định kỳ và đột xuất.
10. Nhiệm vụ 10: Thực hiện đánh giá đầu kỳ; giữa kỳ và cuối kỳ quá trình thực hiện các mục tiêu của kế hoạch
Giai đoạn 2017-2020:
- Năm 2017 thực hiện đánh giá đầu kỳ.
- Năm 2020 thực hiện đánh giá giữa kỳ kiểm điểm thực hiện các mục tiêu kế hoạch.
Giai đoạn 2021-2025:
- Năm 2025, thực hiện đánh giá cuối kỳ kiểm điểm thực hiện các mục tiêu của kế hoạch.
1. Nguồn vốn thực hiện
Kinh phí thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được đảm bảo từ nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác (các tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân tham gia) theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước.
2. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch:
Tổng kinh phí dự kiến giai đoạn 2017-2025: 26.162.800.000 đồng, trong đó:
- Giai đoạn 2017 - 2020: 11.876.800.000 đồng.
+ Năm 2017: 1.300.000.000 đồng (đã được bố trí);
+ Năm 2018: 3.961.400.000 đồng;
+ Năm 2019: 3.261.200.000 đồng;
+ Năm 2020: 3.354.200.000 đồng.
- Giai đoạn 2021 - 2025: 14.286.000.000 đồng.
+ Năm 2021: 3.249.200.000 đồng;
+ Năm 2022: 2.714.200.000 đồng;
+ Năm 2023: 2.784.200.000 đồng;
+ Năm 2024 là 2.704.200.000 đồng;
+ Năm 2025 là 2.834.200.000 đồng.
CƠ CHẾ QUẢN LÝ HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác văn xã làm Trưởng Ban, Giám đốc Sở Y tế làm Phó Trưởng Ban thường trực, Chủ tịch Hội người Cao tuổi tỉnh làm Phó Trưởng Ban; các thành viên Ban chỉ đạo gồm các Sở, ngành, Hội đoàn thể liên quan và Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh.
- Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả và đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu của Đề án.
2. Thành lập Ban quản lý Đề án cấp tỉnh do Lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng Ban, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ là phó ban thường trực, thành viên là Lãnh đạo Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Nghiệp vụ Y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các phòng của Chi cục Dân số - KHHGĐ và các đơn vị có liên quan.
Ban quản lý Đề án cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Giám đốc Sở Y tế xây dựng kế hoạch, dự toán nguồn lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh hàng năm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện.
3. Các huyện, thành phố: Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện, thành phố do Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách công tác văn xã làm Trưởng Ban, Giám đốc TTYT/TTYTDP làm Phó Trưởng Ban thường trực, Chủ tịch Hội người Cao tuổi huyện làm Phó Trưởng Ban; các thành viên Ban chỉ đạo gồm các ban, ngành, Hội đoàn thể liên quan và Giám đốc Trung tâm DS-KHHGD huyện, thành phố.
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung của Đề án theo từng giai đoạn (2017 - 2020 và 2021-2025) đảm bảo hiệu quả.
- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu trình UBND tỉnh Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về người cao tuổi; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật;
- Hàng năm xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Đề án gửi Sở Tài chính thẩm định về mức và nguồn kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở tổ chức thực hiện.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung của Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện các hoạt động của Đề án; định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các quy trình về hệ thống tổ chức quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các quy định, quy chế chuyên môn, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; hướng dẫn tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch giai đoạn 2017- 2020 và đề xuất kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2021- 2025.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo cho các hoạt động của Đề án; huy động sự hỗ trợ từ các nguồn lực hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tăng cường công tác xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
3. Sở Tài chính
Hàng năm trên cơ sở dự toán do Sở Y tế lập, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, Sở Tài chính thẩm định mức và nguồn kinh phí trình cơ quan thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí cho các hoạt động của Đề án; thực hiện thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Đề án.
4. Sở Tư pháp
- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về người cao tuổi cho nhân dân, đặc biệt là các gia đình có người cao tuổi.
- Nghiên cứu hướng dẫn, biên soạn đề cương, tài liệu tuyên truyền quy định về chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp của người cao tuổi; hướng dẫn, quy định trong các thiết chế văn hóa, xây dựng hương ước, quy ước, tiêu chuẩn thôn, bản, tổ dân phố văn hóa trong toàn tỉnh.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước về NCT; truyền thông những thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi; các kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe NCT và người cao tuổi tự chăm sóc.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Căn cứ chức năng nhiệm vụ, phối hợp với ngành Y tế và các sở ngành liên quan triển khai thực hiện, đề xuất các chế độ, chính sách nhằm chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi.
7. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, bổ sung chỉ tiêu chăm sóc người cao tuổi vào hương ước, quy ước xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, thôn bản, tổ dân phố văn hóa trong toàn tỉnh. Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, công nhận làng, thôn, bản, cơ quan, đơn vị văn hóa gắn liền với tiêu chí chăm sóc người cao tuổi; chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với Sở Y tế tổ chức các hoạt động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội người cao tuổi tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh, và các tổ chức thành viên khác.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai các hoạt động của Đề án; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi thuộc diện chính sách, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa.
9. UBND các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Đề án; đưa chỉ tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương; hỗ trợ, bổ sung kinh phí cho các hoạt động của Đề án trên địa bàn.
- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện, thành phố; chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường phối hợp và đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Nội dung cơ bản của Đề án hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng chính quyền, ban ngành đoàn thể về vấn đề già hóa dân số; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của tỉnh. Thực hiện thành công Đề án sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội như sau:
- Đề án được coi là một giải pháp kịp thời nhằm chăm sóc sức khỏe NCT, góp phần phát huy vai trò NCT, ứng phó những thách thức của một xã hội già hóa. Chất lượng sống của người cao tuổi là vấn đề rất đáng quan tâm hiện nay, cần có những chính sách, những can thiệp để người cao tuổi được “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
- Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi sẽ được cải thiện và nâng cao hơn; trí tuệ và kinh nghiệm của người cao tuổi được tận dụng, phát huy tối ưu trong quá trình xây dựng đời sống và phát triển xã hội.
- Kết quả thực hiện Đề án sẽ cải thiện tình trạng tâm lý của người cao tuổi; làm người cao tuổi sẽ nhận thấy mình được sống vui, sống khỏe và có ích cho xã hội.
- Thực hiện Đề án sẽ tăng cường các hoạt động giáo dục sức khỏe qua các phương tiện truyền thông, chú trọng đến nội dung phòng bệnh; Xây dựng, phát triển các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi; Quan tâm đến các đối tượng người cao tuổi dễ tổn thương, đặc biệt NCT sống trong hộ nghèo, phụ nữ, người già cô đơn, tàn tật, người từ 80 tuổi trở lên.
- Đề án đảm bảo tính nhân văn sâu sắc, đồng thời phát huy truyền thống của người Việt Nam con cháu trong gia đình, người nhỏ tuổi phải có trách nhiệm hiếu nghĩa với ông bà; cộng đồng xã hội phải tôn trọng và có trách nhiệm chăm sóc người cao tuổi. Khuyến khích mô hình gia đình nhiều thế hệ, tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng để thế hệ trẻ có trách nhiệm và những kiến thức chăm sóc cho người cao tuổi, ngoài ra cần có những hiểu biết về tâm sinh lý của người cao tuổi để tạo sự dung hòa trong cuộc sống gia đình giữa các thế hệ.
- Thực hiện tốt các nội dung của Đề án sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ngày càng bền vững; hướng tới mục tiêu xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
- 1 Kế hoạch 4287/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 2 Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 3 Quyết định 1102/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020
- 4 Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2025
- 5 Quyết định 1965/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2025
- 6 Kế hoạch 2720/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017-2020
- 7 Quyết định 2332/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 8 Kế hoạch 4020/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2025
- 9 Quyết định 7618/QĐ-BYT năm 2016 phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 10 Công văn 14626/BTC-HCSN năm 2016 về bố trí kinh phí và phát huy vai trò người cao tuổi do Bộ Tài chính ban hành
- 11 Luật ngân sách nhà nước 2015
- 12 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 13 Quyết định 122/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 14 Quyết định 1781/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 2013/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Thông tư 35/2011/TT-BYT hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi do Bộ Y tế ban hành
- 17 Thông tư 21/2011/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; chúc, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng người cao tuổi do Bộ Tài chính ban hành
- 18 Nghị định 06/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật người cao tuổi
- 19 Luật người cao tuổi năm 2009
- 20 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
- 1 Kế hoạch 4287/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 do tỉnh Phú Thọ ban hành
- 2 Kế hoạch 140/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn
- 3 Quyết định 1102/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2017-2020
- 4 Kế hoạch 208/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2017-2025
- 5 Quyết định 1965/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2017-2025
- 6 Kế hoạch 2720/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2017-2020
- 7 Quyết định 2332/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định
- 8 Kế hoạch 4020/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2025