Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 4848/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 05 tháng 09 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN CƠ QUAN BỘ CÔNG THƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Sau khi thống nhất với Ban Thường vụ Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương và theo đề nghị của Trưởng Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Công Thương.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định trước đây của Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại ban hành Quy chế làm việc của Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Công nghiệp, Bộ Thương mại.

Điều 3. Ban Thường vụ Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân, Thủ trưởng các đơn vị và cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các đồng chí Lãnh đạo Bộ;
- Lưu VT, Công đoàn Cơ quan Bộ, Ban TTND.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Bùi Xuân Khu

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN CƠ QUAN BỘ CÔNG THƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4848/QĐ-BCT ngày 5 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Công Thương

1. Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Công Thương (dưới đây gọi tắt là Ban Thanh tra nhân dân) là tổ chức thanh tra của cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương do Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương bầu ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.

2. Ban Thanh tra nhân dân gồm 09 (chín) thành viên là cán bộ, công chức đang công tác tại Cơ quan Bộ Công Thương, trong đó có 01 (một) Trưởng Ban, 01 (một) Phó Trưởng Ban và 07 (bảy) Ủy viên, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

3. Nhiệm kỳ của Ban Thanh tra nhân dân là 02 (hai) năm, bắt đầu từ nhiệm kỳ thứ nhất (2008 – 2010).

4. Trong nhiệm kỳ, nếu thành viên Ban Thanh tra nhân dân không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không còn được tín nhiệm thì Ban Chấp hành Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương đề nghị Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương bãi nhiệm và bầu người khác thay thế.

Điều 2. Nguyên tắc làm việc của Ban Thanh tra nhân dân

Ban Thanh tra nhân dân thực hiện chế độ làm việc tập thể, biểu quyết theo đa số và đề cao trách nhiệm cá nhân của mỗi thành viên trên cơ sở các nguyên tắc sau:

1. Công tác giám sát thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân được thực hiện cơ sở pháp luật; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời và không làm cản trở hoạt động bình thường của các đơn vị, cá nhân có liên quan.

2. Mỗi thành viên Ban Thanh tra nhân dân được phân công theo dõi, chịu trách nhiệm chính một số lĩnh vực công tác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân quy định tại Điều 3 và Điều 4 Quy chế này, nhưng không làm thay nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị, cá nhân có liên quan và có nhiệm vụ báo cáo công việc do mình phụ trách tại cuộc họp định kỳ hoặc bất thường (dưới đây gọi tắt là các cuộc họp) của Ban Thanh tra nhân dân, trừ trường hợp cần thiết, cấp bách cần báo cáo ngay với Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban.

3. Tuân thủ các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Ban Thanh tra nhân dân và Quy chế làm việc này.

4. Trưởng Ban Thanh tra nhân dân chịu trách nhiệm điều hành công việc chung của Ban Thanh tra nhân dân và phối hợp với các đơn vị trong Cơ quan Bộ Công Thương để thực hiện các nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CÁCH THỨC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 3. Nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương, Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ giám sát việc:

1. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan Bộ Công Thương.

2. Thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác của Cơ quan Bộ Công Thương.

3. Sử dụng kinh phí, bao gồm các nguồn kinh phí từ Ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí khác, trong đó có nguồn kinh phí ODA, của Cơ quan Bộ Công Thương.

4. Chấp hành chính sách, chế độ quản lý và sử dụng tài sản công của Cơ quan Bộ Công Thương.

5. Tuyển dụng, khen thưởng, kỷ luật, nâng bậc lương, nâng ngạch, đề bạt và việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước về quyền và lợi ích của cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương.

6. Thực hiện nội quy, quy chế làm việc của Cơ quan Bộ Công Thương.

7. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo; thực hiện các kết luận, quyết định xử lý về thanh tra, kiểm tra; xử lý các vụ, việc tham nhũng, lãng phí thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan Bộ Công Thương.

Điều 4. Quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân

1. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, Ban Thanh tra nhân dân có quyền đề nghị đơn vị, cá nhân có liên quan thuộc Cơ quan Bộ Công Thương cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám sát và được sử dụng kinh phí, phương tiện cần thiết của Cơ quan Bộ Công Thương để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

2. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương thì kiến nghị lãnh đạo cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó.

3. Trong trường hợp kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân không được cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, giải quyết hoặc thực hiện không đầy đủ, Ban Thanh tra nhân dân có quyền kiến nghị cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đó xem xét, giải quyết.

4. Trong trường hợp cần thiết, được Lãnh đạo Bộ Công Thương giao xác minh, làm rõ một số vụ, việc cụ thể có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 5. Cách thức giải quyết công việc của Ban Thanh tra nhân dân

1. Ban Thanh tra nhân dân giải quyết công việc chủ yếu thông qua thảo luận tại các cuộc họp và quyết nghị tập thể đối với từng vấn đề được đặt ra.

2. Đối với một số vấn đề xét thấy không cần thiết phải thảo luận tại cuộc họp hoặc do không có điều kiện tổ chức cuộc họp thì Trưởng Ban Thanh tra nhân dân gửi văn bản để lấy ý kiến các thành viên. Trong trường hợp có 2/3 (hai phần ba) số ý kiến nhất trí thì Trưởng Ban Thanh tra nhân dân ra quyết nghị giải quyết công việc; nếu có dưới 2/3 (hai phần ba) số ý kiến nhất trí thì vấn đề được đưa ra thảo luận tại cuộc họp gần nhất của Ban Thanh tra nhân dân.

3. Các vấn đề được thảo luận, quyết nghị tại các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân có hiệu lực thực hiện khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên dự họp nhất trí thông qua.

Trong trường hợp biểu quyết tại cuộc họp cũng như khi gửi văn bản để lấy ý kiến các thành viên, nếu số ý kiến nhất trí và không nhất trí bằng nhau thì quyết nghị giải quyết công việc được thực hiện theo ý kiến quyết định của Trưởng Ban.

Chương 3.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC THÀNH VIÊN, THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ, LÃNH ĐẠO BỘ, CÔNG ĐOÀN VÀ THANH TRA BỘ TRONG VIỆC THỰC HIỆN NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 6. Trách nhiệm của Trưởng Ban Thanh tra nhân dân

1. Chịu trách nhiệm chung về các lĩnh vực công tác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Xây dựng chương trình công tác và phân công theo dõi, chịu trách nhiệm chính các lĩnh vực công tác đối với các thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

3. Tổ chức và điều hành các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân.

4. Xử lý các đơn, thư và các ý kiến của cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương gửi đến Ban Thanh tra nhân dân và tham gia các cuộc họp về các vấn đề liên quan khi có yêu cầu.

5. Quyết định cuối cùng đối với các vấn đề được thảo luận tại các cuộc họp và ký quyết nghị giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 7. Trách nhiệm của Phó Trưởng Ban Thanh tra nhân dân

1. Được phân công chỉ đạo, điều hành một số lĩnh vực công tác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và chịu trách nhiệm về các lĩnh vực công tác được phân công.

2. Ghi và lưu giữ biên bản các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân để làm cơ sở cho việc ra quyết nghị giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

3. Phụ trách công tác xác minh, làm rõ một số vụ, việc cụ thể khi được giao theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Quy chế này và đôn đốc việc thực hiện các quyết nghị có liên quan đã được thông qua.

4. Phụ trách lĩnh vực kinh phí, phương tiện cần thiết bảo đảm công tác của Ban Thanh tra nhân dân theo các quy định của pháp luật.

5. Thay mặt Trưởng Ban chỉ đạo, điều hành công việc của Ban Thanh tra nhân dân khi Trưởng Ban đi công tác vắng.

Điều 8. Trách nhiệm của Ủy viên Ban Thanh tra nhân dân

1. Thực hiện nhiệm vụ thuộc trách nhiệm cá nhân được phân công và báo cáo công việc do mình phụ trách tại các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Bố trí thời gian phù hợp để nghiên cứu, giải quyết các công việc chung của Ban Thanh tra nhân dân; chủ động đề xuất giải pháp xử lý công việc và cùng tập thể Ban Thanh tra nhân dân giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

3. Tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân và có ý kiến, thay cho việc biểu quyết, trong trường hợp không tổ chức cuộc họp để giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân.

4. Không nói và làm trái với các quyết nghị giải quyết công việc đã được thông qua. Trong trường hợp có ý kiến khác với các quyết nghị đó thì vẫn phải chấp hành và được trình bày ý kiến cá nhân của mình tại cuộc họp gần nhất của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 9. Trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị thuộc Cơ quan Bộ Công Thương

1. Thông báo cho Ban Thanh tra nhân dân về các văn bản quy phạm pháp luật và các thông tin cần thiết mà đơn vị mình được phân công làm đầu mối có liên quan đến công tác giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

2. Cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát thuộc trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân để Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

3. Giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, trong trường hợp chưa giải quyết hoặc không giải quyết được thì cần nêu rõ lý do, và thông báo kết quả giải quyết đến Ban Thanh tra nhân dân trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.

4. Phối hợp chặt chẽ và tạo các điều kiện thuận lợi, cần thiết cho Ban Thanh tra nhân dân thực hiện nhiệm vụ.

Điều 10. Trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ, Công đoàn Cơ quan Bộ và Thanh tra Bộ Công Thương

Trách nhiệm của Lãnh đạo Bộ, Công đoàn Cơ quan Bộ và Thanh tra Bộ Công Thương trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định tại Điều 66, Điều 67 Luật Thanh tra và các điều 34, 35, 36 Nghị định số 99/2005/NĐ-CP ngày 28 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra về tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Chương 4.

CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC VÀ CUỘC HỌP CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 11. Chương trình công tác của Ban Thanh tra nhân dân

Chương trình công tác của Ban Thanh tra nhân dân được lập hàng năm căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức và sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Công đoàn Cơ quan Bộ Công Thương.

Điều 12. Cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân

1. Các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân gồm cuộc họp định kỳ và bất thường. Cuộc họp định kỳ được ấn định mỗi quý một lần vào ngày làm việc trong tuần cuối cùng của quý. Cuộc họp bất thường được triệu tập theo quyết định của Trưởng Ban hoặc khi có yêu cầu của ít nhất 1/3 (một phần ba) số thành viên.

2. Tại các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân, ngoài các thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Bộ tham dự để theo dõi, chỉ đạo, giải quyết kịp thời các kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân và khi cần thiết Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Cơ quan Bộ tham dự để phối hợp giải quyết công việc.

3. Các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân được tiến hành khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên tham dự.

Điều 13. Nội dung các cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân

1. Thảo luận và thông qua chương trình công tác của Ban Thanh tra nhân dân;

2. Nghe báo cáo, thảo luận và quyết nghị giải quyết các vấn đề thuộc trách nhiệm cá nhân của mỗi thành viên và của Ban Thanh tra nhân dân;

3. Kiểm điểm sự chỉ đạo điều hành và việc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân.

Chương 5.

CÔNG BỐ VÀ THỰC HIỆN QUYẾT NGHỊ CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 14. Công bố quyết nghị của Ban Thanh tra nhân dân

Quyết nghị giải quyết công việc của Ban Thanh tra nhân dân thông qua tại các cuộc họp, được công bố đến các đơn vị và cán bộ, công chức có liên quan thuộc Cơ quan Bộ Công thương trong thời hạn không quá 15 (mười năm) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 15. Thực hiện quyết nghị của Ban Thanh tra nhân dân

1. Đơn vị, cá nhân liên quan thuộc Cơ quan Bộ Công Thương có trách nhiệm thực hiện quyết nghị giải quyết công việc của Ban Thanh tra nhân dân và thông báo kết quả giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình đến Ban Thanh tra nhân dân trong thời hạn không quá 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết nghị.

2. Ủy viên Ban Thanh tra nhân dân được phân công theo dõi, chịu trách nhiệm chính lĩnh vực công tác có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện quyết nghị và báo cáo kết quả tại cuộc họp gần nhất của Ban Thanh tra nhân dân.

3. Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo tại Hội nghị cán bộ, công chức Cơ quan Bộ Công Thương về các lĩnh vực công tác theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và các công việc đã được đơn vị, cá nhân có liên quan giải quyết hoặc chưa giải quyết theo thẩm quyền.

Chương 6.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân

Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được thực hiện theo Thông tư liên tịch 40/2006/TTLT-BTC-BTTUBTWMTTQVN-TLĐLĐVN ngày 12 tháng 5 năm 2006 của Bộ Tài chính, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn về kinh phí bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 17. Khen thưởng, kỷ luật

1. Thành viên, tập thể Ban Thanh tra nhân dân có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, cản trở hoạt động hoặc có hành vi trù dập, trả thù thành viên Ban Thanh tra nhân dân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Quy chế làm việc này có hiệu lực theo hiệu lực thi hành của Quyết định ban hành và thay thế các Quy chế làm việc trước đây của Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Công nghiệp và của Ban Thanh tra nhân dân Cơ quan Bộ Thương mại.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Bùi Xuân Khu