Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 485/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 23 tháng 4 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH NHÀ HÀNG KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Chỉ thị số 17/2005/CT-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường; Thông tư số 54/2006/TT-BVHTT ngày 24 tháng 5 năm 2006 của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn Quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường;

Xét đề nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Như Lâm

 

QUY HOẠCH

NHÀ HÀNG KARAOKE, VŨ TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 485/QĐ-UBND ngày 23/4/2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

1. Sự cần thiết:

Trong những năm qua, hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng nói chung, hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh Hà Nam nói riêng đã có một số kết quả đáng khích lệ, từng bước đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong xã hội. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của mặt trái cơ chế thị trường, một số chủ hộ kinh doanh đã chạy theo mục đích lợi nhuận, không thực hiện theo pháp luật, đạo lý và trách nhiệm công dân, cùng với sự quản lý có lúc lơi lỏng của các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở nên các hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh còn tồn tại như: một số cơ sở kinh doanh lợi dụng loại hình kinh doanh, hoạt động biến tướng, trá hình, phát sinh tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá và an ninh trật tự của địa phương.

Để lập lại kỷ cương trong lĩnh vực hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, bài trừ các tệ nạn xã hội, đặc biệt hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu lực quản lý, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá lành mạnh của nhân dân, việc xây dựng quy hoạch các điểm nhà hàng karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam là hết sức cần thiết.

Quy hoạch các điểm nhà hàng karaoke, vũ trường đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 là điều chỉnh toàn bộ hoạt động nhà hàng karaoke, vũ trường và tất cả các đối tượng tham gia hoạt động theo đúng quy hoạch. Yêu cầu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống; nhu cầu và điều kiện sinh hoạt văn hoá của nhân dân ở từng khu vực khác nhau như: thành phố, thị xã, thị trấn, vùng nông thôn;…đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

2. Căn cứ:

- Chỉ thị 17/2005/CT-TTg ngày 25 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong quán bar, nhà hàng karaoke, vũ trường;

- Các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng; Nghị định số 08/ NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 quy định về điều kiện an ninh trật tự đối với một số nghành nghề kinh doanh có điều kiện;

- Các Thông tư của Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Thông tư 54/2006/TT-BVHTT ngày 24 tháng 5 năm 2006 về hướng dẫn quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường; Thông tư số 69/2006/TT-BVHTT ngày 28 tháng 8 năm 2006 hướng dẫn thực hiện một số quy định về kinh doanh vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử quy định tại Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng.

Quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam theo quy định của pháp luật, thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần ngày càng cao của nhân dân phù hợp với giai đoạn hiện nay.

2. Định hướng:

a) Đối với cơ sở karaoke, vũ trường hiện có đáp ứng được các điều kiện về tiêu chuẩn và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ được tiếp tục hoạt động kinh doanh.

b) Các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường đã được cấp giấy phép kinh doanh nhưng trong quá trình hoạt động đã có vi phạm các quy định của pháp luật, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị sử lý theo quy định. Các phòng karaoke, vũ trường không đảm bảo tiêu chuẩn nếu không khắc phục trong thời hạn quy định thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.

c) Khuyến khích phát triển các cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke có quy mô đầu tư lớn, đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định tại Nghị định 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ;

3. Cụ thể:

a) Quy hoạch hoạt động kinh doanh karaoke:

* Thị xã Phủ Lý:

- Tiến hành kiểm tra, rà soát các hoạt động kinh doanh hiện có. Những cơ sở đủ điều kiện theo quy định được tiếp tục hoạt động. Quy hoạch phát triển hoạt động karaoke trên địa bàn thị xã Phủ Lý, phù hợp với phát triển kinh tế- xã hội và quy hoạch phát triển đô thị của thị xã, hạn chế phát triển hoạt động karaoke trên địa bàn những khu vực tập trung các cơ quan hành chính nhà nước, trường học, bệnh viện.

- Tổng số cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn thị xã Phủ Lý không quá 35 cơ sở (không tính các phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch từ một sao trở lên).

* Các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục:

- Tổ chức kiểm tra, rà soát các hoạt động kinh doanh karaoke hiện có. Những cơ sở có đủ điều kiện theo quy định được tiếp tục hoạt động. Định hướng phát triển hoạt động karaoke trên địa bàn huyện phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và quy hoạch phát triển thị trấn, quy hoạch dân cư.

- Quy hoạch số lượng cơ sở hoạt động kinh doanh karaoke trên địa bàn huyện theo hướng:

+ Các xã vùng nông thôn và miền núi được cấp phép 02 cơ sở/xã;

+ Xã thuộc trung tâm cụm xã, trung tâm kinh tế - xã hội; xã có khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch (thị tứ) được cấp phép tối đa 03 cơ sở/xã;

+ Thị trấn là huyện lỵ được cấp phép tối đa 05 cơ sở/thị trấn;

+ Thị trấn không là huyện lỵ được cấp phép tối đa 03 cơ sở/thị trấn.

b) Quy hoạch hoạt động kinh doanh vũ trường:

- Quy hoạch phát triển các cơ sở hoạt động kinh doanh vũ trường tập trung trên địa bàn các phường, thị trấn, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp, các điểm du lịch trong tỉnh;

- Phát triển các cơ sở hoạt động kinh doanh vũ trường phải đảm bảo nguyên tắc: kết hợp hài hoà giữa giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống với tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá hiện đại và tăng cường giao lưu với các nền văn hoá thế giới; đồng thời phải bảo vệ và làm phong phú thêm các giá trị văn hoá truyền thống, phát huy vai trò và động lực tinh thần của văn hoá đối với phát triển kinh tế - xã hội trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế;

- Quy hoạch số lượng cơ sở hoạt động kinh doanh vũ trường trên địa bàn tỉnh theo hướng: chỉ cấp phép hoạt động kinh doanh vũ trường trên địa bàn các phường, thị trấn và xã có khu công nghiệp tập trung do Tỉnh, Trung ương quản lý và các khu du lịch. Cụ thể như sau: thị xã Phủ Lý cấp phép tối đa 04 cơ sở; thị trấn trên địa bàn các huyện được cấp phép tối đa 03 cơ sở/thị trấn (không tính các cơ sở kinh doanh vũ trường trong các cơ sở lưu trú du lịch từ một sao trở lên; câu lạc bộ của các Tổng công ty, Doanh nghiệp trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương; các nhà văn hoá và các trung tâm văn hoá- thể thao cấp huyện, cấp tỉnh).

PHẦN III

CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Cấp giấy phép kinh doanh (gia hạn, cấp đổi, cấp mới) trong lĩnh vực karaoke, vũ trường cho các tổ chức, cá nhân phải căn cứ vào quy hoạch và Nghị định số 08/NĐ-CP ngày 22 tháng 02 năm 2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và các quy định pháp luật liên quan.

2. Xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ quản lý văn hoá các cấp trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh karaoke, vũ trường. Cán bộ quản lý phải có chuyên môn sâu, ổn định. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra.

3. Thông qua các lớp tập huấn, tổ chức phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh karaoke, vũ trường. Xây dựng các chương trình tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới thiệu các quy định về hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường, quy hoạch karaoke, vũ trường; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh để các tổ chức, cá nhân kinh doanh biết, thực hiện theo quy định pháp luật.

PHẦN IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm Nghị định số 11/2006/NĐ-CP ngày 18 tháng 01 năm 2006 và Nghị định số 56/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hoá và kinh doanh dịch vụ văn hoá công cộng và về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và các quy định liên quan của nhà nước.

- Tổ chức tuyên truyền, triển khai hướng dẫn thực hiện Quy hoạch nhà hàng karaoke, vũ trường được phê duyệt tại Quyết định này. Tiến hành cấp giấy phép kinh doanh hoạt động karaoke, vũ trường cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn theo đúng các quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các tổ chức, cá nhân hoạt động karaoke, vũ trường.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước; công tác thanh tra, kiểm tra về hoạt động karaoke, vũ trường.

2. Các Sở, Ban, Ngành và các đơn vị có liên quan: có trách nhiệm phối hợp triển khai thực hiện quy hoạch.

3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã: Phối hợp quản lý các loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thuộc địa phương theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt./.