UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2002/QĐ-UB | Lạng sơn, ngày 7 tháng 10 năm 2002 |
V/V BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU GIẤY.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày 21 tháng 6 năm 1994.
Xét Tờ trình số 779 NN/PTLN ngày 16-9-2002 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý và thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy” của tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2: Quyết định này được thi hành từ ngày ký và được thực hiện thống nhất trong tất cả các huyện thuộc vùng quy hoạch nguyên liệu giấy.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính-Vật giá, Kho bạc nhà nước tỉnh, Thủ trưởng các Ban ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện vùng dự án chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN |
VÀ THỰC HIỆN DỰ ÁN TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU GIẤY
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49 /2002/QĐ-UB ngày 7 tháng 10 năm 2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn).
Điều 1: Dự án trồng rừng nguyên liệu giấy được quy hoạch thành vùng tập trung tại các huyện: Đình lập, Lộc bình, Cao lộc, Chi lăng với tổng diện tích trên 64.000 ha và vùng phụ cận thuộc các huyện Hữu lũng, Văn quan, Văn lãng.
Mục tiêu của dự án là: Bảo vệ rừng hiện có và đẩy mạnh tốc độ trồng rừng để có nguyên liệu phục vụ cho các dự án sản xuất giấy, bột giấy của tỉnh.
Điều 2: Kế hoạch đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu giấy hàng năm được UBND tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho từng huyện. Vốn đầu tư vùng nguyên liệu giấy do ngân sách đầu tư (bằng vốn ngân sách và vốn vay ưu đãi).
Điều 3: Diện tích rừng và đất rừng được quy hoạch thuộc vùng nguyên liệu giấy của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đã được nhà nước giao hoặc cho thuê, đều được đầu tư trồng rừng, bảo vệ, khai thác và sử dụng theo kế hoạch hàng năm của dự án này.
Điều 4: Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có có đất và rừng được nhà nước giao hoặc cho thuê phải thực hiện đầy đủ các quy định về cơ chế quản lý, tiến độ thực hiện và cơ cấu cây trồng của dự án.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn hoặc vay vốn để trồng rừng nguyên liệu giấy theo hướng dẫn của dự án.
Điều 5: Thành lập Ban Quản lý dự án các cấp:
Hệ thống Ban quản lý dự án được thành lập từ tỉnh đến xã.
a- ở cấp tỉnh: Giao cho Ban Quản lý dự án 661 của tỉnh quản lý, chỉ đạo thực hiện dự án trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn đã quy hoạch.
Ban Quản lý dự án trồng rừng nguyên liệu giấy của tỉnh có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
- Xây dựng kế hoạch hàng năm, định các mục tiêu nhiệm vụ, cơ chế chính sách, vốn đầu tư của dự án, đề ra các giải pháp và tổ chức thực hiện khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Quản lý và điều hành nguồn vốn đầu tư cho trồng rừng nguyên liệu giấy trong vùng quy hoạch được duyệt.
- Chỉ đạo Ban Quản lý dự án các huyện tổ chức thực hiện chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
- Kiểm tra giám sát khối lượng, chất lượng công trình, giải quyết vốn kịp thời cho sản xuất.
- Tổ chức nghiệm thu theo quy định và thanh quyết toán vốn hàng năm của dự án.
b- ở cấp huyện: Ban Quản lý dự án cấp huyện do UBND huyện quyết định, thành phần gồm 1 Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng Ban, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Ban và các ban, ngành: Hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Ngân hàng, Kho bạc làm Uỷ viên.
Ban Quản lý dự án cấp huyện sử dụng bộ máy của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm để giúp việc.
Chức năng và nhiệm vụ của Ban Quản lý dự án cấp huyện như sau:
- Tổ chức triển khai kế hoạch trồng rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn toàn huyện. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định trong quản lý, kỹ thuật và các cơ chế chính sách của dự án.
- Ký hợp đồng với các chủ vườn ươm để gieo tạo cây con và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia dự án.
- Tiếp nhận vốn, cấp phát vốn cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân và thu hồi vốn cho Nhà nước.
-Kiểm tra, giám sát và nghiệm thu khối lượng thực hiện của các hộ gia đình.
c- ở cấp xã: UBND các xã trong vùng quy hoạch cử Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp làm Trưởng Ban Quản lý, các Trưởng thôn là uỷ viên.
Ban Quản lý dự án xã chịu trách nhiệm trước UBND xã, Ban Quản lý dự án huyện về tổ chức chỉ đạo,hướng dẫn, đôn dốc và kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án rừng nguyên liệu giấy trên địa bàn toàn xã đến từng thôn bản và hộ gia đình, cá nhân.
a- Căn cứ mục tiêu nhiệm vụ của dự án, hàng năm UBND Tỉnh sẽ giao chỉ tiêu kế hoạch cho các huyện. UBND các huyện chỉ đạo Ban Quản lý dự án giao đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và chỉ đạo thực hiện hoàn thành thật tốt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng.
b- Hàng năm vào quý III, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có đất trồng rừng cần đăng ký kế hoạch trồng rừng năm sau với Trưởng thôn và Ban Quản lý xã. Ban Quản lý xã tổng hợp kế hoạch chung của xã báo cáo Ban Quản lý huyện để huyện báo cáo tỉnh cân đối vốn và chuẩn bị gieo ươm cây con, thiết kế dự toán cho trồng rừng vụ xuân.
c- Diện tích trồng rừng phải trồng tập trung, mỗi lô trồng rừng tối thiểu từ 1 ha trở lên. Khi thiết kế, dự toán được phê duyệt, các đối tượng tham gia dự án ký hợp đồng với Ban Quản lý dự án huyện để thực hiện.
a- Căn cứ vào kế hoạch được giao hàng năm và tổng hợp khối lượng tham gia dự án của các huyện, Ban Quản lý dự án tỉnh ký hợp đồng thuê các đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật và dự toán cho các huyện. Thiết kế phải xác định được vị trí, diện tích và loài cây trồng của từng lô trên bản đồ tổng thể toàn xã tỷ lệ 1/10.000, thuyết minh hiện trạng, dự toán cho từng loại cây trồng theo đúng quy trình thiết kế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đảm bảo đất nào cây ấy.
b- Ban Quản lý dự án tỉnh báo cáo trình Hội đồng thẩm định để tổ chức thẩm định và trình Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thiết kế dự toán cho các huyện. Ban Quản lý dự án các huyện căn cứ thiết kế đã được duyệt ký hợp đồng với các đối tượng tham gia dự án.
c- Về cơ cấu cây trồng: Trồng rừng nguyên liệu giấy chủ yếu các loài sau:
-Bạch đàn trồng bằng hom (giống mới).
-Keo lai trồng bằng hom.
-Thông Mã vĩ trồng từ cây con gieo ươm bằng hạt.
Từng bước nghiên cứu thực nghiệm đưa một số cây bản địa, nhập nội vào gây trồng để tăng tập đoàn cây trồng và không ngừng nâng cao chất lượng rừng trồng.
d- Về kỹ thuật trồng: Trồng theo phương thức thâm canh để rút ngắn chu kỳ khai thác và nâng cao năng suất rừng trồng.
- Mật độ trồng:
+Keo hom: 1.600 cây/ha.
+Bạch đàn hom: 1.600 cây/ha.
+Thông Mã vĩ (cây hạt): 2.500 cây/ha.
- Trồng hỗn giao kết hợp kinh doanh gỗ lớn:
Khuyến khích trồng rừng hỗn giao, trồng xen một số cây có quả, cây gỗ quý hiếm trong rừng nguyên liệu giấy.
+ Mỗi ha trồng xen dưới chân đồi ven khe từ 50-70 cây Trám, Sấu, Lát...
+ Đối với Thông Mã vĩ khai thác chu kỳ đầu để phục vụ cho nguyên liệu giấy cần chừa lại số cây theo khoảng cách 6 x 6m để kinh doanh gỗ lớn và sẽ được khai thác cùng với chu kỳ thứ 2 của rừng nguyên liệu giấy.
đ- Quản lý cây giống: Giống trồng rừng nguyên liệu giấy phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định. Giống phải được tuyển chọn từ giống cây mẹ hạt giống và cây hom.
Cây giống phục vụ cho trồng rừng nguyên liệu giấy do Ban Quản lý dự án huyện ký hợp đồng gieo tạo cây con để cung ứng đến từng hộ gia đình. Hạt giống, cây giống khi đem vào gieo ươm và xuất vườn phải được Chi cục Phát triển Lâm nghiệp giám định về chất lượng.
Ban Quản lý dự án tỉnh cùng với Ban Quản lý dự án các huyện thống nhất loài cây, số lượng và địa chỉ gieo tạo cây con của các huyện.
Ban Quản lý dự án tỉnh chịu trách nhiệm điều phối chung về cây giống cho toàn vùng dự án.
e- Về nghiệm thu: Rừng trồng sau 3 tháng được tiến hành nghiệm thu. Khi nghiệm thu tỷ lệ cây sống đạt trên 85% cây sinh trưởng tốt thì được thanh toán theo giá trị đầu tư. Nếu tỷ lệ sống dưới 85% thì hộ gia đình tự trồng bổ sung và Hội đồng nghiệm thu sẽ kiểm tra lại để quyết định giá trị thanh toán.
a- Suất hỗ trợ đầu tư: Hàng năm căn cứ vào tình hình triển khai thực tế theo kế hoạch đã duyệt, ngân sách tỉnh bố trí một số vốn để hỗ trợ cho trồng rừng nguyên liệu giấy. Suất đầu tư hỗ trợ cho cả năm trồng và 3 năm chăm sóc là 2,5 triệu đồng/ha.
Riêng năm trồng được hỗ trợ 1,75 triệu đồng/ha, bao gồm:
- Thiết kế: 50.000đ/ha.
- Cây con và công trồng: 1.520.000đ/ha.
- Chăm sóc năm trồng: 180.000đ/ha.
Rừng đến khi khai thác, hộ được đầu tư nộp trả ngân sách thông qua Ban Quản lý dự án huyện theo giá trị thực tế đầu tư ban đầu.
b- Kinh phí quản lý dự án: Tỉnh bố trí từ ngân sách một khoản kinh phí để quản lý dự án theo tỷ lệ như kinh phí quản lý dự án rừng phòng hộ và đặc dụng. Ban Quản lý dự án tỉnh 1,3%, Ban Quản lý dự án cơ sở (huyện và xã) 6% số kinh phí đã đầu tư thực tế. Kinh phí quản lý dự án được sử dụng cho các hoạt động sau:
- Tập huấn, Hội nghị sơ kết, tổng kết, thông tin tuyên truyền, thi đua khen thưởng.
-Văn phòng phẩm, trang thiết bị cần thiết cho Ban Quản lý, công tác quản lý chỉ đạo.
-Phụ cấp, trợ cấp công tác phí, lương cán bộ hợp đồng.
-Trợ cấp cán bộ lâm nghiệp xã.
Điều 9: Quản lý và cấp phát vốn.
a- Quản lý vốn:
-Ban Quản lý dự án tỉnh: Vốn đầu tư cho trồng rừng nguyên liệu giấy bằng vốn ngân sách được giao cho Ban Quản lý dự án tỉnh quản lý và điều hành.
Ban Quản lý dự án tỉnh được mở tài khoản riêng tại Kho bạc nhà nước để giao dịch, chịu trách nhiệm giải ngân cho Ban Quản lý các huyện và trực tiếp thanh toán, quyết toán với Kho bạc theo quy định.
- Ban Quản lý dự án huyện: Là đơn vị hạch toán báo sổ. Căn cứ vào khối lượng, tiến độ thực hiện kế hoạch của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, từng thôn bản, lập kế hoạch tạm ứng vốn, thanh toán vốn với Ban Quản lý dự án tỉnh. Khi nhận được vốn của Ban Quản lý dự án tỉnh chuyển về, chịu trách nhiệm chi trực tiếp cho từng hợp đồng. Tổng hợp báo cáo thanh toán, quyết toán với Ban Quản lý dự án tỉnh theo định kỳ quy định.
b- Cấp phát vốn:
- Căn cứ để cấp phát vốn: Chỉ tiêu kế hoạch được giao và thiết kế dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hợp đồng tham gia dự án của các tổ chức hộ gia đình và cá nhân, biên bản nghiệm thu A, B.
- Tạm ứng vốn chuẩn bị cho năm sau: Vào quý III năm trước, dự án được tạm ứng một số kinh phí để chi cho các công việc sau:
+Kinh phí cho thiết kế, dự toán khối lượng kế hoạch năm sau.
+Kinh phí gieo ươm cây con cho trồng rừng vụ xuân năm sau với tổng kinh phí bằng 30% giá trị các hợp đồng gieo ươm.
- Cấp phát vốn:
+ Khi thiết kế dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt được thanh toán kinh phí thiết kế và số lượng cây con đã xuất vườn đem trồng.
+ Các hộ gia đình trồng xong được ứng 50% giá trị tiền công thực hiện. Sau 3 tháng nghiệm thu nếu tỷ lệ sống trên 85% thanh toán nốt 50% giá trị tiền công còn lại, nếu tỷ lệ cây sống nhỏ hơn 85% phải trồng dặm, qua kiểm tra lại và được thanh toán theo thực tế.
-Thanh quyết toán vốn:
+ Khối lượng thực hiện hàng năm được kết thúc trước ngày 31/12 của năm kế hoạch. Thời gian nghiệm thu kéo dài đến hết ngày 31/3, Kho Bạc thanh toán đến hết ngày 30/4. Trường hợp có khối lượng đã thực hiện nhưng chưa đủ điều kiện nghiệm thu thì chuyển nguồn sang thanh toán và quyết toán năm sau.
+ Ban Quản lý dự án các huyện lập báo cáo tổng hợp chi thực hiện kế hoạch và tập hợp các chứng từ thực hiện dự án để làm căn cứ báo cáo quyết toán sử dụng vốn với Kho bạc và Sở Tài chính -Vật giá.
+ Việc xét duyệt báo cáo quyết toán hàng năm của dự án được thực hiện theo quy định hiện hành.
c-Trả lãi và thu hồi vốn:
- Nhà nước chỉ cấp vốn hỗ trợ đầu tư trồng rừng cho chu kỳ đầu.
- Khi khai thác, thu hoạch sản phẩm từ rừng trồng các tổ chức, hộ gia đình, các nhân chịu trách nhiệm tự trồng lại rừng ngay trên diện tích đã khai thác và trả lại vốn đầu tư ban đầu bằng sản phẩm hoặc tiền mặt cho Ban Quản lý dự án huyện.
QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI TRỒNG RỪNG NGUYÊN LIỆU GIẤY.
Người trồng rừng nguyên liệu giấy được hưởng những quyền lợi tại điều 9 Quyết định số 178/2001/QĐ-TTg ngày 12/11/2001 của Chính phủ:
- Được Nhà nước hỗ trợ vốn hoặc vay vốn để trồng rừng.
- Khi rừng đến tuổi khai thác theo quy định được hưởng 100% giá trị sản phẩm khai thác.
Rừng trồng nguyên liệu giấy bằng vốn hỗ trợ hay bằng vốn vay người trồng rừng đều được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí nhất định:
- Trồng rừng bằng vốn hỗ trợ 1.750.000đ/ha. Người trồng rừng không phải chịu lãi.
- Nộp thuế theo quy định hiện hành.
- Thực hiện khai thác theo kế hoạch, tiến độ và quy định kỹ thuật của dự án.
- Bán sản phẩm theo chỉ định của tỉnh.
- Khi thu hoạch sản phẩm nộp trả Nhà nước vốn hỗ trợ đầu tư ban đầu.
Điều 11: Công tác quản lý chỉ đạo.
a-Hệ thống tổ chức:
- Ban Quản lý dự án tỉnh chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về xây dựng, chỉ đạo thực hiện kế hoạch toàn vùng dự án, trực tiếp chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ Ban Quản lý dự án các huyện.
- Ban Quản lý dự án huyện chịu trách nhiệm trước UBND huyện về lãnh đạo chỉ đạo thực hiện ở các xã và thôn bản vùng dự án và chịu sự chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của Ban Quản lý dự án tỉnh.
- Ban Quản lý dự án xã: Chịu trách nhiệm trước UBND xã và Ban Quản lý dự án huyện về hướng dẫn kiểm tra đôn đốc, nghiệm thu giám định khối lượng chất lượng rừng trồng của các hộ gia đình.
- Tuỳ theo yêu cầu công tác Ban Quản lý dự án các cấp sẽ triệu tập các cuộc họp khi cần thiết.
b-Hệ thống sổ sách và báo cáo:
- Để quản lý và theo dõi tốt Ban Quản lý dự án huyện phải lập 1 sổ cái theo dõi danh sách các hộ gia đình tham gia dự án. Sổ cái cập nhật đầy đủ những phát sinh của từng hộ gia đình tham gia dự án.
- Ban Quản lý dự án các huyện cần cử 1 cán bộ làm công tác thống kê và thực hiện báo cáo theo quy định 15 ngày, 1 tháng, từng quý.. về Ban Quản lý dự án tỉnh.
- Ban Quản lý dự án tỉnh tổng hợp số liệu báo cáo UBND tỉnh và các cấp theo quy định chung.
Điều 12: Giám sát, kiểm tra, thanh tra, nghiệm thu.
- Ban Quản lý dự án các cấp có trách nhiệm kiểm tra giám sát đôn đốc các hộ gia đình thực hiện nghiêm chỉnh quy trình kỹ thuật, tiến độ thực hiện và thời vụ trồng rừng.
- Các Trưởng thôn phải thường xuyên đến hiện trường trồng rừng của từng hộ gia đình tham gia dự án trong thôn để đôn đốc hướng dẫn kiểm tra về tiến độ, kỹ thuật, số lượng và chất lượng rừng trồng.
- Khi cần thiết tỉnh và huyện sẽ tổ chức các Đoàn kiểm tra, thanh tra việc thực hiện kế hoạch của huyện và xã.
- Khi kế hoạch năm kết thúc theo quy định sẽ tiến hành nghiệm thu khối lượng cho toàn dự án:
+ Ban Quản lý dự án xã tổ chức kiểm tra thực tế chất lượng thực hiện dự án của 100% số hộ gia đình và cá nhân tham gia dự án của từng thôn và phối hợp với Ban Quản lý dự án huyện trong việc nghiệm thu.
+ Ban Quản lý dự án huyện nghiệm thu trực tiếp đối với100% số hộ gia đình và cá nhân tham gia dự án.
+ Hội đồng nghiệm thu tỉnh phúc tra nghiệm thu ít nhất 3-5% diện tích thực hiện dự án của các huyện và xã.
Điều 13: Chế độ phụ cấp các Ban Quản lý dự án.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ chỉ đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, phụ cấp cho cán bộ Ban Quản lý các cấp như sau:
- Ban Quản lý tỉnh và huyện: 50.000đ/người/tháng.
- Ban Quản lý xã:
+Trưởng Ban xã: 8.000đ/ha/năm trồng và 2.000đ/ha/năm chăm sóc.
+Trưởng Thôn: 15.000đ/ha/năm trồng và 4.000đ/ha/năm chăm sóc.
Nguồn kinh phí trên được chi từ kinh phí quản lý dự án.
Điều 14: Các đối tượng tham gia quản lý và thực hiện dự án phải thực hiện đúng các quy định tại Quy chế này, rừng và đất rừng thuộc quy hoạch vùng nguyên liệu giấy, các hộ gia đình được giao đất, cho thuê đất không đưa vào đầu tư theo tiến độ dự án sẽ bị thu hồi lại để giao cho các đối tượng khác có nhu cầu thực hiện. Nếu vi phạm tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ bị sử phạt hành chính, sử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nếu có thành tích sẽ được Nhà nước khen thưởng.
Điều 15: Quy chế này được áp dụng riêng cho dự án trồng rừng nguyên liệu giấy. Trong quá trình thực hiện nếu có điều gì chưa phù hợp, các ngành, các cấp báo cáo UBND tỉnh để xem xét, sửa đổi.
- 1 Quyết định 1225/QĐ-UBND năm 2007 công bố hết hiệu lực thi hành các văn bản do Uỷ ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành từ năm 2006 trở về trước
- 2 Quyết định 1010/QĐ-UBND năm 2007 bãi bỏ văn bản quy định về cơ chế chính sách do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 3 Quyết định 1010/QĐ-UBND năm 2007 bãi bỏ văn bản quy định về cơ chế chính sách do tỉnh Lạng Sơn ban hành
- 1 Quyết định 81/2003/QĐ-UB ban hành Quy định tạm thời suất đầu tư trồng, chăm sóc rừng nguyên liệu giấy bằng cây giống Keo lai giâm hom (mật độ 4.444 cây/ha) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 2 Quyết định 178/2001/QĐ-TTg về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994