Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/QĐ-NH6

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ QUY ĐỊNH THU, NHẬN TIỀN MẶT BẰNG TÚI NIÊM PHONG CỦA KHÁCH HÀNG NỘP VÀO NGÂN HÀNG

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

- Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 24 tháng 5 năm 1990;

- Căn cứ Nghị định số 196/HĐBT ngày 11-12-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của các bộ;

- Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1

Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thu nhận tiền mặt qua túi niêm phong của khách hàng nộp vào Ngân hàng.

Điều 2

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3

Các ông Chánh Văn phòng, Chánh thanh tra, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Viện, Trường, các chi nhánh và đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ông Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển; Tổng công ty vàng bạc đá quý Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Lê Thị Ngọt

 

QUY ĐỊNH

VỀ THU, NHẬN TIỀN MẶT QUA TÚI NIÊM PHONG CỦA KHÁCH HÀNG NỘP VÀO NGÂN HÀNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49/QĐ-NH.6 ngày 12-3-1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Để thu nhận tiền mặt nhanh chóng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy luân chuyển vốn nhanh trong nền kinh tế và nhằm đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng và Ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước quy định việc thu, nhận tiền mặt qua túi niêm phong của khách hàng nộp vào Ngân hàng thương mại quốc doanh và Ngân hàng Nhà nước như sau:

Mục I. Quy định chung

Điều 1

Các cơ quan đơn vị, tổ chức kinh tế và tư nhân (gọi tắt là khách hàng) có tài khoản tại Ngân hàng, có doanh thu tiền mặt lớn và thường xuyên nộp vào Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển, Tổng Công ty vàng bạc đá quý Việt Nam (dưới đây gọi tắt là Ngân hàng Thương mại quốc doanh) hoặc Ngân hàng Nhà nước, thì được ngân hàng xem xét để ký hợp đồng thu nhận tiền mặt qua túi niêm phong.

Điều 2

Khách hàng (kể cả Ngân hàng Thương mại quốc doanh) có nhu cầu nhận tiền mặt tại tỉnh, thành phố khác, thì số tiền mặt nộp vào Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng A) để chuyển đi, tối thiểu phải từ 50 triệu đồng trở lên, với số tiền chẵn tính theo đơn vị triệu đồng.

Điều 3

Việc thu nhận tiền mặt qua túi niêm phong của khách hàng chỉ áp dụng đối với các loại tiền từ 500 đ trở xuống (loại tiền từ 100 đ trở lên, thu ngay không áp dụng thu qua túi niêm phong) và với khách hàng có mở tài khoản tại Ngân hàng. Nếu khách hàng mở tài khoản ở Ngân hàng khác; thì phải có xác nhận của Giám đốc nơi đang mở tài khoản.

Điều 4

Số tiền mặt Ngân hàng thu nhận qua túi niêm phong của khách hàng, được Ngân hàng hạch toán (ghi có) ngay trong ngày vào tài khoản tiền gửi hoặc tài khoản chuyển tiền đi cho khách hàng.

Điều 5

Ngân hàng và khách hàng ký hợp đồng về thu, nhận tiền mặt qua túi niêm phong phải đảm bảo tính pháp lý, nhằm đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng và ngân hàng.

Mục II. Quy trình thu nhận tiền mặt qua túi niêm phong

Điều 6

Khách hàng nộp tiền mặt qua túi niêm phong vào Ngân hàng Thương mại quốc doanh hoặc Ngân hàng Nhà nước phải có các điều kiện sau:

a. Có tín nhiệm về tiền bạc với Ngân hàng (nộp tiền mặt ít thừa, thiếu với số tiền không lớn).

b. Thường xuyên nộp tiền mặt vào ngân hàng;

c. Có tài khoản tiền gửi Ngân hàng Thương mại quốc doanh hoặc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 7

Việc nộp tiền mặt vào Ngân hàng Nhà nước để chuyển tiền đi (quy định ở điều 2), đến nhận ở tỉnh, thành phố khác, quy định như sau:

7.1. Đối với Ngân hàng Thương mại quốc doanh; Ngân hàng Nhà nước thu theo bó, thếp nguyên niêm phong, theo quy định hiện hành (điều 19 quy định về quản lý, bảo quản, điều chuyển và giao nhận thuộc các loại quỹ tiền trong ngành ngân hàng; ban hành kèm theo Quyết định số 113/NH-QĐ ngày 24-8-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

7.2. Đối với các đơn vị tổ chức kinh tế và tư nhân được thực hiện như sau:

- Nếu số tiền mặt nộp không lớn hoặc Ngân hàng có đủ điều kiện thu hết trong ngày, thì tổ chức thu bình thường, theo nguyên tắc và thủ tục hiện hành.

- Nếu số tiền quá lớn, xét khả năng ngân hàng không đếm kịp trong ngày, thì sẽ áp dụng thu qua túi niêm phong đối với các loại tiền quy định tại điều 3.

Điều 8

Thủ tục thu tiền mặt qua túi niêm phong:

8.1. Khách hàng phải làm đầy đủ các thủ tục nộp tiền mặt vào Ngân hàng theo quy định hiện hành (giấy nộp tiền, bảng kê phân loại tiền...).

8.2. Ngân hàng nơi nhận tiền, căn cứ vào giấy nộp tiền đối chiếu với bảng kê phân loại tiền của khách hàng; nếu thấy phù hợp thì tiến hành thu theo quy trình đã quy định (ban hành kèm theo quyết định số 184/NH-QĐ) ngày 10-10-1991 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Trường hợp đếm không hết, số tiền còn lại là loại tiền 500 đ trở xuống thì tiến hành thu qua túi niêm phong.

Điều 9

Việc thu tiền qua túi niêm phong, Ngân hàng cùng khách hàng xác nhận số tiền đã đếm kiểm tờ, số tiền chưa đếm kiểm tờ, nhưng đã đếm bó, thếp theo loại tiền, theo túi niêm phong (theo mẫu biên bản đính kèm). Tổng hợp lại đối chiếu với giấy nộp tiền của khách hàng, nếu khớp đúng (số tiền nộp bằng số và bằng chữ), thì thủ quỹ ngân hàng ký vào chỗ người thu tiền trên giấy nộp tiền này (qua đường dây nội bộ) sang bộ phận kế toán của ngân hàng để hạch toán ghi Có cho khách hàng.

Điều 10

Túi đựng tiền chắc chắn, niêm phong miệng túi phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ khách hàng, loại tiền nộp, số bó thành tiền, ngày... tháng... năm... niêm phong và ký tên. Các thủ tục trên do khách hàng nộp tiền thực hiện, có sự chứng kiến của thủ quỹ ngân hàng (xác nhận loại tiền và số lượng bó trong mỗi túi).

Điều 11

Ngân hàng nơi nhận tiền thu qua túi niêm phong, phải chịu trách nhiệm bảo quản nguyên niêm phong các túi tiền của khách hàng và cuối ngày phải đưa vào kho tiền bảo quản và quản lý theo chế độ hiện hành. Trường hợp niêm phong túi tiền bị thay đổi mà trong túi tiền bị thiếu, thì thủ quỹ Ngân hàng nơi nhận phải chịu trách nhiệm.

Điều 12

Ngày làm việc tiếp theo, Ngân hàng phải tổ chức đếm kiểm tờ số tiền thu qua túi niêm phong của khách hàng ngày hôm trước, có sự chứng kiến của khách hàng (nếu khách hàng tín nhiệm, thì có giấy uỷ nhiệm để Ngân hàng thành lập Hội đồng chứng kiến tổ chức đếm kiểm tờ).

Điều 13

Xử lý thừa, thiếu tiền trong túi niêm phong:

13.1. Trường hợp kiểm đếm tờ có thừa tiền thì ngân hàng trả ngay số tiền thừa cho khách hàng.

13.2. Trường hợp kiểm đếm tờ thấy thiếu tiền, thì yêu cầu khách hàng nộp ngay số tiền thiếu cho thủ quỹ ngân hàng. Nếu khách hàng chưa có tiền nộp ngay thì lập biên bản, ghi nợ khách hàng và trong phạm vi 2 ngày làm việc phải hoàn trả đủ. Quá hạn trên khách hàng phải chịu phạt về số tiền thiếu theo lãi suất nợ quá hạn, nghiêm trọng hơn sẽ bị truy tố trước pháp luật.

Mục III. Tổ chức thực hiện

Điều 15

Giám đốc các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển, Tổng công ty vàng bạc và đá quý Việt Nam căn cứ quy định này tổ chức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện thống nhất trên địa bàn và trong hệ thống Ngân hàng mình.

Điều 16

Qui định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Mọi việc bổ sung hoặc sửa đổi các nội dung trong quy định này, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.