Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4907/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HUY ĐỘNG VỐN XÃ HỘI HÓA ĐỂ ĐẦU TƯ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Đường sắt năm 2005;

Căn cứ Luật Đầu tư năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27/11/2009 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, hợp đồng BTO, hợp đồng BT và Nghị định số 24/2011/NĐ-CP ngày 05/4/2011 của Chính phủ về sửa đổi một số điều của Nghị định số 108/2009/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt” (sau đây gọi là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu

1.1. Quan điểm và mục tiêu tổng quát

- Góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

- Huy động tối đa, có hiệu quả mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt, từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước. Đảm bảo tuân thủ đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và nhu cầu thực tiễn đặt ra trong việc tái cơ cấu Ngành mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu vận tải và tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước trong ngành Giao thông vận tải.

- Tái cơ cấu đầu tư lĩnh vực đường sắt, nâng cao tỷ lệ vốn xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt tương xứng với các lĩnh vực giao thông vận tải khác.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Đánh giá thực trạng về huy động nguồn lực trong đầu tư, khai thác KCHT đường sắt.

- Đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển và kinh doanh KCHT đường sắt.

- Đề xuất danh mục các dự án, công trình để thực hiện xã hội hóa và lộ trình thực hiện.

2. Định hướng huy động vốn xã hội hóa để đầu tư KCHT đường sắt

Thực hiện xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt theo nguyên tắc: Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục KCHT đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; còn các hạng mục khác như: nhà ga, kho ga, ke ga, bãi hàng, các khu dịch vụ hỗ trợ khác sẽ thực hiện huy động xã hội hóa để đầu tư và kinh doanh, khai thác.

2.1. Đối với hệ thống KCHT đường sắt hiện có

a) Xã hội hóa kinh doanh, khai thác công trình đường sắt

- Đối với nhà ga: Khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng để cùng khai thác, kinh doanh.

- Đối với kho ga, bãi hàng, các khu dịch vụ: Khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp. Nhà đầu tư có trách nhiệm bảo trì công trình và được quyền kinh doanh, khai thác trong thời gian nhất định.

- Thực hiện khai thác có hiệu quả quỹ đất dành cho đường sắt.

b) Nhượng quyền khai thác tuyến đường sắt

Lựa chọn tuyến, đoạn tuyến đường sắt phù hợp để thực hiện thí điểm nhượng quyền kinh doanh, khai thác, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm thực hiện trên các tuyến đường sắt khác. Tùy vào mức độ nhượng quyền, nhà đầu tư có thể được quyền kinh doanh, khai thác KCHT tuyến đường sắt trong một thời gian nhất định và chịu trách nhiệm bảo trì KCHT; đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo an sinh xã hội trên tuyến. Nhượng quyền khai thác cần vận dụng linh hoạt và có tính toán cụ thể cho từng đoạn tuyến, từng tuyến.

2.2. Đối với hệ thống KCHT đường sắt xây dựng mới

Kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ dự án theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP), hình thức xây dựng - sở hữu - vận hành - chuyển giao (BOOT)... trên cơ sở Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ (thuế, phí, lãi vay, thời gian vay, tỷ giá...); phần vốn của Nhà nước tham gia công tác giải phóng mặt bằng, phần vốn đầu tư các hạng mục công trình liên quan trực tiếp đến chạy tàu.

(Danh mục các dự án thực hiện kêu gọi xã hội hóa tại Phụ lục 1 của Quyết định này)

3. Giải pháp huy động vốn xã hội hóa để đầu tư KCHT đường sắt

3.1. Giải pháp về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Đề xuất sửa đổi, bổ sung: 01 Luật; 01 Nghị định, cụ thể:

1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đường sắt: bổ sung cụ thể hóa các quy định về nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác KCHT đường sắt; sửa đổi, bổ sung nội dung quy định giá thuê sử dụng KCHT đường sắt thay thế nội dung về phí sử dụng KCHT đường sắt và phí cung cấp dịch vụ điều hành hoạt động giao thông vận tải đường sắt trên đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

2. Nghiên cứu xây dựng, ban hành mới Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, nhằm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả KCHT đường sắt và tăng cường nguồn vốn phục vụ công tác bảo trì và phát triển tài sản KCHT đường sắt. Trong đó bao gồm cả nội dung ủy thác cho địa phương quản lý, bảo trì hệ thống đường gom dọc đường sắt do Nhà nước đầu tư.

3.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Đề xuất sửa đổi, bổ sung: 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 01 Thông tư, 01 Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các quy định, cụ thể:

1. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 84/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, theo hướng:

- Giá thuê sử dụng KCHT đường sắt sẽ được tính theo mức độ sử dụng thực tế, thay cho cách tính phí dựa trên doanh thu của doanh nghiệp vận tải như hiện nay theo nội dung của Luật Đường sắt (sửa đổi).

- Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước để tăng hiệu quả kinh doanh KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư (theo hướng việc tăng cường tính cạnh tranh trong việc thuê sử dụng KCHT đường sắt và được cơ quan nhà nước thực hiện hoặc giám sát).

2. Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2008/TT-BTC ngày 04/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư phù hợp với Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 84/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ, theo hướng tăng cường tính cạnh tranh trong việc thuê KCHT đường sắt để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước; đảm bảo bảo công khai, minh bạch và tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước.

3. Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1129/QĐ-BTC ngày 27/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về giá tối thiểu cho thuê sử dụng công trình KCHT đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo hướng giá tối thiểu cho thuê phải phù hợp với mặt bằng giá thị trường của từng khu vực và có sự điều chỉnh theo từng năm.

4. Ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư, Hợp đồng dự án mẫu cho các dự án PPP lĩnh vực KCHT đường sắt.

(Danh mục văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tại Phụ lục 2 của Quyết định này)

3.3. Giải pháp về đổi mới tổ chức quản lý

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam và Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đảm bảo chất lượng và đúng lộ trình.

- Rà soát, sắp xếp KCHT đường sắt hiện có, giao cho các doanh nghiệp kinh doanh KCHT đường sắt quản lý, khai thác để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý và kinh doanh phần năng lực này của KCHT đường sắt, tăng hiệu quả kinh doanh, khai thác tương xứng với quy mô, giá trị khối tài sản và lợi thế thương mại của các công trình hỗ trợ vận tải này.

3.4. Giải pháp xã hội hóa về kinh doanh vận tải đường sắt

- Đẩy mạnh thực hiện tách bạch tổ chức giữa doanh nghiệp kinh doanh KCHT với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử trong hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sắt.

- Thực hiện kêu gọi xã hội hóa đầu tư phương tiện đầu máy, toa xe đường sắt để phát huy hiệu quả đầu tư KCHT đường sắt. Khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh, các tổ chức công nghiệp đường sắt trong nước và nước ngoài đầu tư hoặc liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất mới phương tiện đầu máy, toa xe và khai thác, kinh doanh vận tải đường sắt.

3.5. Giải pháp về quy hoạch, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện

- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở đó hoàn thiện Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Hoàn thành để cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam.

- Tổ chức rà soát, đánh giá tình hình, mục đích sử dụng đất dành cho đường sắt hiện nay và lập kế hoạch sử dụng quỹ đất dành cho các công trình đường sắt, đất đang giao cho các doanh nghiệp đường sắt quản lý; xác định quyền sử dụng đất dành cho đường sắt.

- Lập quy hoạch hệ thống ga hành khách, ga hàng hóa để tận dụng mặt bằng các bãi hàng không sử dụng trong phạm vi đất dành cho đường sắt, đưa ra danh mục kêu gọi nhà đầu tư đầu tư cho các công trình này.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Cục Đường sắt Việt Nam

a) Chủ trì tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt, thành phần gồm: Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; các Phó Trưởng ban là: Lãnh đạo Ban PPP, Lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam; thành viên là đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ liên quan và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

b) Chủ trì đề xuất kế hoạch kiểm tra, rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt; xây dựng văn bản theo quyết định phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải.

c) Chủ trì đề xuất danh mục thực hiện các chương trình, dự án kêu gọi xã hội hóa đầu tư trình Bộ Giao thông vận tải. Tổ chức thực hiện chương trình, dự án xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt đối với các tuyến mới.

d) Xây dựng các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư, Hợp đồng dự án mẫu cho các dự án PPP lĩnh vực KCHT đường sắt.

4.2. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

a) Chủ trì hoàn thành xây dựng Đề án tổ chức quản lý, khai thác và kinh doanh KCHT đường sắt quốc gia.

b) Phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam đề xuất danh mục thực hiện các chương trình, dự án kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

c) Tổ chức thực hiện chương trình, dự án xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt đối với công trình, tuyến đường sắt hiện có theo phân cấp, ủy quyền của Bộ Giao thông vận tải. Phối hợp với các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng vào ga hiện có để kêu gọi xã hội hóa.

4.3. Các Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ

a) Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư:

- Chủ trì tham mưu, theo dõi việc triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

- Chủ trì tham mưu tổng hợp các cơ chế, chính sách để Bộ trình Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, giải quyết.

- Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng ban hành hoặc phối hợp các Bộ, ngành để ban hành quy định hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư, Hợp đồng dự án mẫu cho các dự án PPP lĩnh vực KCHT đường sắt.

- Chủ trì tham mưu trình Bộ trưởng quyết định phê duyệt danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP.

b) Vụ Pháp chế: Chủ trì tham mưu trình Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác xã hội hóa đầu tư KCHT đường sắt do Cục Đường sắt Việt Nam trình.

c) Vụ Tài chính: Chủ trì tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ, Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung liên quan đến tài sản, phí, giá liên quan đến KCHT đường sắt và các nội dung có liên quan.

d) Vụ Kế hoạch - Đầu tư

- Chủ trì tham mưu xây dựng các nội dung liên quan đến quy hoạch, chiến lược liên quan đến KCHT đường sắt.

- Chủ trì tham mưu bố trí phần vốn Nhà nước hỗ trợ các dự án PPP.

e) Các Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT và các cơ quan, đơn vị có liên quan, trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao quán triệt thực hiện quan điểm, mục tiêu và phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 2 của Quyết định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Trưởng ban Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Xây dựng;
- Các Thứ trưởng;
- Trung tâm CNTT;
- Website Bộ GTVT, Báo GT;
- Lưu: VT, CĐSVN (4b), ĐTCT (4b).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng

 

PHỤ LỤC 1:

ĐỀ XUẤT DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ĐƯỜNG SẮT ĐỂ THỰC HIỆN XÃ HỘI HÓA
(Kèm theo Quyết định số: 4907/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT)

TT

Tên công trình, dự án

Quy mô

Đề xuất hình thức thực hiện

Dự kiến tổng kinh phí (tỷ đồng)

Thời gian bắt đầu nghiên cứu

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Cơ quan đầu mối thực hiện

I

Đường sắt hiện có

 

 

 

 

 

 

1

Thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

398,05 km

Nhượng quyền

Xác định khi lập dự án

2015

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

2

Thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai thác tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân

111 km

Nhượng quyền

Xác định khi lập dự án

2015

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

3

Thí điểm nhượng quyền quản lý, kinh doanh khai kho, bãi ga Yên Viên.

30.500 m2

Nhượng quyền

Xác định khi lập dự án

2015

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

4

Thí điểm thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng khu ga khách Nha Trang mới và kho, bãi hàng ga Vĩnh Trung.

Theo nghiên cứu dự án

PPP

Xác định khi lập dự án

2016

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

5

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư hệ thống nhà ga, kho, bãi của 06 ga: Sóng Thần, Bỉm Sơn, Giáp Bát, Yên Viên, Lào Cai, Đồng Đăng; khu ga hàng Cái Lân và bãi cảng Cái Lân; Xuân Giao A.

Theo nghiên cứu dự án

PPP

Xác định khi lập dự án

2015-2016

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

6

Tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh:

Trước mắt thực hiện nhượng quyền khai thác hành trình trên một số tuyến, khu đoạn hiện chưa sử dụng hết năng lực.

Lâu dài thực hiện nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng khu đoạn:

- Khu đoạn Hà Nội - Vinh;

- Khu đoạn Vinh - Đồng Hới;

- Khu đoạn Đồng Hới - Đà Nẵng;

- Khu đoạn Đà Nẵng - Nha Trang;

- Khu đoạn Nha Trang - TP. HCM.

1.726,2 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

7

Tuyến Kép - Hạ Long - Cái Lân: Trước mắt thực hiện nhượng quyền khai thác đường sắt, kho bãi trong Cảng Cái Lân và ga Cái Lân; riêng đoạn còn lại kêu gọi nhà đầu tư để hoàn thành dự án và khai thác toàn tuyến.

112,2 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

8

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng: Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình.

166,9 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

9

Tuyến Đông Anh - Quán Triều: Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình.

54,6 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

10

Tuyến Bắc Hồng - Văn Điển: Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình.

38,7 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

11

Tuyến Kép - Lưu Xá: Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình.

55,7 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

12

Tuyến Cầu Giát - Nghĩa Đàn: Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình.

30,5 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

13

Tuyến Diêu Trì - Quy Nhơn: Khuyến khích nhượng quyền kinh doanh, khai thác KCHT toàn tuyến hoặc từng hạng mục công trình.

10,3 km

PPP, NSNN

Xác định khi lập dự án

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN, TCT ĐSVN

II

Đường sắt xây dựng mới

 

 

 

 

 

 

1

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt Đắk Nông - Chơn Thành - Vũng Tàu.

182 km

BOT

Giai đoạn đầu 702 triệu USD

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN

2

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư di dời ga Đà Nẵng.

Theo nghiên cứu dự án

BOT

380 triệu USD

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN

3

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

35,7 km

BOT

1.554 triệu USD (giai đoạn I)

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN

4

Kêu gọi xã hội hóa đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh:

1.726,2 km

BOT, ODA

 

2015-2020

Bộ GTVT

Ban PPP, Cục ĐSVN

-

Cải tạo tuyến đường sắt khu vực đèo Hải Vân.

 

 

6.885

 

 

 

-

Dự án Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng.

 

 

68.483

 

 

 

-

Vào cấp kỹ thuật đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (đoạn: Hà Nội - Vinh).

 

 

13.170

 

 

 

-

Vào cấp kỹ thuật đường sắt tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh (đoạn: Nha Trang - TP. HCM).

 

 

22.129

 

 

 

 

PHỤ LỤC 2:

DANH MỤC VĂN BẢN QLPL CẦN SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC BAN HÀNH MỚI
(Kèm theo Quyết định số: 4907/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT)

TT

Nội dung

Cơ quan chủ trì soạn thảo

Cơ quan chủ trì trình

Thời gian dự kiến hoàn thành

I. Luật

1

Sửa đổi, bổ sung Luật Đường sắt.

Cục ĐSVN

Vụ PC

2016

II. Nghị định

1

Ban hành mới Nghị định của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Bộ TC

Vụ TC

2015

III. Thông tư

1

Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2008/TT-BTC ngày 04/3/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Cục ĐSVN

Vụ TC

2016

IV. Quyết định

1

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 84/2007/QĐ-TTg ngày 11/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phương thức và mức thu phí, giá thuê sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Cục ĐSVN

Vụ TC

2016

2

Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1129/QĐ-BTC ngày 27/5/2014 của Bộ Tài chính quy định về giá tối thiểu cho thuê sử dụng công trình kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư.

Cục ĐSVN

Vụ TC

2015

V. Quy hoạch, kế hoạch

1

Lập kế hoạch sử dụng quỹ đất dành cho các công trình đường sắt, đất đang giao cho các doanh nghiệp đường sắt quản lý; xác định quyền sử dụng đất dành cho đường sắt.

Tổng Công ty ĐS VN

Vụ KCHT

2015

2

Lập Quy hoạch chi tiết các nhà ga, kho ga và bãi hàng trên các tuyến đường sắt quốc gia.

Cục ĐSVN

Vụ KHĐT

2015

VI. Quy định

1

Ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện đầu tư, Hợp đồng dự án mẫu cho các dự án PPP lĩnh vực KCHT đường sắt.

Cục ĐSVN

Ban PPP

2015

* Ghi chú: Trên cơ sở nội dung Phụ lục 1 và Phụ lục 2, các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đăng ký thời gian cụ thể vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, dự án hàng năm của Bộ GTVT.