Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 495/QĐHC-CTUBND

 Sóc Trăng, ngày 20 tháng 5 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH SÓC TRĂNG ĐẾN NĂM 2010, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP, ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH, ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành;

Căn cứ Quyết định số 272/QĐHC-CTUBND, ngày 26/02/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc phê duyệt đề cương và dự toán lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Sóc Trăng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Sóc Trăng đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020.

2. Chủ đầu tư: Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở Công Thương) tỉnh Sóc Trăng.

3. Cơ quan lập dự án: Phân viện Nghiên cứu Thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Công Thương).

4. Hình thức đầu tư: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

5. Loại dự án: Quy hoạch định hướng.

6. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

- Phát triển nền thương mại văn minh, hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; định hướng xây dựng cấu trúc thị trường hợp lý với các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại phù hợp theo quy định pháp luật Việt Nam và định chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

- Gắn phát triển thương mại với phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác; tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm, cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển; tạo sự chuyển biến về chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tiến trình hội nhập quốc tế; phát triển hài hòa, hợp lý giữa kinh tế và xã hội, giữa sản xuất và bảo vệ môi trường.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 là 20 – 21%, giai đoạn 2011 – 2015 là 15% và giai đoạn 2016 – 2020 là 14%, tương ứng theo từng giai đoạn tổng mức lưu chuyển hàng bán lẻ là 16.100 tỷ đồng, 32.000 tỷ đồng và 60.000 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đến năm 2010 đạt 750 triệu USD, năm 2015 đạt 1.100 – 1.200 triệu USD và đến năm 2020 đạt 1.600 – 1.700 triệu USD với tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm giai đoạn 2006 đến năm 2010 là 20 – 21%, giai đoạn 2011 – 2015 là 9 – 10% và giai đoạn 2016 – 2020 là 6,5 – 7,5%.

7. Các giải pháp chủ yếu:

a) Tăng cường, đa dạng hóa hoạt động, công tác xúc tiến thương mại nhằm phát triển nhanh, ổn định và bền vững các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó ưu tiên cho thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.

b) Đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại với phương châm Nhà nước và thương nhân cùng làm; trong đó Nhà nước thực hiện công tác quy hoạch và ban hành chính sách, thương nhân tham gia đầu tư xây dựng các công trình thương mại.

c) Thực hiện các giải pháp huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư cho hoạt động sản xuất, thương mại, trong đó chú ý nguồn vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích hình thành, phát triển các quan hệ hợp tác đầu tư, hợp tác thương mại, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp của tỉnh với tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.

d) Khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác quản lý và kinh doanh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa và thương mại điện tử đi đôi với thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực của thương nhân nhằm bảo đảm hoạt động thương mại có hiệu quả, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

e) Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thương mại, nhất là về cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định và môi trường kinh doanh thuận lợi để phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, thương mại, xuất khẩu hàng hóa của địa phương.

8. Tổng mức vốn dự kiến đầu tư: 5.956,9 tỷ đồng (năm nghìn, chín trăm năm mươi sáu tỷ, chín trăm triệu đồng); chia ra:

- Giai đoạn 2007-2010                : 1.281,7 tỷ đồng;

- Giai đoạn 2011-2020                : 4.675,2 tỷ đồng.

9. Nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước, vốn huy động từ các thành phần kinh tế (bao gồm cả vốn tín dụng, vốn liên doanh, liên kết trong và ngoài nước), trong đó vốn ngân sách nhà nước chủ yếu sử dụng cho công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại và hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Điều 2. Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp các Sở ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức công bố và có kế hoạch, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó phân công rõ trách nhiệm của từng ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, thủ trưởng các Sở, Ban ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, tỉnh Sóc Trăng căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Công Thương;
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Tài nguyên và Môi trường;
- Sở Tài chính;
- Sở Xây dựng;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: NC, LT.

CHỦ TỊCH




Huỳnh Thành Hiệp