Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 498/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 25 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 20/6/2012;

Thực hiện Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch về triển khai thi hành Bộ luật Dân sự;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Công văn số 221/STP-PBGDPL ngày 18/3/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là “Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để th/hiện);
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Vụ PBGDPL - BTP (b/c);
- Cục Công tác phía Nam - BTP (b/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- BTT UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- NC (A);
- Lưu: VT. Tr 62/3.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Trần Hồng Quân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định s: 498/QĐ-UBND ngày 25 tháng 3 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Để chủ động triển khai thi hành Bộ luật Dân sự kịp thời, thống nhất và hiệu quả theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, thời gian và tiến độ thực hiện; tăng cường cơ chế phối hợp trách nhiệm giữa các cấp, các ngành và đoàn thể trong việc tổ chức triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính kịp thời, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

- Xác định cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, nhất là cơ chế phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động tích cực của các ngành, UBND các cấp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nội dung Kế hoạch này. Trong việc triển khai Bộ luật Dân sự đảm bảo tiến độ và chất lượng.

- Nội dung công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các ngành, đoàn thể các cấp trong việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự; đảm bảo cơ chế chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết theo quy định.

- Có lộ trình cụ thể để bảo đảm sau ngày 01 tháng 01 năm 2017, Bộ luật Dân sự được thi hành nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả.

- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp; Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chủ động điều phối công việc, ưu tiên và bố trí thời gian hợp lý cho việc chỉ đạo và triển khai thi hành Bộ luật Dân sự theo tinh thần nội dung Kế hoạch này.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Bộ luật Dân sự

a) Tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt nội dung cơ bản của Bộ luật Dân sự cho Thủ trưởng các ngành, đoàn thể các cấp.

- Cơ quan tư vấn: HĐPH phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, UBMTTQ Việt Nam và các cơ quan có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2016.

b) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Dân sự trên Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Website các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, các bản tin chuyên ngành, Đài truyền thanh cấp huyện, Trạm truyền thanh cấp xã.

- Cơ quan chỉ đạo: Sở Thông tin và Truyền thông và UBND cấp huyện, cấp xã.

- Cơ quan chủ trì: Các cơ quan báo, đài, Thủ trưởng các cơ quan chủ trì xuất bản bản tin, vận hành Website, Trạm truyền thanh cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Tư pháp - Hộ tịch cấp xã và các cơ quan có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và năm 2017.

c) Thủ trưởng các ngành, các cấp trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến Bộ luật Dân sự với hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

- Cơ quan chủ trì: Các ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp và các cơ quan có liên quan trong từng hoạt động cụ thể.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016.

d) Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chỉ đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận, đặc biệt là các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Bộ luật Dân sự cho đoàn viên, hội viên của tổ chức mình.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016.

2. Biên soạn tài liệu tuyên truyền, quán triệt, tập huấn Bộ luật Dân sự theo tinh thần hướng dẫn kèm theo Công văn số 98/BTP-PBGDPL ngày 12/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII

a) Trên cơ sở tài liệu của Bộ, ngành Trung ương, các ngành, đoàn thể các cấp nghiên cứu biên soạn tài liệu tuyên truyền, quán triệt, tập huấn chuyên sâu Bộ luật Dân sự phù hợp với từng nhóm đối tượng và yêu cầu cụ thể.

- Cơ quan thực hiện: Các ngành, các cấp.

- Cơ quan phối hợp: Cơ quan có liên quan trong từng hoạt động cụ thể.

- Thời gian thực hiện: Quý II và Quý III năm 2016.

b) Biên soạn các loại tài liệu tuyên truyền, như: Tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi, đáp pháp luật bỏ túi và các loại tài liệu khác phục vụ tuyên truyền Bộ luật Dân sự cho từng đối tượng.

- Cơ quan chủ trì: Các ngành, các cấp.

- Cơ quan phối hợp: Cơ quan có liên quan trong từng hoạt động cụ thể.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và năm 2017.

c) Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Trường trung học phổ thông; Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và các cơ sở đào tạo khác tổ chức rà soát môn học có liên quan đến Bộ luật Dân sự, tạm thời biên soạn nội dung giảng dạy phù hợp với Bộ luật Dân sự mới.

- Cơ quan chỉ đạo: Sở Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ quan chủ trì: Các cơ sở đào tạo và hệ thống các Trường phổ thông trong tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016.

3. Tổ chức tập huấn Bô luật Dân sự

a) Tổ chức tập huấn cho đối tượng là báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; người làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật; người làm công tác hòa giải ở cơ sở về Bộ luật Dân sự (tập trung vào những điểm mới, cơ bản).

- Tổ chức hội nghị trực tuyến, tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; đại diện Sở Tư pháp và các sở, ngành có liên quan; đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên của Mặt trận; Hội Luật gia tỉnh; Đoàn Luật sư và tuyên truyền viên các ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

+ Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.

+ Cơ quan phối hợp: Các ngành, đoàn thể có liên quan.

+ Thời gian thực hiện: Quý II năm 2016.

- Tổ chức tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cấp huyện; tuyên truyền viên pháp luật cấp xã; cán bộ, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; hòa giải viên cơ sở; cán bộ, đoàn viên, đội viên, hội viên ở cơ sở; nhóm nòng cốt; người thường xuyên tham gia phổ biến giáo dục pháp luật.

+ Cơ quan chủ trì: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã.

+ Cơ quan phối hợp: Bộ Tư pháp và các cơ quan tổ chức có liên quan.

+ Thời gian thực hiện: Quý II và Quý III năm 2016.

b) Tổ chức tập huấn chuyên sâu Bộ luật Dân sự:

Cơ quan thực hiện:

- Sở Tư pháp phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác tư pháp, thi hành án dân sự, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, công chứng viên, giám định, đấu giá tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, cán bộ pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước... về những nội dung có liên quan đến Bộ luật Dân sự.

- Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu cho thẩm phán, thư ký, kiểm sát viên, thẩm tra viên, các công chức khác của ngành Tòa án và ngành Kiểm sát.

- Các ngành, đoàn thể các cấp và các cơ quan, tổ chức khác chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tập huấn chuyên sâu cho từng nhóm đối tượng thuộc mình quản lý.

- Thời gian thực hiện: Quý III và Quý IV năm 2016.

4. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan do địa phương ban hành, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp với Bộ luật Dân sự

a) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Bộ luật Dân sự:

- Cơ quan chủ trì:

+ Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình; gửi kết quả rà soát về Sở Tư pháp tổng hợp để kịp thời báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh xem xét xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

+ Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ đạo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy định của Bộ luật Dân sự thuộc ngành, lĩnh vực mình, kịp thời đề nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành văn bản mới cho phù hợp với Bộ luật Dân sự và gửi kết quả về Sở Tư pháp để tổng hợp chung.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan có liên quan trong từng hoạt động cụ thể.

- Thời gian thực hiện: Kết quả rà soát gửi về Sở Tư pháp trước ngày 15/6/2016 để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp trước ngày 31/7/2016.

b) Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành Bộ luật Dân sự:

- Cơ quan chủ trì:

+ Trên cơ sở quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 và kết quả rà soát văn bản, các ngành, đoàn thể cấp tỉnh lập danh mục văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND và UBND tỉnh để đảm bảo thi hành Bộ luật Dân sự gửi về Sở Tư pháp tổng hợp.

+ Trên cơ sở rà soát và báo cáo đề xuất, kiến nghị của các cơ quan hữu quan, Sở Tư pháp tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Cơ quan phối hợp: Các cơ quan có liên quan trong từng hoạt động cụ thể.

- Thời gian thực hiện: Năm 2016 và năm 2017.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau căn cứ nội dung Kế hoạch này và nhiệm vụ được phân công ban hành Kế hoạch chi tiết triển khai thi hành Bộ luật Dân sự bảo đảm đúng tiến độ, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 30/11/2016 để tổng hợp báo cáo Bộ Tư pháp trước ngày 31/12/2016.

2. Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Thủ trưởng các ngành, các cấp có trách nhiệm bố trí trong nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện. Trường hợp kinh phí trong nguồn ngân sách không đủ thì lập dự toán gửi cơ quan Tài chính cùng cấp tổng hợp trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

3. Sở Tư pháp giúp Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện Kế hoạch này và theo dõi, đôn đốc các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch này và báo cáo kết quả theo đúng quy định. Quá trình thực nếu có khó khăn, vướng mắc các đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để chỉ đạo, hướng dẫn./.