Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2014/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 28 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg ngày 18/03/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Quyết định số 56/2013/ QĐ-TTg ngày 07/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg; Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10 tháng 01 năm 2014 của liên bộ: Ủy ban Dân tộc-Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tại Tờ trình số 33/TTr-BDT ngày 12/8/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc các sở, ngành: Tài chính, Nội vụ, Công an tỉnh, Bưu điện tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và thị xã Phúc Yên căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục KTVB- Bộ Tư pháp;
- Ủy ban Dân tộc;
- TTTU, TT HĐND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch;
- UBMTTQ tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh uỷ;
- TT Công báo, Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh,
Cổng TT GTĐT tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Như Điều 2;
- Lưu VT.
(25b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

QUY ĐỊNH

VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 50/2014/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về thực hiện một số chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (gọi tắt là người có uy tín); phân công, phân cấp quản lý, thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, được Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Quyết định phê duyệt công nhận hàng năm.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nhiệm vụ của người có uy tín

1. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn, bản thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh, của địa phương.

2. Bản thân người có uy tín phải luôn gương mẫu, vận động người thân trong gia đình, dòng họ chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện tốt các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

3. Tham gia đóng góp ý kiến vào việc xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương. Kịp thời phổ biến kiến thức, kinh nghiệm trong xây dựng kinh tế, xã hội đã đúc kết từ thực tiễn cuộc sống hoặc được tập huấn, học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác để vận động nhân dân cùng học tập, làm theo. Nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc và phản ánh kịp thời về cấp ủy, chính quyền địa phương, Cơ quan dân tộc cấp huyện, tỉnh và các đơn vị có liên quan,đồng thời có thể tham gia, đề xuất các giải pháp để giải quyết hiệu quả.

4. Tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình; xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục truyền thống của nhân dân địa phương; vận động nhân dân thôn, bản không theo các tà đạo, đạo lạ hoạt động trái phép trên địa bàn.

5. Tích cực tham gia hoà giải, giải quyết các mâu thuẫn tại cơ sở; tham gia vào các phong trào: “xây dựng đời sống văn hoá mới ở khu dân cư”, “phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới”. Tham gia phòng, chống các hoạt động diễn biến hoà bình, chống phá Đảng, Nhà nước ta, không tham gia các hoạt động gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ an ninh, trật tự xã hội tại địa phương.

Điều 4. Chế độ, chính sách đối với người có uy tín

Người có uy tín trên địa bàn tỉnh được hưởng chế độ, chính sách cụ thể như sau:

1. Cung cấp thông tin

a) Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất, người có uy tín được cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh, huyện, xã phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung liên quan đến vấn đề dân tộc, tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, của tỉnh.

b) Người có uy tín được cấp 01 tờ/số báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc, 01 tờ/số báo Vĩnh Phúc (trường hợp người có uy tín thuộc diện đã được cấp Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Vĩnh Phúc từ các chính sách khác thì không được hưởng chính sách này).

c) Hằng năm, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của tỉnh, Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động:

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với người có uy tín: số lượng không quá 03 lớp/năm.

- Tham quan học tập kinh nghiệm ở trong tỉnh: số lượng không quá 04 đoàn/năm.

- Thăm quan học tập kinh nghiệm ở ngoài tỉnh: mỗi đối tượng người có uy tín tham gia không quá 01 lần/năm.

2. Chế độ, chính sách khác gồm: Hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần; đón tiếp, tặng quà các đoàn đại biểu người có uy tín đến thăm, làm việc tại cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, đón tiếp người có uy tín; chế độ khen thưởng đối với người có uy tín được thực hiện theo quy định tại Điều 4 của Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Điều 1, Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 18/2011/QĐ-TTg và Điều 4 của Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC của liên bộ Uỷ ban Dân tộc- Bộ Tài chính về quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Người có uy tín được hưởng chế độ, chính sách kể từ ngày có Quyết định phê duyệt công nhận hàng năm của Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 5. Kinh phí thực hiện chính sách

1. Kinh phí thực hiện chính sách hàng năm được bố trí từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và giao cho Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc hoặc Văn phòng UBND phụ trách công tác dân tộc huyện (sau đây gọi tắt là cơ quan công tác dân tộc huyện) để chi cho các hoạt động tổ chức triển khai, thực hiện chính sách đối với người có uy tín.

2. Ngân sách cấp tỉnh thực hiện các nội dung:

a) Đặt mua Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Vĩnh Phúc để cấp cho người có uy tín; thăm hỏi, tặng quà người có uy tín vào dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số; thăm, tặng quà cho gia đình người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả của thiên tai; có bố, mẹ, vợ, chồng, con và bản thân người có uy tín qua đời; tổ chức cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương cho người có uy tín; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tổ chức cho người có uy tín tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

b) Kinh phí quản lý phục vụ hoạt động: tổ chức triển khai, thực hiện chế độ, chính sách, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách, công tác phí cho cán bộ đi thăm hỏi người có uy tín, dự các hội nghị tập huấn; các trường hợp khen thưởng đột xuất và đặc biệt khác; tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách theo quy định.

3. Ngân sách cấp huyện, cấp xã thực hiện các nội dung:

a) Thăm hỏi, tặng quà người có uy tín ốm đau; gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai; bản thân người có uy tín, bố, mẹ, vợ, chồng, con của người có uy tín qua đời; gặp mặt, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương cho người có uy tín.

b) Kinh phí quản lý thực hiện các hoạt động: tổ chức triển khai, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện chính sách trên địa bàn, công tác phí cho cán bộ đi thăm hỏi người có uy tín, dự các hội nghị tập huấn của tỉnh, trung ương; các trường hợp khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

4. Việc lập dự toán, thực hiện và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Trách nhiệm của Ban Dân tộc

Ban Dân tộc là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín, cụ thể như sau:

1. Hàng năm, hướng dẫn công tác rà soát, bình chọn, xét công nhận bổ sung, thay thế người có uy tín; phối hợp với Công an tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cơ quan liên quan thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định phê duyệt danh sách người có uy tín xong trước ngày 20 tháng 3 hàng năm.

2. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, hội nghị gặp mặt biểu dương, cung cấp thông tin và tổ chức các đoàn tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; đón tiếp, tặng quà các đoàn đại biểu người có uy tín khi đến thăm, làm việc tại cơ quan.

3. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã tổ chức thăm chúc tết người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào dân tộc thiểu số; thăm hỏi, động viên khi ốm đau, hộ gia đình người có uy tín gặp khó khăn và thăm viếng theo quy định.

4. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách từ cơ sở; phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tổng hợp kiến nghị, bổ sung chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trình UBND tỉnh quyết định hoặc kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế.

5. Theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện chính sách theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

6. Hàng năm, phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ khen thưởng đối với người có uy tín theo quy định hiện hành.

7. Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chính sách theo quy định; dự toán mua và cấp Báo Dân tộc và Phát triển cho người có uy tín; Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các chế độ chính sách cho người có uy tín theo quy định của Luật Ngân sách.

Điều 7. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan

1. Sở Tài chính: Phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín; hướng dẫn lập dự toán; cấp phát kinh phí hỗ trợ; phối hợp kiểm tra tình hình thực hiện chính sách tại cơ sở.

2. Sở Nội vụ: Phối hợp với Ban Dân tộc trình UBND tỉnh xem xét khen thưởng cho người có uy tín và các tập thể, cá nhân liên quan trong hoạt động quản lý, vận động, phát huy vai trò của người có uy tín theo quy định của Luật Thi đua Khen thưởng.

3. Công an tỉnh: Phối hợp với Ban Dân tộc tham mưu UBND tỉnh xét duyệt, công nhận và thực hiện chính sách đối với người có uy tín; tuyên truyền nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm của người có uy tín đối với công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương, cơ sở.

4. Báo Vĩnh Phúc: Hàng năm, phối hợp Ban Dân tộc lập dự toán kinh phí để cấp Báo Vĩnh Phúc cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đăng tin, bài viết, ảnh về các gương người có uy tín tiêu biểu, điển hình.

5. Bưu điện tỉnh: Thực hiện cấp phát báo cho người có uy tín, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.

Điều 8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh uỷ theo chức năng, nhiệm vụ của ngành phối hợp với Ban Dân tộc, các cơ quan liên quan thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Chỉ đạo ngành dọc phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tham gia rà soát, kiểm tra, đánh giá, bình chọn, xét công nhận bổ sung, thay thế người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của người có uy tín theo chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Điều 9. Trách nhiệm của UBND các huyện, thị xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số

1. Chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện chế độ, chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn huyện, thị xã;

2. Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã hàng năm rà soát, bình chọn, đề nghị xét công nhận bổ sung, thay thế người có uy tín; tổng hợp danh sách người uy tín gửi UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc tỉnh) trước ngày 25/02 hàng năm. Bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách huyện, thị xã để thực hiện chính sách; quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí được giao theo quy định chung Nhà nước; tổ chức thực hiện các chính sách đối với người có uy tín ở cơ sở.

3. Phối hợp với Ban Dân tộc tổ chức thăm hỏi, tặng quà người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán hàng năm, Tết của các dân tộc thiểu số. Thăm hỏi, tặng quà khi người có uy tín ốm đau, gia đình gặp khó khăn và thăm viếng theo quy định; phối hợp tập huấn kiến thức và tổ chức cho người có uy tín thăm quan, học tập kinh nghiệm.

4. Thông tin kịp thời cho Ban Dân tộc về gia đình người có uy tín gặp khó khăn do hậu quả của thiên tai; bản thân người có uy tín, bố, mẹ, vợ, chồng, con qua đời.

5. Hàng năm, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị để cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của địa phương cho người có uy tín.

6. Phối hợp Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Công an huyện trong việc quản lý, nhận xét, đánh giá người có uy tín hàng năm; thực hiện công tác thi đua, khen thưởng liên quan đến người có uy tín, cán bộ, công chức làm công tác quản lý người có uy tín ở địa phương; đề xuất với UBND tỉnh và Trung ương khen thưởng các trường hợp người có uy tín tiêu biểu, xuất sắc của địa phương.

7. Thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất qua Ban Dân tộc để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 10. Trách nhiệm của UBND xã, phường, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

1. Hàng năm, tổ chức rà soát, bình chọn, đề nghị xét công nhận bổ sung, thay thế người có uy tín ở các thôn, bản của địa phương, báo cáo UBND huyện tổng hợp chung theo hướng dẫn của Ban Dân tộc.

2. Phối hợp với phòng Dân tộc huyện, hoặc Văn phòng UBND huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thăm hỏi khi người có uy tín bị ốm đau, gia đình gặp khó khăn do hậu quả của thiên tai và thực hiện chế độ, chính sách nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn; chủ động kiểm tra, giám sát, báo cáo việc tổ chức thực hiện chính sách trên địa bàn;

3. Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất có trách nhiệm phổ biến, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương cho người có uy tín. Báo cáo tình hình hoạt động của người có uy tín định kỳ hàng quý, 6 tháng, 01 năm và đột xuất; thông tin kịp thời cho UBND cấp huyện về tình hình của người có uy tín và gia đình người có uy tín để tổ chức thực hiện chính sách theo quy định.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh các đơn vị kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Ban Dân tộc) để xem xét điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.