Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2019/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 25 tháng 12 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cạnh tranh ngày 12 tháng 6 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Căn cứ Thông tư số 10/2018/TT-BCT ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 2116/TTr-SCT ngày 20 tháng 12 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2020./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN TRONG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 50/2019/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

2. Những nội dung quản lý nhà nước khác về kinh doanh theo phương thức đa cấp không quy định trong Quy chế này, các cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Theo chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý, các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã; tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong phạm vi ngành, lĩnh vực, địa phương phụ trách.

2. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật. Nghiêm cấm mọi thái độ cửa quyền, quan liêu, vô trách nhiệm, gây phiền hà cho các doanh nghiệp.

3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm chủ động, phối hợp với nhau để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Điều 4. Nội dung phối hợp

Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; cụ thể: thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; phối hợp giải quyết, xử lý tố cáo, kiến nghị, phản ánh của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Điều 5. Phương thức phối hợp

Cơ quan chủ trì ban hành văn bản hoặc trực tiếp gặp gỡ để trao đổi hoặc thông qua các phương tiện thông tin liên lạc đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ; đồng thời khi kết thúc phối hợp có báo cáo chi tiết về Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả phối hợp của các cơ quan, đơn vị đối với từng nội dung công việc để biết, xem xét chỉ đạo.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP THANH TRA, KIỂM TRA, GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH THEO PHƯƠNG THỨC ĐA CẤP

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan chủ trì

Cục Quản lý thị trường là cơ quan chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh:

a) Là cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận và giải quyết đơn thư tố cáo, phản ánh, khiếu nại của tổ chức, cá nhân có nội dung liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các nhiệm vụ khác theo quy định.

b) Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp và các hình thức lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để lừa đảo, huy động vốn trái quy định của pháp luật.

c) Chủ động lập kế hoạch để tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

d) Phối hợp các cơ quan liên quan, địa phương thanh tra, kiểm tra, giám sát theo định kỳ hoặc đột xuất hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.

đ) Phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành xác minh, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định khi tiếp nhận được các thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh.

Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan phối hợp

1. Sở Công Thương:

a) Phối hợp các cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đã được Bộ Công Thương cấp. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định pháp luật nếu phát hiện doanh nghiệp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

b) Cập nhật và công bố thường xuyên, kịp thời danh sách doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương, thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp, thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương trên trang thông tin điện tử của Sở Công Thương để phục vụ các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp.

c) Phối hợp với cơ quan có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Y tế:

a) Phối hợp với cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm về việc không đáp ứng điều kiện kinh doanh các mặt hàng của doanh nghiệp, người tham gia kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định; xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm và sản phẩm khác của doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn theo thẩm quyền.

b) Phối hợp với cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý theo thẩm quyền đối với hoạt động quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền cung cấp thông tin về các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng khác của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa, sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi thẩm quyền.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với cơ quan chủ trì trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh đối với các loại sản phẩm, hàng hóa thuộc ngành phụ trách.

b) Phối hợp với cơ quan chủ trì trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền đối với hoạt động quảng cáo, hội nghị, hội thảo, tuyên truyền, cung cấp thông tin của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý được pháp luật quy định.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hóa thuộc ngành phụ trách khi được yêu cầu.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp của các doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

6. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan có liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến Quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh.

b) Kịp thời công bố các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp, các biến tướng của bán hàng đa cấp để cảnh báo người dân về những dấu hiệu vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với cơ quan có liên quan quản lý hoạt động quảng cáo một số mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung của các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp.

7. Công an tỉnh:

a) Chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan lập kế hoạch tổ chức kiểm tra, rà soát tình hình chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp trên địa bàn.

b) Tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn; khởi tố, điều tra tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với các nhóm tội liên quan hoạt động đa cấp.

c) Chỉ đạo Công an cấp huyện, cấp xã làm đầu mối, thường xuyên phối hợp với các phòng, đơn vị chuyên môn của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc giám sát, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

8. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm phối hợp cơ quan chủ trì cung cấp thông tin có liên quan đến việc kê khai, nộp, quyết toán thuế, phí lệ phí; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm về thuế, phí, lệ phí và các quy định khác có liên quan đến doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên địa bàn tỉnh.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bến Tre có trách nhiệm chỉ đạo các Chi nhánh Ngân hàng trên địa bàn tỉnh tuân thủ các quy định về xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp; đồng thời, chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp tại các ngân hàng nhận ký quỹ theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-NHNN ngày 30/11/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc hướng dẫn việc xác nhận, quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

10. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Phối hợp cơ quan chủ trì trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn quản lý; chủ động giám sát, phát hiện các hoạt động bán hàng đa cấp trái quy định pháp luật trên địa bàn quản lý, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm đúng theo quy định pháp luật.

b) Chủ trì tổ chức giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này và các quy định của pháp luật về hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn. Xử lý nghiêm đối với cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng hoạt động bán hàng đa cấp biến tướng trên địa bàn.

11. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp và việc cư trú của công dân trên địa bàn; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp, kịp thời chỉ đạo lực lượng Công an xã đến hiện trường kiểm tra, bảo vệ hiện trường; đồng thời báo cáo với cơ quan cấp trên trực tiếp để có phương án xử lý theo quy định.

b) Tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để lừa đảo, huy động vốn trái quy định của pháp luật để cung cấp cho cơ quan chủ trì hoặc cấp trên trực tiếp để xử lý theo thẩm quyền.

c) Theo dõi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn, thông báo các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp để nhân dân biết và cảnh giác.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức đoàn thể

Cung cấp thông tin, kiến nghị của nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức, đơn vị.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Tổ chức thực hiện

1. Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát sinh vướng mắc, các Sở, ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương) để sửa đổi, bổ sung Quy chế./.