Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 501/QĐ-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CỦA BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VÀ CÁC PHÓ CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 79/2022/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2021 và Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nguyên tắc phân công

1. Tuân thủ quy định của pháp luật, Quy chế làm việc của Chính phủ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ.

2. Phù hợp với Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ và các quy chế, quy định khác của Văn phòng Chính phủ.

3. Phân công xử lý, giải quyết công việc đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ và các quy chế, quy định khác có liên quan.

4. Đề cao trách nhiệm cá nhân, chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, phát huy trí tuệ tập thể trong xử lý công việc; bảo đảm dân chủ, minh bạch, thống nhất trong điều hành công việc của lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

5. Bảo đảm hài hòa, hợp lý, phát huy năng lực sở trường, kinh nghiệm của từng cá nhân; không chồng chéo, không bỏ trống nhiệm vụ

6. Căn cứ tình hình thực tế và yêu cầu công việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Bộ trưởng, Chủ nhiệm) xem xét, điều chỉnh việc phân công công việc của các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Phó Chủ nhiệm).

7. Trường hợp Bộ trưởng, Chủ nhiệm quyết định phân công, các Phó Chủ nhiệm và các Vụ, Cục, đơn vị phải nghiêm túc chấp hành.

Điều 2. Trách nhiệm và quan hệ công tác giữa Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, Quy chế làm việc của Chính phủ và các nội dung sau đây:

a) Chịu trách nhiệm chung và trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ;

b) Phân công các Phó Chủ nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm theo dõi, chỉ đạo, xử lý công việc thường xuyên thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Chủ nhiệm trong từng lĩnh vực công tác của Văn phòng Chính phủ; theo dõi và chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị được phân công;

c) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm trực tiếp chỉ đạo, xử lý công việc đã phân công cho các Phó Chủ nhiệm;

d) Khi vắng mặt tại cơ quan, Bộ trưởng, Chủ nhiệm ủy nhiệm 01 Phó Chủ nhiệm thay mặt Bộ trưởng, Chủ nhiệm chỉ đạo công tác chung của Văn phòng Chính phủ và giải quyết các công việc do Bộ trưởng, Chủ nhiệm phụ trách.

2. Phó Chủ nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm theo dõi, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân công và chịu trách nhiệm trước pháp luật, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm về nhiệm vụ được phân công;

b) Thay mặt Bộ trưởng, Chủ nhiệm xử lý các công việc thuộc lĩnh vực được Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân công; báo cáo, xin ý kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm đối với những vấn đề lớn, quan trọng;

c) Đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương xây dựng, thực hiện đúng chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quy chế làm việc của Chính phủ, chương trình kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ giao; theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các Vụ, Cục, đơn vị được phân công thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao;

d) Chỉ đạo xử lý hồ sơ, ký phiếu trình Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, ký văn bản thuộc lĩnh vực phân công tại Điều 3 Quyết định này và chịu trách nhiệm toàn diện về ý kiến, quyết định của mình;

đ) Trong trường hợp Phó Chủ nhiệm vắng mặt tại cơ quan hoặc vì lý do khác mà không thể trực tiếp xử lý công việc chuyên môn được phân công, thì Phó Chủ nhiệm hoặc Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng đơn vị chủ trì (sau đây gọi chung là Trưởng đơn vị) có trách nhiệm báo cáo để Bộ trưởng, Chủ nhiệm trực tiếp xử lý hoặc phân công Phó Chủ nhiệm khác xử lý thay;

e) Đối với công việc cần xử lý gấp trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ mà cần có ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm đi họp hoặc đi công tác (không liên lạc được) thì Phó Chủ nhiệm xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách để tổ chức thực hiện, sau đó báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm;

g) Khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xử lý, các Phó Chủ nhiệm chỉ đạo các Vụ, Cục, đơn vị hoàn thiện hồ sơ, ký trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ;

h) Tham dự, chỉ đạo phục vụ các phiên họp, cuộc họp, buổi làm việc, các hoạt động của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công phụ trách (kiểm tra thành phần mời họp; bố trí hậu cần, lễ tân, khánh tiết; đôn đốc tài liệu; chỉ đạo xây dựng báo cáo thẩm tra, bài phát biểu, dự thảo kết luận, ký thông báo kết luận ...).

Nếu Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực không tham dự họp được thì Phó Chủ nhiệm hoặc Trưởng đơn vị có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm để phân công Phó Chủ nhiệm khác dự thay. Sau cuộc họp, Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực tham khảo ý kiến Phó Chủ nhiệm dự thay để ký biên bản cuộc họp, ký phiếu trình, thông báo kết luận cuộc họp (nếu có). Trường hợp Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực vắng mặt trong khi cần ký gấp các văn bản, tờ trình liên quan đến cuộc họp thì Phó Chủ nhiệm dự thay ký thay;

i) Tham dự các buổi tiếp khách quốc tế, tiếp khách trong nước của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ theo lịch được Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân công; tháp tùng Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực đi công tác, làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, tham dự các sự kiện (lễ kỷ niệm, khởi công, khai mạc, khai giảng, khánh thành, trao thưởng...);

k) Chủ trì họp, làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để xử lý công việc (bao gồm cả cuộc họp điều phối xử lý những vấn đề còn ý kiến khác nhau);

l) Phó Chủ nhiệm thực hiện các công việc khác theo sự phân công, ủy nhiệm của Bộ trưởng, Chủ nhiệm;

m) Ngoài thực hiện nhiệm do Bộ trưởng, Chủ nhiệm phân công, các Phó Chủ nhiệm giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm, Chánh Văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện những nhiệm vụ của Văn phòng Ban cán sự đảng Chính phủ theo lĩnh vực phụ trách.

3. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực công việc do Phó Chủ nhiệm khác phụ trách thì Phó Chủ nhiệm chủ trì chủ động phối hợp giải quyết. Trường hợp phải họp thì khẩn trương đồng chủ trì để xử lý công việc. Họp xong vẫn còn có ý kiến khác nhau, Phó Chủ nhiệm chủ trì quyết định phương án hoặc báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, quyết định.

4. Đối với hồ sơ, công việc liên quan đến nhiều Phó Chủ nhiệm

a) Phó Chủ nhiệm chủ trì là Phó Chủ nhiệm phụ trách Vụ chuyên ngành được giao chủ trì xử lý hồ sơ công việc đó, chịu trách nhiệm chính trong quá trình xử lý hồ sơ, ký duyệt hồ sơ công việc đó;

b) Trường hợp có ý kiến khác nhau về trách nhiệm chủ trì, các Phó Chủ nhiệm phải đồng chủ họp để thống nhất, không được để chậm trễ.

5. Ngoài nhiệm vụ được phân công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giao. Phó Chủ nhiệm có trách nhiệm báo cáo lại Bộ trưởng, Chủ nhiệm sau khi thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Phân công công tác của Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm

1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Trần Văn Sơn

a) Lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ;

b) Chỉ đạo xây dựng Chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thực hiện quy chế làm việc của Chính phủ;

c) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực, công tác:

- Quan hệ phối hợp công tác của Văn phòng Chính phủ với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội.

- Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cả nước và các vùng; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực kinh tế ngành (đối với quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực kinh tế ngành, Vụ chủ trì báo cáo Phó Chủ nhiệm phụ trách trước khi trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm để trình Lãnh đạo Chính phủ).

- Chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại và công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh; nội chính.

- Chiến lược, kế hoạch và các vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm về đối ngoại; (đối với các lĩnh vực này, Vụ chủ trì báo cáo Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm để trình Lãnh đạo Chính phủ).

- Chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu (đối với lĩnh vực này, Vụ chủ trì báo cáo Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm để trình Lãnh đạo Chính phủ).

- Chiến lược, chính sách lớn về tài chính, tín dụng, tiền tệ quốc gia. Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn; quỹ dự trữ ngoại hối; phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái quốc gia; kế hoạch cung ứng tiền hằng năm (đối với các lĩnh vực này, Vụ chủ trì báo cáo Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm để trình Lãnh đạo Chính phủ).

- Xây dựng (bao gồm cả nhà ở và thị trường bất động sản); tổ chức bộ máy; công chức, công vụ; địa giới hành chính.

- Quan hệ phối hợp công tác giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội (trừ giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri do Phó Chủ nhiệm được phân công sẽ theo dõi, chỉ đạo).

- Công tác chuẩn bị nội dung, chương trình, tài liệu phục vụ Thủ tướng Chính phủ họp với Lãnh đạo chủ chốt Đảng, Nhà nước.

- Những vấn đề chung về công tác: chiến lược, kế hoạch về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; thi đua, khen thưởng; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

- Các dự án quan trọng quốc gia, các công việc Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo (đối với các dự án, công việc này, Vụ chủ trì báo cáo Phó Chủ nhiệm phụ trách lĩnh vực cho ý kiến trước khi trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm để trình Lãnh đạo Chính phủ).

- Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực, công tác: thông tin, truyền thông của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và công báo tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

- Những nhiệm vụ đột xuất, quan trọng và những giải pháp có tính đột phá trên các lĩnh vực;

d) Theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách;

đ) Theo dõi, chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ tại Văn phòng Chính phủ;

e) Quan hệ phối hợp công tác với Ban Tổ chức Trung ương;

g) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban, tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thành lập theo lĩnh vực phụ trách hoặc khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu;

h) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Nội chính, Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

2. Phó Chủ nhiệm Nguyễn Sỹ Hiệp

Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: quan hệ quốc tế (bao gồm cả ngoại giao và quan hệ đối ngoại; hội nhập quốc tế; kinh tế đối ngoại;); biên giới, Biển Đông - Hải đảo, nhân quyền;

b) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: giao thông vận tải; công nghiệp, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; bảo đảm, sử dụng năng lượng; cơ chế, chính sách chung về đấu thầu; tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu; thương mại, xuất nhập khẩu;

c) Theo dõi, chỉ đạo toàn bộ lĩnh vực dầu khí, bao gồm cả: tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, dịch vụ dầu khí, dự trữ dầu thô và sản phẩm dầu trong mọi hoạt động đầu tư trong nước, đầu tư trực tiếp của nước ngoài tại Việt Nam và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài; xử lý các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đối với các dự án dầu khí;

d) Theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực khoa học và công nghệ;

đ) Theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách;

e) Tiếp tục theo dõi, chỉ đạo việc triển khai các nội dung liên quan đến quy hoạch tỉnh, thành phố;

g) Chỉ đạo theo dõi các địa phương, chuẩn bị nội dung và tháp tùng Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng Đông Nam Bộ;

h) Quan hệ phối hợp công tác với Ban Đối ngoại Trung ương;

i) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban, tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thành lập theo lĩnh vực được phân công;

k) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Công nghiệp.

3. Phó Chủ nhiệm Mai Thị Thu Vân

Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực kinh tế tổng hợp (bao gồm cả kế hoạch và đầu tư, tài chính, nợ công, tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán, giá, thống kê, kế toán, kiểm toán, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kinh doanh bảo hiểm, casino, đặt cược, thuế, hải quan, dự trữ quốc gia, dự báo và chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chi ngân sách nhà nước, sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước, Quỹ dự trữ tài chính, Quỹ dự trữ ngoại hối, phát hành công trái, trái phiếu Chính phủ);

b) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực: Sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, mua bán, giải thể, phá sản hợp tác xã;

c) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực, công tác: nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, diêm nghiệp, phát triển nông thôn; hợp tác xã; thông tin và truyền thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;

d) Theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách;

đ) Chỉ đạo theo dõi các địa phương, chuẩn bị nội dung và tháp tùng Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương thuộc vùng Đồng bằng Sông Hồng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long;

e) Quan hệ phối hợp công tác với Ban Kinh tế trung ương;

g) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban, tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thành lập theo lĩnh vực được phân công;

h) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Vụ Kinh tế tổng hợp, Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Vụ Nông nghiệp, Vụ Tổng hợp.

4. Phó Chủ nhiệm Cao Huy

Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực, công tác: thanh tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; phòng, chống tội phạm, tham nhũng; dân tộc; tôn giáo; đặc xá; kiểm soát thủ tục hành chính;

b) Theo dõi, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách;

c) Chỉ đạo theo dõi các địa phương, chuẩn bị nội dung và tháp tùng Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ làm việc với các địa phương thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, vùng Tây Nguyên;

d) Theo dõi, chỉ đạo các vấn đề chung về 03 chương trình mục tiêu quốc gia;

đ) Xử lý các vấn đề cụ thể, thường xuyên về công tác thi đua, khen thưởng nhà nước; cải cách hành chính; chuyển đổi số (bao gồm cả ứng dụng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành);

e) Quan hệ phối hợp công tác với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

g) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban, tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thành lập theo lĩnh vực được phân công;

h) Theo dõi, chỉ đạo các công tác nội bộ của Văn phòng Chính phủ: hành chính, cải cách hành chính, hợp tác quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản (bao gồm cả công tác tài chính, đầu tư, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và Chính phủ điện tử, chuyển đổi số); quản trị, hậu cần (bao gồm cả lễ tân, hậu cần phục vụ hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Chính phủ);

i) Xử lý các công việc cụ thể khác về thi đua, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, kỷ luật nội bộ và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chính phủ; xử lý các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề nội bộ của Văn phòng Chính phủ;

k) Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban, tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thành lập theo lĩnh vực được phân công;

l) Làm Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng công chức; Chủ tịch Hội đồng lương; Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng; Chủ tịch Hội đồng Sáng kiến; Chủ tịch Hội đồng kỷ luật Văn phòng Chính phủ; Trưởng ban Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ; Trưởng ban thực hiện Quy chế dân chủ; Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự Văn phòng Chính phủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo dự án cải tạo trụ sở làm việc của Chính phủ và Văn phòng Chính phủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo công tác Phòng, chống tác hại thuốc lá; Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố của Văn phòng Chính phủ;

m) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Vụ I, Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và Công vụ, Vụ Hành chính, Vụ Kế hoạch tài chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Cục Quản trị, Cục Hành chính - Quản trị II; Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hội trường Thống Nhất, Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương, Nhà khách La Thành.

5. Phó Chủ nhiệm Đỗ Ngọc Huỳnh

a) Thực hiện nhiệm vụ Trợ lý của Thủ tướng Chính phủ.

b) Giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm thực hiện thêm các nhiệm vụ sau:

- Theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực khoa giáo - văn xã, bao gồm: giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế; dân số; lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, người có công, giảm nghèo và các vấn đề xã hội; phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh; văn hoá, thể thao, du lịch (bao gồm cả: cụm du lịch; khu du lịch quốc gia; khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng); xóa đói giảm nghèo; lưu trữ nhà nước; phát triển bền vững.

- Theo dõi, chỉ đạo chung về công tác xây dựng thể chế, pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và các công tác tư pháp khác; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác tư pháp; công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách; công tác pháp chế của cơ quan Văn phòng Chính phủ;

- Theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực, công tác: quan hệ phối hợp công tác giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội; giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri;

- Công tác biên tập, soạn thảo các văn kiện, báo cáo, bài viết, bài phát biểu, tài liệu phục vụ Thủ tướng Chính phủ.

- Quan hệ phối hợp công tác với Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.

- Tham gia làm thành viên các Ban Chỉ đạo, Hội đồng, Ủy ban, tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ thành lập theo lĩnh vực được phân công;

c) Trực tiếp theo dõi và chỉ đạo: Vụ Pháp luật, Vụ Khoa giáo - Văn xã, Vụ Thư ký - Biên tập.

Điều 4. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 246/QĐ-VPCP ngày 04 tháng 5 năm 2021, Quyết định số 407/QĐ-VPCP ngày 31 tháng 7 năm 2023 và Quyết định số 263/QĐ-VPCP ngày 11 tháng 5 năm 2024 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm.

2. Các Phó Chủ nhiệm, các Trợ lý, Thư ký của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, các Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng các đơn vị và công chức, viên chức thuộc Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

3. Trong quá trình thực hiện Quyết định này, nếu có vướng mắc phát sinh, giao Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng, Chủ nhiệm xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- TTgCP, các Phó TTgCP (để b/c);
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN; Trợ lý, Thư ký TTgCP, các Phó TTgCP, các Vụ, Cục, Cổng TTĐT, ĐVSNCL, VPBCS, VPĐU, VPCĐ, ĐTN;
- Lưu: VT, TCCB (3) NHT

BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM




Trần Văn Sơn