THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2001/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 51/2001/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 4 NĂM 2001 PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH HOÁ CHẤT VIỆT NAM 5 NĂM 2001 - 2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp (tờ trình số 4871-TTr-KHĐT ngày 22 tháng 12 năm 2000) và ý kiến các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 898 BKH/CN ngày 19 tháng 02 năm 2001), Tài chính (Công văn số 1176 TC/TCDN ngày 16 tháng 02 năm 2001), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 298/BNN/KH ngày 7 tháng 02 năm 2001), Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Công văn số 348/BKHCNMT-CN ngày 12 tháng 02 năm 2001).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kế hoạch phát triển ngành hoá chất Việt Nam 5 năm 2001-2005 với nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU KẾ HOẠCH:
1. Từng bước xây dựng ngành hoá chất có cơ cấu hợp lý và hiện đại, hình thành các khu công nghiệp tập trung, các tổ hợp sản xuất hoá chất có quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, sử dụng có hiệu quả tài nguyên trong nước, đáp ứng yêu cầu thị trường và thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
2. Tiếp tục tìm kiếm các nguồn vốn, các hình thức đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư mới như: phân đạm urê; diamonphotphat (DAP); xút; sô đa; săm lốp ô tô, máy kéo và một số sản phẩm có giá trị cao.
3. Nhanh chóng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị hiện có để sản xuất các sản phẩm có nhu cầu lớn trong nước, có lợi thế về nguyên, vật liệu, có khả năng cạnh tranh như: phân lân chế biến; phân hỗn hợp NPK; săm lốp ô tô, xe đạp, xe máy; axít photphoric (H3PO4); tripolyphotphat; xút (NAOH); axít sunfuric (H2SO4); bột nhẹ, ắc quy
4. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt trên 15%/năm.
II. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH 5 NĂM 2001-2005:
1. Phân bón:
a) Phân lân:
Đầu tư chiều sâu, mở rộng tăng công suất các nhà máy Supe photphat và hoá chất Lâm Thao, Supe Long Thành, Phân lân nung chảy (Văn Điển, Ninh Bình). Đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công xây dựng nhà máy Diamonphotphat (DAP); xem xét khả năng xây dựng nhà máy sản xuất phân lân Supe tại Lào Cai. Hoàn thành giai đoạn I và tiếp tục thực hiện giai đoạn II, tăng năng lực khai thác và tuyển quặng Apatit lên 760.000 tấn/năm.
b) Phân đạm urê:
Hoàn thành đúng tiến độ dự án cải tạo kỹ thuật nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Tổng công ty Hóa chất Việt Nam tham gia cùng với Tổng công ty Dầu khí Việt Nam xây dựng mới hai nhà máy phân đạm từ khí tại Phú Mỹ và Cà Mau; tích cực triển khai dự án nhà máy đạm từ than.
c) Phân bón hỗn hợp NPK:
Phát triển cân đối với nhu cầu và đảm bảo phân bổ hợp lý theo vùng lãnh thổ, theo giống cây trồng, chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng, đa dạng chủng loại để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
d) Đẩy mạnh sản xuất phân hữu cơ sinh hoá giầu chất dinh dưỡng.
2. Các sản phẩm cao su:
Đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ đầụ tư mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng các sản phẩm săm lốp ô tô, xe đạp, xe máy, chuẩn bị điều kiện để xây dựng nhà máy sản xuất săm lốp ô tô công suất từ 2 đến 3 triệu bộ/năm vào năm 2005. Nghiên cứu và triển khai sản xuất sản phẩm cao su kỹ thuật.
3. Hoá chất cơ bản:
Ngoài việc đẩy mạnh sản xuất các hoá chất cơ bản truyền thống (axít sunfuric, axít photphoric, axít clohydric, tripolyphotphat, bột nhẹ...) đáp ứng nhu cầu của thị trường, cần nghiên cứu chuẩn bị đầu tư xút và sô đa quy mô lớn phục vụ cho phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng, luyện kim và lọc dầu.
4. Hoá dầu và một số hoá chất khác:
a) Giữ vững và phát huy tối đa năng lực sản xuất các sản phẩm hoá dầu đã đầu tư: chất hoá dẻo dioctyl phtalate (DOP), polivinylcloride (PVC); chủ động phối hợp với ngành dầu khí và các ngành liên quan khác chuẩn bị các dự án đầu tư một số sản phẩm hoá dầu mới như nhựa polistyrel (PS), polipropilen (PP); nhựa polietilentereftalate (PET), poliamid (PA); sợi vải poliestetf (PES); vinyl clorua monomer (VCM) làm nguyên liệu cho PVC. Phát triển nguyên liệu cho sản xuất keo dán phục vụ chương trình đảm bảo sản xuất 1 triệu m3 gỗ công nghiệp. Cần coi hoá dầu là một hướng mới quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp hoá chất giai đoạn tới.
b) Về ắc quy, pin, sơn hoá học, chất giặt rửa, hoá chất bảo về thực vật.... chủ yếu là đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và từng bước xuất khẩu.
Đến năm 2005 đạt mục tiêu sản xuất một số sản phẩm chính: 1.100.000 tấn phân supe lân, 600.000 tấn phân lân nung chảy, 330.000 tấn phân diamonphotphat (DAP), tương đương 900.000 tấn phân supe lân/năm; 1.420.000 tấn phân đạm urê (toàn ngành); 1.800.000 tấn phân bón hỗn hợp NPK; 700.000 tấn xít sunfuric; 130.000 tấn xút NaOH thành phẩm; 1.200.000 bộ lốp ô tô; 800.000 kwh ắc quy.
III. VỀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỂ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:
1. Nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành giai đoạn 2001-2005 khoảng 29.000 tỷ đồng trong đó Tổng công ty Hoá chất Việt Nam khoảng 18.000 tỷ đồng (trong đó vay nước ngoài hoặc vay thương mại trong nước khoảng 8.500 tỷ đồng, phần còn lại là vốn vay ưu đãi, tự bổ sung và từ các nguồn khác).
2. Bộ Công nghiệp phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từng dự án cụ thể theo thẩm quyền, kèm theo các kiến nghị về tạo nguồn vốn đầu tư, các chính sách huy động và sử dụng vốn của từng dự án, các chính sách hỗ trợ sản xuất hoá chất, bảo đảm cho ngành hoá chất Việt Nam phát triển bền vững.
Điều 2: Quản lý và tổ chức thực hiện:
1. Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển ngành hoá chất Việt Nam giai đoạn 2001-2005 và thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Quốc phòng; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan và Tổng công ty Hoá chất Việt Nam xác định các danh mục đầu tư, quy mô đầu tư và địa điểm những công trình mới trong từng giai đoạn;
- Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các điều chỉnh hoặc bổ sung kế hoạch sau khi đã thống nhất với các Bộ, ngành và các địa phương liên quan;
- Nghiên cứu và xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn vốn đầu tư, sử dụng nguyên, vật liệu trong nước, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, tăng cường năng lực quản lý ngành hoá chất, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công nghiệp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sắp xếp tìm nguồn vốn trong và ngoài nước, kể cả vốn vay ưu đãi ODA và FDI để đáp ứng nhu cầu đầu tư ngành công nghiệp hoá chất.
Điều 3: Tổng công ty Hoá chất Việt Nam chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch. Các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp giúp đỡ trong quá trình thực hiện kế hoạch, trong đó cần chú ý đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa kế hoạch của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam với kế hoạch phát triển của các Bộ, ngành và các địa phương.
Điều 4. Tổng công ty Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Tổng công ty Hoá chất Việt Nam hoàn thiện kế hoạch phát triển và các giải pháp thực hiện chuyên ngành sản xuất phân đạm, hoá dầu theo những định hướng mục tiêu đã được phê duyệt.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ban hành.
Điều 6. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản lý và Tổng giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc các Tổng công ty: Hoá chất Việt Nam, Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm thị hành Quyết định này.
| Nguyễn Tấn Dũng (Đã ký) |