ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ:51/2001/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 2001 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Quyết định số 88/ 2000/ QĐ-UB ngày 31/12/2000 của Uỷ ban nhân dân
thành phố Hà Nội về việc thành lập Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố và Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố Hà Nội
- Quy chế này gồm có 4 (bốn) chương, 10 (mười) điều
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký
Điều3: Chánh Văn phòng HĐND và UBND thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố, Thủ trưởng các Cấp, các ngành và các đơn vị có liên quan thi hành quyết định này./.
TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
|
QUY CHẾ
HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51 QĐ- UB ngày 06 tháng 07 năm 2001 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố
1. Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng Thành phố (viết tắt là: Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố) là cơ quan chuyên trách, giúp UBND Thành phố chỉ đạo kịp thời, đúng chủ trương chính sách của Trung ương, Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố trong công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Ban Chỉ đạo GPMB Thành phố có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng và mở tài khoản riêng theo quy định hiện hành.
3. Ban chỉ đạo GPMB Thành phố có trụ sở riêng và kinh phí hoạt động do ngân sách thành phố cấp theo quy định hiện hành và quyết định của UBND Thành phố.
Điều 2: Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố thực hiện theo nội dung Quyết định số 88/2000/QĐ- UB ngày 31/10/2000 của UBND Thành phố Hà nội về thành lập Ban chỉ đạo GPMB Thành phố.
Điều 3: Xác định mối quan hệ công tác giữa Ban chỉ đạo GPMB Thành phố với các cấp chính quyền, Hội đồng đền bù GPMB quận, huyện, với Chủ đầu tư có dự án sử dụng đất trên địa bàn Thành phố.
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA THÀNH VIÊN TRONG BAN
Điều 4: Trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên trong ban
1. Trưởng ban Chỉ đạo chung hoạt động của Ban, trực tiếp giải quyết công tác giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền.
2. Phó Trưởng ban chuyên trách thường trực điều hành các hoạt động của Ban.Thay mặt Ban ký văn bản của Ban để phát hành. Thay mặt Trưởng Ban khi đi vắng giải quyết những việc được Trưởng Ban giao, những việc vượt quá thẩm quyền của mình phải báo cáo Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách khối để giải quyết.
- Giúp Trưởng Ban xây dựng kế hoạch công tác của Ban và tổng hợp báo cáo việc thực hiện kế hoạch của Ban với UBND Thành phố theo định kỳ và đột xuất.
- Quản lý và điều hành bộ máy chuyên trách và chuyên viên kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ Ban giao.
3. Phó Trưởng ban chuyên trách Trực tiếp phụ trách chính sách và công tác quản trị hành chính cùng một số mặt công tác do Trưởng ban giao.
4. Phó Trưởng ban kiêm nhiệm và các thành viên kiêm nhiệm:
- Thay mặt lãnh đạo cơ quan, đồng thời sử dụng bộ máy giúp việc tại cơ quan mình trực tiếp giải quyết các công việc thuộc sở, ngành mình phụ trách khi Trưởng ban giao.
5. Các thành viên được mời tham gia:
- Căn cứ vào chế độ chính sách hiện hành và chức năng của ngành mình tham gia chỉ đạo bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai đúng chế độ chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng di dân tái định cư.
6. Chuyên viên chuyên trách và chuyên viên kiêm nhiệm:
- Thực hiện các nhiệm vụ của lãnh đạo Ban và Thủ trưởng trực tiếp cơ quan mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 5: Bộ máy thường trực của Ban bao gồm:
- Các phó trưởng ban chuyên trách, chuyên viên chuyên trách.
- Ban được tổ chức thành các bộ phận chuyên môn giúp việc với chức năng nhiệm vụ như sau:
1. Phòng hành chính tổng hợp:
Thực hiện nhiệm vụ:
- Thực hiện nhiệm vụ hành chính quản trị, công tác văn phòng văn thư lưu trữ; đảm bảo cơ sở phương tiện làm việc cho ban; thực hiện quản lý các bộ công chức theo Pháp lệnh và các quy định hiện hành của UBND Thành phố.
- Căn cứ sự chỉ đạo của Ban, chủ động phối hợp với các Sở, Ngành các Chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án có liên quan trên địa bàn Thành phố để tổng hợp và xây dựng kế hoạch dài hạn; trung hạn; hàng năm về: tiền vốn, địa điểm xây dựng, nhu cầu về căn hộ. Đồng thời đề xuất kế hoạch phân bổ tài chính, quỹ đất quỹ nhà cho từng dự án và Quận, Huyện để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dân và xây dựng các khu tái định cư của Thành phố.
- Ghi chép nội dung hội nghị của Ban để dự thảo các văn bản chỉ đạo của Ban trình lãnh đạo Ban phê duyệt.
- Thực hiện các công việc khác khi lãnh đạo ban giao.
2. Phòng quản lý nghiệp vụ:
Thực hiện các nhiệm vụ:
- Thông báo công việc chuẩn bị thực hiện GPMB cho địa phương và Chủ đầu tư dự án, cùng địa phương và Chủ đầu tư xem xét trình duyệt việc thành lập Hội đồng đền bù GPMB, các tổ chức tư vấn, khảo sát.
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch đã giao; nắm chắc thông tin báo cáo Ban chỉ đạo giải quyết kịp thời các vướng mắc của đơn vị.
- Đề xuất ý kiến trong phê duyệt phương án đền bù GPMB theo sự phân cấp của UBND thành phố.
- Truyền đạt chỉ đạo của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố xuống các Hội đồng đền bù Quận, Huyện và nắm chắc tình hình điều tra khảo sát và kế hoạch đền bù của Chủ đầu tư, của Hội đồng đền bù; đóng góp ý kiến theo thẩm quyền; Đồng thời báo cáo kịp thời Ban chỉ đạo GPMB Thành phố các vướng mắc về chính sách đền bụ về tiến độ GPMB để Ban chỉ đạo GPMB Thành phố có biện pháp giải quyết kịp thời cho đơn vị.
- Thực hiện các công việc khác khi lãnh đạo Ban giao.
3. Phòng kiểm tra chính sách:
- Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng văn bản dự thảo về:
+ Điều chỉnh, bổ sung chế độ chính sách đền bù cho phù hợp với thực tế của Hà nội.
+ Đề xuất với Ban chỉ đạo GPMB Thành phố loại hình tổ chức thực hiện điều tra, khảo sát xác định các yếu tố đền bù.
+ Phân cấp thẩm định kế hoạch đền bù cho phù hợp báo cáo Ban chỉ đạo GPMB Thành phố xem xét trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
+ Chủ động và phối hợp với Ban TCCQ Thành phố lập kế hoạch tập huấn nghiệp vụ, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư, đồng thời tổ chức tuyên truyền, giải thích chế độ chính sách trách nhiệm và quyền hạn của những hộ bị thu hồi đất.
+ Thực hiện các công việc khác khi lãnh đạo ban giao.
Điều 6: Họp giao ban và chuyên đề
1. Hàng tháng Ban họp vào ngày thứ năm tuần đầu để kiểm điểm công tác, bàn biện pháp chỉ đạo giải quyết các vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng.
2. Phó trưởng ban thường trực chuyên trách chuẩn bị nội dung, địa điểm báo cáo Trưởng ban phê duyệt. Trường hợp đột xuất sẽ thông báo trước cho các thành viên và các đơn vị được mời dự họp trước 5 ngày.
3. Các Sở, Ngành, UBND Quận, Huyện có trách nhiệm tổng hợp các vướng mắc trong GPMB báo cáo hội nghị. Ban chỉ đạo GPMB Thành phố phải xem xét giải quyết cụ thể.
4. Các kết luận của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố, bộ phận thường trực của Ban phải ghi chép đầy đủ và thông báo bằng văn bản đến các cấp, các ngành có liên quan biết và thực hiện nghiêm túc.
5. Ngoài giao ban thường kỳ sẽ có các cuộc họp chuyên đề do các thành viên của Ban chỉ đạo GPMB Thành phố đề nghị có nội dung cụ thể. Trưởng Ban chỉ đạo GPMB thành phố sẽ quyết định tổ chức cuộc họp .
Điều 7: Bộ phận thường trực của Ban chỉ đạo GPMB thành phố có trách nhiệm phối hợp để thống nhất với Hội đồng đền bù Quận, Huyện về giá đền bù, về phương án đền bù GPMB của Quận, Huyện báo cáo Trưởng Ban chỉ đạo GPMB Thành phố thống nhất chỉ đạo và trình UBND Thành phố phê duyệt.
Chương 3:
MỐI QUAN HỆ CHỈ ĐẠO GIỮA BAN VỚI CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN
Điều 8: Sự chỉ đạo của Ban:
1. Ban thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp các thành viên thông qua hội nghị giao ban, đồng thời sử dụng bộ máy chuyên trách của Ban truyền đạt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức Nhà nước, các Chủ đầu tư và các Ban Quản lý dự án về việc thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và di dân.
2. Bộ máy chuyên trách của Ban quan hệ thường xuyên và trực tiếp với Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, tổng hợp báo cáo kịp thời UBND Thành phố và Ban chỉ đạo GPMB Thành phố.
3. Đối với Hội đồng đền bù GPMB Quận , Huyện, là quan hệ phối hợp thông qua chế độ báo cáo để đề xuất với Ban chỉ đạo GPMB Thành phố trong việc giải phóng mặt bằng di dân.
4. Đối với Chủ đầu t ư, các Ban Quản lý dự án, các tổ chức tư vấn tổ chức thực hiện điều tra lập kế hoạch đền bù; Là mối quan hệ báo cáo đề xuất giải quyết các công việc vượt thẩm quyền mình và đề xuất biện pháp giải quyết.
5. Bộ phận chuyên trách của Ban tuỳ tình hình cụ thể quy định thời gian nội dung và địa chỉ nhận báo cáo của Hội đồng GPMB Quận, Huyện và có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo luật định.
Chương 4:
TÀI CHÍNH CỦA BAN
Điều 9: Kinh phí hoạt động của Ban
1. Ban chỉ đạo GPMB Thành phố được cấp phát ngân sách như các Sở thuộc UBND Thành phố.
2. Kinh phí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chi thu theo mức quy định.
3. Vốn thực hiện giải phóng mặt bằng di dân, tái định cư có quy chế riêng.
4. Cán bộ và nhân viên chuyên t rách và kiêm nhiệm được thực hiện phụ cấp như Ban quản lý dự án nhóm A và được duyệt theo quy định hiện hành.
Điều 10 : Quy chế này gồm bốn chương, mười điều, có hiệu lực theo Quyết định ban hành của UBND Thành phố.
- Trong thời gian thực hiện có điều gì cần sửa đổi bổ sung, Ban chỉ đạo GPMB Thành phố trình UBND Thành phố xem xét sửa đổi./.
- 1 Quyết định 53/2009/QĐ-UBND ban hành Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 5745/QĐ-UBND năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành