ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/2005/QĐ-UBND | Đồng Hới, ngày 10 tháng 10 năm 2005 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI HÀNH LANG KINH TẾ DỌC ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH THUỘC TỈNH QUẢNG BÌNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 1967/QĐ-UB ngày 26/8/2002 của UBND tỉnh về phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Bình;
Căn cứ Thông tư số 05/2003/TT-BKH ngày 22/7/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ;
Căn cứ Quyết định số 27/2004/QĐ-TTg ngày 02/3/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 679/KHĐT-TH ngày 12/9/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Bình đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
I. PHẠM VI HÀNH LANG DỌC ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH
Phạm vi quy hoạch của hành lang dọc đường Hồ Chí Minh thuộc tỉnh Quảng Bình bao gồm 48 xã trên diện tích 5354,4 km2, phân bố trên 6 huyện, thành phố như sau:
- Huyện Minh Hóa gồm 7 xã: Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc, Hóa Hợp, Trung Hóa và Thượng Hóa.
- Huyện Tuyên Hóa gồm 4 xã: Hương Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Lâm Hóa.
- Huyện Bố Trạch gồm 13 xã: Xuân Trạch, Nam Trạch, Phúc Trạch, Hưng Trạch, thị trấn Nông trường Việt Trung, Cự Nẫm, Hòa Trạch, Tây Trạch, Phú Định, Sơn Trạch, Đại Trạch, Thượng Trạch và Tân Trạch.
- Thành phố Đồng Hới gồm 5 xã, phường: Đồng Sơn, Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh và Bắc Lý.
- Huyện Quảng Ninh gồm 8 xã: Vĩnh Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh, Xuân Ninh, An Ninh, Vạn Ninh, Trường Xuân và Trường Sơn.
- Huyện Lệ Thủy gồm 11 xã: Hoa Thủy, Sơn Thủy, Phú Thủy, Mai Thủy, Trường Thủy, Văn Thủy, Thái Thủy, thị trấn Nông trường Lệ Ninh, Lâm Thủy, Ngân Thủy và Kim Thủy.
II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020
1. GDP tăng trưởng bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 12 - 13%, thời kỳ 2011 - 2020 là 14 - 15%.
2. Cơ cấu kinh tế
Đến năm 2010 tỷ trọng nông lâm ngư chiếm 21%; công nghiệp xây dựng: 40%; dịch vụ: 39%.
Đến năm 2020 tỷ trọng nông lâm ngư chiếm 13%; công nghiệp xây dựng: 45%; dịch vụ 42%.
3. GDP bình quân đầu người đến năm 2010: 700 - 750 USD, đến năm 2020: 1.600 - 1.800 USD.
4. Phấn đấu từ năm 2010 trở đi đạt mục tiêu: 100% số xã đạt chuẩn phổ cập THCS; 70 - 75% trạm y tế đạt chuẩn.
Đến năm 2020: Có 35 - 40% lao động trong độ tuổi được đào tạo, 100% trạm y tế đạt chuẩn, bình quân hàng năm giảm tỷ lệ sinh 0,3 - 0,4%o và giảm tỷ lệ hộ nghèo 4 - 5% (chuẩn mới), 85 - 90% hộ nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, trên 95% số hộ được xem truyền hình và nghe đài.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHỦ YẾU CÁC NGÀNH VÀ LĨNH VỰC
1. Phát triển nông nghiệp và nông thôn
Tập trung phát triển nông nghiệp và nông thôn, chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, cơ cấu mùa vụ nhằm khai thác tiềm năng vùng núi, vùng gò đồi; phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ngắn ngày phục vụ cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và sản xuất hàng hóa như: Cao su, hồ tiêu, cây ăn quả, sắn... theo các mô hình trang trại, vườn đồi, vườn hộ gia đình. Đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp như: các giống cây trồng, vật nuôi mới, xây dựng các mô hình tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; nâng cao đời sống dân cư trong vùng.
Chú trọng nâng cao số lượng và chất lượng đàn gia súc, gia cầm theo hướng nâng cao thể trọng đàn bò, nạc hóa đàn lợn phục vụ công nghệ chế biến, phát triển đàn dê, giống vịt gà lai, đàn ong trong hộ gia đình.
Huy động các nguồn lực, khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng, xây dựng vườn đồi, vườn rừng theo hướng nông lâm kết hợp để bảo vệ môi trường sinh thái và tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên các sông, ao hồ bằng các mô hình và đối tượng nuôi thích hợp phục vụ cho tiêu dùng tại chỗ và xuất khẩu.
2. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Tập trung phát triển những ngành công nghiệp có lợi thế như: Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy sản, chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng xuất khẩu, sử dụng công nghệ tiên tiến, tăng tỷ trọng chế biến sâu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế. Đầu tư hoàn chỉnh và đồng bộ cơ sở hạ tầng, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư lấp đầy vào khu công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới. Đầu tư phát triển nhà máy sản xuất xi măng, nhà máy nước khoáng Bang, vàng Xà Khía (Lệ Thủy)... Sau năm 2010 đầu tư hình thành các khu công nghiệp như: Áng Sơn (Quảng Ninh), ngã tư Thạch Bàn - Bang (Lệ Thủy), hình thành các điểm công nghiệp như: Phú Định (Bố Trạch), Sen Thủy (Lệ Thủy), đầu tư hình thành làng nghề Thuận Đức (Đồng Hới) và 1 số điểm khác để thúc đẩy vùng nghèo phát triển, phân bố lại dân cư trong vùng. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn trên cơ sở mở rộng những ngành nghề truyền thống, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực hành lang.
3. Phát triển các ngành dịch vụ
Phát triển mạnh các ngành dịch vụ nhằm đáp ứng ngày càng cao hơn cho như cầu phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng mạng lưới thương mại trong vùng nhất là ở các cụm kinh tế - xã hội, các nút giao thông thuận lợi, đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa và dịch vụ cho nhân dân nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục đầy tư xây dựng các khu du lịch trong vùng như: Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, suối nước nóng Bang (Lệ Thủy), các quần thể di tích trên đường tỉnh lộ 20. Đầu tư tôn tạo, nâng cấp các địa danh lịch sử khác thành các điểm du lịch như: Ngã ba Khe Ve (Minh Hóa), ngã tư Thạch Bàn (Lệ Thủy), các căn cứ của Bộ Tư lệnh Đoàn 559, bến phà Xuân Sơn và phà Nguyễn Văn Trổi (Bố Trạch), lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh (Lệ Thủy). Huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới các điểm du lịch như: Núi Thần Đinh, núi U Bò (Quảng Ninh), khu bảo tàng ngoài trời đường Trường Sơn và các di tích khác trên đường Hồ Chí Minh.
Phát triển và nâng cao hiệu quả các hoạt động bưu chính viễn thông, vận tải, tài chính, ngân hàng và các loại hình dịch vụ khác để đảm bảo nhu cầu hưởng lợi cho mọi người dân trong vùng.
4. Phát triển kết cấu hạ tầng
Huy động tốt nội lực, tăng cường thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để đầu tư xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đảm bảo phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
- Về mạng lưới giao thông: Khai thác có hiệu quả 2 nhánh phía Đông và Tây đường Hồ Chí Minh. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường ngang nối Quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh như: Tỉnh lộ 10, 11, 16, 20, đồng thời xây dựng và cải tạo các tuyến đường nội thị, đường liên vùng. Tổ chức xây dựng và khai thác hiệu quả các tuyến đường gom xung quanh thị trấn, thị tứ, tụ điểm dân cư nhất là qua vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, thành phố Đồng Hới. Hình thành các đầu mối giao thông lập thể liên hoàn tại các điểm giao cắt giữa đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 12A và các đường tỉnh lộ, đồng thời xây dựng các hầm, cầu vượt qua các đường tỉnh lộ, đường sắt. Thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để kiên cố hóa toàn bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn trong vùng hành lang.
- Về phát triển lưới điện: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào khai thác có hiệu quả Nhà máy thủy điện Hố Hô (Tuyên Hóa). Đầu tư cải tạo, nâng công suất các trạm biến áp ở các khu công nghiệp, các khu du lịch, các trạm hạ thế, hệ thống lưới điện các xã. Phấn đấu đến năm 2010 tất cả các thôn bản trong vùng đều có điện, đảm bảo điện năng cho sản xuất và đời sống.
- Về hệ thống thủy lợi: Cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi hiện có, hoàn thiện chương trình kiên cố hóa kênh mương để đảm bảo diện tích tưới tiêu trong vùng. Đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi đã có trong quy hoạch như hồ Rào Đá (Quảng Ninh), hồ Bang (Lệ Thủy), thác Chuối (Bố Trạch) và các công trình thủy lợi nhỏ khác trong vùng.
- Về hệ thống cấp nước: Chú trọng đầu tư cấp nước cho các khu công nghiệp, cho các điểm công nghiệp, các đô thị dọc khu vực hành lang, mặt khác quan tâm đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các thị tứ, trung tâm các xã, phấn đấu đến năm 2020 có 85 - 90% dân cư trong vùng được dùng nước hợp vệ sinh.
- Về phát triển hệ thống đô thị: Từng bước phát triển đô thị gắn với các cụm công nghiệp, các trung tâm thương mại. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các thị trấn, thị tứ, trung tâm cụm xã để tạo động lực phát triển toàn khu vực. Phấn đấu từ nay đến năm 2010 hình thành thị trấn Phong Nha (Bố Trạch) và tiếp tục đầu tư nâng cấp thị trấn Nông trường Lệ Ninh (Lệ Thủy, Việt Trung (Bố Trạch); sau năm 2010 hình thành các thị trấn Tân Ấp (Tuyên Hóa) và thị tứ Hóa Tiến (Minh Hóa), Troóc, Khương Hà (Bố Trạch), Nam Long (Quảng Ninh, Mỹ Đức, Thạch Bàn (Lệ Thủy).
- Phát triển thông tin liên lạc: Đầu tư phát triển các bưu cục, các điểm bưu điện văn hóa xã, hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình để phục vụ tốt hơn cho nhu cầu mọi người dân.
5. Phát triển khoa học công nghệ và môi trường
- Hoạt động khoa học công nghệ cần tập trung có trọng tâm trọng điểm để giải quyết tốt công tác cải tạo giống cây trồng vật nuôi, phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng và gia súc, gia cầm. Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả nhằm tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng đàn gia súc gia cầm, phát triển nuôi trồng thủy sản trên toàn vùng. Đối mới thiết bị, ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong vùng.
- Khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng một cách hợp lý, có hiệu quả cao. Thực hiện tốt các biện pháp xử lý chất thải và bảo vệ môi trường sinh thái trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, quá trình đô thị hóa.
6. Phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả của sự nghiệp giáo dục đào tạo, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục trong toàn vùng. Tăng cường cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường lớp, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Phấn đấu đến năm 2010 phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS cho 100% số xã, sau năm 2010 đạt chuẩn phổ cập THCS cho 100% xã trong vùng. Tiếp tục phát triển đào tạo theo hướng mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu học tập, nâng cao dân trí của nhân dân, nhất là đào tạo cán bộ kỹ thuật, đào tạo nghề cho phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Phấn đấu đến năm 2010 tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo chiếm từ 35 - 40%.
- Tăng cường cơ sở vật chất và hiện đại hóa mạng lưới bệnh viện huyện, trạm xá xã để khám và chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Nâng cao chất lượng khám và chữa bệnh, thực hiện tốt khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, đồng bào dân tộc ít người, trẻ em dưới 6 tuổi. Phấn đấu đến năm 2010 có 70 - 75% và đến năm 2020 có 100% trạm y tế đạt chuẩn. Đẩy mạnh công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, tăng cường công tác truyền thông về dân số kế hoạch hóa gia đình đặc biệt đối với dân cư vùng sâu, vùng xa để tạo bước chuyển biến rõ rệt trong công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, phấn đấu giảm tỷ lệ sinh hàng năm 0,3 - 0,4%o. Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội. Tạo bước chuyển biến trong hoạt động thể dục thể thao, mở rộng và nâng cao chất lượng diện phủ sóng phát thanh truyền hình để đảm bảo nhu cầu thông tin cho nhân dân.
- Đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm, ưu tiên đầu tư tạo việc làm và đa dạng hóa việc làm, thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao dân trí cho vùng nghèo và tạo điều kiện cho các xã nghèo trong vùng hành lang vươn lên. Đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với xóa đói giảm nghèo, quan tâm hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần đối với đồng bào dân tộc ít người, đồng bào vùng sâu vùng xa, phấn đấu hàng năm giảm 4 - 5% hộ nghèo (theo chuẩn mới).
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
- Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu vực trọng điểm, tiếp tục bổ sung điều chỉnh quy hoạch chi tiết các thị trấn, từng bước lập quy hoạch chi tiết các thị tứ, các cụm dân cư tập trung, các quy hoạch sử dụng đất đai các xã, quy hoạch phân bố lại dân cư trong vùng.
- Sử dụng hợp lý và hiệu quả vốn đầu tư của các chương trình dự án nhằm đảm bảo cho khu vực đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tiếp tục tạo môi trường hấp dẫn, thực hiện tốt các quyết định của tỉnh về chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn, động viên các nguồn lực trong các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng. Tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện lồng ghép các chương trình dự án trong vùng để tăng hiệu quả vốn đầu tư. Tạo điều kiện để cho dân vay vốn phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế trang trại.
- Thực hiện chính sách kích cầu trong xây dựng, tiêu dùng, hỗ trợ đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Ổn định môi trường đầu tư và mở rộng thị trường, đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng và phát triển. Nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có công nghệ cao, tạo ra sản phẩn có sức cạnh tranh.
- Tăng cường năng lực của bộ máy quản lý, nâng cao năng lực điều hành của các ngành các cấp, các doanh nghiệp. Chú trọng đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn. Bồi dưỡng nâng cao tay nghề, xây dựng đội ngũ thợ bậc cao, công nhân lành nghề cho các chương trình dự án đầu tư trong vùng. Thực hiện tốt chính sách thu hút cán bộ công chức và sinh viên giỏi về công tác ở các huyện, các xã trong vùng.
- Nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành thực hiện quy hoạch của các ngành các cấp. Các mục tiêu phát triển trong quy hoạch được thể hiện bằng các kế hoạch trung hạn, kế hoạch hàng năm, các chương trình phát triển và các dự án đầu tư cụ thể nhằm điều hành và quản lý kinh tế - xã hội theo định hướng quy hoạch đề ra.
Điều 2. Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý và hướng dẫn thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 cho các ngành, các huyện, thành phố nhằm thực hiện tốt theo các mục tiêu và nội dung quy hoạch đã đề ra.
- Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn để tổ chức chỉ đạo thực hiện các nội dung của quy hoạch, các chương trình dự án thuộc phạm vi quản lý của đơn vị vào xây dựng kế hoạch hàng năm và tổ chức thực hiện trên từng địa bàn cụ thể theo mục tiêu, nội dung của quy hoạch đã đề ra.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong vùng hành lang kinh tế dọc đường Hồ Chí Minh, Thủ trưởng các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 06/2015/QĐ-UBND Quy định về lập, thực hiện, theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 2 Quyết định 07/2015/QĐ-UBND Quy định về lập, thực hiện, theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 3 Quyết định 52/2005/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 4 Quyết định 27/2004/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng quy hoạch chung xây dựng dọc tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn I) đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 6 Thông tư 05/2003/TT-BKH hướng dẫn về nội dung, trình tự lập, thẩm định và quản lý các dự án quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội lãnh thổ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 1 Quyết định 06/2015/QĐ-UBND Quy định về lập, thực hiện, theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 2 Quyết định 07/2015/QĐ-UBND Quy định về lập, thực hiện, theo dõi và đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
- 3 Quyết định 52/2005/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội hành lang kinh tế Quốc lộ 12A đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do tỉnh Quảng Bình ban hành