Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/2024/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 28 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ THUỘC TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

Căn cứ Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố và số lượng, chế độ chính sách đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động với các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã và kinh phí hoạt động ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 145/TTr-SNV ngày 13 tháng 6 năm 2024; Báo cáo thẩm định số 106/BC-STP ngày 04 tháng 5 năm 2024 của Sở Tư pháp; ý kiến thống nhất của các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh tại Văn bản xin ý kiến số 2795/VP.UBND-TKTH ngày 29 tháng 8 năm 2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2024.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL - Bộ Tư pháp (b/c);
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- V0-V4, TH4, TH5;
- Lưu: VT, TH2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Cao Tường Huy

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ THUỘC TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 52/2024/QĐ-UBND Ngày 28 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này quy định việc quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) thuộc tỉnh Quảng Ninh.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được quy định tại Nghị quyết số 34/2024/NQ-HĐND ngày 19/4/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chức danh, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố và số lượng, chế độ chính sách đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, bản, khu phố; mức khoán kinh phí hoạt động đối với các tổ chức chính trị-xã hội ở cấp xã và kinh phí hỗ trợ hoạt động ở thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các quy định của pháp luật có liên quan.

b) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Điều 2. Nguyên tắc quản lý, sử dụng

1. Việc quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Nội vụ và quy định của tỉnh, có sự phân công nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của chính quyền các cấp và các cơ quan có liên quan.

2. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của cấp ủy đảng; nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương.

3. Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, năng lực và số lượng được giao để nâng cao chất lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Việc quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải gắn với công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Điều 3. Chế độ làm việc

1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện chế độ làm việc 20 giờ/tuần, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2. Ngoài thời gian làm việc theo khoản 1 Điều này, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã phải chấp hành sự phân công của cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã theo yêu cầu nhiệm vụ nhưng không quá 40 giờ/tuần. Thời gian làm việc nêu trên bao gồm cả thời gian giải quyết công việc, trực tại trụ sở cơ quan và thời gian đi cơ sở.

3. Thời gian làm việc của người hoạt động không chuyên trách được công khai tại trụ sở cơ quan.

Chương II

BẦU CỬ, TUYỂN CHỌN NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ

Điều 4. Bầu cử

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã giữ các chức danh thông qua bầu cử, gồm: Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (đối với đơn vị hành chính cấp xã có hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân), được thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng, Điều lệ tổ chức tham gia là thành viên, quy định của pháp luật có liên quan và quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý theo phân cấp.

Điều 5. Tuyển chọn

1. Thực hiện tuyển chọn thông qua hình thức xét các điều kiện đăng ký dự tuyển theo quy định tại Điều 7 Quy định này (không thực hiện tính điểm) đối với các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, trừ các chức danh quy định tại Điều 4, khoản 2 Điều này và các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã do cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách cấp xã kiêm nhiệm.

2. Đối với các chức danh có quy định của pháp luật chuyên ngành thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 6. Nguyên tắc, căn cứ tuyển chọn

1. Bảo đảm công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;

2. Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn chức danh và số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được giao theo quy định.

Điều 7. Điều kiện tiêu chuẩn đăng ký tuyển chọn

1. Người đăng ký dự tuyển không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

2. Những người sau đây không được đăng ký dự tuyển:

a) Không cư trú tại Việt Nam.

b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

c) Trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 8. Đối tượng ưu tiên trong tuyển chọn

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh loại B: Đối tượng ưu tiên thứ nhất.

2. Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an, quân nhân chuyên nghiệp phục viên, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, học viên tốt nghiệp đào tạo sĩ quan dự bị, tốt nghiệp đào tạo chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở được phong quân hàm sĩ quan dự bị đã đăng ký ngạch sĩ quan dự bị, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh, con của thương binh loại B, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, con Anh hùng Lực lượng vũ trang, con Anh hùng Lao động: Đối tượng ưu tiên thứ hai.

3. Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia công an nhân dân, đội viên thanh xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, khu phố, người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố từ đủ 24 tháng trở lên đã được đánh giá xếp loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên: Đối tượng ưu tiên thứ ba.

Điều 9. Trình tự, thủ tục tuyển chọn

1. Xây dựng kế hoạch tuyển chọn

Hàng năm hoặc theo yêu cầu nhiệm vụ, Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát, căn cứ số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được giao, số lượng hiện có, số lượng người còn thiếu; xây dựng và ban hành kế hoạch tuyển chọn sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Đảng ủy cùng cấp, phòng Nội vụ cấp huyện.

2. Thông báo tuyển chọn

a) Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo công khai kế hoạch tuyển chọn; tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng cần tuyển chọn, thời hạn và địa điểm tiếp nhận hồ sơ; hình thức, nội dung, thời gian, địa điểm tuyển chọn trên truyền thanh và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa thôn, bản, khu phố.

b) Thời hạn nhận hồ sơ là 15 ngày kể từ ngày đăng thông báo.

c) Chậm nhất là 07 ngày trước ngày tổ chức tuyển chọn, Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách người tham gia tuyển chọn và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Hồ sơ đăng ký

Người tham gia dự tuyển nộp 02 bộ hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thông báo tuyển chọn, hồ sơ dự tuyển gồm:

a) Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu ban hành kèm theo Quy định này);

b) Bản sao văn bằng, chứng chỉ, các giấy tờ khác có liên quan.

4. Tổ chức tuyển chọn

a) Tiếp nhận hồ sơ

Công chức Văn phòng - Thống kê cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu sơ bộ thành phần hồ sơ theo khoản 3 Điều này;

b) Thành lập Hội đồng tuyển chọn:

Hội đồng tuyển chọn có từ 03 đến 05 thành viên gồm: Bí thư Đảng ủy hoặc Phó bí thư Đảng ủy cấp xã (đối với tuyển chọn chức danh giúp việc cấp ủy); Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với tuyển chọn chức danh giúp việc chính quyền) là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn. Trường hợp trong kỳ tuyển chọn cả chức danh giúp việc cấp ủy và chính quyền thì Bí thư Đảng ủy cấp xã quyết định người là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn.

Thành viên Hội đồng gồm: Đại diện Đảng ủy (hoặc Ủy ban nhân dân); Thường trực Hội đồng nhân dân; Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; công chức Văn phòng - Thống kê là thành viên kiêm thư ký; thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng lựa chọn.

Hội đồng tuyển chọn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2, Điều 9 Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức; nội quy thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức ban hành kèm theo Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 02/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Người được cử tham gia Hội đồng tuyển chọn là cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực, tổ chức phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển chọn. Không bố trí người có quan hệ là cha, mẹ, anh, chị, em ruột của người dự tuyển hoặc của bên vợ (chồng) của người dự tuyển; vợ hoặc chồng, con đẻ hoặc con nuôi của người dự tuyển hoặc những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật tham gia Hội đồng tuyển chọn.

c) Tổ chức tuyển chọn:

Hội đồng tuyển chọn tổ chức kiểm tra các điều kiện dự tuyển theo quy định tại Điều 7 Quy định này (sơ yếu lý lịch, văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập của người dự tuyển), lập thành biên bản.

d) Xác định người trúng tuyển

Người trúng tuyển là người đạt các điều kiện tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Quy định này; trường hợp có từ 02 người trở lên cùng đạt các điều kiện, tiêu chuẩn đăng ký tuyển chọn ở chỉ tiêu cuối cùng của vị trí cần tuyển chọn thì xác định người trúng tuyển theo đối tượng ưu tiên quy định tại Điều 8 Quy định này; nếu không xác định được người trúng tuyển, thì người có trình độ chuyên môn cao hơn là người trúng tuyển; trường hợp vẫn không xác định được người trúng tuyển thì Bí thư Đảng ủy cấp xã (đối với tuyển chọn chức danh giúp việc cấp ủy) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với tuyển chọn chức danh giúp việc chính quyền) quyết định người trúng tuyển.

5. Hoàn thiện hồ sơ tuyển chọn

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo kết quả trúng tuyển, người trúng tuyển phải đến Ủy ban nhân dân cấp xã để hoàn thiện hồ sơ tuyển chọn. Hồ sơ tuyển chọn bao gồm:

a) Sơ yếu lý lịch áp dụng theo mẫu 2C-BNV/2008 ban hành kèm theo Quyết định số 02/2008/QĐ-BNV ngày 06/10/2008 của Bộ Nội vụ về việc ban hành mẫu biểu quản lý hồ cán bộ, công chức và có xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó công tác hoặc cư trú;

b) Bản sao giấy khai sinh;

c) Bản sao các văn bằng, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được dịch thuật sang tiếng Việt, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận;

d) Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế đủ điều kiện cấp và trong thời hạn sử dụng theo quy định;

Trường hợp người trúng tuyển có hành vi gian lận trong kê khai Phiếu đăng ký dự tuyển hoặc bị phát hiện sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không đúng quy định để tham gia dự tuyển thì Bí thư Đảng ủy cấp xã (đối với tuyển chọn chức danh giúp việc cấp ủy) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với tuyển chọn chức danh giúp việc chính quyền) quyết định hủy bỏ kết quả trúng tuyển sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của phòng Nội vụ cấp huyện và không tiếp nhận Phiếu đăng ký tuyển chọn trong một kỳ tuyển chọn tiếp theo.

6. Ban hành quyết định

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người trúng tuyển hoàn thiện hồ sơ tuyển chọn, Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản gửi phòng Nội vụ cấp huyện thẩm định kết quả tuyển chọn; Bí thư Đảng ủy cấp xã (đối với chức danh giúp việc cấp ủy) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với chức danh giúp việc chính quyền) ban hành quyết định tuyển chọn, phân công nhiệm vụ người được tuyển chọn sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của phòng Nội vụ cấp huyện.

7. Nhận nhiệm vụ

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người được tuyển chọn phải đến nhận nhiệm vụ. Trường hợp có lý do chính đáng không thể đến đúng thời hạn thì phải gửi đơn gia hạn nhưng không quá 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định và phải được người có thẩm quyền tuyển chọn đồng ý bằng văn bản. Quá thời hạn nêu trên mà không đến nhận nhiệm vụ thì Bí thư Đảng ủy cấp xã (đối với chức danh người giúp việc cấp ủy) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với chức danh giúp việc chính quyền) ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyển chọn.

8. Sau khi có quyết định tuyển chọn và phân công nhiệm vụ đối với người trúng tuyển, Ủy ban nhân dân cấp xã tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua phòng Nội vụ) để theo dõi, quản lý.

Điều 10. Tiếp nhận vào làm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, Điều 36 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương trong cơ quan của Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị thuộc quân đội, công an, cơ yếu, đơn vị sự nghiệp công lập đã thôi công tác và giải quyết xong chế độ mà có đủ tiêu chuẩn và đáp ứng được ngay các nhiệm vụ của chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cần tuyển chọn.

2. Bí thư Đảng ủy cấp xã (đối với chức danh giúp việc cấp ủy) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (đối với chức danh giúp việc chính quyền) xem xét tiếp nhận vào làm người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không qua quy trình tuyển chọn (trừ các chức danh tại Điều 4 và khoản 2 Điều 5 Quy định này) sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của phòng Nội vụ cấp huyện; đồng thời chịu trách nhiệm về các điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và hồ sơ của người hoạt động không chuyên trách cấp xã không qua quy trình tuyển chọn thuộc thẩm quyền quản lý.

Chương III

ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI, KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT, BÃI NHIỆM, MIỄN NHIỆM, GIẢI QUYẾT THÔI VIỆC, QUẢN LÝ HỒ SƠ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở CẤP XÃ

Điều 11. Đánh giá, xếp loại

Việc đánh giá, xếp loại người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 36 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố và Quyết định số 30/2023/QĐ-UBND ngày 20/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, cụ thể:

1. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại

a) Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, chính xác, thực chất và đúng thẩm quyền. Thực hiện đánh giá theo hướng xuyên suốt, liên tục đa chiều theo tiêu chí cụ thể và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng người hoạt động không chuyên trách gắn với kết quả của từng bộ phận, tổ chức, đơn vị mà người đó tham gia hoạt động.

b) Việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào các yếu tố chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm, chấp hành kỷ luật, kỷ cương; chức trách, nhiệm vụ và kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; mức độ khó khăn, phức tạp, yêu cầu của công việc; sản phẩm cụ thể và các yếu tố khách quan khác; việc đánh giá cần làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Các nhiệm vụ được giao không hoàn thành hoặc chậm tiến độ do yếu tố khách quan, bất khả kháng và được cấp có thẩm quyền xác nhận thì được xem xét khi đánh giá, xếp loại chất lượng.

c) Người kiêm nhiệm nhiều chức danh thì đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức danh chính và cao nhất đồng thời kết hợp với kết quả thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm.

d) Người có thời gian công tác trong năm chưa đủ 06 tháng thì không thực hiện đánh giá, xếp loại nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

Trường hợp nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật từ 03 tháng đến dưới 06 tháng trong năm thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Trường hợp nghỉ chế độ thai sản theo quy định thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

đ) Người bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính thì đánh giá, xếp loại chất lượng như sau: Trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

Trường hợp là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

2. Tiêu chí chung

a) Về chính trị tư tưởng: Chấp hành chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, có quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; kiên định lập trường; không dao động trước khó khăn, thách thức; đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân; có ý thức nghiên cứu, học tập, vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản của Đảng.

b) Về đạo đức, lối sống: Không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, hách dịch, cửa quyền; không có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị; có tinh thần đoàn kết, xây dựng cơ quan, tổ chức trong sạch, vững mạnh; không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

c) Về tác phong, lề lối làm việc: Có trách nhiệm với công việc; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ; không đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm; phương pháp làm việc khoa học, dân chủ, đúng nguyên tắc; có tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; có thái độ đúng mực và phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, đáp ứng yêu cầu văn hóa công vụ; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ.

d) Về ý thức tổ chức kỷ luật: Chấp hành sự phân công, chỉ đạo của tổ chức, sẵn sàng nhận nhiệm vụ; thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế, nội quy của cơ quan, tổ chức; quy định về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các quy định khác của pháp luật, của cơ quan có thẩm quyền; báo cáo đầy đủ, trung thực, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao khi được yêu cầu.

đ) Về kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao:

Các chức danh bầu cử và chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại tổ chức, đơn vị. Chủ động nghiên cứu, cập nhật kịp thời kiến thức pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ; duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; không để xảy ra các vụ, việc vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý, tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài. Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ bí mật nhà nước; các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở; quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ tại tổ chức, đơn vị; sáng tạo, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao hiệu quả trong tham mưu đề xuất và thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động hàng năm, trong đó xác định rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, lượng hóa bằng sản phẩm cụ thể, tỷ lệ, mức độ, hoàn thành; giải quyết công việc đúng thẩm quyền, quy trình theo quy định; có năng lực tập hợp đoàn viên, hội viên xây dựng tổ chức đoàn kết thống nhất; có mối quan hệ công tác với cá nhân, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Các chức danh giúp việc cho cấp ủy và chính quyền: Việc nghiên cứu, cập nhật kịp thời kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng để tham mưu, tổ chức thực hiện công việc có chất lượng, đúng quy trình quy định. Triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc lĩnh vực tham mưu. Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, theo kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao; khối lượng, tiến độ, chất lượng thực hiện nhiệm vụ, tỷ lệ mức độ hoàn thành khối lượng công việc được giao. Không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ.

3. Thời điểm đánh giá, xếp loại: Thực hiện định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

4. Mức độ đánh giá, xếp loại: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hoàn thành nhiệm vụ; Không hoàn thành nhiệm vụ.

5. Thẩm quyền đánh giá, xếp loại

a) Bí thư Đảng ủy cấp xã đánh giá, xếp loại đối với các chức danh bầu cử và các chức danh giúp việc cấp ủy.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đánh giá, xếp loại đối với các chức danh giúp việc chính quyền và Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

6. Tiêu chí đánh giá, xếp loại

a) Mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

Các chức danh bầu cử và chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Thực hiện tốt các quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, theo kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 50% chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành vượt mức; 100% tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp (nếu có) được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên, trong đó ít nhất 70% hoàn thành tốt hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Các chức danh giúp việc cấp ủy và chính quyền: Thực hiện tốt các quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo quy định, theo kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả cao, trong đó ít nhất 50% nhiệm vụ hoàn thành vượt mức.

b) Mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:

Các chức danh bầu cử và chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Thực hiện tốt các quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, theo kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao đều hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó ít nhất 80% hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp (nếu có) được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên;

Các chức danh giúp việc cấp ủy và chính quyền: Thực hiện tốt các quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; hoàn thành 100% nhiệm vụ theo quy định, theo kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

c) Mức hoàn thành nhiệm vụ:

Các chức danh bầu cử và chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Thực hiện tốt các quy định tại diêm b khoản 2 Điều này; các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao đều hoàn thành trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp. Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành trên 70% các chỉ tiêu, nhiệm vụ; có ít nhất 70% tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp (nếu có) được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên.

Các chức danh giúp việc cấp ủy và chính quyền cấp xã: Thực hiện tốt các quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao đều hoàn thành, trong đó có không quá 20% tiêu chí chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ hoặc hiệu quả thấp.

d) Mức không hoàn thành nhiệm vụ:

Các chức danh bầu cử và chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; tổ chức, đơn vị hoặc ngành, lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoàn thành dưới 50% các chỉ tiêu, nhiệm vụ; tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền phụ trách, quản lý trực tiếp (nếu có) liên quan đến tham ô, tham nhũng, lãng phí và bị xử lý theo quy định của pháp luật; có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá.

Các chức danh giúp việc cấp ủy và chính quyền: Có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo đánh giá của cấp có thẩm quyền; có trên 50% các tiêu chí về kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định, kế hoạch đề ra hoặc công việc cụ thể được giao chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá.

7. Trình tự thủ tục

a) Các chức danh bầu cử và chức danh giúp việc cấp ủy:

Thành phần tham gia cuộc họp: Đối với Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy là tập thể Đảng ủy và tập thể Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy; đối với Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là đại diện Đảng ủy và tập thể Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; các chức danh thuộc các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã còn lại là đại diện Đảng ủy và tập thể Ban Thường vụ của tổ chức chính trị-xã hội mà người đó là thành viên; đối với chức danh giúp việc cấp ủy là tập thể Đảng ủy và đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

Trình tự: Người hoạt động không chuyên trách làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại trên cơ sở kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao; trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành phần tham dự cuộc họp tham gia ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

Sau khi có ý kiến nhận xét bằng văn bản của Ủy ban Kiểm tra, cơ quan đoàn thể cấp trên, của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã (đối với Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã) và Ban Thường vụ của các tổ chức chính trị - xã hội (đối với các chức danh còn lại), Bí thư Đảng ủy cấp xã quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng.

b) Chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã:

Thành phần tham gia cuộc họp: Tập thể Ban chỉ huy quân sự cấp xã, đại diện các tổ chức chính trị-xã hội và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Trình tự: Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại trên cơ sở kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao; trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành phần tham dự cuộc họp tham gia ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

Sau khi tham khảo ý kiến bằng văn bản của Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đánh giá xếp loại đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

c) Các chức danh giúp việc chính quyền:

Thành phần tham gia cuộc họp: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Trình tự: Người hoạt động không chuyên trách làm báo cáo tự đánh giá, nhận mức xếp loại trên cơ sở kết quả công tác theo chức trách, nhiệm vụ được giao; trình bày báo cáo tự đánh giá kết quả công tác tại cuộc họp, các thành phần tham dự cuộc họp tham gia ý kiến, các ý kiến phải được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp;

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tham khảo các ý kiến nhận xét tại cuộc họp, quyết định nội dung đánh giá và mức xếp loại chất lượng.

d) Kết quả đánh giá, xếp loại được thông báo bằng văn bản cho người hoạt động không chuyên trách và công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác trong đó ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử.

Điều 12. Khen thưởng

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng và theo điều lệ Đảng, điều lệ các tổ chức và quy định của cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý.

Điều 13. Xử lý kỷ luật

1. Các chức danh bầu cử: Thực hiện theo quy định của điều lệ Đảng, điều lệ tổ chức mà người đó là thành viên và quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý theo phân cấp.

2. Chức danh Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

3. Các chức danh còn lại: Thực hiện theo quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức cấp xã.

4. Nội dung, hình thức, quy trình xử lý kỷ luật đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã áp dụng tương tự như cán bộ, công chức quy định tại Nghị định của Chính phủ (trừ hình thức hạ bậc lương), cụ thể như sau:

a) Hình thức kỷ luật:

Các chức danh bầu cử thực hiện theo quy định của điều lệ Đảng, điều lệ tổ chức mà người đó là thành viên;

Chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã: Khiển trách; cảnh cáo; giáng chức; cách chức; tước danh hiệu Dân quân tự vệ.

Các chức danh giúp việc cấp ủy và chính quyền: Khiển trách; cảnh cáo; buộc thôi việc.

b) Thẩm quyền:

Cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê chuẩn kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với các chức danh bầu cử:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã:

Bí thư Đảng ủy cấp xã có thẩm quyền xử lý kỷ luật các chức danh giúp việc cấp ủy; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử lý kỷ luật các chức danh giúp việc chính quyền.

c) Trình tự, thủ tục:

Thực hiện theo quy định của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, cụ thể:

Căn cứ quy định về xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền, cán bộ, công chức tham mưu đề xuất hình thức kỷ luật và thời gian thi hành kỷ luật. Trường hợp hết thời hiệu xử lý kỷ luật thì báo cáo cấp có thẩm quyền về việc không xem xét xử lý kỷ luật. Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật được thực hiện như sau: Tổ chức họp kiểm điểm; thành lập Hội đồng kỷ luật; cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.

Không thực hiện tổ chức họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật đối với trường hợp đã có kết luận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về hành vi vi phạm, trong đó có đề xuất cụ thể hình thức kỷ luật theo quy định; có hành vi vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng; đã có quyết định xử lý kỷ luật về đảng, trừ trường hợp cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng kỷ luật; được sử dụng kết luận về hành vi vi phạm (nếu có) mà không phải điều tra, xác minh lại.

Điều 14. Miễn nhiệm, bãi nhiệm và giải quyết thôi việc

1. Miễn nhiệm, bãi nhiệm

a) Việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các chức danh bầu cử được thực hiện theo quy định của Đảng, điều lệ của tổ chức mà người đó là thành viên, quy định của pháp luật chuyên ngành và phân cấp quản lý cán bộ của địa phương.

b) Miễn nhiệm Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

2. Giải quyết thôi việc

Áp dụng đối với các chức danh không thông qua bầu cử, bổ nhiệm. Giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau đây:

a) Có 02 năm liên tiếp đánh giá, xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ.

b) Có đơn xin thôi việc theo nguyện vọng và được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Trong thời gian đang bị xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã không được thôi việc trước khi có quyết định xử lý hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Trường hợp bị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc thì không được hưởng các chế độ, chính sách có liên quan, phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định (nếu có) nhưng được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian làm việc đã đóng bảo hiểm xã hội để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ và hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Điều 15. Quản lý hồ sơ

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập, cập nhật, quản lý và lưu trữ hồ sơ của người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định của pháp luật về quản lý hồ sơ cán bộ, công chức cấp xã.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Điều khoản chuyển tiếp

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bầu cử, tuyển chọn trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành mà chưa đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì đến trước ngày 01/8/2028 phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện giải quyết chế độ, chính sách theo quy định. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tạo điều kiện để người hoạt động không chuyên trách tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Các trường hợp đã được hưởng chính sách giải quyết dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, thôn, bản, khu phố nếu được bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận vào chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong thời gian 60 tháng kể từ ngày hưởng chính sách giải quyết dôi dư nêu trên thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp.

Điều 17. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nội vụ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quy định này.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quy định cụ thể nhiệm vụ của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý, sử dụng, giải quyết chế độ chính sách, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo phân cấp quản lý cán bộ; đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) trước ngày 10/12 hàng năm.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy định này, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (qua Phòng Nội vụ) trước ngày 10/11 hàng năm.

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu áp dụng trong quy định này được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị bãi bỏ thì thực hiện theo các văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ đó.

2. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tiễn của địa phương./.