- 1 Quyết định 34/2013/QĐ-UBND về Quy định thi đua, khen thưởng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 2 Quyết định 40/2024/QĐ-UBND về Quy chế công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 3 Quyết định 2620/QĐ-UBND năm 2024 Quy định thi đua, khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2024-2025
- 1 Quyết định 34/2013/QĐ-UBND về Quy định thi đua, khen thưởng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 2 Quyết định 40/2024/QĐ-UBND về Quy chế công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 3 Quyết định 2620/QĐ-UBND năm 2024 Quy định thi đua, khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2024-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 52/2024/QĐ-UBND | Thái Nguyên, ngày 02 tháng 12 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH THI ĐUA, KHEN THƯỞNG PHONG TRÀO THI ĐUA “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2024 - 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 15 tháng 6 năm 2022;
Căn cứ Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Căn cứ Nghị định số 86/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu ”;
Căn cứ Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 24/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 797/TTr-SNV ngày 01 tháng 11 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định thi đua, khen thưởng Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2024 - 2030.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2024 và thay thế Quyết định số 34/2013/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Quy định thi đua, khen thưởng trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thái Nguyên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY ĐỊNH
THI ĐUA, KHEN THƯỞNG PHONG TRÀO THI ĐUA “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2024 - 2030
(Kèm theo Quyết, định số 52/2024/QĐ-UBND ngày 02 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về thi đua, khen thưởng Phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Thái Nguyên (gọi chung là Phong trào thi đua), bao gồm: Đối tượng áp dụng; mục tiêu thi đua; nội dung thi đua; tổ chức phong trào thi đua; hình thức, cơ cấu, số lượng khen thưởng; tiêu chuẩn khen thưởng; thủ tục, hồ sơ, thời gian đề nghị khen thưởng; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện.
2. Đối tượng áp dụng
a) Hộ gia đình; thôn, làng, bản và tương đương (gọi chung là thôn); tổ dân phố, khu phố và tương đương (gọi chung là tổ dân phố); xã, phường, thị trấn được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu tiểu” theo quy định của tỉnh Thái Nguyên; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phong trào thi đua.
b) Các cá nhân trực tiếp tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Phong trào thi đua.
Điều 2. Mục tiêu thi đua
1. Phát triển Phong trào thi đua có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Thái Nguyên toàn diện và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, bảo đảm sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào thi đua với phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng thôn, tổ dân phố kiểu mẫu, xây dựng nếp sống văn hóa... góp phần thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới và đô thị văn minh. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030.
Điều 3. Nội dung thi đua
1. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh
a) Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể, gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ, các quy định đối với cán bộ, đảng viên; phát huy tính gương mẫu, tự giác, tuân thủ pháp luật của tập thể, cá nhân.
b) Xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng, xây dựng các nội dung lành mạnh, tích cực, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
c) Xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, an toàn ở địa bàn dân cư; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ; xây dựng nếp sống tiến bộ, văn minh.
d) Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng.
đ) Xây dựng môi trường văn hóa học đường, để mỗi trường học thực sự là môi trường giáo dục, rèn luyện về tri thức, lý tưởng, phẩm chất và lối sống văn hóa, hoàn thiện nhân cách con người trong thời đại mới.
e) Gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
g) Phát triển đa dạng các loại hình, câu lạc bộ về văn hóa, thể thao cơ sở. Duy trì, phát triển và đổi mới nội dung các liên hoan, hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ các dân tộc, phong trào thể dục, thể thao quần chúng.
h) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh; phát huy tinh thần trách nhiệm và vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xóa bỏ các tập quán lạc hậu, không phù hợp.
2. Tiếp tục đẩy mạnh Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; thôn, tổ dân phố văn hóa; xã, phường, thị trấn tiêu biểu
a) Nâng cao nhận thức và ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa; ý thức trách nhiệm của người dân và năng lực tự quản cộng đồng ở thôn, tổ dân phố trong quá trình xây dựng, giữ vững danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; trách nhiệm của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức tại địa phương trong quá trình xây dựng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”. Nâng cao hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở khu dân cư gắn với việc xây dựng “Xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em”.
b) Vận động Nhân dân, tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
c) Nâng cao tinh thần tương thân, tương ái; giữ gìn khu phố sạch sẽ, văn minh; chăm lo đời sống tinh thần cho người dân trên địa bàn; thực hiện tốt, có hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường.
d) Giáo dục, tuyên truyền các vấn đề về hôn nhân cho thanh niên trước khi lập gia đình, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
đ) Thực hiện nghiêm quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai.
e) Phát huy vai trò Ban Công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát việc bình xét và công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”.
g) Tiếp tục phát huy hiệu quả công tác tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc”, nhất là ở địa bàn khu dân cư, gắn với “Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam” (18/11 - 23/11) hằng năm; chú trọng việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong tổ chức ngày hội.
3. Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa
a) Nâng cao chất lượng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã đạt chuẩn văn hóa. Xây dựng và triển khai thực hiện tốt các nội dung tiêu chí xây dựng đời sống văn hóa phù hợp với tính chất, đặc điểm từng loại hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Gắn việc xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và Quy chế văn hóa công sở.
b) Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.
c) Triển khai và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Điều 4. Tổ chức phong trào thi đua
1. Xác định mục tiêu, phạm vi, đối tượng, nội dung và tiêu chí, thời gian, kế hoạch, biện pháp tổ chức Phong trào thi đua giai đoạn 2024 - 2030.
2. Phát động, triển khai, thực hiện Phong trào thi đua; tuyên truyền ý nghĩa của phong trào thi đua, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác của cá nhân, tập thể, hộ gia đình tham gia thi đua.
3. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào thi đua.
4. Tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến.
5. Sơ kết, tổng kết và khen thưởng.
Điều 5. Hình thức, cơ cấu, số lượng khen thưởng cấp tỉnh
1. Danh hiệu “Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh”
Cơ cấu, số lượng: Danh hiệu “Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh” tặng cho 01 tập thể khi tổng kết Phong trào thi đua.
2. Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
a) Cơ cấu, số lượng khen thưởng sơ kết
Hộ gia đình: 20; thôn, tổ dân phố: 15; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: 10; xã, phường, thị trấn: 10; cá nhân: 10.
b) Cơ cấu, số lượng khen thưởng tổng kết
Hộ gia đình: 30; thôn, tổ dân phố: 20; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp: 15; xã, phường, thị trấn: 15; cá nhân: 15.
Điều 6. Tiêu chuẩn danh hiệu “Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân tỉnh”
1. Là tập thể gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết, đạt tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Điều 7 Quy định này, tiêu biểu dẫn đầu Phong trào thi đua.
2. Có cách làm hay, sáng tạo áp dụng hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao trong Phong trào thi đua.
3. Hoàn thành vượt các chỉ tiêu thi đua và nhiệm vụ được giao trong Phong trào thi đua.
Điều 7. Tiêu chuẩn khen thưởng Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen cho “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” và các cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đạt các tiêu chuẩn sau:
1. Tiêu chuẩn khen đối với “Gia đình văn hóa”
a) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét trong Phong trào thi đua của huyện, thành phố, thị xã.
b) Tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động, sản xuất, học tập, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
c) Thực hiện tốt Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; gia đình hòa thuận, hạnh phúc không có bạo lực gia đình, thường xuyên gắn bó, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ cộng đồng.
d) Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng Giấy khen “Gia đình văn hóa”.
2. Tiêu chuẩn khen đối với “Thôn, tổ dân phố văn hóa”
a) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét trong phong trào.
b) Là đơn vị tiêu biểu của huyện, thành phố, thị xã trong phát triển kinh tế và xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thực hiện tốt công tác gia đình và phòng chống bạo lực gia đình; nhà ở, khu dân cư, các công trình công cộng, nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch và tiêu chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; tinh thần đoàn kết và giúp đỡ nhau trong cộng đồng.
c) Được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện tặng Giấy khen “Thôn, tổ dân phố văn hóa”.
3. Tiêu chuẩn khen đối với “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”
a) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét trong phong trào.
b) Là đơn vị tiêu biểu của huyện, thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giao; đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường an toàn, thân thiện, cảnh quan sạch đẹp.
c) Đã được tặng danh hiệu “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”,
4. Tiêu chuẩn khen đối với “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa”
a) Có thành tích tiêu biểu, xuất sắc được bình xét trong phong trào.
b) Các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển; các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp duy trì thực hiện gương mẫu nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp; có nhiều hoạt động thường xuyên và hiệu quả nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động; không có cán bộ và nhân viên, người lao động vi phạm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
c) Đã được công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 02 năm, 05 năm.
5. Tiêu chuẩn khen đối với cá nhân
a) Có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trong Phong trào thi đua, có tác dụng nêu gương trong phạm vi toàn tỉnh.
b) Có cách làm hay, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; có sáng kiến, giải pháp áp dụng hiệu quả trong Phong trào thi đua.
Điều 8. Khen thưởng Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Giấy khen đối với gia đình
Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định việc xét tặng Giấy khen cho các gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, số lượng khen thưởng không vượt quá 10% trong tổng số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” 3 năm liên tục.
2. Giấy khen đối với thôn, tổ dân phố
Ủy ban nhân dân cấp huyện quy định việc xét tặng Giấy khen cho các thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, số lượng khen thưởng không vượt quá 10% trong tổng số thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hóa” 5 năm liên tục.
Điều 9. Thủ tục, hồ sơ, thời gian đề nghị khen thưởng cấp tỉnh
1. Thủ tục, số lượng hồ sơ thực hiện theo Luật Thi đua, khen thưởng, bảo đảm yêu cầu của công tác thẩm định và lưu trữ hồ sơ ở các cấp.
2. Thời gian đề nghị khen thưởng
Thực hiện sơ kết Phong trào thi đua sau khi kết thúc năm 2026; tổng kết Phong trào thi đua sau khi kết thúc năm 2030.
3. Cách thức thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nộp hồ sơ đề nghị khen thưởng, nhận kết quả thông qua dịch vụ bưu chính công ích hoặc phương thức điện tử.
4. Thời hạn giải quyết:
a) 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, Sở Nội vụ thẩm định hồ sơ, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định khen thưởng, trả kết quả điện tử.
b) 10 ngày làm việc từ ngày có Quyết định khen thưởng, Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) cấp phát hiện vật khen thưởng theo quy định.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực Phong trào thi đua, có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện Phong trào thi đua; phổ biến, tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện tốt quy định này.
b) Kiểm tra việc thực hiện các Phong trào thi đua tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến cấp tỉnh.
d) Tổ chức đánh giá thi đua, xét khen thưởng sơ kết, tổng kết; phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh), các cơ quan, đơn vị và địa phương lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng theo quy định.
đ) Đánh giá kết quả thực hiện Phong trào thi đua hằng năm, sơ kết, tổng kết, gửi báo cáo về Sở Nội vụ trước ngày 25/11 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, thẩm định hồ sơ, xét chọn, tổng hợp và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng theo quy định.
3. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn đối với Phong trào thi đua; chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác trong Phong trào thi đua và các nhiệm vụ khác được phân công theo quy định.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể khác trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên; tham gia với các cơ quan chức năng có liên quan phát động, triển khai tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tham gia Phong trào thi đua.
b) Giám sát việc thực hiện; kịp thời phản ánh, đề xuất các giải pháp để thực hiện Phong trào thi đua.
5. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện, biểu dương điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua.
6. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định này tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp lựa chọn “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” đề nghị khen thưởng.
7. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức phát động, nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua; chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể có thành tích tiêu biểu trong phạm vi quản lý của mình và chịu trách nhiệm về thành tích của đối tượng đề nghị khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng theo quy định của pháp luật.
8. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin tỉnh tổ chức tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mô hình mới, cách làm sáng tạo, hiệu quả, điển hình tiên tiến trong Phong trào thi đua.
Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung chưa phù hợp, các sở, ngành, địa phương, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
- 1 Quyết định 34/2013/QĐ-UBND về Quy định thi đua, khen thưởng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 2 Quyết định 40/2024/QĐ-UBND về Quy chế công tác thi đua, khen thưởng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Phú Yên
- 3 Quyết định 2620/QĐ-UBND năm 2024 Quy định thi đua, khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2024-2025