Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5220/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 23 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2021 - 2022 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2018/QĐ-TTG NGÀY 06/3/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Liên Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

Căn cứ Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND ngày 20/4/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định về phân công quản lý nhà nước và vị trí, vai trò, trách nhiệm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 2155/QĐ-UBND ngày 26/6/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 25/7/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022 theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Theo đề nghị của Ban Dân tộc tỉnh tại Tờ trình số 830/TTr-BDT ngày 11/12/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021 - 2022 theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh năm 2021 - 2022 đã được phê duyệt kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; Công an tỉnh; Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Hoài Ân, Phù Cát và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCTUBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Đài PT&TH BĐ, Báo BĐ;
- Bưu điện tỉnh;
- Lưu: VT, K3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tuấn Thanh

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN TRONG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2021 - 2022 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 12/2018/QĐ-TTG NGÀY 06/3/2018 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5220/QĐ-UBND ngày 23/12/2020 của UBND tỉnh Bình Định)

Thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và Công văn số 7020/BTC-NSNN ngày 14/6/2018 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021 - 2022 với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm phát huy vai trò người có uy tín, động viên bản thân và gia đình người có uy tín gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ảnh kịp thời về các cơ quan chức năng có liên quan; tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương; tích cực hưởng ứng, ủng hộ, tham gia xây dựng nông thôn mới và các cuộc vận động, phong trào thi đua tại địa phương.

2. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội đoàn thể về vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tạo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện trong công tác vận động, phát huy vai trò và thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

3. Đảm bảo việc thực hiện các chế độ chính sách phải dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng và đúng chế độ; người có uy tín được cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, tình hình nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tham quan học tập kinh nghiệm.

II. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

1. Đối tượng

a) Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp các ngành liên quan thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2504/QĐ-UBND ngày 25/7/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2018 - 2022 và các quyết định phê duyệt điều chỉnh, thay thế danh sách người có uy tín hàng năm.

b) Công an tỉnh thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Nguyên tắc thực hiện

a) Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được lựa chọn từ các thôn, làng và tương đương (gọi chung là thôn) thực hiện theo quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Chính sách thực hiện trực tiếp đối với người có uy tín, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng chế độ.

c) Người có uy tín do địa phương trực tiếp quản lý, phân công, phân cấp thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

d) Trường hợp người có uy tín thuộc đối tượng được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ với cùng tính chất thì chỉ được hưởng một chính sách với mức hỗ trợ cao nhất.

III. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ UY TÍN

1. Đối với chế độ cung cấp thông tin

1.1. Phổ biến, cung cấp thông tin

a) Mục đích: Nhằm giúp người có uy tín nâng cao nhận thức về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, vận động bà con hiểu rõ và tham gia thực hiện.

b) Nội dung: Định kỳ hoặc đột xuất người có uy tín được phổ biến, cung cấp thông tin mới (chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự và kết quả thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đang thực hiện ở địa phương); việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các chủ trương, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã mà người có uy tín đang cư trú.

c) Số lượt người có uy tín được tham gia: 122 người.

d) Tổ chức thực hiện

UBND các huyện thực hiện chính sách cung cấp thông tin cho người có uy tín trên địa bàn huyện.

1.2. Cung cấp báo chí

a) Người có uy tín được cấp 01 tờ/số báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc và 01 tờ/số Báo Bình Định nơi người có uy tín cư trú (hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp).

b) Tổ chức thực hiện: Ban Dân tộc tỉnh thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị liên quan cấp báo trực tiếp (hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp) cho người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

c) Hình thức thực hiện: Thông qua hệ thống Bưu điện của tỉnh, huyện và điểm bưu điện văn hóa xã cấp đến người có uy tín.

1.3. Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh

a) Mục đích: Giúp cho người có uy tín nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc và thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời bổ sung thêm kỹ năng chuyên môn trên các lĩnh vực công tác: Hòa giải, đấu tranh giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp và các mô hình phát triển kinh tế, an ninh, chính trị…để người có uy tín phát huy vai trò của mình trong việc vận động, hướng dẫn cộng đồng phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

b) Hàng năm, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của địa phương; căn cứ danh sách người có uy tín cần tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tham quan học tập kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh do UBND huyện, xã lập, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện:

- Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với người có uy tín (về pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng). Số lượng lớp, tổ chức theo dự toán giao hàng năm.

- Tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc. Việc thành lập đoàn, số lượng đoàn thăm quan học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh theo dự toán giao hàng năm, trong đó thăm quan ngoài tỉnh do Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.

c) Nội dung: Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức; tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh về các nội dung sau:

- Hôn nhân và gia đình; bảo hiểm y tế; phòng, chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; đất đai; bảo vệ và phát triển rừng; an ninh tổ quốc; an toàn thực phẩm; an toàn giao thông; phòng, chống tác hại thuốc lá; nghĩa vụ quân sự; đầu tư và xây dựng, dân chủ cơ sở, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; vị trí, vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số;

- Nâng cao nhận thức cho người có uy tín hiểu rõ những luận điệu sai trái, những thủ đoạn thâm độc, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ và hận thù dân tộc để người có uy tín tuyên truyền cho đồng bào biết và không nghe theo kẻ xấu; cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp, về phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại…thăm quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm về các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội …

d) Số lượt người tham gia: 122 người.

đ) Số lớp bồi dưỡng kiến thức: Số lớp được tổ chức để bồi dưỡng kiến thức tùy theo tình hình cụ thể ở từng địa phương, nhưng mỗi lớp tập huấn tổ chức không quá 03 ngày.

e) Số đợt thăm quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh tùy theo nhu cầu và kinh phí được giao của từng địa phương.

g) Số đợt thăm quan học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh: 01 đợt/năm, số người tham gia từ 25 đến 35 người.

h) Tổ chức thực hiện

- Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cụ thể:

Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, dự toán chi tiết để tổ chức thực hiện việc tập huấn bồi dưỡng tại tỉnh theo đúng quy định và đảm bảo nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022.

Tổ chức cho Đoàn người có uy tín tiêu biểu đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm ngoài tỉnh: Xây dựng và phê duyệt kế hoạch, dự toán chi tiết; tổng hợp lập danh sách đại biểu người có uy tín tiêu biểu (theo đề nghị của các địa phương) … phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo chế độ, chính sách cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh; báo cáo UBND tỉnh về việc tổ chức và kết quả đưa Đoàn người có uy tín tiêu biểu đi thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm hàng năm.

- UBND các huyện giao cho Phòng Dân tộc huyện, trường hợp huyện không có Phòng Dân tộc thì giao Văn phòng HĐND và UBND huyện phối hợp Công an huyện và các phòng chức năng liên quan tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong tỉnh cho người có uy tín.

h) Đối tượng tham gia: Người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với chế độ hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần

Ban Dân tộc tỉnh và UBND các huyện thực hiện chính sách người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 7020/BTC-NSNN ngày 14/6/2018 của Bộ Tài chính.

3. Đón tiếp, tặng quà các đoàn đại biểu người có uy tín đến thăm, làm việc với các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, đón tiếp người có uy tín

a) Các đoàn đại biểu người có uy tín do các địa phương trong và ngoài tỉnh tổ chức đến thăm, làm việc tại Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan Ban Dân tộc tỉnh được đón tiếp, tặng quà lưu niệm, cụ thể:

- Cấp tỉnh: Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức đón tiếp người có uy tín.

- Cấp huyện: Phòng Dân tộc huyện, Văn phòng HĐND - UBND huyện, Công an huyện và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện tổ chức đón tiếp người có uy tín.

b) Kinh phí thực hiện được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý, đón tiếp người có uy tín được đón tiếp và tặng quà lưu niệm. Chi đón tiếp thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ chi tiếp khách trong nước.

4. Chế độ khen thưởng

a) Người có uy tín hàng năm có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, giữ gìn bản sắc văn hóa và đoàn kết dân tộc được biểu dương, khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng.

b) Hồ sơ, thủ tục và mức chi tiền thưởng cho người có uy tín các đơn vị, địa phương lập hồ sơ khen thưởng và đề xuất khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng; các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng và Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy chế công tác thi đua, khen thưởng của UBND tỉnh Bình Định, Quyết định 56/2019/QĐ-UBND ngày 04/12/2019 của UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế công tác thi đua, khen thưởng ban hành theo Quyết định số 63/2017/QĐ-UBND ngày 05/12/2017 của UBND tỉnh Bình Định.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH

a) Việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

b) Kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ được UBND tỉnh quyết định phân bổ thực hiện các nội dung sau:

- Ban Dân tộc tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần, cấp Báo Dân tộc và Phát triển của Ủy ban Dân tộc và Báo Bình Định (hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp) cho người uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- UBND các huyện thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất và động viên tinh thần cho người uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

c) Kinh phí ngân sách địa phương cấp thực hiện các nội dung sau:

- Nguồn ngân sách tỉnh: Ban Dân tộc tỉnh sử dụng nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh bố trí trong dự toán hàng năm để thực hiện chính sách: Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tham quan học tập, thăm hỏi ốm đau, thăm hỏi các gia đình người có uy tín gặp khó khăn; khen thưởng; phối hợp các sở, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc bình chọn và thực hiện chính sách người uy tín trên địa bàn tỉnh; đón tiếp, tặng quà cho người có uy tín trong và ngoài tỉnh khi đến thăm, làm việc tại UBND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh, nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh bố trí trong dự toán của Ban Dân tộc tỉnh hàng năm.

- Nguồn ngân sách các huyện: Hàng năm, UBND các huyện sử dụng nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh phân bổ dự toán chi hàng năm cho UBND các huyện có liên quan để thực hiện theo quy định phân cấp; trong đó, đã bao gồm các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chế độ, chính sách người có uy tín trên địa bàn huyện như: Cung cấp thông tin; thăm quan, học tập kinh nghiệm mô hình hiệu quả trong tỉnh; khen thưởng; kiểm tra việc bình chọn và thực hiện chính sách người uy tín trên địa bàn huyện; thăm hỏi các gia đình người có uy tín gặp khó khăn; đón tiếp, tặng quà các đoàn đại biểu người có uy tín đến thăm, làm việc tại huyện.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn UBND các huyện xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời kiểm tra, đôn đốc các huyện triển khai thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Tổng hợp, báo cáo các kiến nghị, đề xuất những vấn đề có liên quan đến thực hiện chính sách của các địa phương và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

b) Chủ trì, tổ chức thực hiện nội dung cấp Báo Dân tộc và Phát triển, Báo Bình Định (hoặc hình thức cung cấp thông tin khác phù hợp) cho người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp Công an tỉnh và các ngành liên quan tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ và thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh; tổ chức thăm hỏi người có uy tín ốm đau, qua đời và các gia đình người có uy tín khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, bố, mẹ, vợ, chồng, con người có uy tín chết… theo các quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

c) Chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện nguyên tắc, thủ tục, trình tự, hồ sơ xét công nhận người có uy tín tiêu biểu theo Điều 6 của Quyết định số 12/2018/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ.

d) Định kỳ và đột xuất, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín cho UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo dõi, chỉ đạo.

đ) Khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo quy định.

2. Công an tỉnh

a) Chủ trì xây dựng Kế hoạch thực hiện chính sách đối với người có uy tín theo Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:

- Hướng dẫn Công an các huyện xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời kiểm tra, đôn đốc các huyện triển khai tổ chức thực hiện chính sách đối với người có uy tín. Tổng hợp, báo cáo các kiến nghị, đề xuất những vấn đề có liên quan đến chính sách của các địa phương và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện.

- Chỉ đạo Công an cấp dưới hoặc trực tiếp gặp gỡ, cung cấp thông tin, tình hình an ninh trật tự; thăm tặng quà, vận động, tranh thủ cá biệt, phát huy vai trò người có uy tín trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động chống đối của các thế lực thù địch và bọn tội phạm, giải quyết các vụ việc phức tạp xảy ra, giữ vững ổn định an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán, Tết của các dân tộc thiểu số; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất khi người có uy tín bị ốm đau; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất cho gia đình người có uy tín gặp khó khăn do thiên tai, bố mẹ, vợ con hoặc bản thân người có uy tín qua đời; tổ chức đón tiếp người có uy tín khi đến thăm, làm việc tại cơ quan Công an.

- Khen thưởng hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng người có uy tín có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh trật tự.

b) Hàng năm, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh; các ngành và UBND các huyện liên quan trong việc tổ chức Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và thăm quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm cho người có uy tín.

3. Sở Tài chính

a) Hướng dẫn cơ chế tài chính quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 7020/BTC-NSNN ngày 14/6/2018 của Bộ Tài chính; bố trí kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các sở, ngành và UBND các huyện liên quan.

b) Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành có liên quan kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện chính sách đối với người có uy tín của các địa phương; tổng hợp, báo cáo quyết toán kinh phí theo quy định.

4. Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh)

Hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục trình khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn hiện hành về thi đua, khen thưởng đối với người có uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh, trật tự, quốc phòng.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Chịu trách nhiệm triển khai và hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu hy sinh hoặc bị thương mà đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 17 hoặc Điều 27 của Nghị định số 31/2013/NĐ- CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ thì làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hưởng các chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình; Báo Bình Định

a) Chủ trì, phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh, các Sở, ngành và các địa phương liên quan, các cơ quan thông tấn, báo chí và hệ thống thông tin cơ sở tăng cường thông tin, tuyên truyền thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín với các hình thức đa dạng, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

b) Thường xuyên thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiểu và có thông tin chính xác về chính sách, chế độ, trình tự, thủ tục bình chọn, xét công nhận người có uy tín.

c) Kịp thời đưa tin hoặc có bài viết, phóng sự biểu dương người tốt, việc tốt để nhân rộng nhân tố mới, tích cực trong người có uy tín và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chính trị vùng dân tộc, miền núi trong tỉnh.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên

a) Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện Kế hoạch và tham gia giám sát thực hiện chính sách theo quy định; đảm bảo dân chủ, công bằng, đúng đối tượng.

b) Hướng dẫn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp, chính quyền cùng cấp tham gia giới thiệu bình chọn và xét duyệt người có uy tín bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng và thực hiện đúng chế độ; động viên người có uy tín thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.

8. Đề nghị Bưu điện tỉnh

Phối hợp Ban Dân tộc tỉnh cung cấp đầy đủ Báo cho người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Bưu điện các huyện cấp Báo Bình Định và Báo Dân tộc và Phát triển cho người có uy tín đảm bảo đúng địa chỉ, đủ số lượng và kịp thời theo quy định.

9. UBND các huyện: Vĩnh Thạnh, An Lão, Vân Canh, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát

a) Chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện việc lập danh sách, phân cấp quản lý, phân công thực hiện chính sách và công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín ở địa phương. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần đối với người có uy tín trên địa bàn huyện đúng quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 7020/BTC-NSNN ngày 14/6/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

b) Giao Phòng Dân tộc huyện hoặc cơ quan theo dõi công tác dân tộc cấp huyện là cơ quan Thường trực giúp UBND huyện chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện Kế hoạch này.

c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát đảm bảo việc thực hiện chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ và kịp thời; định kỳ tổng kết, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện chính sách gửi Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc theo quy định.

d) Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành liên quan thực hiện chính sách cung cấp thông tin cho người có uy tín trên địa bàn huyện. Thực hiện cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức và thăm quan học tập kinh nghiệm, mô hình cho người có uy tín trong tỉnh; thông tin kịp thời cho Ban Dân tộc tỉnh các trường hợp người có uy tín bị ốm đau, gặp khó khăn (thiên tai, hỏa hoạn) hoặc người thân trong gia đình qua đời;

đ) UBND các huyện xét chọn và khen thưởng người có uy tín trên địa bàn huyện hoặc lập hồ sơ đề nghị cấp trên xét khen thưởng đối với người uy tín có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

e) Lập dự toán kinh phí về các nội dung thực hiện chính sách do địa phương thực hiện gửi về Ban Dân tộc tỉnh trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính đúng thời gian quy định.

g) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc rà soát, bình chọn, công nhận và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có uy tín ở cơ sở.

h) Thực hiện chế độ thông tin báo cáo hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất gửi Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc đúng quy định.

Trên đây là Kế hoạch Thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2021 - 2022 theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo cho UBND tỉnh (thông qua Ban Dân tộc tỉnh) để xem xét, giải quyết./.