Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5224/QĐ-UBND

Lào Cai, ngày 22 tháng 11 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG RÉT ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2017-2018

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Nghị định số 02/NĐ-CP ngày 09/01/2017 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Thông tư số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 2106/SNN-PCTT ngày 15/11/2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phòng, chống rét đối với cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân năm 2017-2018

(có Phương án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lào Cai;
- VPTT BCH PCTT và TKCN tỉnh;
- CVP, PCVP3;
- Ban Biên tập Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, TH1, NLN1,2, TNMT2

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Thể

 

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG, CHỐNG RÉT ĐỐI VỚI CÂY TRỒNG, VẬT NUÔI VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2017-2018
(Kèm theo Quyết định số: 5224/QĐ-UBND ngày 22/11/2017 của UBND tỉnh Lào Cai)

Phần thứ nhất

NHẬN ĐỊNH TÌNH HÌNH THỜI TIẾT, KHÍ HẬU; KẾ HOẠCH SẢN XUẤT VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2017-2018

I. Nhận định thời tiết, khí hậu mùa Đông Xuân năm 2017-2018

Theo nhận định của Đài khí tượng Thủy văn Lào Cai diễn biến thời tiết, khí hậu mùa Đông Xuân năm 2017-2018 trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật; hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra với tần xuất nhiều hơn, cụ thể như sau:

- Không khí lạnh: Có khả năng xuất hiện muộn hơn so với mùa Đông những năm trước; từ cuối tháng 10/2017 các đợt không khí lạnh sẽ hoạt động mạnh dần lên nhưng vẫn ở mức yếu so với cùng kỳ nhiều năm trước. Khả năng mùa Đông Xuân năm 2017-2018 tỉnh Lào Cai chịu ảnh hưởng khoảng 9-11 đợt không khí lạnh, chưa kể các đợt không khí lạnh tăng cường.

- Rét đậm, rét hại: Xuất hiện muộn hơn những năm trước; đợt rét đậm, rét hại đầu tiên dự báo xảy ra vào nửa đầu tháng 01/2018, vùng cao giữa tháng 12/2017; vùng thấp có khoảng 3-4 đợt rét đậm, rét hại (từ 3 ngày trở lên/đợt); vùng cao có khoảng 6-7 đợt. Trong các đợt rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện 1-2 đợt rét (kéo dài khoảng 10-12 ngày).

- Băng giá, sương muối: Các huyện vùng cao của tỉnh có khả năng chịu ảnh hưởng từ 2-3 đợt băng giá, sương muối với cường độ từ nhẹ đến trung bình.

- Nhiệt độ: Mùa Đông Xuân (tháng 11/2017 đến 4/2018) trên phạm vi toàn tỉnh khả năng ở mức xấp xỉ dưới hoặc xấp xỉ bằng Trung bình nhiều năm trước (TBNN). Tháng 11 ÷ 12/2017 và 01/2018 nền nhiệt đạt mức xấp xỉ trên TBNN; tháng 02/2018 rét nhiều, nhiệt độ có xu thế thấp hơn TBNN; tháng 3/2018 đạt mức xấp xỉ bằng TBNN cùng kỳ; tháng 4 rét muộn, nhiệt độ có xu thế thấp hơn TBNN. Nhiệt độ thấp nhất mùa Đông xuân năm 2017 - 2018 ở vùng thấp trên địa bàn tỉnh có khả năng xuống 7- 9°C, vùng cao và khu vực huyện Sa Pa thấp nhất -2°C ÷ 0°C.

- Lượng mưa: Tổng lượng mưa mùa Đông Xuân năm 2017 - 2018 có khả năng ít hơn TBNN trước.

II. Kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018

1. Đối với cây trồng

a) Cây trồng vụ Đông gieo trồng từ cuối tháng 9-12/2017.

Theo kế hoạch vụ Đông 2017 toàn tỉnh gieo trồng 9.000 ha cây trồng các loại (6.637 ha rau đậu các loại; 1.487 ha ngô; 590,5 ha khoai lang; 185,5 ha khoai tây; 89 ha dược liệu; 11 ha cây hoa).

h) Cây trồng vụ Xuân gieo trồng tập trung từ tháng 1-3/2018.

- Diện tích gieo trồng lúa xuân ước 10.000 ha.

- Diện tích gieo trồng ngô xuân khoảng 11.500 ha.

- Cây chè: 260 ha (chuẩn bị khoảng 6 triệu bầu giống chè các loại).

2. Đối với vật nuôi

- Kế hoạch phát triển đàn gia súc, gia cầm năm 2018: Đàn trâu 133.000 con, đàn bò 18.800 con, đàn lợn 518.000 con, đàn gia cầm 3.950 nghìn con. Trong đó, tập trung phát triển đàn trâu tại các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà, Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Yên với số lượng đàn trâu là 94.450 con; tập trung phát triển đàn bò tại các huyện Si Ma Cai, Sa Pa, Mường Khương, Văn Bàn với số lượng đàn bò, là 13.830 con.

- Kế hoạch dự trữ, cung ứng vắc xin tiêm phòng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất cho công tác phòng dịch bệnh năm 2018:

+ Vắc xin tiêm phòng: Lở mồm long móng 230.500 liều; tụ huyết trùng trâu 230.500 liều; tụ huyết trùng lợn 204.000 liều; dịch tả lợn 267.000 liều; tai xanh 7.500 liều; dại 54.500 liều; cúm gia cầm 2.000.000 liều.

+ Hóa chất: 20.000 lít.

+ Trang thiết bị: Tủ lạnh bảo quản vắc xin 80 cái, bình máy khử trùng tiêu độc 18 cái, hộp xốp bảo quản vắc xin 80 cái.

+ Vật tư: Bảo hộ sinh học 1.116 bộ, kính 717 chiếc, khẩu trang 1.116 chiếc, găng tay 1.116 đôi, ủng 717 đôi.

Các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, thống kê tổng đàn gia súc; tình hình chuồng trại chăn nuôi, trong đó phân loại chuồng kiên cố đã che chắn đảm bảo phòng chống rét; chuồng kiên cố nhưng chưa che chắn; chuồng tạm; hộ chưa có chuồng nuôi nhốt gia súc; hộ chăn thả rông gia súc trong rừng; tình hình dự trữ rơm, cỏ khô và các loại phụ phẩm trồng trọt phục vụ cho chăn nuôi để có kế hoạch phòng, chống rét cho gia súc.

Phần thứ hai

PHƯƠNG ÁN PHÒNG, CHỐNG, ỨNG PHÓ

Trước những nhận định diễn biến thời tiết rất phức tạp và khó lường bởi hiện tượng đan xen giữa các hiện tượng thời tiết, khí hậu như trên. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi do thiên tai gây ra; UBND tỉnh ban hành Phương án phòng, chống, ứng phó rét đối với cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2017-2018, như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhận thức của nhân dân trong công tác phòng, chống rét đối với cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là ứng phó kịp thời với rét đậm, rét hại, mưa tuyết kéo dài trong sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2017-2018.

- Chủ động phòng, chống rét đậm, rét hại và hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất; nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.

- Tuyên truyền, hướng dẫn đôn đốc các địa phương chủ động phòng, chống rét bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2017-2018.

2. Yêu cầu

- Các cấp, các ngành, các địa phương chủ động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2017-2018; huy động toàn bộ hệ thống Chính trị vào cuộc; làm tốt công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống rét đối với cây trồng, vật nuôi.

- Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sản xuất, thức ăn, chuồng trại, cây giống, con giống thích ứng và có khả năng chịu rét tốt; xử lý kịp thời để ứng phó khi thiên tai xảy ra, đặc biệt là đối với rét hại, mưa tuyết.

- Các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện phương án ứng phó với rét cho cây trồng, vật nuôi có hiệu quả; giảm thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân năm 2017-2018.

II. Các biện pháp phòng, chống, ứng phó

1. Đối với cây trồng

a) Đối với rau màu các loại

- Không gieo, trồng rau màu vào những ngày nhiệt độ thấp có sương muối hoặc băng giá; cây con trong vườn ươm cần làm giàn che sương (sáng sớm và chiều tối che lại trưa chiều hng nắng thì mở ra).

- Cần chủ động chăm sóc, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, lân, ka li, tro, rơm rạ để cho cây tạo bộ rễ mới có sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt; tưới rửa sương cho cây vào buổi sáng sớm (khi xuất hiện sương muối và băng giá) để lá không bị táp; phun phòng bệnh bằng các loại thuốc như Daconil, Ridomil, Zineb... Tưới đủ nước, chăm sóc tốt cho cây rau màu. Tuyệt đối không được bón đạm trong những ngày nhiệt độ thấp dưới 15°C.

b) Đối với mạ xuân

- Không gieo mạ vào những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, mưa tuyết (nhiệt độ thấp dưới 15°C). Bón lót trước khi gieo mạ gồm: Phân chuồng hoai mục với lượng 300-500 kg, 10-15kg, Lân super và 1-1,5kg Kali cho 1 sào bắc bộ. Gieo mạ đều tay, gieo chìm hạt và rắc tro rơm rạ phủ hạt để chống rét. Áp dụng các biện pháp làm mạ khay, mạ sân, mạ trên nền đất cứng. Không để ruộng mạ bị khô hạn và không bón thúc phân đạm trong những ngày rét đậm, rét hại. Sử dụng nilon trắng để che phủ ruộng mạ khi trời rét đậm hoặc sương muối.

- Điều tiết nước khi xuất hiện gió Đông Bắc: Đưa nước vào ruộng mạ ngập 1/2 - 1/3 cây mạ, khi trời âm tháo cạn nước phơi ruộng 2-3 ngày sau đó đưa nước vào săm sắp mặt luống cho cây mạ sinh trưởng phát triển. Khi có sương muối, buổi tối cho nước vào ruộng mạ ngập từ 1/2-1/3 cây mạ, ngày tháo cạn.

c) Đối với lúa cấy

Không cấy trong những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15°C. Bón lót phân chuồng hoai mục, đạm, lân trước khi cấy và bón thúc sớm sau khi lúa hồi xanh với 1/3 tổng lượng đạm và Ka li để lúa nhanh bén rễ hồi xanh và tăng sức chống chịu với điều kiện bất lợi (không bón thúc phân đạm cho lúa khi trời rét đậm, rét hại).

d) Đối với cây vườn ươm (cây chè)

Cần chủ động thiết kế hệ thống vườn ươm đủ tiêu chuẩn, có rào che chắn xung quanh vườn, sử dụng lưới che hạn chế mưa rét ảnh hưởng đến cây vườn ươm. Không cắt hom giâm cành trong những ngày nhiệt độ < 15°C. Không bón phân đạm vào những ngày rét đậm, rét hại. Tưới rửa sương vào buổi sáng hạn chế ảnh hưởng sương muối làm khô táp lá khi nắng lên. Tăng cường bón bổ sung lân, ka li cho cây tạo cho cây có sức chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất thuận.

2. Đối với vật nuôi

a) Chế biến, dự trữ thức ăn

- Vận động người dân tranh thủ những ngày trời nắng thu gom triệt để rơm rạ, các loại cỏ thân mềm phơi khô, bảo quản, dự trữ ở nơi khô ráo; gieo ngô dày làm thức ăn bổ sung cho gia súc; tận dụng thân cây ngô, lạc, ngọn mía, bã mía, cỏ trồng và cỏ tự nhiên để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua, ủ men vi sinh. Thức ăn được dự trữ phải đảm bảo chất lượng, không bị thối mốc; số lượng rơm, cỏ khô dự trữ cho mỗi trâu, bò tối thiểu phải đạt 400kg/con trở lên.

- Tận thu phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, thân cây ngô, ngọn mía, dây lá sắn, cây lạc, bã dong giềng...), dự trữ làm thức ăn cho trâu bò. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật chế biến để cải thiện dinh dưỡng của rơm, rạ và các phụ phẩm nhiều chất xơ...

b) Sửa chữa, làm mới, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi

- Vận động các hộ chăn nuôi có chuồng nuôi nhưng chưa đảm bảo yêu cầu phòng chống rét, chuồng tạm và các hộ chưa có chuồng khẩn trương làm mới, sửa chữa, gia cố chuồng nuôi đảm bảo giữ ấm cho gia súc trong mùa Đông. Dự phòng các loại vật liệu để che chắn chuồng trại như: dùng bạt, bao dứa, tấm nylon lớn hoặc các vật liệu khác để che chắn chuồng trại đảm bảo đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt chuồng trong những ngày mưa rét.

- Những hộ chăn thả gia súc trong rừng, trước tháng 11/2017 di chuyển đàn gia súc về chăn thả và nuôi nhốt tại chuồng hoặc di chuyển đến những nơi kín gió có đủ các điều kiện và đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.

- Dọn vệ sinh chuồng nuôi gia súc hàng ngày, đảm bảo chuồng nuôi luôn khô ráo; định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi 01 lần/tuần; làm hố chứa phân, nước tiểu gia súc riêng; xử lý phân gia súc bằng phương pháp ủ nhiệt hoặc ủ men vi sinh; không tích trữ phân gia súc trong chuồng đang nuôi nhốt gia súc.

c) Chăm sóc, nuôi dưỡng

- Vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa Đông.

- Tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho gia súc để chống rét và dịch bệnh. Những gia súc già yếu, con non cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh, giá rét.

- Khi có rét đậm, rét hại không chăn thả và bắt gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 13°C cần nuôi nhốt, cho ăn tại chuồng, tuyệt đối không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc; cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh, tối thiểu cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiểu 5kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh, đối với gia súc non 0,5 kg/ngày, gia súc trưởng thành 1-1,5 kg/ngày (nên nấu cháo, cám cho gia súc ăn vào buổi sáng và chiều tối); đồng thời bổ sung các loại Vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc; dùng bạt hoặc chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc.

d) Quản lý đàn gia súc di chuyển đi tránh rét

- Đối với các hộ dân thường có thói quen di chuyển đàn gia súc đi tránh rét cần thực hiện thống kê số hộ di chuyển đàn gia súc, số lượng đàn gia súc, dự kiến di chuyển đi và nơi gia súc di chuyển đến; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân trước khi di chuyển đàn gia súc đến các địa phương khác tránh rét phải thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, xin giấy chứng nhận đã tiêm phòng của UBND xã, thực hiện khai báo với UBND xã nơi di chuyển đến để quản lý dịch bệnh, làm lán trại tạm thời để giữ ấm cho gia súc (có mái che, kín gió và cao ráo) đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Các xã có gia súc từ các địa phương khác di chuyển đến, phải nắm rõ được số lượng gia súc, số hộ di chuyển gia súc, nơi gia súc di chuyển đi; tạo điều kiện về địa điểm nuôi nhốt gia súc. Giao cho thú y viên xã, khuyến nông viên xã thường xuyên kiểm tra theo dõi tình hình dịch bệnh, hướng dẫn nhân dân thực hiện chăm sóc nuôi dưỡng đàn gia súc, thực hiện vệ sinh môi trường khu vực nuôi nhốt gia súc. Yêu cầu các hộ cam kết sau khi gia súc được di chuyển ra khỏi địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với địa phương thực hiện tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc để đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh.

đ) Phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

- Chấp hành việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc theo quy định; thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh gia súc thường mắc trong mùa Đông (cước chân., bệnh đường hô hấp...); tẩy giun sán, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc trước mùa Đông.

- Tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời dịch bệnh, khi có dịch bệnh xảy ra phải báo cáo chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn chẩn đoán chính xác bệnh, tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch đúng quy trình có hiệu quả, không để dịch lây lan diện rộng gây thiệt hại lớn cho chăn nuôi.

- Tổ chức thực hiện tiêu độc khử trùng ở những nơi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh như: ổ dịch cũ, điểm giết mổ, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, chợ buôn bán gia súc, gia cầm...

- Tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn.

III. Công tác khắc phục thiệt hại

Ngoài việc tăng cường thực hiện các nội dung, biện pháp phòng, chống nêu trên cho cây trồng vật nuôi, cần tập trung thực hiện một số nội dung, biện pháp sau:

1. Thống kê, tổng hợp kịp thời tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo; các huyện, thành phố tổng hợp thiệt hại và chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho các hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.

2. Trường hợp nguồn kinh phí dự phòng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác không đủ để hỗ trợ thì UBND các huyện, thành phố tổng hợp thiệt hại theo Thông tư số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; gửi Sở Nông nghiệp và PTNT tổng hợp đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Cơ quan Thường trực phòng, chống rét đối với cây trồng vật nuôi; tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố đảm bảo sản xuất vụ Đông Xuân 2017-2018; triển khai công tác phòng, chống rét đậm, rét hại, mưa tuyết cho cây trồng, vật nuôi; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Phương án này.

- Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện của các huyện, thành phố; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện công tác phòng chống, ứng phó và kết quả khắc phục hỗ trợ thiệt hại do rét đậm, rét hại, mưa tuyết gây ra cho cây trồng, vật nuôi.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan đơn vị liên quan thẩm định mức độ thiệt hại, nhu cầu kinh phí hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại; đề xuất nguồn kinh phí hỗ trợ khắc phục; hướng dẫn thủ tục thanh quyết toán cho các địa phương, đảm bảo thực hiện đúng quy định.

3. UBND các huyện, thành phố

- Tổ chức thực hiện tốt các nội dung tại Phương án này; trên cơ sở Phương án của tỉnh để xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống rét đối với cây trồng, vật nuôi ở địa phương mình nhằm phù hợp với từng điều kiện, diễn biến thời tiết và sát với những loại thiên tai thường xảy ra để đảm bảo yêu cầu và hiệu quả.

- Chỉ đạo việc khôi phục sản xuất cụ thể đến từng diện tích của các xã, thôn, bản. Phân công trách nhiệm cho từng thành viên phụ trách địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc hướng dẫn, điều chỉnh thời vụ, cơ cấu giống phù hợp và thích ứng với tình hình thiên tai thực tế tại địa phương.

- Khi có thiệt hại do thiên tai gây ra, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, báo cáo tình hình thiệt hại và kết quả khắc phục của địa phương, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước 14 giờ hàng ngày để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách dự phòng tại địa phương để xử lý kịp thời các thiệt hại; chỉ đạo thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả thiệt hại; xác định chính xác mức độ thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ giống khôi phục sản xuất và quyết định hỗ trợ giống cho từng địa bàn xã, phường, thị trấn đảm bảo kịp thời, đúng chính sách, chế độ; sử dụng kinh phí hỗ trợ, giống khôi phục sản xuất đảm bảo có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng.

- Gửi Phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi về Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15/12/2017 để tổng hợp, theo dõi.

Trên đây là Phương án phòng, chống rét đối với cây trồng, vật nuôi vụ Đông xuân năm 2017-2018 của tỉnh Lào Cai. Yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan đơn vị liên quan triển khai thực hiện./.