Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 523/QĐ-UB

Long Xuyên, ngày 20 tháng 05 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua ngày 21/06/1994.

- Căn cứ Nghị quyết của kỳ họp thứ I, khóa V của HĐND Tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế Xã hội năm 1995 và nhiệm vụ chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội năm 1996-2000.

- Xét đề nghị của Giám Đốc Sở Công Nghiệp, Trưởng Ban quản Lý và Phát Triển Điện Nước nông thôn.

QUYẾT ĐỊNH

ĐIỀU 1: - Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về quản lý khai thác lưới điện nông thôn.

ĐIỀU 2: - Quyết định này thay thế quyết định số 219/QĐ-UB ngày 12/04/1994 của UBND Tỉnh An Giang và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

ĐIỀU 3: - Ông Trưởng Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn chịu trách nhiệm phối hợp với Giám Đốc Sở Công Nghiệp, Giám Đốc Điện Lực An Giang, Chủ Tịch UBND các Huyện, Thị triển khai thực hiện bản quy định kèm theo Quyết định này.

ĐIỀU 4: Ông Chánh văn Phòng UBND Tỉnh; Thủ Trưởng các Sở Ban Ngành có liên quan và Chủ Tịch UBND các Huyện, Thị, Xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều III, IV
- Lưu VP.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Nhị

 

BẢN QUY ĐỊNH

V/V XÂY DỰNG, QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo quyết định số: 523/QĐ-UB ngày 20/05/1996 của UBND Tỉnh An Giang)

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết kỳ họp thứ I của HĐND Tỉnh khóa V nhiệm kỳ 1994 - 1999 về tình hình thực hiện kế hoạch Kinh tế-Xã Hội năm 1996-2000 và nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-Xã Hội năm 1995.

Nay UBND Tỉnh An Giang quy định cụ thể về việc xây dựng, quản lý và phát triển lưới điện nông thôn như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

ĐIỀU 1: - Lưới điện nông thôn được quy định trong bản quy định này bao gồm toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế cung ứng điện cho nhu cầu sử dụng của các hộ, cá nhân, tổ chức, đơn vị (gọi chung là người sử dụng điện) trên địa bàn các Huyện, thị thuộc Tỉnh An Giang.

ĐIỀU 2: - Ban Quản lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn An Giang và các Trạm Quản Lý Điện Nông Thôn Huyện, thị là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác toàn bộ hệ thống lưới điện nông thôn.

ĐIỀU 3: - Điện Lực An Giang chịu trách nhiệm cung ứng nguồn điện cho lưới điện nông thôn theo yêu cầu phát triển của Tỉnh.

ĐIỀU 4: - Giá bán điện cho người sử dụng điện thuộc lưới điện nông thôn do UBND Tỉnh quy định và áp dụng thống nhất trong toàn Tỉnh.

Việc xét miễn thuế cho những năm đầu hoạt động xây dựng và khai thác lưới điện nông thôn do UBND Tỉnh quyết định.

Chương II

XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN

ĐIỀU 5: Ban Quản lý và phát triển điện nước nông thôn An Giang có chức năng sau:

1- Quản lý toàn bộ tài sản lưới điện trung, hạ thế thuộc lưới điện nông thôn (thuộc nguồn vốn Ngân Sách địa phương đầu tư)

2- Xây dựng, cải tạo, khai thác và kinh doanh điện thuộc lưới điện nông thôn.

3- Sử dụng các nguồn vốn huy động theo quy định của UBND Tỉnh để đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện nông thôn.

4- Thực hiện việc thu chi, nộp ngân sách địa phương các khoản thu, chi phát sinh trong quá trình quản lý và khai thác lưới điện nông thôn.

5- Thực hiện quản lý và Điều hành các Trạm Quản lý điện nông thôn.

6- Cùng Sở Công Nghiệp và các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm các quy định về an toàn, bảo vệ và khai thác, sử dụng lưới điện nông thôn.

ĐIỀU 6: - Việc xây dựng và phát triển lưới điện nông thôn phải đảm bảo thực hiện đúng các quy định về XDCB.

- Ban Quản lý và phát triển Điện Nước nông thôn là chủ đầu tư các công trình xây dựng và phát triển lưới điện trung, hạ thế thuộc nguồn vốn đầu tư của Tỉnh.

- Việc thiết kế do đơn vị tư vấn có chức năng thiết kế, Điện Lực An Giang là đơn vị thi công hoặc giám sát thi công (trong trường hợp đơn vị thi công không phải là Điện Lực An Giang) các công trình xây dựng lưới điện trung, hạ thế. Đối với đường điện trung thế thiết kế được Ngành Điện xem xét kỹ thuật. Các đường dây trung hạ thế do Sở Xây Dựng An Giang thẩm định.

ĐIỀU 7: Sau khi xây dựng các công trình điện trung thế hoàn thành. Ban quản lý và phát triển điện nước nông thôn giao công trình cho Điện Lực An Giang để quản lý vận hành, đảm bảo kỹ thuật an toàn.

ĐIỀU 8: - Việc cải tạo, sửa chữa lưới điện trung, hạ thế thuộc lưới điện nông thôn được phân nhiệm vụ cụ thể như sau:

1- Việc cải tạo, sửa chữa lưới điện trung thế do Điện Lực An Giang thực hiện.

2- Chi phí cải tạo, sửa chữa lưới điện trung thế, nếu là tài sản của địa phương do địa phương chi trả, tài sản của ngành điện do Điện Lực An Giang đảm nhận.

3- Việc xây dựng, sửa chữa đường dây và trạm biến áp hạ thế do Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn thực hiện hoặc hợp đồng với các đơn vị có chức năng thực hiện theo thiết kế được duyệt. Điện Lực An Giang có trách nhiệm đóng, cắt, giám sát đảm bảo công trình được hoàn thành nhanh chóng, đúng thiết kế kỹ thuật.

4- Việc thiết kế các dây trục sau trạm biến áp hạ thế do Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn thực hiện.

5- Chi phí cải tạo, sửa chữa các đường dây và trạm biến áp hạ thế thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn sẽ do Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn chịu trách nhiệm chi từ nguồn kinh phí sửa chữa lưới điện nông thôn được UBND Tỉnh phê duyệt.

ĐIỀU 9: - Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn có trách nhiệm cung cấp các thiết bị vật tư kỹ thuật Ngành điện cho toàn bộ hệ thống lưới điện nông thôn và các loại thiết bị vật tư kỹ thuật Ngành điện phục vụ cho việc lắp đặt dây nhánh dẫn điện đến địa điểm của người sử dụng điện.

ĐIỀU 10: - Chi phí cho việc lắp đặt điện kế và dây nhánh dẫn điện từ lưới điện nông thôn đến địa điểm của người sử dụng điện, do người sử dụng điện đóng góp.

Chương III

HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC LƯỚI ĐIỆN NÔNG THÔN

ĐIỀU 11: - Hoạt động khai thác lưới điện nông thôn phải thực hiện theo nguyên tắc:

1- Việc cung ứng điện cho người sử dụng phải ký kết bằng hợp đồng mua bán điện giữa Trạm Quản Lý Điện Nông Thôn và người sử dụng điện.

2- Ban Quản Lý và phát triển điện nước nông thôn ký kết hợp đồng với Điện Lực mua điện nguồn để cung ứng cho lưới điện nông thôn.

ĐIỀU 12: - Điện Lực An Giang bán điện nguồn cho Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn theo yêu cầu phát triển của Tỉnh. Việc đo đếm sản lượng điện được thực hiện tại các đồng hồ tổng đếm điện trung thế. Giá điện được thực hiện theo giá bán buôn điện nông thôn do Ban Vật Giá Chính Phủ quy định.

Điện Lực An Giang tiến hành lắp đặt các hệ thống đo đếm điện trung thế tại các đầu đường dây trung thế được xây dựng từ nguồn Ngân Sách địa phương.

ĐIỀU 13: - Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn ủy quyền cho các Trạm Quản Lý Điện Nông Thôn, thực hiện việc mua điện với Điện Lực An Giang và thu tiền điện của người sử dụng điện. Việc thu tiền điện sẽ dùng hóa đơn theo mẫu thống nhất chung trên máy vi tính do ban quản lý và phát triển điện nước nông thôn phát hành. Tổng số tiền thu được do bán điện phải chuyển trả cho Điện Lực An Giang một phần trị giá bằng sản lượng điện mua tại các đồng hồ tổng. Số còn lại phải nộp vào Tài khoản của Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn.

ĐIỀU 14: - Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn tính toán, xây dựng các chỉ tiêu, tỷ lệ hao hụt thất thoát điện năng trên các bình biến thế, dây dẫn điện, điện kế. Quy định cụ thể chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng đối với các Trạm Quản lý điện nông thôn Huyện, Thị.

Chỉ tiêu giảm tổn thất điện năng đối với các Trạm là chỉ tiêu bắt buộc.

Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn phối hợp với Sở Công Nghiệp, Điện Lực An Giang thường xuyên kiểm tra khách hàng sử dụng điện để giảm thất thoát điện năng, chống mất cắp điện.

ĐIỀU 15: UBND Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc đầu tư xây dựng các đường dây và Trạm biến áp hạ thế.

Điều kiện đầu tư xây dựng khai thác đường dây và trạm biến áp lưới điện nông thôn:

Tổ chức, công dân từ 18 tuổi trở lên có đầy đủ các điều kiện sau đây:

1/ Có giấy phép đăng ký kinh doanh

2/ Có vốn đầu tư, tay nghề kỹ thuật điện và có trang thiết bị đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp hạ thế.

3/ Việc xây dựng đường dây và trạm biến áp phải được phép của ngành chức năng.

4/ Bán điện cho người sử dụng theo giá quy định của UBND Tỉnh.

5/ Cung cấp điện đảm bảo an toàn.

ĐIỀU 16: Đối với lưới điện nông thôn hiện nay do các Tổ chức, tập thể, cá nhân đầu tư khai thác không hội đủ các Điều kiện quy định tại Điều 15 của bản quy định này có trách nhiệm bàn giao lại cho Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn quản lý khai thác. Thành lập Hội đồng kiểm kê gồm có Sở Công Nghiệp, Cục Quản Lý Vốn và Tài Sản DNNN, UBND Huyện thị và Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn tổ chức kiểm kê, định giá. Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn An Giang tiến hành tiếp nhận, có kế hoạch sửa chữa cải tạo an toàn cho người sử dụng.

Đối với những lưới điện do Tổ chức, tập thể, cá nhân đầu tư chưa thu hồi đủ vốn. Việc hoàn trả vốn sẽ do Hội đồng kiểm kê, kiểm tra nguồn vốn đầu tư, định giá trình UBND Tỉnh xem xét quyết định.

17: - Việc cung ứng điện cho người sử dụng phải thực hiện qua các công tơ điện riêng.

Đối với các đường điện cung ứng cho các trạm bơm điện phải lắp đặt công tơ điện riêng, ghi sản lượng điện phục vụ tưới tiêu nước.

Không được áp dụng biện pháp sử dụng điện và trả tiền điện theo hình thức khoán.

18: - Khi phát triển thêm các công tơ điện cho người sử dụng các Trạm Quản Lý Điện phải xem xét khả năng của nguồn điện và lưới điện nông thôn tại địa bàn. Việc thiết kế, lắp đặt thêm các công tơ điện phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định.

Nghiêm cấm mọi hành vi tự tiện thiết kế, lắp đặt hoặc thay đổi dịch chuyển các đường dây, trạm biến áp thuộc lưới điện nông thôn (tài sản thuộc Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn quản lý) khi chưa có sự đồng ký của Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn.

19: - Trong quá trình hoạt động khai thác lưới điện nông thôn, khi xảy ra sự cố kỹ thuật hoặc tai nạn liên quan đến việc khai thác sử dụng điện, Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn cùng Sở Công Nghiệp, Điện Lực An Giang và các ngành chức năng kịp thời khắc phục các sự cố kỹ thuật và giải quyết các hậu quả.

20: - Các Trạm Quản Lý Điện Nông Thôn phối hợp với các Chi Điện Lực Huyện thị thường xuyên kiểm tra dây nhánh, dây trục, điện kế và phát quang hành lang bảo vệ lưới điện nhằm đảm bảo an toàn trong vận hành sửa chữa kịp thời và chống thất thoát điện năng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

21: - Ban Quản Lý và Phát Triển Điện Nước Nông Thôn phối hợp với UBND các Huyện, thị tổ chức tốt việc thành lập các Trạm quản lý điện nông thôn, lựa chọn nhân lực, tổ chức việc đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật. Hằng năm tổ chức kiểm tra trình độ, nâng cao tay nghề để tuyển chọn những công nhân lành nghề.

22: - Ban quản lý và phát triển điện nước nông thôn phối hợp với Sở Công Nghiệp, Điện Lực An Giang, UBND các Huyện, Thị cùng các Ngành hữu quan tổ chức tốt việc quản lý phát triển và khai thác lưới điện nông thôn.