UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/1999/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 1999 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, SẢN XUẤT, KINH DOANH, VÀ SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định 07/CP ngày 05/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giống cây trồng và Thông tư số 02/NN-KNKL - TT ngày 01/01/1997 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thi hành Nghị định 07/CP.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội tại tờ trình số 609/NN - KT ngày 11/06/1999.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Điều 2: Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, UBND các Quận, Huyện hướng dẫn và tổ chức thực hiện Quyết định này.
Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc Sở: Sở Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính Vật giá, Khoa học Công nghệ và Môi trường, Thương mại, Cục trưởng cục thuế, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các Chi cục trưởng Chi cục: Quản lý thị trường, bảo vệ thực vật, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo quyết định số 53/1999/QĐ-UB ngày 06 tháng 07 năm 1999 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
QUI ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Thuật ngữ về giống cây trồng nêu trong quy định này được hiểu và cụ thể hoá như sau:
- Giống cây trồng là tập hợp các cây nông nghiệp, lâm nghiệp cùng một loài có sự đồng nhất về di truyền, có những đặc điểm khác biệt với các cây trồng cùng loài về một hay nhiều đặc tính và khi sinh sanr (hữu tính hay vô tính) vẫn giữ được đặc tính đó.
- Giống bao gồm các nguyên liệu sinh sản của thực vật dùng trong sản xuất nông - lâm nghiệp: Hạt, củ, quả, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hò, mô tế bào, bào tử và sợi nấm dùng để làm giống.
- Giống gốc (hay còn gọi là giống tác giả, trong lâm nghiệp gọi là cây mẹ) khi được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận mới được nhân tiếp làm giống cho sản xuất đại trà.
- Giống nguyên chủng là giống được nhân ra từ giống gốc hoặc tuyển chọn lại từ giống sản xuất theo qui trình sản xuất giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng giống nguyên chủng.
- Giống xác nhận hay giống thương mại (cấp I) là giống của đời cuối cùng của giống nguyên chủng để đưa ra sản xuất đại trà và không dùng làm giống cho đời sau.
- Giống địa phương là giống đã tồn tại lâu đời và tương đối ổn định tại địa phương, có những đặc trưng, đặc tính khác biệt với các giống khác và di truyền được cho đời sau.
- "Cây đầu dòng" (đối với cây ăn quả) : là những cây ưu tú nhất được tuyển chọn từ những cây hiện có với một giống cây ăn quả nhất định.
"Vườn cây đầu dòng" được nhân vô tính từ cây đầu dòng.
- Hạt lai F1: là thế hệ lai đầu tiên giữa hai bố mẹ không giống nhau về mặt di truyền, có ưu thế tỏ ra hơn hẳn về độ đồng nhất, sức sống, sức sinh trưởng, khả năng chống chịu, năng suất... so với cả hai bố mẹ và không dùng làm giống cho đời sau.
Điều 2: Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố đều phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 07/CP ngày 5/2/1996 của Chính phủ, Thông tư 02/NN-KNKL/TT ngày 1/3/1997 của Bộ Nông nghiệp & PTNY và nội dung bản quy định này và phải đăng ký chất lượng giống tại Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội.
Điều 3: Tất cả các lô giống sản xuất ra trong thành phố hoặc nhập nội để bán, trao đổi trên thị trường đều phải đạt tiêu chuẩn tối thiểu của Nhà nước hoặc tiêu chuẩn Ngành theo đúng cấp chất lượng đăng ký.
Điều 4: Các giống cây trồng mới chưa được công nhận là giống Quốc gia (giống tiến bộ kỹ thuật, giống địa phương trong và ngoài Thành phố, giống nhập nội...) trước khi đưa vào sản xuất phải thí nghiệm, khảo nghiệm, kiểm định, tổng kết, phải được Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT quyết định công nhận phù hợp với địa phương mới được đưa ra sản xuất.
Điều 5: Đối tượng thực hiện Qui định này về quản lý giống cây trồng trên địa bàn Hà nội là các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu giống, quản lý Nhà nước về giống trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Chương 2:
SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 6: Mọi tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải có đủ các loại giấy tờ sau:
1. Giấy phép hành nghề, do Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cấp.
2. Giấy phép đăng ký chất lượng giống, do Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cấp.
3. Giấy đăng ký kinh doanh do Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Hà nội cấp (đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế được tổ chức theo Luật doanh nghiệp Nhà nước, Doanh nghiệp tư nhân, Luật công ty...) hoặc UBND huyện, quận cấp (đối với HTX và hộ nông dân) và phải qua sự thẩm định của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội (đối với các tổ chức và cá nhân thuộc cấp Thành phố quản lý).
Các đối tượng kinh doanh giống cây trồng từ tỉnh ngoài về, ngoài 3 loại giấy tờ từ quy định như trên, phải có thêm các thủ tục kiểm định dịch thực vật của Cục BCTV hoặc Chi cục BVTV Thành phố, lý lịch giống, giấy chứng nhận đạt chất lượng giống của Trung tâm khảo, kiểm nghiệm giống cây trồng Trung ương cấp.
Điều 7: Tổ chức, cá nhân trong và ngoài Thành phố khi đưa các loại giống cây trồng vào khảo nghiệm hoặc sản xuất thử trên địa bàn Thành phố phải báo cáo và được sự chấp thuận của Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội; đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng giống của mình, phải đầu tư kinh phí và có hợp đồng bảo hiểm cho người sản xuất.
Điều 8: Tổ chức, cá nhân sản xuất giống cây trồng phải có đủ các điều kiện sau:
- Có cán bộ chuyên môn am hiểu về kỹ thuật sản xuất giống cây trồng (kỹ sư trồng trọt, kỹ thuật viên).
- Có đủ điều kiện sản xuất giống (ruộng đất, nhà kho, sân phơi...).
- Chỉ được sản xuất các loại gống cây trồng đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhân. Nếu sản xuất giống cây trồng địa phương thì phải được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nộic ấp giấy phép.
- Sản xuất đúng qui trình kỹ thuật cho mỗi cấp giống, mỗi loại giống cây trồng.
- Khi sản xuất các giống lúa lai, ngô lai có thêm các điều kiện quy định tại các văn bản 10/TCN 311-98 và 10/TCN 312-98 của Bộ Nông nghiệp & PTNT ban hành theo quyết định số: 32/1998/QĐ-BNN-KHCN ngày 24/12/1998.
Điều 9: Tổ chức, cá nhân kinh doanh giống cây trồng phải có bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Có cán bộ chuyên ngành am hiểu về giống (có bằng trung cấp trồng trọt trở lên),
- Chỉ được kinh doanh, dịch vụ những giống cây trồng có trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp & PTNT và của Sở Nông nghiệp & PTNT Thành phố Hà Nội,
- Có kho bảo quản, có thiết bị kiểm tra xác định chất lượng giống cây trồng.
- Phải bảo hành chất lượng giống cây trồng cho người sử dụng.
Điều 10: Về điều kiện bảo hành trong kinh doanh giống cây trồng trên thị trường:
- Các loại giống cây trồng được bán trên thị trường phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau: Phải có giấy chứng chỉ chất lượng giống do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra chất lượng cấp, có nhãn hàng hoá, đóng gói như đăng ký, có phiếu bảo hành chất lượng giống, có bản hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng. Nếu không có đủ các điều kiện trên thì không được lưu thông và bị xử phạt tuỳ theo mức độ vi phạm.
- Người buôn bán giống cây trồng phải thực hiện bảo hành chất lượng giống khi những thiệt hại do giống không đảm bảo chất lượng gây ra, phải bồi thường thiệt hai cho người sử dụng giống. (Được loại trừ các yếu tố không phải do giống).
Điều 11: Đối với cây ăn quả lâu năm, chỉ được phép nhân những giống đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT công nhận (bằng vô tính hay hữu tính quy định cho từng loại cây), phải có vườn ươm cây mẹ hoặc cây đầu dòng.
- Giống cây trồng để phục vụ trồng rừng bằng nguồn vốn ngân sách phải sử dụng đúng loại giống theo quy định về cơ cấu và xuất xứ giống.
Điều 12: Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT (phòng Kinh tế & PTNT), UBND xã, phường, các HTX và họ nông dân sử dụng cơ cấu giống cây trồng theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội.
Điều 13: Tổ chức, Hợp tác xã, hộ nông dân phải gieo trồng những giống cây trồng có trong danh mục, cơ cấu quy định của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và theo đúng hướng dẫn quy trình kỹ thuật do phòng Nông nghiệp & PTNT Quận, Huyện ban hành. Nếu sử dụng giống cây trồng bất hợp pháp không đúng chủng loại hướng dẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm do hậu quả gây ra, phải đền bù thiệt hại cho người bị hại và có thể bị truy tố trước pháp luật, buộc phải tiêu huỷ toàn bộ diện tích và lô giống đã gieo trồng tuỳ theo mức độ về tính chất của thiệt hại.
Chương 3:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG CÂY TRỒNG
Điều 14: Nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội về quản lý Nhà nước đối với giống cây trồng:
- Xác định và công bố cơ cấu giống cây trồng, chủng loại giống cụ thể cho các vùng sinh thái trên địa bàn thành phố.
- Lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng hệ thống giống cây trồng, kế hoạch đầu tư cho sản xuất giống, chính sách trợ giá giống gốc, giống dự phòng thiên tai, khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống mới.
- Tổ chức bộ phận kiểm dịch, kiểm nghiệm giống cây trồng.
- cấp và thu hồi giấy phép hành nghề kinh doanh - dịch vụ giống cây trồng và chứng nhận chất lượng mọi lô giống thuần chủng, giống lai của các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn thành phố.
- Tiến hành kiểm tra thường xuyên việc sản xuất kinh doanh, dịch vụ sử dụng giống cây trồng trên địa bàn Thành phố về chất lượng và cơ cấu, đồng thời thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước đối với cấp huyện, xã, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các vi phạm theo pháp luật. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần phối hợp chặt chẽ với sở KHCN & môi trường và Chi cục Quản lý thị trường.
Điều 15: Nhiệm vụ của UBND các Quận, Huyện về quản lý Nhà nước đối với giống cây trồng:
- Xác định cụ thể cơ cấu giống cây trồng của địa phương phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái theo hướng dẫn chung của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội.
- Tiến hành kiểm tra thường xuyên việc thực hiện cơ cấu giống, chất lượng giống và QTKT thâm canh giống cây trồng. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về kinh doanh - dịch vụ, sử dụng giống cây trồng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền.
- Bố trí ít nhất 1 cán bộ chuyên ngành trồng trọt chuyên quản lý Nhà nước về giống cây trồng thuộc biên chế của phòng Nông nghiệp & PTNT.
Điều 16: Nhiệm vụ của UBND các xã, phường, thị trấn đối với quản lý Nhà nước về giống cây trồng:
- Tuyên truyền sâu rộng các quy định về quản lý giống cây trồng của Nhà nước (cấp TW, TP, Quận, Huyện) để mọi người dân chủ động và tự nguyện cùng thực hiện.
- Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức sử dụng giống cây trồng theo đúng hướng dẫn của UBND các Quận, Huyện.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17: Mọi cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài có hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây trồng trên địa bàn Thành phố Hà Nội phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định này.
Điều 18: Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý giống cây trồng, chỉ đạo phát triển giống tốt, cho hiệu quả cao trong sản xuất sẽ được khen thưởng.
Người có hành vi vi phạm quy định này tuỳ theo mức độ gây hại cho Nhà nước và các tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt bồi thường vật chất và xử lý hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 19: Sở Nông nghiệp & PTNT Thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các Quận, Huyện tổ chức phổ biến, quán triệt rộng rãi trong nhân dân để thực hiện nghiêm túc quy định này; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả về UBND Thành phố.
Điều 20: Bản quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Sở Nông nghiệp & PTNT tổng hợp, báo cáo để trình UBND Thành phố để xem xét, điều chỉnh và bổ sung kịp thời.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Quyết định 87/2003/QĐ-UB công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành từ ngày 01/01/1997 đến ngày 30/6/2002 bị bãi bỏ do hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 87/2003/QĐ-UB công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành từ ngày 01/01/1997 đến ngày 30/6/2002 bị bãi bỏ do hết hiệu lực thi hành do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 2 Quyết định 49/2012/QĐ-UBND về Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3 Quyết định 02/2008/QĐ-UBND quy định về loại cây trồng, mật độ, mô hình, cơ cấu cây trồng và mức đầu tư công trình lâm sinh thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2008-2010 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình
- 4 Chỉ thị 28/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 1 Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 về tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
- 2 Quyết định 49/2012/QĐ-UBND về Quy định sản xuất, kinh doanh và sử dụng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Kon Tum
- 3 Quyết định 02/2008/QĐ-UBND quy định về loại cây trồng, mật độ, mô hình, cơ cấu cây trồng và mức đầu tư công trình lâm sinh thuộc dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 2008-2010 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình
- 4 Chỉ thị 28/2006/CT-UBND tăng cường công tác quản lý giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương