BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2002/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP BỘ CÔNG NGHIỆP
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công nghiệp.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ và các đồng chí thành viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP |
QUY CHẾ
LÀM VIỆC CỦA BAN ĐỔI MỚI VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP BỘ CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 53/2002/QĐ-BCN ngày 02 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định về phạm vi xử lý công việc của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công nghiệp (sau đây gọi tắt là Ban) và trách nhiệm của các thành viên Ban trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Ban.
Điều 2. Ban có chức năng giúp Bộ trưởng chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch tổng thể về sắp xếp, đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước trong phạm vi quản lý của Bộ Công nghiệp.
Điều 3.
Các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn mà Ban có trách nhiệm thẩm định được thực hiện theo chế độ tập thể, tiến hành thông qua các cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Các thành viên của Ban có trách nhiệm trao đổi, phát biểu hoặc bằng văn bản ý kiến độc lập của mình và chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Trưởng ban hoặc Phó ban được Trưởng ban uỷ quyền chủ trì cuộc họp có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến này, trình Bộ trưởng quyết định.
Nội dung các cuộc họp thẩm định của Ban phải được ghi thành biên bản; biên bản phải có chữ ký của các thành viên tham dự họp, lưu tại Bộ phận thường trực của Ban.
Chương 2:
PHẠM VI XỬ LÝ CÔNG VIỆC CỦA BAN
Điều 4. Hoạt động của Ban bao gồm các lĩnh vực chủ yếu sau:
1. Chỉ đạo các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong việc xây dựng đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trình Bộ trưởng báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
2. Đôn đốc, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng phê duyệt;
3. Tổ chức thẩm định các phương án sắp xếp, đổi mới, doanh nghiệp nhà nước (thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, phá sản, cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê, chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển đổi tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con) trình Bộ trưởng phê duyệt hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
Tham gia ý kiến về các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương;
4. Phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu trình Bộ và Chính phủ các chính sách, cơ chế, mô hình tổ chức trong việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
5. Sơ kết, tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
6. Tổ chức tập huấn, phổ biến và hướng dẫn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước;
7. Dự thảo các văn bản trình Bộ trưởng ban hành hoặc ban hành theo uỷ quyền của Bộ trưởng để thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Chương 3:
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CÁC THÀNH VIÊN CỦA BAN VÀ PHÂN CÔNG, PHỐI HỢP CÔNG VIỆC CỦA BAN
Điều 5.
Trưởng ban chịu trách nhiệm chung về toàn bộ hoạt động của Ban trước Bộ trưởng. Các Phó ban và Uỷ viên chịu trách nhiệm trước Trưởng ban về lĩnh vực được phân công.
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban:
a) Chỉ đạo Ban xây dựng kế hoạch và tổ chức, phân công các thành viên trong Ban thực hiện nhiệm vụ của Ban;
b) Chủ trì các cuộc họp của Ban;
c) Báo cáo Bộ trưởng các vấn đề thuộc phạm vi công việc của Ban;
d) Chỉ đạo Ban tiến hành sơ kết, tổng kết tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
e) Ký ban hành các văn bản theo uỷ quyền của Bộ trưởng về lĩnh vực sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó ban:
a) Phó ban là người giúp việc Trưởng ban giải quyết và kiểm tra đối với từng lĩnh vực cụ thể theo phân công của Trưởng ban;
b) Trong trường hợp cần thiết Trưởng ban có thể uỷ quyền cho một Phó ban chủ trì các cuộc họp thẩm định, hoặc lấy ý kiến các thành viên của Ban để giải quyết các công việc của Ban.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của các Uỷ viên:
a) Có trách nhiệm nghiên cứu, tham gia ý kiến vào tất cả các nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Ban;
b) Là đầu mối và có trách nhiệm chính trong việc tham mưu cho Ban và giải quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.
Điều 6. Phân công và phối hợp công việc trong Ban:
1. Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ.
a) Là Phó ban Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ;
b) Là đầu mối giải quyết các vấn đề về tổ chức và chế độ chính sách đối với người lao động trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
c) Là đầu mối giúp Ban thẩm định các phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (thành lập, chia, tách, sáp nhập, giải thể, phá sản, chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con) và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;
d) Trình Bộ trưởng hoặc Trưởng ban ban hành các văn bản về mặt tổ chức và chế độ chính sách đối với người lao động;
e) Phối hợp với Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp tổ chức tập huấn các chính sách, chế độ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch của Ban;
g) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban.
2. Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán.
a) Là Phó ban Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ;
b) Là đầu mối giải quyết các vấn đề về tài chính trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
c) Là Chủ tịch Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp;
d) Là đầu mối giúp Ban thẩm định các phương án cổ phần hoá, giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước và chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện sau khi được phê duyệt;
e) Trình Bộ trưởng hoặc Trưởng ban ban hành các văn bản về mặt tài chính;
f) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban.
3. Uỷ viên thường trực.
a) Là đầu mối xây dựng đề án tổng thể và kế hoạch sắp xếp, đổi mới tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu đề xuất các chính sách, chế độ liên quan đến sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp;
b) Là đầu mối tiếp nhận và xử lý các công việc thuộc phạm vi của Ban, chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Ban, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
c) Là đầu mối tham gia ý kiến về các phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương;
d) Dự thảo các báo cáo sơ kết, tổng kết về thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban và Phó ban.
4. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư.
a) Là Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ;
b) Là đầu mối giúp Ban xem xét sự phù hợp về kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Ban với quy hoạch, chiến lược phát triển các ngành, các tổng công ty; kế hoạch dài hạn, kế hoạch 5 năm và kế hoạch năm của ngành công nghiệp;
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban.
5. Vụ trưởng Vụ Quản lý Công nghệ và Chất lượng sản phẩm.
a) Là Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ;
b) Là đầu mối giải quyết các vấn đề liên quan đến công nghệ, kỹ thuật khi xử lý tài sản để sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp;
c) Tham gia các hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban.
6. Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
a) Là Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ;
b) Giúp Ban thẩm định về tính pháp lý các dự thảo văn bản về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp;
c) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban.
7. Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công nghiệp.
a) Là Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ;
b) Là đầu mối phối hợp với Vụ Tổ chức - Cán bộ tổ chức tập huấn các chính sách, chế độ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp theo kế hoạch của Ban;
c) Tham gia nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới liên quan đến sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp;
d) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của Trưởng ban.
8. Chủ tịch Công đoàn công nghiệp Việt Nam.
a) Là Uỷ viên Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ, có nhiệm vụ, quyền hạn như các Uỷ viên trong Ban;
b) Là đầu mối tuyên truyền chủ trương chính sách, vận động người lao động hưởng ứng công tác đổi mới doanh nghiệp; chỉ đạo công đoàn các cấp đổi mới hoạt động phù hợp với công tác đổi mới doanh nghiệp.
c) Giúp Ban đảm bảo đúng quy trình và dân chủ trong việc xây dựng và thực hiện phương án tổng thế sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước;
d) Phối hợp với Ban xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách đối với người lao động khi sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp.
Điều 7.
Bộ phận chuyên viên thường trực (là cán bộ kiêm nhiệm thuộc Vụ Tổ chức - Cán bộ và Vụ Tài chính - Kế toán) của Ban có nhiệm vụ:
1. Giúp các đồng chí Phó ban thực hiện công việc đã được phân công;
2. Thư ký các cuộc họp thẩm định của Ban.
Chương 4:
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN VÀ BAN HÀNH VĂN BẢN SẮP XẾP, ĐỔI MỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điều 8. Trình tự, thủ tục thực hiện công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp:
1. Trước khi họp thẩm định, Ban gửi hồ sơ thẩm định cho các đồng chí Thứ trưởng phụ trách ngành hoặc phụ trách lĩnh vực có liên quan để lấy ý kiến tham khảo cho Ban khi xem xét thẩm định.
2. Sau khi họp thẩm định, Trưởng ban báo cáo Bộ trưởng quan điểm của Ban và ý kiến của đồng chí Thứ trưởng phụ trách ngành hoặc phụ trách lĩnh vực để Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Điều 9. Trình tự, thủ tục ban hành các văn bản sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Bộ:
1. Bộ trưởng ký hoặc uỷ quyền cho Trưởng ban ký ban hành các văn bản thuộc phạm vi công tác đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của Bộ.
2. Các Phó ban có trách nhiệm kiểm tra về tính chính xác của nội dung, thể thức văn bản theo lĩnh vực công việc được phân công và phải ký tắt vào văn bản trình ký.
Điều 10. Các văn bản do Ban ban hành thực hiện theo quy định mẫu trình bày văn bản của Bộ, nhưng có thêm phần lưu ĐMDN sau tên đơn vị soạn thảo và số bản cần lưu để phục vụ cho việc xử lý, báo cáo và theo dõi công việc của Ban.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Căn cứ chức năng nhiệm vụ của Ban và Quy chế này, Trưởng ban quy định chi tiết quy trình làm việc của Ban và phân công cụ thể các thành viên trong Ban./.
- 1 Quyết định 5572/QĐ-BCT năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công thương chủ trì hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 2 Quyết định 5572/QĐ-BCT năm 2009 về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Công thương chủ trì hoặc liên tịch ban hành hết hiệu lực pháp luật do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành