- 1 Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 2 Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 3 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 4 Luật Du lịch 2017
- 5 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 6 Nghị định 48/2019/NĐ-CP quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước
- 7 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 8 Thông tư 07/2020/TT-BVHTTDL quy định về nội dung tập huấn cho người lái phương tiện và nội dung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 9 Quyết định 26/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý bãi tắm du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 10 Quyết định 58/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 2526/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Bãi tắm Du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 11 Quyết định 1033/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 04/2020/QĐ-UBND quy định quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 12 Quyết định 08/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 04/2020/QĐ-UBND quy định quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 53/2023/QĐ-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 9 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ BÃI TẮM BIỂN, SÔNG, HỒ, SUỐI, THÁC THUỘC ĐIỂM DU LỊCH, KHU DU LỊCH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 48/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước;
Căn cứ Thông tư số 07/2020/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 10 năm 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định nội dung tập huấn cho người lái phương tiện và nội dung hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước;
Theo đề nghị của Sở Du lịch tại Tờ trình số 1206/SDL-NVDL ngày 31 tháng 8 năm 2023 về việc ban hành Quy chế quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý Bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09 tháng 10 năm 2023 và bãi bỏ Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý bãi tắm biển, sông, hồ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
QUẢN LÝ BÃI TẮM BIỂN, SÔNG, HỒ, SUỐI, THÁC THUỘC ĐIỂM DU LỊCH, KHU DU LỊCH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 53/2023/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về công tác quản lý nhà nước; điều kiện, tiêu chuẩn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, khai thác và sử dụng các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền.
b) Tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ tại bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận.
c) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý và khai thác bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong bản Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác là bãi cát, khe suối tự nhiên hoặc tôn tạo, đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định trong quy chế này thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công nhận.
2. Khu vực hoạt động của bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác là phần diện tích thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận và được kinh doanh hoạt động dịch vụ.
3. Đơn vị khai thác bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác là các tổ chức, cá nhân quản lý, kinh doanh tại các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận.
4. Hoạt động tại bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác bao gồm: Hoạt động bơi, lặn, cung cấp dịch vụ, sử dụng dịch vụ trong phạm vi thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận.
Chương II
ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CỦA BÃI TẮM BIỂN, SÔNG, HỒ, SUỐI, THÁC THUỘC ĐIỂM DU LỊCH, KHU DU LỊCH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN
Điều 3. Điều kiện về cơ sở hạ tầng
1. Có hệ thống giao thông thuận lợi, an toàn và dịch vụ cần thiết đảm bảo phục vụ khách du lịch.
2. Có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác cảnh báo, cứu hộ, cứu nạn.
3. Có hệ thống điện, nước sạch đảm bảo yêu cầu, hệ thống thu gom rác thải và xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 4. Điều kiện về cơ sở vật chất trang bị kỹ thuật đối với bãi tắm biển
1. Có bãi cát mịn, bề mặt được san phẳng, độ dày cát trung bình 30cm trở lên và độ thoải đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển.
2. Có ít nhất 01 xuồng cứu sinh (hoặc Ca nô) được đăng ký, đăng kiểm theo quy định, đảm bảo chất lượng và đáp ứng công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra, người điều khiển phương tiện phải có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Trên mỗi xuồng có trang bị tối thiểu 06 áo phao cá nhân, 02 phao tròn (01 phao tròn kèm dây ném chiều dài 25-30m) và có bộ đồ lặn kèm theo bình dưỡng khí.
3. Có thiết bị nhận biết phạm vi ranh giới, hệ thống phao tiêu, cờ chỉ giới, biển báo hiệu vùng hành lang an toàn, màu sắc tương phản với màu nước, dễ quan sát, đảm bảo yêu cầu cảnh báo.
4. Có bảng nội quy đặt ở những vị trí dễ quan sát, kích thước tối thiểu 6m2 bằng 2 thứ tiếng Tiếng Việt và tiếng Anh, phông chữ rõ ràng không tẩy xóa, đảm bảo mỹ quan.
5. Có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đến các điểm dịch vụ và hệ thống giao thông nội bộ. Có bãi trông giữ xe phù hợp quy mô kinh doanh, niêm yết giá các dịch vụ.
6. Có trạm quan sát cứu hộ cứu nạn, khoảng cách giữa các trạm quan sát tối đa là 300m, được xây dựng phù hợp với không gian biển và đảm bảo bao quát toàn bộ bãi tắm.
7. Mỗi bãi tắm biển có ít nhất 02 khu nhà tráng nước ngọt (nam, nữ riêng biệt) có bố trí mắc treo hoặc giá đựng quần áo, mỗi khu tối thiểu có diện tích đạt 25m2.
8. Nhà vệ sinh công cộng đảm bảo sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm.
9. Có hệ thống loa phát thanh và tối thiểu 03 loa cầm tay chất lượng tốt. Hệ thống loa phát thanh có ghi âm cảnh báo an toàn và nội quy bãi tắm bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Việt và tiếng Anh.
10. Trang bị các thùng rác có nắp đậy đặt tại vị trí thuận lợi, dễ quan sát. Tại các vị trí đặt thùng rác công cộng có các biển thông báo giữ vệ sinh và chỉ dẫn bỏ rác đúng nơi quy định. Bố trí nhân lực thu gom rác và làm vệ sinh môi trường hàng ngày.
11. Có hòm thư góp ý, đặt ở vị trí dễ quan sát, chất liệu phù hợp với khí hậu địa phương. Công khai số điện thoại của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch, khu du lịch để tiếp nhận và xử lý kịp thời kiến nghị của khách.
12. Có phương án đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, phương tiện sơ cứu y tế và các phương tiện khác, tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của khách du lịch.
Điều 5. Điều kiện về cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật đối với bãi tắm sông, hồ, suối, thác
Cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật đối với các điểm du lịch, khu du lịch có sông, hồ, suối, thác phải có đầy đủ các dụng cụ sau:
1. Dây phao:
a) Dây phao dọc: Được căng dọc theo khu vực tắm có độ sâu từ 1m40 trở lên dùng cho các đối tượng đã biết bơi;
b) Dây phao ngang: Được căng ngang để chia khu vực có độ sâu từ 1m trở xuống dùng cho người chưa biết bơi ngăn với khu vực có độ sâu từ 1m trở lên.
2. Trang bị cứu hộ:
a) Sào cứu hộ: Phải có ít nhất 06 sào cứu hộ dài 2,50m, sào cứu hộ sơn màu đỏ - trắng, đặt ở các vị trí thuận lợi, dễ nhìn thấy, mỗi sào bố trí cách nhau 15m dọc theo chiều dài của khu vực tắm và tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trong khu vực sông, hồ, suối thác để khách và nhân viên có thể sử dụng khi cần.
b) Phao cứu sinh: Phải có ít nhất 06 chiếc phao cứu sinh (mỗi phao tròn kèm dây ném chiều dài 20-30m), được đặt ở vị trí thuận lợi, dễ nhìn thấy, mỗi phao bố trí cách nhau 15m dọc theo chiều dài của khu vực tắm và đặt tại các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực hồ, suối thác.
3. Các phương tiện vận tải đường thủy phải chấp hành quy định về đăng ký, đăng kiểm, chứng chỉ điều khiển phương tiện; bố trí đủ áo phao tương ứng với số lượng khách theo quy định; phao cứu sinh, dụng cụ nổi và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn để phòng ngừa tai nạn đuối nước…
4. Có bảng nội quy đặt ở những vị trí dễ quan sát, kích thước tối thiểu 6m2 bằng 2 thứ tiếng Tiếng Việt và tiếng Anh, phông chữ rõ ràng không tẩy xóa, đảm bảo mỹ quan.
5. Có hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đến các điểm dịch vụ và hệ thống giao thông nội bộ. Có bãi trông giữ xe phù hợp quy mô kinh doanh, niêm yết giá dịch vụ.
6. Có thiết bị nhận biết phạm vi ranh giới, hệ thống biển báo độ nông sâu, các biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực nước sâu nguy hiểm, khu vực trơn trượt, khu vực dành cho người không biết bơi, khu vực dành cho những người biết bơi, khu vực cấm nhảy cắm đầu (có độ sâu ít hơn 1,4m).
7. Nhà vệ sinh công cộng đảm bảo sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm.
8. Trang bị các thùng rác có nắp đậy đặt tại vị trí thuận lợi, dễ quan sát. Tại các vị trí đặt thùng rác công cộng có các biển thông báo giữ vệ sinh và chỉ dẫn bỏ rác đúng nơi quy định. Bố trí nhân lực thu gom rác và làm vệ sinh môi trường hàng ngày.
9. Có hòm thư góp ý, đặt ở vị trí dễ quan sát, chất liệu phù hợp với khí hậu địa phương. Công khai số điện thoại của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch , khu du lịch để tiếp nhận và xử lý kịp thời kiến nghị của khách.
10. Đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, phương tiện sơ cứu y tế và các phương tiện khác, tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của khách du lịch.
Điều 6. Điều kiện, yêu cầu đối với người làm việc tại đơn vị khai thác, quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác
1. Có đội ngũ lao động làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cứu đuối nước; an ninh trật tự; người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ chuyên môn theo quy định; nhân viên thường xuyên được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.
2. Số lượng nhân viên cứu hộ phải đảm bảo ít nhất 200m2 mặt nước/01 nhân viên, trường hợp sông, hồ, suối, thác có nhiều khu vực tắm phải đảm bảo mỗi khu vực có 01 nhân viên trong cùng một thời điểm, trường hợp đông người tham gia phải đảm bảo ít nhất 50 người bơi/01 nhân viên trong cùng một thời điểm.
3. Có ký kết hợp đồng lao động với cá nhân làm việc tại các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận.
4. Trang phục và đeo phù hiệu đúng với quy định của đơn vị quản lý.
Chương III
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ KHÁCH DU LỊCH KHI THAM GIA HOẠT ĐỘNG TẠI BÃI TẮM BIỂN, SÔNG, HỒ, SUỐI, THÁC THUỘC ĐIỂM DU LỊCH, KHU DU LỊCH ĐÃ ĐƯỢC CÔNG NHẬN
Điều 7. Thời gian hoạt động
1. Đơn vị quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác quy định cụ thể thời gian hoạt động, thời gian đóng cửa và các điều kiện khác phù hợp với hoạt động của điểm du lịch, khu du lịch.
2. Yêu cầu đảm bảo an toàn tuyệt đối và trong thời gian hoạt động phải có người trông coi, quản lý, phân công trách nhiệm theo dõi cụ thể đảm bảo cứu hộ cứu nạn, cứu đuối nước khi có khách tham gia dịch vụ.
Điều 8. Những hành vi không được thực hiện
1. Bơi, lặn hoặc tham gia các hoạt động thể thao trên vùng nước của bãi tắm, sông, hồ, suối, thác khi uống rượu bia; thời tiết xấu như: giông bão, gió lốc, mưa to.
2. Chăn dắt vật nuôi, thả súc vật, đưa các phương tiện không cho phép vào bãi tắm biển, sông, hồ, suối thác.
3. Mang theo hóa chất độc hại, chất cháy nổ vào bãi tắm, suối thác.
4. Tổ chức nấu nướng, chế biến thức ăn và ăn uống tại khu vực không cho phép tổ chức ăn uống.
5. Tổ chức các hoạt động kinh doanh mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoặc không đúng với các quy định tại điểm du lịch, khu du lịch.
6. Khai thác, sử dụng nước dưới đất tại khu vực bãi tắm biển, sông, hồ, suối thác khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
7. Sử dụng các vật dụng, thiết bị cũ (lều, bạt, dù che nắng và các loại bàn ghế nhựa, dụng cụ...) không đồng bộ, không đảm bảo an toàn sử dụng, mỹ quan cảnh quan khu vực bãi tắm biển, suối thác.
8. Lấn chiếm bãi biển, khe suối, bố trí dù, ghế tại các khu vực tắm.
9. Điều khiển các phương tiện ca nô kéo dù, ca nô lướt ván, mô tô nước, thuyền buồm thể thao và các phương tiện thể thao khác chạy vào khu vực tắm hoặc chạy gần hệ thống phao tiêu giới hạn vùng hoạt động khác với tốc độ cao, tạo sóng.
Điều 9. Quy định đối với tổ chức, cá nhân quản lý và khai thác
1. Khảo sát và xây dựng biểu đồ hiện trạng, chiều dài, chiều rộng, độ sâu mực nước, độ nước xoáy, độ sóng, thủy triều theo mùa; dấu hiệu xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
2. Thành lập lực lượng cứu hộ cứu nạn, quản lý an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phục vụ khai thác có chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ của từng vị trí công việc.
3. Xây dựng phương án quản lý, khai thác và sử dụng Bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác và thực hiện đúng cam kết trong phương án.
4. Được đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch tại khu vực bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác; cung cấp các thông tin cần thiết về du lịch của chính quyền địa phương và cơ quan liên quan khi có yêu cầu.
5. Thực hiện đúng các quy định của Quy chế Quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Nghiêm túc tuân thủ các quy định của pháp luật về các lĩnh vực hoạt động có liên quan.
7. Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường.
8. Định kỳ ngày 20 hàng tháng phải thực hiện báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tháng trước liền kề của đơn vị trực tiếp trên Hệ thống phần mềm nhận gửi báo cáo thống kê du lịch do Cục Du lịch quốc gia Việt Nam quản lý tại địa chỉ http://thongke.tourism.vn.
Điều 10. Trách nhiệm của khách du lịch khi sử dụng dịch vụ
1. Khách du lịch sử dụng dịch vụ được:
a) Sử dụng dịch vụ du lịch do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp thông tin về bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận.
c) Đối xử bình đẳng; bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi sử dụng dịch vụ du lịch; tôn trọng danh dự, nhân phẩm; cứu hộ, cứu nạn trong trường hợp khẩn cấp.
d) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hành vi vi phạm pháp luật về du lịch.
đ) Kiến nghị với tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến hoạt động du lịch.
e) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
2. Khách du lịch sử dụng dịch vụ phải thực hiện:
a) Tuân thủ pháp luật Việt Nam; ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa địa phương, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch; không gây phương hại đến hình ảnh quốc gia, truyền thống văn hóa dân tộc của Việt Nam.
b) Nội quy, quy định của bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác.
c) Thanh toán tiền khi sử dụng các dịch vụ có thu tiền.
d) Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự khi gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân hoạt động tại bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
Điều 11. Sở Du lịch
1. Chủ trì tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện Quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.
2. Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đối với các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh.
3. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các chính sách về quy hoạch, quản lý, sử dụng bãi tắm biển sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh.
Điều 12. Sở Văn hóa và Thể thao
1. Chủ trì phối hợp với Sở Du lịch và các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh, xử lý vi phạm về an toàn cứu hộ, cứu đuối nước tại các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức các Lớp tập huấn chuyên môn cho người hướng dẫn tập luyện, nhân viên cứu hộ môn bơi, lặn.
Điều 13. Sở Giao thông vận tải
Hướng dẫn các đơn vị và kiểm tra các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật của các phương tiện đường thủy; chuyên môn, nghiệp vụ của người điều khiển phương tiện và công tác đảm bảo trật tự an toàn cho khách.
Điều 14. Sở Y tế
1. Sở Y tế phối hợp huấn luyện đào tạo về chuyên môn sơ cấp cứu cho các nhân viên làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cứu đuối nước.
2. Chỉ đạo các cơ sở y tế cung cấp số điện thoại Trạm y tế trên địa bàn có các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận cho các tổ làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cứu đuối nước và phối hợp y tế khi có yêu cầu.
Điều 15. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Công Thương, Công an tỉnh.
Phối hợp với Sở Du lịch và UBND các huyện, thị xã và thành phố trong việc thẩm định, thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của Bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của ngành.
Điều 16. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã và thành phố
1. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát; thành lập Ban quản lý, ban hành quy chế hoạt động tại các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc địa bàn quản lý đảm bảo an toàn cho người dân và du khách; thanh tra, kiểm tra, quản lý toàn diện tình hình hoạt động của các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác trên địa bàn; phát hiện và xử lý các vi phạm.
2. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục cộng đồng tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tại bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác.
3. Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các ngành chức năng trong quản lý, sử dụng, xây dựng tiêu chuẩn như hạ tầng, quy chế…. tại các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc điểm du lịch, khu du lịch đã được công nhận trên địa bàn quản lý.
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, các cơ quan chức năng có liên quan kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và các quy định của pháp luật hiện hành.
2. Sở Du lịch (cơ quan thường trực) chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này.
3. Các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện trách nhiệm được giao trong Quy chế này.
4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này đối với các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác thuộc địa bàn; định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện Quy chế này về Sở Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Ban quản lý bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện công tác quản lý nội quy, quy chế của bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác và các nội dung tại Quy chế này.
6. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ và khách du lịch tại các bãi tắm biển, sông, hồ, suối, thác có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Quy chế này./.
- 1 Quyết định 26/2018/QĐ-UBND về Quy chế quản lý bãi tắm du lịch trên địa bàn thành phố Hải Phòng
- 2 Quyết định 58/2021/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 2526/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý Bãi tắm Du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
- 3 Quyết định 1033/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 04/2020/QĐ-UBND quy định quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- 4 Quyết định 08/2023/QĐ-UBND bãi bỏ Quyết định 04/2020/QĐ-UBND quy định quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận