Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 530/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 26 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN (CÔNG TRÌNH) ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Luật Xây dựng và Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29/9/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 1888/2007/QĐ-UBND ngày 01/6/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định về quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương;

Căn cứ Quyết định số 3216/2007/QĐ-UBND ngày 06/9/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn năm 2008 – năm 2010;

Để xác định rõ trách nhiệm đầu tư đối với các dự án (công trình) đầu tư của các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh, xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 213/KHĐT-TH ngày 04/02/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách địa phương đối với các dự án (công trình) đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng các tổ chức có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 

 

Nơi nhận:
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng (để báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3 (thực hiện);
- V0, V1, V2, V3;
- Chuyên viên VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, XD.
XD110-QĐ68

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quang Hưng

 

HƯỚNG DẪN

VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN BẰNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN (CÔNG TRÌNH) ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 530/QĐ-UBND ngày 26/02/2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; chi đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công trình hạ tầng; chi đầu tư phát triển cho các chương trình, mục tiêu; chi công tác quy hoạch; chi chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và một số nội dung chi khác thuộc nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, bao gồm: Ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và ngân sách xã theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

Điều 2. Nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách tỉnh

Ngân sách tỉnh thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, gồm những nội dung sau:

1. Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn do tỉnh quản lý và các dự án trọng điểm trên địa bàn. Cụ thể:

- Các dự án (công trình) giao thông: Đường tỉnh (gồm đường nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện hoặc với trung tâm hành chính của tỉnh lân cận; đường nối quốc lộ với trung tâm hành chính của huyện); đường huyện (gồm đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường nối đường tỉnh với trung tâm hành chính của xã hoặc trung tâm cụm xã); đường liên xã (đường nối giữa các xã); hệ thống bến, cảng, luồng đường thủy nội địa; cảng biển địa phương; bến xe; điểm dừng, đỗ phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy.

- Các dự án (công trình) hạ tầng nông nghiệp: Đê cấp 4, cấp 5; hồ, đập, trạm bơm có quy mô vừa và lớn (theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), kênh mương loại 2. Công trình có tính chất trọng điểm cấp tỉnh đặt tại huyện, gồm: Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, trạm thú y, trạm bảo vệ thực vật, trạm kiểm lâm; một số hồ, đập, trạm bơm, công trình phòng chống lụt bão.

- Các dự án (công trình) hạ tầng thương mại: Chợ loại I; hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với chợ đầu mối nông sản cấp tỉnh, chợ ở các cụm xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo thuộc các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, định canh định cư của Nhà nước.

- Các cơ sở công lập trực thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội, gồm:

+ Trường cao đẳng, Trường trung học chuyên nghiệp, Trường dạy nghề của tỉnh, Trường chính trị, Trường đào tạo cán bộ của tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trường năng khiếu, Trường trung học phổ thông; Trung tâm (cơ sở) làm nhiệm vụ nuôi dưỡng, điều trị, chữa bệnh và dạy nghề cho các đối tượng xã hội (trẻ mồ côi, người tàn tật, người nhiễm chất độc hóa học, người cai nghiện ma túy, gái mại dâm, người tâm thần,…).

+ Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của tỉnh, Bệnh viện huyện; Trung tâm y tế dự phòng, Phòng khám đa khoa khu vực.

+ Các công trình văn hóa thể thao cấp tỉnh, thư viện, khu triển lãm, trung tâm huấn luyện thể thao của tỉnh; công trình di tích văn hóa, lịch sử cách mạng cấp tỉnh; nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và huyện.

- Các công trình trụ sở các cơ quan khối tỉnh.

2. Chi hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức tài chính theo quy định của pháp luật, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế, khu đô thị; khu du lịch quốc gia, khu du lịch sinh thái; khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí; hạ tầng làng nghề, hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm trong quy hoạch được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Chi đầu tư phát triển các Chương trình mục tiêu quốc gia do các Sở, Ban, ngành của tỉnh thực hiện.

4. Chi công tác quy hoạch, bao gồm:

 - Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh và cấp huyện thuộc tỉnh; các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và các quy hoạch cấp tỉnh khác theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền.

- Các quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng và Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

- Các quy hoạch chuyên ngành thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ về các chuyên ngành như: Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 về Quản lý chất thải rắn; Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 về Quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 90/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; …

5. Chi công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tạo quỹ đất “sạch” các công trình do tỉnh quản lý; chi đối ứng các dự án ODA , đối ứng các dự án, chương trình đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ có quy định phần đối ứng của tỉnh; chi đối ứng các dự án Bộ, ngành Trung ương đầu tư trên địa bàn có thỏa thuận tỉnh góp vốn.

6. Chi hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, dự án (công trình) có ý nghĩa lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nằm trong quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng do ngân sách huyện đã bố trí chi nhưng cần tập trung nguồn lực để thực hiện nhanh trong một thời gian nhất định (mức hỗ trợ theo phương án được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi thống nhất ý kiến với thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh).

7. Chi hỗ trợ đầu tư theo chính sách của Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân và quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh như: Chương trình phát triển kinh tế, chương trình phát triển xã hội, làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, hỗ trợ phát triển xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa – xã hội, hỗ trợ chương trình phát triển dịch vụ,… theo từng dự án được phê duyệt.

Ngoài quy định trên, ngân sách tỉnh có thể đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư một số dự án trọng điểm thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách huyện theo quyết định riêng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Nhiệm vụ chi đầu tư phát triển của ngân sách huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là ngân sách huyện) và ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi chung là ngân sách xã):

Ngân sách huyện và ngân sách xã thực hiện nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, gồm những nội dung sau:

1. Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn do huyện quản lý. Cụ thể:

- Các dự án (công trình) hạ tầng kinh tế: Đường xã (gồm đường trục chính của xã nối trung tâm xã tới các thôn (bản, khu phố), các công trình công cộng, phúc lợi, công trình di tích lịch sử, văn hóa hoặc nối các thôn trong xã); đường thôn (gồm đường trục chính của thôn (bản, khu phố) nối với các quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã). Kênh mương loại 3; sửa chữa, nâng cấp hồ, đập, trạm bơm do huyện quản lý có quy mô nhỏ (theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Đối với các công trình đầu tư đường dây trục hạ áp lưới điện nông thôn (ngành Điện đầu tư đường dây tải điện trung áp và trạm biến thế hạ áp) thực hiện như sau:

+ Các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm  Phả, Móng Cái, Đông Triều tự cân đối 100% vốn;

+ Các địa phương còn lại tự cân đối tối thiểu 50% vốn, 50% vốn còn lại ngân sách tỉnh sẽ có quyết định hỗ trợ riêng cho từng dự án cụ thể.

- Các cơ sở công lập thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội: Trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường và các cơ sở mầm non công lập; bệnh viện huyện (trừ xây mới), trạm y tế xã; các trung tâm và cơ sở dạy nghề do huyện quản lý; các công trình văn hóa thể thao cấp huyện, cấp xã; nhà sinh hoạt cộng đồng; nhà văn hóa thanh thiếu nhi cấp huyện, các điểm vui chơi dành cho trẻ em; nghĩa trang liệt sỹ xã, nhà bia, đài tưởng niệm.

- Đối với các công trình trụ sở các cơ quan khối huyện thực hiện như sau:

+ Các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái, Đông Triều tự cân đối 100% vốn.

+ Các địa phương còn lại tự cân đối tối thiểu 50% vốn; 50% vốn còn lại ngân sách của tỉnh sẽ có quyết định hỗ trợ riêng cho từng dự án cụ thể.

- Trụ sở xã, phường, thị trấn; nhà ở công vụ (bao gồm cả nhà ở tập thể dành cho giáo viên, học sinh), các công trình nước sạch nông thôn, cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải; xây dựng các công trình đô thị và nông thôn như: điện chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh ở huyện lỵ, thị trấn, khu phố.

2. Chi đầu tư và hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch, hạ tầng phát triển sản xuất khác do huyện quản lý.

3. Chi đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu do huyện được giao làm chủ đầu tư thực hiện (gồm 10 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, chương trình theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ như: 134, 135, 120, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác).

4. Chi công tác quy hoạch, bao gồm:

- Quy hoạch phát triển các ngành, sản phẩm chủ yếu trong phạm vi một huyện phải lập quy hoạch theo quy định của Nhà nước.

- Các quy hoạch xây dựng thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban Nhân dân cấp huyện theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về Quy hoạch xây dựng và Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19/8/2005 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng.

5. Chi chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng các công trình do huyện, thị xã, thành phố quản lý.

6. Dành tối thiểu 10% từ nguồn thu cấp quyền sử dụng đất để bổ sung chi đầu tư cho công tác đo đạc bản đồ và quản lý đất đai do Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt theo Thông tư liên tịch số 83/2003/TTLT-BTC-BTN&MT ngày 27/8/2003 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: Thành lập và in bản đồ hành chính (trừ bản đồ hành chính cấp tỉnh); đăng ký đất đai, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thống kê hiện trạng sử dụng đất hàng năm; đánh giá, phân hạng đất; lập kế hoạch sử dụng đất đai định kỳ, kế hoạch điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất đai hàng năm của địa phương. Nếu trong năm không chi hết phải dành nguồn để bố trí chi cho năm sau.

Điều 4. Phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình thuộc phạm vi ngân sách cấp huyện quản lý.

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện quyết định đầu tư xây dựng công trình của các dự án thuộc nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và Trung ương (có tổng mức đầu tư mỗi dự án không lớn hơn 5 tỷ đồng), trừ các nguồn vốn có cơ chế điều hành riêng được quy định cụ thể. Người được phân cấp, ủy quyền không được ủy quyền lại để thực hiện nhiệm vụ này theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố được quyền quyết định đầu tư của các dự án đầu tư do mình quản lý có tổng mức đầu tư mỗi dự án không lớn hơn 5 tỷ đồng (không chia nhỏ dự án thành nhiều dự án thành phần) bằng tất cả các nguồn vốn theo nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách cấp huyện và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Trường hợp việc điều chỉnh dự án mà tổng mức đầu tư của dự án vượt quá mức vốn được phân cấp, ủy quyền thì phải báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc điều chỉnh dự án đó.

Điều 5. Xử lý chuyển tiếp

1. Đối với các dự án trước đây thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, do việc thực hiện phân bổ vốn theo Quyết định 3216/QĐ-UBND và đối chiếu với quy định của điều 6, Quyết định số 1888/2007/QĐ-UBND ngày 01/6/2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh là thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Ủy ban Nhân dân cấp huyện: việc triển khai các bước tiếp theo của dự án hoặc hạng mục công trình của dự án được thực hiện theo quyết định đầu tư thì chuyển giao cho Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện như: phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình; phê duyệt kế hoạch đấu thầu, phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả trúng thầu (hoặc chỉ định thầu) và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

2. Các dự án (công trình) đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt do Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư có quy định tỷ lệ hỗ trợ đầu tư từ ngân sách tỉnh (50/50, 60/40, 70/30,…) thực hiện như sau:

+ Ngân sách tỉnh tiếp tục hỗ trợ vốn theo tỷ lệ quy định trong quyết định đầu tư đối với các công trình đã triển khai thi công trước ngày 01/01/2008 (việc xác định công trình đã triển khai thi công của dự án được căn cứ vào quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu).

+ Ngân sách huyện và ngân sách xã cân đối bố trí vốn đầu tư các công trình chưa triển khai thi công và tính đến hết năm 2007.

3. Đối với các hồ sơ về thủ tục thực hiện đầu tư xây dựng công trình đã trình các cơ quan thẩm quyền cấp tỉnh thẩm định, thẩm tra, phê duyệt (kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả đấu thầu, báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành) thì các cơ quan chuyên môn tiếp tục thực hiện việc thẩm định, trình cấp thẩm quyền phê duyệt các hồ sơ đã gửi trong tháng 01/2008 theo quy định tại Quyết định số 1888/2007/QĐ-UBND ngày 01/6/2007 của UBND tỉnh.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện Hướng dẫn này.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, Ủy ban Nhân dân các địa phương, các Sở, Ban, Ngành và đơn vị liên quan báo cáo kịp thời để Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.