Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 535/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2035, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Báo cáo thẩm định của Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi, ranh giới và quy mô nghiên cứu:

Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Phòng, với diện tích 156.176 ha.

2. Thời hạn quy hoạch:

- Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2025;

- Giai đoạn dài hạn đến năm 2035.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Nâng cao vai trò vị thế của thành phố Hải Phòng trong khu vực và thế giới. Phát triển thành phố Hải Phòng thành thành phố cảng văn minh, hiện đại, thông minh và có bản sắc. Phát triển phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước, là trung tâm dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Bắc Bộ.

- Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc.

4. Tính chất:

Là đô thị loại I trực thuộc trung ương, một trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.

5. Dự báo sơ bộ

- Về dân số:

+ Đến năm 2025: Khoảng 2,4 - 2,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 65%.

+ Dự báo đến năm 2035: Khoảng 3,5 - 4,5 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%.

- Về đất đai:

+ Dự báo đến năm 2025: Quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 22.200 ha, chỉ tiêu 150 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng từ 9.000 ha - 11.500 ha, chỉ tiêu từ 60 m2/người - 78 m2/người.

+ Dự báo đến năm 2035: Quy mô đất xây dựng đô thị khoảng 56.700 ha, chỉ tiêu 180 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 18.900 ha - 24.500 ha, chỉ tiêu từ 60 m2/người - 78 m2/người.

(Dự báo quy mô đất đai và dân số sẽ được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch).

6. Những yêu cầu trọng tâm nghiên cứu trong nội dung điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng:

- Rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2009 và tình hình thực tiễn phát triển đô thị tại thành phố Hải Phòng.

- Rà soát định hướng phát triển các khu vực đô thị, quỹ đất phát triển đô thị, quy hoạch sử dụng đất, quy mô các khu vực chức năng, đánh giá tính phù hợp với xu thế và vận hội phát triển thực tế của thành phố Hải Phòng.

- Bổ sung các nội dung mới về thiết kế đô thị, đánh giá môi trường chiến lược, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hệ thống giao thông công cộng, hệ thống không gian ngầm đô thị, chiếu sáng trang trí đô thị.

- Nghiên cứu đề xuất các chỉ tiêu kiểm soát phát triển đô thị dựa trên hệ thống các phương pháp khoa học và cơ sở hiểu biết toàn diện về bảo tồn cảnh quan đô thị, khả năng cung ứng về hạ tầng kỹ thuật.

- Đảm bảo tính toàn diện, sáng tỏ và gợi mở về bức tranh phát triển để triển khai các công tác tiếp theo về lập Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc đô thị thành phố Hải Phòng; xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển đô thị; cải tạo, chỉnh trang các khu vực hiện hữu, điều chỉnh các quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn thành phố; tạo sự hấp dẫn đầu tư, tập trung nguồn lực phát triển vào những mục tiêu ưu tiên.

- Rà soát, định hướng phát triển đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I.

- Nghiên cứu đề xuất định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao trong đô thị.

7. Yêu cầu về nội dung hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng:

a) Phân tích vị trí và mối quan hệ vùng:

- Vị trí: Phân tích các lợi thế và hạn chế do vị trí tạo ra. Phân tích mức độ khai thác lợi thế vị trí mà thành phố đã và chưa đạt được;

- Quan hệ vùng: Phân tích bối cảnh quốc tế, khu vực, trong nước, vùng duyên hải Bắc Bộ và những ảnh hưởng qua lại của nó đối với vận hội phát triển đô thị tại Hải Phòng.

b) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng:

- Lược sử quá trình phát triển đô thị: Tổng quan quá trình phát triển đô thị qua các thời kỳ; phân tích sự phát triển của đô thị, tìm ra quy luật và xu hướng phát triển của thành phố.

- Đánh giá điều kiện tự nhiên và môi trường: Địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn, khí hậu, gió, mưa, bão...

- Đánh giá hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội: Phân tích các chỉ tiêu về hiện trạng kinh tế - xã hội; các cơ sở kinh tế kỹ thuật chủ yếu trong thành phố mức độ phát triển của các ngành kinh tế chủ lực của thành phố; phân tích mô hình, không gian hoạt động và nhu cầu không gian để phát triển cho các ngành kinh tế, các lĩnh vực sản xuất, cùng các không gian liên quan. Rà soát các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật theo quy hoạch kinh tế - xã hội mới nhất của thành phố; các chỉ tiêu đánh giá đô thị loại 1.

- Hiện trạng dân cư, lao động, việc làm: Thống kê dân số, lao động, cơ cấu nghề nghiệp, tỷ lệ dân số, lao động (5 năm gần nhất); phân tích xu hướng phát triển dân số, tình hình phân bố dân cư (đô thị - nông thôn), các hiện tượng dịch cư, các vấn đề do đô thị hóa.

- Hiện trạng đất đai: Thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình sử dụng đất đai; phân tích đánh giá tình hình sử dụng đất tại các khu vực lập quy hoạch đặc biệt là quỹ đất đã xây dựng đô thị, công nghiệp, du lịch, hạ tầng,...; rà soát, đánh giá quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất toàn thành phố.

- Hệ thống hạ tầng xã hội: Đánh giá thực trạng hệ thống hạ tầng xã hội trên các lĩnh vực: Hành chính, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch vui chơi giải trí. Đặc biệt các công trình mang tính phục vụ cấp vùng: trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm thể dục thể thao, trung tâm văn hóa, du lịch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng xã hội, đề xuất bổ sung hoặc tôn tạo trên cơ sở hiện trạng, tập trung chủ yếu về khía cạnh quỹ đất và xây dựng công trình.

- Đánh giá hiện trạng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường trên các lĩnh vực.

+ Đánh giá thực trạng chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, cấp điện, thu gom xử lý nước thải, rác thải, nghĩa trang.

+ Hiện trạng các công trình đầu mối cấp vùng liên quan trực tiếp đến thành phố Hải Phòng.

+ Hiện trạng môi trường.

- Các vấn đề về quản lý đô thị: Hiện trạng quản lý phát triển đô thị; các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý quy hoạch đô thị.

- Rà soát các dự án đã và đang triển khai trên địa bàn thành phố: Tổng quan chung về các quy hoạch, chương trình, dự án trong khu vực. Xem xét đánh giá đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng thành phố Hải Phòng (năm 2009), Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. Xem xét tính hiệu quả và sự phù hợp của các quy hoạch, chương trình, dự án với các vấn đề về mục tiêu, tầm nhìn đã đặt ra.

- Tổng hợp, kết luận về phân tích đánh giá hiện trạng: Lập bảng phân tích tổng hợp đối với các yếu tố chính. Phân hạng ưu tiên vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch điều chỉnh.

c) Định hướng phát triển không gian đô thị:

- Xác định tầm nhìn của đô thị Hải Phòng đến năm 2050, phù hợp với các điều kiện hiện có của thành phố có thể đạt được trong tương lai dài hạn.

- Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực.

- Định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:

- Đề xuất mô hình cấu trúc phát triển (khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, khu kinh tế, khu du lịch, các vùng sinh thái, dự trữ phát triển mở rộng...).

+ Tổ chức các khu chức năng đô thị: Đề xuất quy mô và các giải pháp phân bổ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội cấp vùng, cấp thành phố đảm bảo phát triển bền vững như (khu ở; khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, cảng và dịch vụ sau cảng; hệ thống trung tâm hành chính - chính trị, thành phố, cấp quận huyện; hệ thống không gian xanh; hệ thống phát triển các vùng khu du lịch, thể dục thể thao; hệ thống thương mại - dịch vụ, hệ thống y tế và công trình phúc lợi).

+ Thiết kế đô thị: Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh - mặt nước, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu đô thị hiện hữu và mở rộng.

d) Quy hoạch sử dụng đất đai:

Xác định chức năng các khu vực; xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị; định hướng và nguyên tắc phát triển đối với từng khu chức năng; đề xuất kế hoạch sử dụng đất theo từng giai đoạn phát triển; xác định quỹ đất dự kiến xây dựng đô thị, ranh giới các khu vực đô thị và nông thôn.

đ) Định hướng xây dựng khung hạ tầng kỹ thuật:

- Chuẩn bị kỹ thuật: Đề xuất các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho các đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Giao thông: Đề xuất các giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông (giao thông đối nội và đối ngoại) bao gồm đường bộ, đường sắt, đường sắt đô thị (tuyến tàu điện ngầm, trên mặt đất, trên cao), cảng biển, đường hàng không, đường thủy nội địa kết nối hợp lý trong thành phố, toàn thành phố với toàn vùng, trong đó làm rõ quy hoạch mạng lưới giao thông của thành phố Hải Phòng, khu cảng biển Lạch Huyện và các khu chức năng khác của đô thị. Nghiên cứu, đề xuất kết nối phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và cảng hàng không với nhau, nhất là phương thức vận tải thủy nội địa với hệ thống cảng biển.

+ Nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống ùn tắc giao thông khu vực đô thị trung tâm hiện có.

+ Xác định vị trí, quy mô các công trình đầu mối giao thông.

- Cấp nước: Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu dùng nước cho các khu vực, quy hoạch nguồn và mạng lưới đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước, tái sử dụng nguồn nước.

- Cấp điện và chiếu sáng đô thị: Xác định chỉ tiêu và tiêu chuẩn thiết kế phù hợp; dự báo nhu cầu sử dụng điện năng với phụ tải; đề xuất các giải pháp chọn nguồn, mạng lưới đảm bảo tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả; nghiên cứu đề xuất các nguồn cấp năng lượng tự nhiên khác.

- Thông tin liên lạc: Xác định mạng chuyển mạch, mạng dịch vụ viễn thông, mạng ngoại vi và hệ thống truyền dẫn; đề xuất, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đô thị hướng tới đô thị thông minh.

- Thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang: Xác định chỉ tiêu và dự báo tổng lượng nước thải, chất thải rắn, đất nghĩa địa; các giải pháp thoát nước thải và thu gom xử lý chất thải rắn đảm bảo áp dụng kỹ thuật hiện đại, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên và cảnh quan đô thị. Vị trí và quy mô các nghĩa trang phù hợp địa hình tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

e) Đánh giá môi trường chiến lược:

- Dự báo và đề xuất giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục thiên tai, trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng toàn quốc mới nhất và các nghiên cứu cụ thể đối với thành phố Hải Phòng.

- Dự báo các tác động môi trường từ các hoạt động phát triển đô thị dân cư, sản xuất nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, giao thông, công nghiệp, khai thác cảng... Đề xuất các giải pháp theo dõi, giám sát tác động môi trường của các lĩnh vực hoạt động trên.

g) Xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư đảm bảo phù hợp với dự báo nguồn lực thực hiện.

h) Dự thảo Quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch.

8. Thành phần hồ sơ

Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.

9. Tổ chức thực hiện

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng.

- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch và trình duyệt: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

- Thời gian hoàn thành: Không quá 15 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được duyệt.

Điều 2. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035 theo quy định pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế,
Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng;
- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, QHĐP, KGVX, NN, NC;
- Lưu: VT, CN (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng