Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ SẢN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------

Số: 537/1998/QÐ-BTS

Hà Nội, ngày 11 tháng 9 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP CÔNG DÂN

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN

Căn cứ Pháp lệnh Khiếu nại, Tố cáo của Công dân ngày 7 tháng 5 năm 1991 ;
Căn cứ Nghị định số 50 /CP ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Thủy sản;
Căn cứ Nghị định số 89/CP ngày 7 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân;
Theo đề nghị của ông Chánh Thanh tra Bộ Thủy sản.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản " Quy chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Thủy sản".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Các ông Giám đốc Sở Thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn có quản lý Thủy sản, Thủ trưởng các đơn vị Viện, Trường, Trung tâm và các Tổng Công ty trực thuộc Bộ căn cứ Qui chế tiếp công dân của cơ quan Bộ Thuỷ sản để tổ chức thực hiện ở địa phương, đơn vị mình.

Điều 3: Các ông Chánh thanh tra Bộ, Chánh văn phòng Bộ, và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm thi hành Quyết định này. /.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 2 và 3
- Lưu VT, T.Tra
 

BỘ TRƯỞNG BỘ THỦY SẢN




Tạ Quang Ngọc

 

QUY CHẾ

TIẾP CÔNG DÂN CỦA CƠ QUAN BỘ THUỶ SẢN

(Ban hành kèm theo Quyết định số:537 /1998/QÐ-BTS ngày 11 tháng 9 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

I . NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân (kể cả người nước ngoài ) để tiếp nhận các kiến nghị, góp ý kiến hoặc khiếu nại, tố cáo có nội dung thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ Thuỷ sản .

Điều 2: Việc tiếp công dân phải thực hiện đúng quy định của Nhà nước, đamt bảo thuận tiện cho công dân và chỉ tiến hành tại Phòng tiếp dân của Bộ Thuỷ sản.

II. NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3: Phòng tiếp dân phải bố trí nơi thuận tiện và có phương tiện làm việc, có Nội qui, sổ góp ý để công dân phản ảnh ý kiến với Bộ Thuỷ sản.

Phòng tiếp dân của Bộ Thuỷ sản đặt tại trụ sở cơ quan Bộ, số 10 Nguyến Công Hoan - Hà nội.

Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm trang bị và Thanh tra Bộ có trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất của Phòng tiếp dân.

Điều 4: Việc tiếp dân ở cơ quan Bộ Thuỷ sản được thực hiện theo các hình thức:

a. Tiếp dân vào ngày thứ 5 hằng tuần

b. Tiếp dân theo định kỳ của Lãnh đạo Bộ Thuỷ sản vào ngày 20 hàng tháng. Nếu ngày tiếp dân trùng với chủ nhật, và ngày nghỉ lễ thì thực hiện vào ngày tiếp sau.

c. Trong trường hợp Lãnh đạo Bộ đi công tác vắng thì uỷ quyền Chánh thanh tra Bộ tiếp dân.

Thủ trưởng đơn vị có liên quan đến vụ việc phải chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và báo cáo trước với Lãnh đạo Bộ về kết luận và ý kiến để giải quyết của đơn vị mình.

Điều 5: Việc tiếp nhận ý kiến hoặc đơn khiếu nại, tố cáo được tiến hành như sau:

1. Cán bộ tiếp dân là đầu mối tiếp xúc và hướng dẫn công dân ;

a. Nếu công dân góp ý kiến về hoạt dộng của Ngành Thuỷ sản thì cán bộ tiếp dân ghi chép các ý kiến đóng góp của công dân để Chánh thanh tra trình Lãnh đaọ Bộ xem xét;

b. Nếu Công dân khiếu nại, tố cáo mà nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Thuỷ sản thì cán bộ tiếp dân nhận đơn và ghi vào sổ thụ lý. Nếu công dân trình bày miệng thì cán bộ tiếp dân ghi nội dung trình bày, đọc lại cho người khiếu nại, tố cáo nghe và yêu cầu họ ký (hoặc điểm chỉ) xác nhận.

c. Sau khi làm xong thủ tục nhận đơn, ghi lời trình bày của công dân, cán bộ tiếp dân chuyển ngay vụ việc đó đến Thủ trưởng đơn vị có liên quan để xem xét và trả lời.

d. Nếu vụ việc không thuộc lĩnh vực quản lý và thẩm quyền giải quyết của Bộ Thuỷ sản thì cán bộ tiếp dân hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

2. Khi nhận được thông báo của cán bộ tiếp dân, Thủ trưởng đơn vị có liên quan đến vụ việc phải tiếp công dân và trả lời công dân trong thời hạn luật định.

3. Nếu nội dung khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến nhiều đơnd vị trong cơ quan Bộ thì Chánh Thanh tra Bộ tiếp và phối hợp với các đơn vị có liên quan, xem xét và trả lời cho công dân.

Điều 6.- Cán bộ làm nhiệm vụ tiếp dân tại Phòng tiếp dân của cơ quan Bộ Thuỷ sản do Chánh thanh tra Bộ phaan công trong số cán bộ của Thanh tra Bộ. Trong trường hợp cần huy động cán bộ của các đơn vị khác trong cơ quan Bộ, Chánh Thanh tra để nghị để Thủ trưởng các đơn vị cử người thực hiện.

Điều 7.- Khi tiếp dân, cán bộ tiếp dân có nhiệm vụ và quyền hạn như sau :

1. Thực hiện việc tiếp dân, làm thủ tục tiếp nhận ý kiến đóng góp, đơn thư khiếu nại, tố cáo và hướng dẫn công dân theo đúng quy định của Qui chế này;

2. Cán bộ tiếp dân phải chịu trách nhiệm về việc hướng dẫn của mình đối với việc khiếu nại, tố cáo của công dân.

3. Yêu cầu công dân trình bày trung thực nội dung khiếu nại, tố cáo; nếu thấy việc khiếu nại, tố cáo còn thiếu tài liệu, bằng chứng thì yêu cầu công dân cung cấp bổ sung.

4. Nếu vụ việc có nhiều người cùng đến khiếu nại, tố cáo thì yêu cầu họ cử người đại diện để tiếp.

5. Từ chối, không tiếp người say rượu, bia, những người đang trong tình trạng không đủ năng lực điều khiểu hành vi của mình, những người cố tình vi phạm nội qui phòng tiếp dân.

Điều 9.- Khi đến góp ý kiến, khiếu nại, tố cáo tại Phòng tiếp dân cơ quan Bộ Thuỷ sản, công dân có nghĩa vụ;

1. Chấp hành nội qui của phòng tiếp dân, tuân theo sự hướng dẫn của cán bộ tiếp dân;

2. Trình bày trung thực sự việc, ký xác nhận nội dung sự việc đã trình bày và các tài liệu do mình đưa ra;

3. Cung cấp bằng chứng, tài liệu có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo khi cán bộ tiếp tân yêu cầu.

4. Không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự ở nơi tiếp dân, vu cáo, xúc phạm cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10.- Chánh thanh tra Bộ giúp Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản quản lý công tác tiếp dân ở cơ quan Bộ Thuỷ sản; chủ động phối hợp với Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức tốt việc tiếp dân; theo dõi đôn đốc thực hiện Qui chế; định kỳ báo cáo kết quả công tác tiếp dân với lãnh đạo Bộ và Thanh tra Nhà nước.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ trong phạm vi trách nhiệm của mình phải đích thân tiếp và trả lời công dân; Trong trường hợp không thể trực tiếp tiếp dân được thì phải cử cán bộ có trách nhiệm tiếp dân và phải chịu trách nhiệm về việc cán bộ của đơn vị đã tiếp, giải quyết và trả lời cho công dân; Ðịnh kỳ hàng quí, 6 tháng và tổng kết năm về công tác Thanh tra của đơn vị phải ghi rõ kết quả việc tiếp dân về Bộ Thuỷ sản (Thanh tra Bộ).