Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 54/2017/QĐ-UBND

An Giang, ngày 28 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HOÁ VÀ HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG THÍ ĐIỂM Ở 17 XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã;

Văn bản hợp nhất số 10/VBHN-BGDĐT ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quyết định ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL ngày 30/5/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi, bổ sung Điều 6 của Thông tư số 12/2010/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2010 quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của Trung tâm Văn hóa – Thể thao xã.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 1616/TTr-SVHTTDL ngày 18/8/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng 17 xã trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực ngày kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM VĂN HOÁ VÀ HỌC TẬP CỘNG ĐỒNG THÍ ĐIỂM Ở 17 XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2017/QĐ-UBND ngày 28/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng được áp dụng đối với các đơn vị được sáp nhập và thành lập theo Đề án thí điểm số 511/ĐA-UBND ngày 09/11/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về “Sáp nhập và thành lập Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2016 – 2020”.

Điều 2. Tên gọi, vị trí và chức năng

1. Tên của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng (viết tắt là: TTVH-HTCĐ):

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng + tên xã.

2. Vị trí:

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng cấp xã do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa với Trung tâm Học tập công đồng ở xã, hoặc hợp nhất các cơ sở hiện có như: nhà văn hóa, sân vận động, nhà tập luyện thể dục thể thao, câu lạc bộ văn hóa, câu lạc bộ thể dục thể thao với trung tâm học tập cộng đồng ở xã.

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng do UBND xã trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành; đồng thời, chịu sự quản lý nhà nước và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo; Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao và Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện.

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã (gọi tắt là TTVH-HTCĐ) là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (là đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp).

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng xã có tư cách pháp nhân, tài khoản và có con dấu riêng.

3. Chức năng:

a) Tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

b) Tổ chức các hoạt động xây dựng nông thôn mới, và các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, “Xây dựng xã hội học tập”, “Học tập suốt đời ”.

c) Hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn cho phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao quần chúng ở địa phương.

d) Tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí;

đ) Bảo tồn, phát huy văn hóa, thể thao dân tộc;

e) Bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật, thể dục thể thao; nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hóa, thể thao cho nhân dân;

g) Tạo điều kiện cho mọi người ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời;

h) Tổ chức các sự kiện chính trị quan trọng tại địa phương.

Chương II

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nhiệm vụ:

a) Xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, quý, năm, trình UBND xã phê duyệt; tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

b) Đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân xã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao, thông tin và học tập cộng đồng trong phạm vi xã. Tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, vui chơi giải trí cho nhân dân, đặc biệt đối với trẻ em và người cao tuổi. Tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao do cấp huyện tổ chức.

c) Phối hợp với các ngành, đoàn thể ở xã để tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, thông tin và học tập cộng đồng trên địa bàn; hướng dẫn, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ cho các hoạt động văn hóa, câu lạc bộ văn hóa, thể dục thể thao ở các khu dân cư của xã; xây dựng, quản lý đội ngũ cán bộ chuyên môn, cộng tác viên; quản lý tài sản, tài chính được giao theo chế độ hiện hành; thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn; đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc.

d) Thông tin tuyên truyền trên Đài truyền thanh cơ sở; tiếp nhận sách, báo và các ấn phẩm văn hóa do Bộ Thông tin và Truyền thông phân bổ theo chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở và các nguồn đầu tư từ chương trình phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hàng năm để phục vụ cho nhân dân địa phương; tiếp nhận đầu tư và tổ chức hỗ trợ người dân nông thôn tiếp cận thông tin điện tử và giao dịch điện tử; phối hợp tổ chức, quản lý điểm cung cấp thông tin khoa học công nghệ, tủ sách pháp luật, luân chuyển sách định kỳ từ thư viện cấp huyện, các tài liệu khuyến nông, khuyến ngư và các nguồn tài liệu, ấn phẩm khác phục vụ sản xuất, đời sống cho nhân dân địa phương.

đ) Thực hiện cung cấp dịch vụ truy cập internet phục vụ người dân truy cập thông tin, tìm hiểu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình (không kinh doanh dịch vụ game và game online).

e) Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong cộng đồng; phối hợp triển khai tuyên truyền, phổ biến kiến thức nhằm mở rộng hiểu biết, nâng cao nhận thức về chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư và các dự án, chương trình tại địa phương. Tổ chức biên soạn tài liệu học tập, điều tra nhu cầu học tập của cộng đồng, xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nhóm đối tượng.

g) Tổ chức các sự kiện văn hóa – chính trị tại địa phương (Đại hội Đảng; kỳ họp HĐND; các cuộc mitting, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước tại địa phương, cuộc họp của các đoàn thể…).

h) Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước được giao theo quy định hiện hành.

i) TTVH & HTCĐ xã tăng cường các nguồn thu từ các dịch vụ văn hóa, thông tin, thể thao để chi cho các hoạt động chuyên môn phát sinh của đơn vị, chi hợp đồng nhân công thực hiện các công việc theo thời vụ.

2. Quyền hạn:

a) Tham mưu Ủy ban nhân dân xã về tổ chức và hoạt động của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng.

b) Được ngân sách Nhà nước đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ trợ cấp cho cán bộ, cộng tác viên và hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

c) Thực hiện các chương trình giáo dục, Chủ nhiệm TTVH & HTCĐ xây dựng kế hoạch dạy học và thời gian biểu cụ thể phù hợp với từng chương trình giáo dục.

d) Được cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ về văn hóa và giáo dục do cơ quan chuyên ngành cấp trên tổ chức.

đ) Được mời những người có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thông tin, thể thao để hướng dẫn nghệ thuật, chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn hoặc xây dựng các chương trình hoạt động của TTVH & HTCĐ.

e) Được liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, học tập cộng đồng, vui chơi giải trí trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.

Chương III

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

Điều 4. Cơ cấu tổ chức

1. Ban Chủ nhiệm:

a) Chủ nhiệm: Do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kiêm nhiệm, là người quản lý, chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của TTVH & HTCĐ.

b) Phó Chủ nhiệm: Trung tâm có từ 1 - 2 Phó Chủ nhiệm (tùy theo điều kiện cụ thể), gồm:

- 01 công chức văn hóa - xã hội kiêm Phó Chủ nhiệm thường trực, phụ trách hoạt động văn hóa, thể thao.

- 01 lãnh đạo của trường tiểu học hoặc trung học cơ sở kiêm Phó Chủ nhiệm, phụ trách phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục.

2. Kế toán, thủ quỹ của TTVH & HTCĐ do kế toán, thủ quỹ của Ủy ban nhân dân cấp xã kiêm nhiệm.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm TTVH & HTCĐ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trên cơ sở đề nghị của UBND cấp xã. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ được bố trí theo chế độ kiêm nhiệm, được hưởng phụ cấp từ kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.

3. Tùy theo điều kiện của địa phương, TTVH & HTCĐ tổ chức các tiểu ban chuyên môn như: Văn hóa - thể thao, y tế - sức khỏe, giáo dục - tuyên truyền pháp luật, kinh tế - dạy nghề,… để giúp Ban Chủ nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động của TTVH & HTCĐ, điều tra nhu cầu học tập của người dân. Thành viên các tiểu ban là Trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp xã; Trưởng, phó ấp hoặc các cá nhân tự nguyện đăng ký tham gia.

4. Căn cứ nguồn lực của giáo viên ở địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định bố trí giáo viên trường tiểu học hoặc trường trung học cơ sở làm việc tại TTVH & HTCĐ sau khi có ý kiến của Ủy ban nhân dân xã, Phòng Văn hóa và Thông tin và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân huyện.

Giáo viên được điều động làm việc tại TTVH & HTCĐ có nhiệm vụ và quyền hạn: Tham gia giảng dạy, đánh giá chất lượng các hoạt động tại TTVH & HTCĐ; giúp Ban Chủ nhiệm lập kế hoạch hoạt động của TTVH & HTCĐ, xây dựng lịch hoạt động, báo cáo kết quả hoạt động của TTVH & HTCĐ; quản lý và cập nhật hồ sơ, sổ sách theo quy định; tổ chức điều tra thống kê nhu cầu người học, nhu cầu tham gia các hoạt động tại cộng đồng, tổ chức rà soát, lưu trữ học liệu, tài liệu, sách, báo,… trong TTVH & HTCĐ; chấp hành sự phân công của Ban Chủ nhiệm TTVH & HTCĐ và chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý giáo dục.

Quyền lợi của giáo viên được điều động làm việc tại TTVH & HTCĐ: Được hưởng lương, các khoản phụ cấp theo lương và các chế độ quyền lợi khác theo quy định của pháp luật (nếu có) tại đơn vị cử đi làm việc; được theo học các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và được hưởng các chế độ khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

5. Giáo viên tham gia giảng dạy tại TTVH & HTCĐ bao gồm:

a) Giáo viên được Phòng Giáo dục và Đào tạo biệt phái để dạy chương trình xoá mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục.

b) Báo cáo viên dạy các chuyên đề; các hướng dẫn viên, cộng tác viên và những người tự nguyện, nhiệt tình, có khả năng tham gia hướng dẫn, tổ chức các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao tại Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng theo hợp đồng thỏa thuận với Ban chủ nhiệm TTVH & HTCĐ.

Giáo viên, báo cáo viên… được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước.

6. Cán bộ, chuyên môn, nghiệp vụ không chuyên trách là những người đã qua đào tạo, tập huấn về: Văn nghệ quần chúng; hướng dẫn viên thể dục thể thao; biên tập viên tuyên truyền; kẻ vẽ; thư viện, bảo tàng; kỹ thuật viên (âm thanh, ánh sáng, truyền thanh); kỹ thuật viên, công tác câu lạc bộ…

Các cán bộ xã kiêm nhiệm nhiệm vụ của Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng, cán bộ không chuyên trách hoạt động tại TTVH & HTCĐ được hưởng chế độ, chính sách và phụ cấp theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27/5/2010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 5. Nội dung hoạt động

1. Hoạt động tuyên truyền cổ động: Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân; tổ chức các hình thức thông tin tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền bằng văn nghệ cổ động tại TTVH & HTCĐ và lưu động ở các khu dân cư trên địa bàn, phục vụ các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, các sự kiện trọng đại của đất nước và các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Hoạt động văn nghệ quần chúng: xây dựng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng; các tổ, đội văn nghệ; bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ làm nòng cốt cho phong trào; tổ chức biểu diễn văn nghệ, các cuộc liên hoan, giao lưu hội diễn văn nghệ quần chúng hàng năm; tổ chức đón các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về biểu diễn tại địa phương; sưu tầm, khai thác, bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, diễn xướng dân gian,… truyền thống địa phương.

3. Hoạt động học tập cộng đồng:

a) Thực hiện các chương trình giáo dục quy định tại khoản 1 Điều 4 của Quy chế này. Ban chủ nhiệm TTVH & HTCĐ xây dựng kế hoạch dạy học và thời gian biểu cụ thể phù hợp với từng chương trình giáo dục.

b) Sử dụng tài liệu do các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng có liên quan biên soạn, các tài liệu địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền quy định hoặc tài liệu do các nhà chuyên môn có kinh nghiệm biên soạn.

c) Tổ chức lớp học trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, các lớp xóa mù chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục được tổ chức tại TTVH & HTCĐ hoặc tại các nơi có đủ điều kiện. Các lớp học khác (chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, dạy ngoại ngữ, tin học…) tuỳ theo nội dung chương trình giáo dục được tổ chức tại các địa điểm và thời gian phù hợp.

d) Công nhận kết quả học tập:

- Học viên học hết chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nếu đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được Giám đốc Trung tâm xác nhận kết quả học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Học viên học hết các chương trình khác quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy chế này thì tùy theo nội dung, thời gian học, Chủ nhiệm TTVH & HTCĐ xác nhận kết quả học tập (nếu người học có nhu cầu).

4. Hoạt động thể dục thể thao: xây dựng và phát triển phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, tăng số lượng người, gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên; khai thác, bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian ở địa phương, đưa vào hoạt động của các lễ hội truyền thống, ngày hội văn hóa thể thao ở các cấp; tổ chức các giải và đại hội thể dục thể thao định kỳ.

5. Hoạt động câu lạc bộ: xây dựng và phát triển các loại hình câu lạc bộ sở thích nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên.

6. Hoạt động xây dựng nếp sống văn hóa: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ngày giỗ, ngày tết và các hình thức sinh hoạt văn hóa - xã hội ở địa phương; xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, giao tiếp, ứng xử văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội.

7. Hoạt động triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp, khu phố văn hóa”.

8. Các hoạt động văn hóa - thể thao khác: Tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa - thể thao; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các nhà văn hóa, câu lạc bộ văn hóa - thể thao, điểm hoạt động thể dục thể thao ở các ấp; xây dựng thư viện, tủ sách, phong trào đọc sách báo; tham gia các hội thi, hội diễn, thi đấu thể dục thể thao,… do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp trên tổ chức; phối hợp với các ngành, đoàn thể ở xã tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí phục vụ trẻ em và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Chương IV

CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ, KINH PHÍ

Điều 6. Cơ sở vật chất

Được quy hoạch định vị ở khu trung tâm dân cư, đảm bảo thu hút người dân tới tham dự các hoạt động TTVH & HTCĐ.

Cổng TTVH & HTCĐ phải được nằm ở vị trí thuận tiện.

1. Diện tích đất được quy hoạch sử dụng.

Tùy vào điều kiện thực tế ở từng địa phương, diện tích quy hoạch sử dụng đất từ 1.500m2 đến 2.500m2 (nếu quy hoạch 1.500m2, phải có các khu luyện tập thể thao hoặc sân bãi khác ở ngoài khu vực hội trường, tổng diện tích TTVH & HTCĐ và các sân bãi phụ khác tương đương 2.500m2, không kể diện tích sân vận động).

2. Diện tích xây dựng các hạng mục (tính theo mô hình mẫu 2.100m2).

a) Hội trường, sân khấu, sân thể thao đa năng có mái che: 795m2, gồm các hạng mục:

- Sân khấu: Kích thước 8m x chiều rộng hội trường (tạm tính là 18m) ~ 144m2 (gồm kho chứa vật dụng hoạt động phía dưới hoặc nằm 2 bên cánh gà).

- Khu chỗ ngồi: 150 chỗ x 2m2/chỗ ngồi = 300m2 (chỗ ngồi và có bàn kèm theo).

- Phòng làm việc của Ban Chủ nhiệm (36m2)

- Phòng làm việc của các cán bộ chuyên môn (50m2)

- Diện tích phụ của hội trường 50% (sân khấu + khu chỗ ngồi + 2 phòng làm việc): 265m2

b) Yêu cầu thiết kế:

+ Thiết kế cửa kéo hoặc các thiết kế tương tự ở hai bên vách hội trường thay cho thiết kế xây tường để sử dụng đa năng, không bị hiệu ứng âm thanh.

+ Ghế di động, ưu tiên sử dụng cho các lớp HTCĐ có số lượng trên 30 người, tổ chức hội nghị, hội thảo, các dịch vụ văn hóa như lễ cưới, lễ kỷ niệm… và sử dụng hoạt động thể thao như bóng bàn, đá cầu, trò chơi dân gian…

+ Có khu triển lãm vừa là không gian trống sử dụng đón khách, nghỉ giải lao…

+ Có 01 nhà vệ sinh nam và 01 nhà vệ sinh nữ.

3. Các phòng chức năng: 225m2

a) Có 04 phòng chức năng (150m2): Tùy theo mục đích sử dụng, diện tích mỗi phòng từ 25m2 đến 50m2, có thể bao gồm:

+ Phòng đọc sách, thông tin điện tử, kết hợp phòng truyền thống xã, là nơi tiếp nhận các đối tượng đăng ký tham gia các lớp học, các hoạt động văn hóa, thể thao (50m2).

+ 1 phòng truyền thanh và thông tin (đài truyền thanh xã) (25m2)

+ 1 phòng cho các lớp HTCĐ có số lượng dưới 30 người (37,5m2)

+ 1 phòng sinh hoạt các câu lạc bộ, dạy các lớp năng khiếu nghệ thuật có số lượng dưới 20 người (37,5m2).

(Giữa 2 phòng học và phòng sinh hoạt câu lạc bộ có thể linh hoạt, hoán chuyển nhau tùy theo kế hoạch hoạt động của TTVH& HTCĐ).

b) Diện tích phụ của phòng làm việc và các phòng chức năng (50% diện tích 02 phòng làm việc + 04 phòng chức năng): 75m2

4. Khu vực sân bãi ngoài trời: 1.080m2

a) Sân cây xanh, tập thể dục dưỡng sinh, sinh hoạt cộng đồng, hội chợ, tổ chức lễ mít tinh, lễ ra quân quy mô 200 người, sân cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mini, các dịch vụ khác: 660m2

b) Khu vực bãi xe (hai bên hội trường): 420m2, có thể tận dụng làm sân tập một số môn thể thao phù hợp. Có thể sử dụng một phần diện tích cho các dịch vụ khác như căn tin, bàn bida, trò chơi điện tử, phòng karaokê…. (do tư nhân đầu tư, quản lý theo theo quy định của pháp luật).

Điều 7. Trang thiết bị

1. Thiết bị văn phòng: Trang bị (03 tủ hồ sơ; 03 bàn làm việc; 03 bộ vi tính văn phòng).

2. Thiết bị phòng Thông tin – Truyền thanh, phòng học tập cộng đồng, lớp năng khiếu:

- Trang bị: 03 kệ sách; 01 bàn cho bạn đọc (loại có thể khoảng 16 người cùng ngồi xung quanh); 01 bàn cho cán bộ phòng đọc đồng thời là bàn tiếp nhận đăng ký tham gia các lớp HTCĐ, các hoạt động văn hóa, thể thao (VH-TT); 01 bộ vi tính văn phòng (các thiết bị như quạt, đèn, nằm trong xây dựng cơ bản).

- 50 bộ bàn ghế 02 chỗ ngồi.

3. Thiết bị hội trường, sân khấu:

- Hội trường: Tối thiểu phải có bàn ghế cho 150 chỗ ngồi.

- Sân khấu: Hệ thống phong màn, âm thanh, ánh sáng phục vụ hoạt động ngoài trời cho 400 người.

Điều 8. Kinh phí hoạt động

1. Nguồn tài chính của TTVH & HTCĐ gồm:

a) Ngân sách nhà nước phân bổ hàng năm gồm:

- Hoạt động của Đài Truyền thanh: 12 triệu/năm

- Kinh phí hoạt động thể dục thể thao: 15 triệu/năm

- Kinh phí các hoạt động sự nghiệp văn hóa: 24 triệu/năm

- Kinh phí hoạt động sự nghiệp giáo dục (để điều tiết chi cho HTCĐ): 30.000.000 đ/năm (theo Thông tư 96/2008/TT-BTC của Bộ tài chính).

- Kinh phí đảm bảo các hoạt động theo Đề án thí điểm TTVH & HTCĐ xã : 50.000.000đ/ năm.

b) Kinh phí huy động từ các nguồn khác, thông qua hoạt động thiết thực, có hiệu quả trên địa bàn:

- Kinh phí huy động từ các chương trình khuyến công - nông - lâm - ngư nghiệp, dạy nghề, các dự án, chương trình tại địa phương liên quan đến nội dung hoạt động của TTVH & HTCĐ.

- Tài trợ của các cá nhân và tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, các đoàn thể trong tỉnh và ngoài tỉnh.

- Học phí.

- Từ nguồn thu các hoạt động giáo dục, văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể dục thể thao, hội phí sinh hoạt các câu lạc bộ, đội, nhóm,…

2. Nguồn tài chính của TTVH & HTCĐ được chi các khoản như sau:

a) Chi các hoạt động thường xuyên; các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn.

b) Chi trang bị thiết bị dạy học và tài liệu học tập.

c) Chi phụ cấp cho cán bộ quản lý, giáo viên của TTVH & HTCĐ.

d) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Hàng năm, UBND xã cân đối ngân sách chi cho TTVH & HTCĐ để đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao (kể cả chế độ bồi dưỡng, thù lao, nhuận bút cho cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên, hướng dẫn viên và cộng tác viên). Trường hợp ngân sách xã không thể cân đối đủ để chi thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện chi hỗ trợ từ ngân sách huyện.

4. Ngân sách Nhà nước phân bổ cho các hoạt động được cấp trực tiếp vào tài khoản của TTVH & HTCĐ. TTVH & HTCĐ quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành.

Điều 9. Mối quan hệ công tác

1. Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo, quản lý toàn diện hoạt động của TTVH & HTCĐ về công tác tổ chức, nhân sự, kế hoạch hoạt động, tài chính, tài sản.

2. Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra Trung tâm về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, thông tin và truyền thông.

3. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra TTVH & HTCĐ về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

4. Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Thể dục thể thao và Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

5. Đài truyền thanh huyện hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực thông tin - truyền thanh.

6. Hội Khuyến học các cấp có nhiệm vụ phối hợp TTVH & HTCĐ trong việc tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong xã hội hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, tham gia giảng dạy tại các TTVH & HTCĐ.

Trung tâm Văn hóa và Học tập cộng đồng tăng cường mối quan hệ với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức xã hội trên địa bàn theo nguyên tắc phối hợp, hỗ trợ nhau theo chức năng của từng cơ quan để hoàn thành nhiệm vụ chung của địa phương và nhiệm vụ riêng của từng đơn vị.

Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức hữu quan triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy chế này.

2. Trong quá trình triển khai và thực hiện Quy chế nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cấp, các ngành phản ánh kịp thời về Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời./.