- 1 Quyết định 1090/2009/QĐ-UBND về quy chế quản lý và hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Quyết định 44/2015/QĐ-UBND Quy định về tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trong khu du lịch và bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3 Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2021/QĐ-UBND | An Giang, ngày 17 tháng 11 năm 2021 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH NGANG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa;
Căn cứ Thông tư số 15/2012/TT-BGTVT ngày 10 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông;
Căn cứ Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa; Căn cứ Thông tư số 59/2015/TT-BGTVT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 2494 /TTr- SGTVT ngày 08 tháng 11 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 12 năm 2021.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Giao thông vận tải; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH NGANG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 54/2021/QĐ-UBND ngày 17 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)
1. Quy định này quy định quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
2. Đối với hoạt động bến khách ngang sông phục vụ an ninh, quốc phòng và phòng chống lụt, bão, thiên tai không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.
Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý hoạt động, đầu tư xây dựng, khai thác và sử dụng bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh An Giang.
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gồm: Sở Giao thông vận tải; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện); Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Quản lý đô thị (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý giao thông cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã).
2. Bến khách ngang sông là bến thủy nội địa chuyên phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa từ bờ bên này sang bờ bên kia sông, kênh, rạch. Một vị trí bến ở mỗi phía bờ là một bến khách ngang sông.
3. Cơ sở hạ tầng bến khách ngang sông gồm: công trình và các trang, thiết bị phục vụ cho hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa từ bờ bên này sang bờ bên kia như: Bến cập phương tiện, đường lên xuống, nơi hành khách chờ lên, xuống phương tiện, báo hiệu đường thủy nội địa.
4. Bến cập phương tiện là vị trí bến khách ngang sông cập bến, neo đậu để người và phương tiện đường bộ lên, xuống phương tiện.
5. Vùng nước bến khách ngang sông là vùng nước trước bến và vùng neo đậu phương tiện, luồng vào bến.
6. Phương tiện thủy chở khách là tàu, thuyền, đò (hoặc phà) và các cấu trúc nổi khác trừ dụng cụ nổi cá nhân, có động cơ hoặc không có động cơ được đưa vào vận tải hành khách.
7. Người điều khiển phương tiện chở hành khách là thuyền trưởng, người lái phương tiện.
8. Chủ bến là tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bến hoặc được chủ đầu tư giao quản lý bến khách ngang sông.
9. Tổ chức, cá nhân khai thác bến là tổ chức, cá nhân sử dụng bến để kinh doanh, khai thác.
10. Chủ phương tiện là tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện.
Điều 4. Đầu tư xây dựng bến khách ngang sông
1. Việc đầu tư xây dựng bến khách ngang sông phải tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, bảo đảm an toàn giao thông; phù hợp với Quy hoạch xây dựng đô thị (trường hợp nằm trong đô thị), quy hoạch bến thủy nội địa hoặc đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt và các quy định khác có liên quan.
2. Được Sở Giao thông vận tải chấp thuận thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông theo quy định tại Điều 16 Nghị định 08/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ Quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa (sau đây gọi tắt là Nghị định số 08/2021/NĐ-CP).
3.Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận thỏa thuận thông số kỹ thuật xây dựng bến khách ngang sông chưa có trong quy hoạch hoặc không phù hợp so với quy hoạch nhưng rất cần thiết cho phục vụ đời sống dân sinh thì trước khi chấp thuận chủ trương Sở Giao thông vận tải phải báo cáo và được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận.
4. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới hoặc đầu tư nâng cấp, cải tạo bến khách ngang sông đang khai thác đảm bảo tốt hơn.
Điều 5. Điều kiện hoạt động của bến khách ngang sông
1. Bến không nằm trong khu vực cấm xây dựng theo quy định của pháp luật; có địa hình, thủy văn ổn định bảo đảm cho phương tiện hoạt động an toàn, thuận lợi.
2. Có đường, cầu dẫn hoặc bãi chuồi đảm bảo cho người, phương tiện giao thông đường bộ lên xuống an toàn, thuận tiện; có đủ thiết bị để phương tiện chở khách từ bờ bên này sang bờ bên kia neo buộc chắc chắn, an toàn; có đèn chiếu sáng nếu hoạt động ban đêm; có nơi chờ cho hành khách; có bảng niêm yết giá vé, có bảng nội quy bến khách ngang sông.
3. Bến khách ngang sông có phương tiện thủy nội địa lưu thông dọc sông phải lắp đặt báo hiệu đường thủy nội địa.
4. Được Sở Giao thông vận tải công bố hoạt động theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP.
Điều 6. Điều kiện của phương tiện và người điều khiển phương tiện vận tải tại bến khách ngang sông
1. Phương tiện vận tải khách ngang sông
a) Đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động tại bến khách ngang sông phải đảm bảo điều kiện: Thân phương tiện phải chắc chắn, không bị thủng, không bị rò nước vào bên trong; có một đèn chiếu sáng màu trắng nếu phương tiện hoạt động vào ban đêm; phương tiện chở người phải có đủ chỗ cho người ngồi cân bằng trên phương tiện;
b) Trang bị đủ số lượng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân, đảm bảo đáp ứng đủ số lượng cho tất cả mọi người được chở trên phương tiện (bao gồm hành khách, thuyền viên và người lái phương tiện). Áo phao và dụng cụ nổi cá nhân phải đảm bảo chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định, được bảo quản khô ráo, sạch sẽ, bảo đảm tính năng an toàn kỹ thuật khi sử dụng và phải để ở chỗ thuận tiện, dễ nhìn thấy, dễ lấy, không làm che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện.
c) Phương tiện phải được đăng ký, đăng kiểm và an toàn kỹ thuật còn hiệu lực.
2. Người điều khiển phương tiện vận tải khách tại bến khách ngang sông
a) Đảm bảo trong độ tuổi theo quy định tại Điều 35 Luật Giao thông đường thủy nội địa;
b) Có giấy chứng nhận học tập pháp luật giao thông đường thủy nội địa hoặc giấy chứng nhận khả năng chuyên môn phù hợp với phương tiện điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp; đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
Điều 7. Trách nhiệm của chủ bến khách ngang sông
1. Bến khách ngang sông được hoạt động sau khi Sở Giao thông vận tải công bố hoạt động theo Quy định tại Điều 19 Nghị định số 08/2021/NĐ-CP.
2. Bố trí nhân lực quản lý, khai thác bến bảo đảm trật tự, an toàn. Xây dựng nội quy hoạt động của bến, bảng niêm yết giá vé; nội quy hoạt động, bảng niêm yết giá vé phải rõ ràng, bố trí ở nơi thuận lợi. Khi hoạt động ban đêm phải có đèn chiếu sáng; phải có nơi chờ cho hành khách.
3. Bố trí thiết bị phòng cháy, chữa cháy ở vị trí thuận lợi khi sử dụng, phải bảo đảm về số lượng và chất lượng sử dụng theo quy định của pháp luật.
4. Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn; báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn và ô nhiễm môi trường (nếu có).
5. Trường hợp chấm dứt hoạt động bến, phải thông báo đến Sở Giao thông vận tải để ra quyết định ngưng hoạt động.
6. Chỉ cho phương tiện hoạt động tại bến khi phương tiện đã thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định khác có liên quan.
Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác bến khách ngang sông.
1. Đưa phương tiện vào hoạt động phải đảm bảo điều kiện theo Quy định tại Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
2. Chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và phòng chống lụt bão; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác; thực hiện đầy đủ trách nhiệm về tài chính theo quy định; thu phí đúng theo bảng giá đã niêm yết.
3. Thực hiện việc cứu người, hành lý, phương tiện khi xảy ra tai nạn; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã, lực lượng Công an, Cảng vụ đường thủy nội địa, Thanh tra Giao thông vận tải và cơ quan chuyên môn của cấp huyện giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn.
4. Thực hiện đầy đủ các cam kết được quy định trong Hợp đồng khai thác bến, được ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
5. Đề xuất, kiến nghị bổ sung các phương án đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình khai thác bến, không có quy định trong Hợp đồng hoặc các Văn bản hướng dẫn khác, nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.
Điều 9. Trách nhiệm của chủ phương tiện vận tải bến khách ngang sông
1. Không xếp hàng hóa hoặc đón trả hành khách xuống phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không đủ giấy tờ quy định; không xếp hàng hóa quá kích thước, quá trọng tải cho phép hoặc nhận hành khách quá số lượng theo quy định.
2. Trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân trên phương tiện phải bảo đảm đầy đủ về số lượng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật theo quy định.
3. Thực hiện trục vớt phương tiện khi bị đắm; chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông đối với trường hợp đưa phương tiện vận tải khách ngang sông không đảm bảo điều kiện an toàn vào khai thác.
Điều 10. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện vận tải bến khách ngang sông
1. Khi điều khiển phương tiện thủy nội địa phải mang theo giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, hoặc giấy chứng nhận học tập pháp luật về giao thông đường thủy nội địa phù hợp với phương tiện điều khiển và các giấy tờ liên quan đến phương tiện được cơ quan có thẩm quyền cấp.
2. Kiểm tra các điều kiện an toàn của phương tiện; hướng dẫn hành khách lên xuống phương tiện, sắp xếp chỗ ngồi cho hành khách, hàng hóa gọn gàng, cân bằng trên phương tiện; trợ giúp đối với hành khách là người tàn tật, người già, trẻ em và phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ; yêu cầu hành khách trên phương tiện sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy định trước khi cho phương tiện rời bến.
3. Không được để hành khách xuống phương tiện quá số lượng quy định; không được chở hàng hóa độc hại, dễ cháy, nổ, động vật lớn chung với hành khách, động vật bị dịch bệnh.
4. Tuân thủ nội quy bến và các quy định về phòng chống lụt bão; chấp hành lệnh điều động của cơ quan có thẩm quyền trong các trường hợp khẩn cấp.
5. Khi phương tiện bị trôi dạt do các nguyên nhân khách quan, phải tiến hành ngay các biện pháp xử lý thích hợp và báo cho lực lượng chức năng, chính quyền địa phương nơi gần nhất. Tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện khi xảy ra tai nạn trong khu vực phương tiện đang hoạt động tại bến khách ngang sông.
6. Trong quá trình xếp dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách phải kiểm tra, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm an toàn lao động, nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện phải đình chỉ ngay để có biện pháp khắc phục.
7. Thuyền trưởng, thuyền viên, người lái phương tiện và hành khách có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Không được bơm xả nước bẩn, đổ rác thải, các hợp chất có dầu, các loại chất độc hại khác xuống sông, kênh, rạch.
Điều 11. Trách nhiệm của hành khách khi tham gia giao thông tại bến khách ngang sông
1. Mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông trong suốt hành trình của phương tiện.
2. Chấp hành sự hướng dẫn, sắp xếp của thuyền viên và người điều khiển phương tiện.
3. Giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác và các chất bẩn khác ở khu vực bến khách ngang sông, trên phương tiện, trên sông, kênh, rạch.
4. Giúp đỡ và nhường chỗ cho người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ.
5. Không được mang theo hàng hóa pháp luật cấm lưu thông, cấm vận tải chung với hành khách.
6. Chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do việc không tuân thủ các quy định, hướng dẫn về sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
Điều 12. Trách nhiệm xử lý tai nạn trong vùng nước bến khách ngang sông
1. Việc cứu người và phương tiện thủy bị tai nạn xảy ra trong vùng nước bến khách ngang sông là nghĩa vụ bắt buộc đối với người lái phương tiện và các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại bến.
2. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, người lái phương tiện bị nạn phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền huy động mọi lực lượng; trang, thiết bị của bến và các phương tiện hiện có trong khu vực để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn.
4. Phương tiện bị đắm, sau khi cứu người, tài sản, người lái phương tiện bị đắm phải đặt báo hiệu theo quy định và báo ngay cho chủ phương tiện để tiến hành trục vớt, đồng thời báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền quản lý luồng để thực hiện lắp đặt báo hiệu và có thông báo chướng ngại vật trên luồng trong trường hợp chưa thể trục vớt liền phương tiện bị chìm đắm. Chủ phương tiện phải tổ chức trục vớt theo thời hạn quy định và chỉ được tiến hành khi đã thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định. Trường hợp xác định chủ phương tiện không tổ chức trục vớt theo thời gian quy định thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện theo quy định.
5. Trường hợp phương tiện gặp sự cố, tai nạn mà không có khả năng khắc phục phải thông báo ngay đến lực lượng chức năng; chủ phương tiện; chính quyền địa phương nơi gần nhất.
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG BẾN KHÁCH NGANG SÔNG
Điều 13. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải
1. Là cơ quan thường trực, tổ chức giám sát việc thực hiện Quy định này. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và Quy định này.
2. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải các tỉnh có liên quan trong việc quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên sông, kênh, rạch có liên quan đến các tỉnh theo quy định.
3. Hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra đơn vị chức năng được giao quản lý hoạt động vận tải của Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện Quy định này và các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong hoạt động bến khách ngang sông.
4. Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải và Cảng vụ Đường thủy nội địa trực thuộc phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn của bến, phương tiện; xử lý các hành vi vi phạm quy định này và các quy định của pháp luật liên quan về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh.
Điều 14. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Chủ trì phối hợp với Sở Giao thông vận tải, các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương các cấp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.
2. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an các huyện, thành phố và thị xã tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt đối với các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dễ gây ra tai nạn giao thông đường thuỷ của bến khách, của phương tiện và người lái phương tiện theo quy định pháp luật.
3. Chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các bến khách ngang sông và các phương tiện vận tải hành khách theo quy định và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống cháy, nổ.
Điều 15. Trách nhiệm của Sở Tài chính
1. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh bến khách ngang sông xây dựng giá dịch vụ sử dụng đò, phà hoặc phí và lệ phí (nếu có) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
2. Thẩm định phương án giá dịch vụ của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 16. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan
Các sở, ban, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý hoạt động bến khách ngang sông theo đúng quy định pháp luật.
Điều 17. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Tổ chức và chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn phụ trách.
2. Tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa; chỉ đạo kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa tại địa phương.
3. Phối hợp, thông báo đến Sở Giao thông vận tải để ra quyết định đình chỉ hoạt động bến khách ngang sông tại địa phương trong các trường hợp quy định tại Nghị định số 08/2021/NĐ-CP; hoặc tạm dừng hoạt động của bến khách ngang sông tại địa phương khi thời tiết có xảy ra giông bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ nước dâng cao không bảo đảm an toàn vận tải hành khách; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân trong khu vực.
Điều 18. Trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp xã
1. Tổ chức tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; quản lý hoạt động bến khách ngang sông theo quy định này.
2. Tổ chức quản lý bến khách ngang sông và phương tiện hoạt động vận tải khách ngang sông trên địa bàn phụ trách theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa và Quy định này.
3. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn quản lý.
4. Tổ chức việc cứu người, phương tiện, hàng hóa và khắc phục hậu quả khi xảy ra tai nạn tại bến khách ngang sông thuộc địa bàn quản lý.
5. Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã là chủ bến khách ngang sông, ngoài việc thực hiện theo các quy định tại Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải có trách nhiệm tổ chức kiểm tra hoạt động của bến khách ngang sông, giá cước, phí vận tải áp dụng tại bến.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất an toàn giao thông đối với hoạt động của bến khách ngang sông thuộc địa bàn quản lý.
Điều 19. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để được hướng dẫn hoặc xem xét, giải quyết./.
- 1 Quyết định 1090/2009/QĐ-UBND về quy chế quản lý và hoạt động bến khách ngang sông, hồ, đầm, phá do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
- 2 Quyết định 44/2015/QĐ-UBND Quy định về tổ chức quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trong khu du lịch và bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi
- 3 Quyết định 30/2019/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Tiền Giang