NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 54-QĐ | Hà Nội, ngày 02 tháng 02 năm 1966 |
BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI VỀ CHO VAY CẢI TIẾN KỸ THUẬT, ÁP DỤNG KỸ THUẬT MỚI VÀ HỢP LÝ HÓA SẢN XUẤT
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 171-CP ngày 26 - 10 - 1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Xuất phát từ chính sách và chủ trương đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới, hợp lý hóa sản xuất của Đảng và Nhà nước;
Xuất phát từ yêu cầu phục vụ sản xuất và chiến đấu trong tình hình mới;
Để góp phần giúp đỡ các xí nghiệp và tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương, địa phương và công tư hợp doanh thuộc các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, bưu điện truyền thanh, nội thương, ngoại thương, vv…cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hạ giá thành, giảm bớt chi phí lưu thông tăng tích lũy cho xí nghiệp và cho Nhà nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này thể lệ tạm thời về cho vay cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất.
Điều 2. - Thể lệ cho vay này được áp dụng kể từ ngày ban hành.
Điều 3. -Các ông Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ kinh tế và kế hoạch, Vụ trưởng vụ Kế toán và tài vụ, Cục trưởng các Cục tín dụng, Vụ trưởng các Vụ khác thuộc Ngân hàng trung ương và các ông Trưởng Chi nhánh trung tâm, Chi nhánh nghiệp vụ và Chi điếm Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| Q. TỔNG GIÁM ĐỐC |
VỀ CHO VAY CHI PHÍ CẢI TIẾN KỸ THUẬT, ÁP DỤNG KỸ THUẬT MỚI VÀ HỢP LÝ HÓA SẢN XUẤT
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các xí nghiệp, tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương, địa phương và công tư hợp doanh thuộc các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, bưu điện truyền thanh, nội thương, ngoại thương v v.([1]) đã hạch toán kinh tế vay vốn để thực hiện các biện pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất giúp các xí nghiệp có thêm điều kiện vật tư và kỹ thuật để tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nâng cao phẩm chất hàng hóa và trên cơ sở đó góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất và tích lũy cho Nhà nước.
2. Ngân hàng Nhà nước chỉ cho các xí nghiệp vay vốn về các chi phí cải tiến kỹ thuật khi:
a) Biện pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất được thực hiện trên cơ sở xí nghiệp hiện đang hoạt động, chỉ có tính chất bổ sung bộ phận, không liên quan đến việc xây dựng mới hoặc đổi mới toàn bộ tài sản cố định của xí nghiệp hiện có, không liên quan đến kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định.
b) Các biện pháp trên không thuộc phạm vi cấp phát kế hoạch xây dựng cơ bản và không được ghi trong kế hoạch đó, vì vậy không được cơ quan tài chính cấp vốn.
c) Các biện pháp cải tiến kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới đã được xác định rõ ràng và đã trải qua thời kỳ thí nghiệm (đối với những công việc cần thiết phải thí nghiệm) và những chi phí thí nghiệm đó đã được Nhà nước cấp phát bằng kinh phí chuyên dùng.
3. Việc cho vay các chi phí cải tiến kỹ thuật áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất ([2]) được tiến hành trong phạm vi các mức quy định cho vay đã đựơc duyệt của kế hoạch tín dụng ngắn hạn hàng quý của ngân hàng Nhà nước.
4. Các xí nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cho vay để cải tiến kỹ thuật phải là những xí nghiệp đã kết thúc thời kỳ sản xuất thử (chưa ổn định) và bước vào sản xuất chính thức.
Ngân hàng Nhà nước chỉ cho vay các xí nghiệp hoạt động tốt, nghĩa là thực hiện được kế hoạch giá thành và kế hoạch tích lũy nộp cho Nhà nước (hoặc giảm bớt lỗ theo kế hoạch). Nếu là xí nghiệp kinh doanh có lỗ thì phải được cơ quan chủ quản của xí nghiệp (và phải được cơ quan tài chính, nếu là xí nghiệp địa phương ) có kế hoạch cấp bù lỗ và đến khi vay, xí nghiệp không bị lỗ vượt kế hoạch đó.
Đối với các xí nghiệp sản xuất hay chế biến không hạch toán kinh tế độc lập, nếu có nhu cầu vay vốn để cải tiến kỹ thuật thì Ngân hàng Nhà nước cho vay tổ chức kinh tế đã hạch toán kinh tế độc lập có xí nghiệp sản xuất hay chế biến công nghiệp đó.
Đối với các tổ chức bao thầu xây dựng do Ngân hàng kiến thiết cấp phát và cho vay, thì các chi phí cải tiến kỹ thuật không thuộc phạm vi cho vay của Ngân hàng Nhà nước.
5. Đối tượng cho vay của Ngân hàng là các chi phí về:
a) Cải tiến thiết bị, máy móc, công cụ, phương tiện vận tải:
- Chi phí mua sắm vật liệu, phụ tùng máy móc để lắp ghép thêm hoặc thay thế một số bộ phận của thiết bị, máy móc, công cụ sẵn có nhằm nâng cao công suất sử dụng hoặc tiết kiệm hao phí nguyên, nhiên ,vật liệu, hoặc làm cho thiết bị, máy móc hiện có thích ứng với loại nguyên, nhiên, vật liệu mới, cải tiến và mở rộng phương tiện chuyên chở để tăng trọng lượng vận tải hàng hóa, hành khách hoặc cải tiến máy móc hiện có để tăng tốc độ kéo hoặc chuyển sang dùng loại nhiên liệu mới, cải tiến phương tiện bốc dỡ để tăng năng suất bốc dỡ.
- Các chi phí về nhân công và vật liệu dùng vào việc tháo dỡ, di chuyển, lắp ráp phục vụ cho biện pháp cải tiến kỹ thuật.
b) Cơ giới và nửa cơ giới hóa các bộ phận lao động thủ công nặng nhọc của xí nghiệp hoặc tăng cường trình độ cơ giới và hiện đại chung của xí nghiệp:
- Chi phí mua sắm một số thiết bị, máy móc mới, phương tiện và thiết bị vận chuyển nội bộ xí nghiệp như xe, cần trục ngoài trời và trong phân xưởng, đường ray trong xí nghiệp…phục vụ cho quá trình chế tạo sản phẩm của các phân xưởng, thiết bị điện lực bao gồm động cơ điện, thiết bị, biến thế điện và đường truyền dẫn điện…trang bị cho các bộ phận lao động thủ công, nhằm giảm bớt hay xóa bỏ lao động nặng nhọc, hoặc thay thế một số thiết bị lạc hậu, bằng thiết bị hiện đại hơn để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất của Nhà nước đã giao cho xí nghiệp, lắp máy cho thuyền, xe, thay thế máy nổ, máy kéo lạc hậu bằng máy hiện đại, để tăng thêm sức kéo và trọng tải, cơ giới, hoặc nửa cơ giới hóa phương tiện, thiết bị bốc dỡ, kéo, đẩy để giải phóng nhanh phương tiện vận tải.
- Các chi phí nhân công và vật liệu dùng vào việc tháo dỡ, di chuyển, lắp ráp (bao gồm cả xây nền máy) phục vụ cho biện pháp cơ giới hóa nói trên.
c) Bố trí hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, cải tiến và nới rộng diện tích sản xuất
- Các chi phí về nhân công và vật liệu dùng vào việc tháo dỡ, di chuyển, lắp ráp (bao gồm cả xây dựng nền máy) để sắp xếp lại vị trí của thiết bị, máy móc, công cụ trong phân xưởng hoặc giữa các phân xưởng, các chi phí mua sắm thêm thiết bị, máy móc, công cụ bổ sung cho phân xưởng, do biện pháp hợp lý hóa dây chuyền sản xuất của xí nghiệp yêu cầu.
- Các chi phí về nhân công và vật liệu để nới rộng hoặc cải tiến diện tích sản xuất bao gồm mặt bằng đất đai và nhà xưởng do các biện pháp cải tiến kỹ thuật, cơ giới và nửa cơ giới hóa lao động, cải tiến quá trình sản xuất yêu cầu.
d) Cải tiến quá trình sản xuất và cải tiến phương pháp công nghệ cũ, áp dụng phương pháp công nghệ mới:
Các chi phí về nhân công và vật liệu xây dựng lò đốt, sấy, bể ngâm, nguyên vật liệu và mua sắm thêm các thiết bị, phương tiện cơ bản khác nhằm phục vụ cho việc cải tiến phương pháp công nghệ, cải tiến chủng loại mặt hàng (thay đổi kiểu cách thích ứng với nhu cầu của nhân dân) rút ngắn (hoặc bổ sung) chu kỳ chế tạo sản phẩm có tác dụng nâng cao phẩm chất sản phẩm, tiết kiệm hao phí nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm).
6. Các biện pháp cải tiến kỹ thuật xin vay vốn phải được cấp chủ quản của xí nghiệp duyệt cho phép tiến hành và phải được cơ quan cung cấp vật tư bảo đảm phân phối những vật tư cần thiết, cơ quan chủ quản của xí nghiệp (và cả cơ quan tài chính địa phương nếu xí nghiệp xin vay vốn là xí nghiệp địa phương) chấp nhận kế hoạch trả nợ của xí nghiệp và giới thiệu với ngân hàng Nhà nước để vay vốn.
7. Bất kỳ trong trường hợp nào để được vay vốn, việc áp dụng biện pháp kỹ thuật của xí nghiệp cũng phải bảo đảm đưa lại hiệu quả kinh tế cao và bù đắp các chi phí đã bỏ ra trong một thời gian ngắn và phải có tác dụng làm tăng thêm giá trị tài sản cố định tương đương với toàn bộ số chi phí về biện pháp đó.
Để bảo đảm cho số giá trị tài sản cố định tăng thêm đó chủ yếu là những giá trị vật tư kỹ thuật trong mỗi biện pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới, chi phí nhân công không được vượt quá 40% tổng số chi phí của biện pháp (trừ phần chi phí nhân công đối với thiết bị, máy móc, nhà xưởng do xí nghiệp tự làm lấy).
8. Đi đôi với biện pháp cải tiến kỹ thuật, xí nghiệp phải được bảo đảm các kiện cung cấp nguyên vật liệu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và kế hoạch lao động tương ứng, để có thể tích cực phát huy tác dụng của biện pháp kỹ thuật đó.
9. Xí nghiệp phải trích quỹ xí nghiệp (trong phần được sử dụng vào việc cải tiến và bổ sung thiết bị sản xuất theo tỉ lệ do Nhà nước đã quy định) để tham gia vào việc thực hiện biện pháp cải tiến kỹ thuật, sau đó ngân hàng cho vay số còn thiếu.
Nếu đến lúc xin vay phần quỹ xí nghiệp này chưa trích đủ, thì ngân hàng chỉ động viên số vốn thực tế có thể trích từ quỹ xí nghiệp để tham gia ngay lúc đó ; số còn lại xí nghiệp sẽ phải trích dần ở các quỹ tiếp từ quỹ xí nghiệp để trả cho Ngân hàng ngoài phần trả nợ bằng hiệu quả kinh tế.
Trường hợp phần quỹ xí nghiệp dùng vào mục đích này đã sử dụng hết, thì Ngân hàng Nhà nước có thể cho vay toàn bộ số chi phí cần thiết của biện pháp cải tiến kỹ thuật. Trường hợp xí nghiệp đã hoặc sẽ sử dụng một phần quỹ được trích này vào việc bổ sung thiết bị riêng của xí nghiệp trong năm thì ngân hàng Nhà nước động viên phần còn lại xem như vốn tự có của xí nghiệp tham gia vào biện pháp kỹ thuật vay ngân hàng.
III. CÁCH CHO VAY VÀ THỦ TỤC GIẤY TỜ
10. Muốn được vay vốn, xí nghiệp phải gửi đến chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm ngân hàng Nhà nước cùng với đơn xin vay (mẫu phụ lục số 1)(1) các tài liệu sau đây:
a) Bản thiết kế kỹ thuật và đồ án xây dựng (nếu có);
b) Bản dự toán chi phí cho biện pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất đã được cơ quan chủ quản duyệt, trong đó ghi rõ số tiền trả nhân công, bản này do xí nghiệp lập tùy theo nội dung công việc của biện pháp định tiến hành (mua sắm, xây dựng thêm, lắp ráp, đặt thầu…)
c) Bản tính toán hiệu quả kinh tế và hoàn trả nợ vay ngân hàng (mẫu phụ lục số 2)(1) được cơ quan chủ quản (và cả cơ quan tài chính địa phương nếu xí nghiệp xin vay vốn là xí nghiệp địa phương) duyệt.
11. Nhận được các tài liệu của xí nghiệp gửi đến, ngân hàng phải xem xét biện pháp kỹ thuật có thật cần thiết phải tiến hành không, có được bảo đảm về mặt thiết kế, xây dựng, lắp ráp,… về mặt cung cấp vật tư để xây dựng và để sử dụng tốt công suất mới không, sản phẩm tăng thêm có được đảm bảo tiêu thụ không .
Cán bộ tín dụng cần nghiên cứu kỹ từng khoản chi phí ghi trong dự toán, xác định thời gian hoàn thành công trình (chú ý đối chiếu với thời gian khống chế nêu ở điều 17 và chi phí nhân công theo tỷ lệ khống chế), kiểm tra việc tính toán hiêụ quả kinh tế và khả năng trả nợ để xác định đầy đủ cơ sở thực tế của nhu cầu và thời hạn vay vốn của xí nghiệp. Cán bộ tín dụng cần đến tận xí nghiệp, dựa vào cán bộ kỹ thuật và công nhân sản xuất, để tìm hiểu và nắm vững biện pháp kỹ thuật dự định tiến hành của xí nghiệp và trong trường hợp cần thiết, có thể liên hệ với cơ quan thiết kế kỹ thuật để kiểm tra lại việc tính toán chi phí và hiệu quả kinh tế của biện pháp cải tiến kỹ thuật đó.
12. Việc tính toán mức cho vay được tiến hành trên cơ sở kiểm tra và xác định kỹ dự toán chi phí và hiệu quả kinh tế của biện pháp cải tiến kỹ thuật.
Mức cho vay là số chênh lệch giữa tổng số chi phí theo dự toán và phần vốn tự có thực tế trích từ quỹ xí nghiệp để tham gia vào các chi phí của biện pháp kỹ thuật.
Số vốn tự có của xí nghiệp phải tham gia được tính toán theo nội dung ghi ở điều 9, trong đó căn cứ để trích là tổng số quỹ xí nghiệp trong năm hiện hành, hoặc là tổng số quỹ xí nghiệp trong năm kế hoạch sắp tới, nếu phần lớn thời gian xây dựng công trình thuộc năm kế hoạch đó.
Khi tính mức cho vay, cần xét đến khả năng hoàn trả nợ trong phạm vi thời hạn cho vay tối đã quy định (điều 17). Nếu khi tính theo khả năng trả nợ bình thường, thấy rằng số vốn thiếu cần vay đó không được hoàn lại trong phạm vi thời hạn cho vay tối đa, thì hoặc là xí nghiệp phải giảm bớt mức vốn xin vay hoặc là phải nâng mức trả nợ cao hơn mức bình thường. Trường hợp nâng mức trả nợ phải có sự thoả thuận của cơ quan chủ quản xí nghiệp (và phải có sự thoả thuận của cơ quan tài chính địa phương, nếu xí nghiệp vay vốn là xí nghiệp địa phương.)
13. Mức phán quyết cho vay mỗi biện pháp cải tiến kỹ thuật được quy định như sau:
a) Dưới 25.000đ (hai mươi năm nghìn đồng) do Trưởng chi nhánh nghiệp vụ, Trưởng chi điếm ngân hàng Nhà nước duyệt cho vay (hoặc lập ban điều tra và kiến nghị đối với số tiền trên 25.000đ) không chậm quá 10 ngày, kể từ khi nhận được giấy tờ xin vay của xí nghiệp gửi đến.
b) Dưới 50.000đ ( năm mươi nghìn đồng) do Trưởng chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố duyệt cho vay (hoặc lập hồ sơ báo cáo đối với số tiền trên 50.000đ), không chậm quá 7 ngày kể từ khi nhận được giấy tờ của Chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm ngân hàng Nhà nước gửi đến kèm với các giấy tờ xin vay của xí nghiệp.
c) Trên 50.000đ (năm mươi nghìn đồng) do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước duyệt cho vay, không chậm quá 10 ngày, kể từ khi nhận được giấy tờ do Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố gửi đến kèm theo giấy tờ xin vay của xí nghiệp.
Trường hợp cần điều tra tại chỗ trước khi duyệt cho vay thì ngân hàng Nhà nước các cấp có thể kéo dài thêm thời hạn ghi ở điểm a, b, c trên đây; nhưng phải tích cực hoàn thành công tác điều tra đó trong một thời gian ngắn nhất, nhằm giải quyết nhanh chóng nhu cầu vốn cho xí nghiệp. Trong văn bản duyệt cho vay, ngân hàng Nhà nước các cấp cần ghi rõ thời gian tiến hành điều tra tại chỗ.
Mỗi biện pháp cải tiến kỹ thuật nói ở điều này là toàn bộ khối lượng các công việc cải tiến bổ sung, hợp lý hoá thiết bị và các phương tiện cơ bản khác, có liên quan trực tiếp với nhau trong một quá trình tổ chức sản xuất cần phải đồng thời tiến hành mới đưa đến hiệu quả kinh tế cần thiết.
Nếu các khối lượng công việc đó không liên quan trực tiếp với nhau thì mặc dù có thể tiến hành trong cùng một thời kỳ với nhau, cũng phải tách ra mỗi khối lượng công việc là một biện pháp.
14. Khi ngân hàng Nhà nước các cấp đã quyết định cho vay theo trình tự nêu ở điều 13, việc phát tiền vay sẽ tiến hành dần dần theo mức thực hiện biện pháp kỹ thuật và trong phạm vi mức cho vay đã được duyệt.
Mỗi lần nhận được tiền vay xí nghiệp phải lập hai bản kê chứng từ vay (mẫu phụ lục số 3)(1), kèm theo đó là các chứng từ mua vật tư kỹ thuật. Đối với các loại vật tư và chi phí không có chứng từ xuất trình (do đặc điểm trong thanh toán), , thì xí nghiệp phải lập bản kê thay chứng từ có sự xác nhận của tổ chức cung cấp. Đối với các khoản chi phí nhân công phải phân biệt riêng trong bản kê và lập danh sách phải trả nhân công đến lúc đó.
Nhận được bản kê chứng từ và các tài liệu về chi phí vật tư và nhân công nói trên, các bộ tín dụng phải kiểm soát ,tính chất hợp lệ của chứng từ và đối chiếu với các khoản chi trong dự toán chi phí cải tiến kỹ thuật đã quy định(chú ý theo dõi khoản chi phí nhân công), sau đó trình Trưởng chi nhánh nghiệp vụ, Trưởng chi điếm Ngân hàng Nhà nước ký duyệt trên bản kê chứng từ vay. Trên các chứng từ vật tư được vay kèm theo bản kê đó, cán bộ tín dụng phải đóng dấu “đã cho vay” và hoàn trả lại xí nghiệp.
Các bản kê chứng từ nói trên được sử dụng như sau: một bản lưu ở bộ phận tín dụng để theo dõi quá trình cho vay, một bản lưu ở bộ phận kế toán ngân hàng làm chứng từ gốc.
Mỗi lần nhận tiền vay trong phạm vi biện pháp đã được duyệt, xí nghiệp lập khế ước vay tiền, trong đó lấy ngày hoàn thành biện pháp kỹ thuật làm thời hạn giả định và không phải làm đơn xin vay.
Để theo dõi và kiểm soát, cán bộ tín dụng lập phiếu theo dõi cho vay và thu nợ về chi phí cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất(mẫu phụ lục số 4)(1).
15. Xí nghiệp có thể cho vay vốn để tiến hành biện pháp cải tiến kỹ thuật mới khi chưa trả hết nợ vay về các biện pháp kỹ thuật trước đây và không được vay nếu hiện đang có nợ quá hạn đối với ngân hàng về loại cho vay này.
16. Ngân hàng Nhà nước cho vay chi phí cải tiến kỹ thuật theo tài khoản cho vay đơn giản. Lãi suất cho vay là 0,18% một tháng. Lãi cho vay tính từ ngày xuất tiền cho vay.
17. Thời hạn cho vay đối với mỗi biện pháp cải tiến kỹ thuật không quá 3 năm kể từ ngày xí nghiệp nhận món vay đầu tiên, trong đó thời gian hoàn thành biện pháp cải tiến kỹ thuật nói chung không quá 3 tháng.
Thời hạn cho vay cụ thể của từng biện pháp được quy định dựa vào việc tính toán hiệu quả kinh tế thu được (xem hướng dẫn ở mẫu phụ lục số 2).
18. Thời hạn trả nợ được quy định bắt đầu từ một tháng sau khi xí nghiệp hoàn thành biện pháp cải tiến kỹ thuật.
Ví dụ: thời hạn cho vay là 30 tháng, từ tháng thứ nhất đến tháng thứ ba là thời hạn hoàn thành biện pháp kỹ thuật, tháng thứ tư biện pháp đó phát huy tác dụng, nhưng ngân hàng chưa thu nợ, mà bắt đầu từ tháng thứ năm trở đi mới thu nợ, vậy từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 30 là thời hạn trả nợ.
19. Xí nghiệp trả nợ vay ngân hàng bằng hiệu quả kinh tế của việc áp dụng biện pháp cải tiến kỹ thuật mang lại và bằng số tiền khấu hao cơ bản của phần tài sản cố định mà ngân hàng cho vay. Nếu do áp dụng biện pháp kỹ thuật này mà sản xuất tăng thêm thì số tích lũy được do tăng sản xuất cũng là hiệu quả kinh tế dùng để trả nợ vay ngân hàng.
Hiệu quả kinh tế mang lại được thể hiện dưới hình thức lợi nhuận vượt kế hoạch của xí nghiệp(hoặc giảm thấp lỗ so với kế hoạch) và trong đó xí nghiệp sẽ được trích thêm vào quỹ xí nghiệp một khoản tiền theo tỷ lệ nhất định do Nhà nước quy định đối với từng loại xí nghiệp, do đó khi tính toán nguồn thu nợ này ngân hàng sẽ trừ bớt phần trích dành cho quỹ xí nghiệp.
Khấu hao cơ bản tài sản cố định có vốn ngân hàng tham gia được chia làm hai phần, theo tỷ lệ vốn được ngân sách cấp và vốn vay ngân hàng:
a) Phần khấu hao cơ bản tính theo tỷ lệ vốn được cấp nộp vào ngân sách;
b) Phần khấu hao cơ bản tính theo tỷ lệ vốn vay ngân hàng dùng để trả nợ (xem hướng dẫn tính toán ở phần C, mục III của phụ lục số 2).
20. Mức trả nợ ngân hàng tháng được tính như là nguồn trả nợ hàng năm chia cho 12 tháng, trong đó hiệu quả kinh tế của biện pháp cải tiến kỹ thuật tính theo khối lượng sản xuất kế hoạch của năm hiện hành (hoặc của năm kế hoạch sắp tới nếu biện pháp kỹ thuật được hoàn thành và áp dụng trong năm kế hoạch đó).
Thời hạn trả nợ cụ thể của từng biện pháp kỹ thuật vay vốn ngân hàng được tính như là số tiền vay chia cho mức trả nợ hàng tháng.
Chi nhánh nghiệp vụ, chi điếm ngân hàng Nhà nước cần chú ý theo dõi việc xây dựng kế hoạch thu chi tài vụ hàng năm của xí nghiệp để nhắc nhở xí nghiệp ghi số tiền phải trả nợ vào kế hoạch đó. Nếu xí nghiệp yêu cầu thì ngân hàng Nhà nước sẽ cấp giấy xác nhận số tiền phải trả nợ vay về chi phí cải tiến kỹ thuật trong năm kế hoạch, để xí nghiệp đính kèm kế hoạch thu chi tài vụ gửi lên cấp chủ quản duyệt.
21. Khi hoàn thành biện pháp cải tiến kỹ thuật, cán bộ tín dụng cùng với xí nghiệp định lại các kỳ hạn trả nợ chính thức và số tiền trả nợ hàng tháng (xem ví dụ ở phụ lục số 5)(1).
Tùy theo tình hình thu nhập thực tế của xí nghiệp mà quy định hàng tháng trả nợ một hay nhiều lần nhưng dù trả nợ một hay nhiều lần cũng phải bảo đảm trả hết số nợ đã quy định cho kỳ hạn tháng đó.
Nếu ở tháng nào xí nghiệp không trả được hết nợ thuộc kỳ hạn trả của tháng đó, thì ngân hàng sẽ chuyển số nợ chưa trả được đó qua nợ quá hạn (xem những quy định của mục V). Nhưng để chiếu cố đến tình hình thực tế của xí nghiệp, nếu trong hai ba tháng đầu do việc áp dụng biện pháp kỹ thuật chưa được thuần thục, chưa đi vào nề nếp nên xí nghiệp không trả được hết nợ cho mỗi kỳ hạn (tháng) thì ngân hàng có thể cho xí nghiệp trả nợ ít hơn và sẽ tăng mức trả nợ ở những tháng sau một cách tương ứng mà không chuyển số trả thiếu qua nợ quá hạn.
Ngược lại, nếu trong quá trình hoạt động, hiệu quả kinh tế của biện pháp kỹ thuật vượt quá sự tính toán khi cho vay, thì ngân hàng yêu cầu xí nghiệp trả nợ nhiều hơn mức phải trả đã quy định hàng tháng để rút ngắn thời hạn trả nợ. Trong trường hợp này cần bàn bạc, thỏa thuận với cơ quan chủ quản xí nghiệp (và cơ quan tài chính địa phương đối với các xí nghiệp địa phương) để điều chỉnh lại kế hoạch thu chi tài vụ.
V. THỦ TỤC KẾ TOÁN CHO VAY VÀ THU NỢ
22. Đơn xin vay vốn của xí nghiệp lập thành ba liên. Sau khi đơn xin vay được duyệt theo trình tự nêu ở mục III, cán bộ tín dụng chuyển một liên cho kế toán, kiểm soát xong, cán bộ kế toán xếp đơn xin vay này theo hồ sơ đơn vị vay vốn để theo dõi, đối chiếu mỗi lần khách hàng nhận tiền vay.
Đơn xin vay sẽ đóng vào tập chứng tư ngày phát tiền lần cuối cùng.
Một liên đơn xin vay lưu ở cấp Ngân hàng Nhà nước duyệt cho vay, một liên gửi cho xí nghiệp.
23. Mỗi lần phát tiền cho vay, cán bộ tín dụng hướng dẫn xí nghiệp lập khế ước vay tiền kiêm kỳ hạn nợ giả định căn cứ theo ngày hoàn thành biện pháp kỹ thuật. Khế ước này lập thành hai liên và chuyển cho kế toán kiểm soát, sau đó trả lại cho xí nghiệp vay vốn một liên, đồng thời hướng dẫn xí nghiệp lập các giấy tờ thanh toán số tiền được vay. Kế toán căn cứ vào giấy tờ thanh toán đã được kiểm soát này để hành tự vào tài khoản cho vay và ghi vào sổ phụ tiểu khoản, còn khế ước thì ghi vào kế toán ngoại bảng tài khoản số 9921 và xếp vào một ngăn riêng để theo dõi.
24. Khi hoàn thành biện pháp kỹ thuật, kế toán lập bản kê những khế ước theo kỳ hạn giả định có chữ ký của cán bộ tín dụng và dùng làm chứng từ ghi xuất ngoài bảng tài khoản 9921. Các khế ước này cán bộ tín dụng nhận lại và cùng xí nghiệp vay vốn xác định các kỳ hạn trả nợ chính thức và lập lại khế ước theo từng kỳ hạn, nợ cụ thể, sau đó giao lại các khế ước mới cho kế toán để ghi nhập vào sổ phụ ngoại bảng của tài khoản 9921 và xếp vào các ngăn kỳ hạn nợ để theo dõi. Căn cứ vào các khế ước đã đượ sắp xếp theo kỳ hạn trả trong từng ngăn, kế toán theo dõi các khoản nợ đến hạn để đôn đốc thu hồi đúng hạn.
25. Đến kỳ hạn trả nợ cán bộ kế toán lấy khế ước vay tiền trong ngăn thuộc kỳ hạn đó ra lập phiếu, chuyển khoản trích tài khoản tiền gửi thanh toán để thu hồi nợ về. Nếu tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp không đủ tiền để trả nợ thì cán bộ kế toán báo cho cán bộ tín dụng biết để bàn với xí nghiệp tìm biện pháp giải quyết. Trong phạm vi 10 ngày, phải xử lý xong số tiền chưa trả đủ: hoặc chuyển qua nợ quá hạn, hoặc cho gia thêm hạn. Quá thời hạn 10 ngày nói trên nếu không xử lý xong thì kế toán lập phiếu chuyển sang nợ quá hạn, ghi nợ tài khoản “nợ quá hạn” và ghi có tài khoản “cho vay cải tiến kỹ thuật, mở rộng sản xuất hàng tiêu dùng”.
Mỗi khi thu nợ hoặc chuyển qua nợ quá hạn thì đồng thời ghi vào mặt sau khế ước vay tiền và rút số dư nợ từng lần theo từng món thu nợ. Nếu khế ước nào thu hết nợ thì kế toán ghi xuất sổ phụ ngoại bảng tài khoản 9921 và đóng khế ước đó vào tập chứng từ ngày thu nợ. Nếu khế ước chưa thu hết nợ thì chưa ghi xuất sổ phụ kế toán ngoại bảng mà đợi đến khi thu hết nợ mới ghi xuất một lần toàn bộ số tiền của khế ước. Các khế ước chuyển qua tài khoản nợ quá hạn cũng không ghi xuất kế toán ngoại bảng mà chỉ rút khế ước ra khỏi kỳ hạn nợ hiện hành và xếp vào ngăn dành cho nợ quá hạn.
Trường hợp gia thêm hạn thì Trưởng chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước duyệt gia hạn vào mặt sau khế ước và kế toán không hành tự gì vào nội bảng, chỉ sắp xếp khế ước được gia hạn vào ngăn kỳ hạn cho thích hợp.
26. Những quy định khác về kiểm soát kế toán, tính và thu lãi cho vay v.v... đều áp dụng đúng theo chế độ kế toán cho vay hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với xí nghiệp và tổ chức kinh tế quốc doanh.
VI. KIỂM SOÁT CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VÀ KỸ THUẬT TÍN DỤNG
27. Chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước ngoài việc kiểm tra trước như đã nêu ở thể lệ này, phải tiến hành kiểm tra thường xuyên dựa vào các số liệu, chứng từ của xí nghiệp và kiểm tra tại chỗ tiến trình thực hiện biện pháp kỹ thuật được Ngân hàng cho vay, việc sử dụng tiền vay theo mục đích, hiệu quả của vốn vay và trong trường hợp cần thiết, áp dụng những biện pháp nhằm bảo đảm sử dụng và hoàn trả vốn vay đúng kỳ hạn.
28. Khi phát hiện xí nghiệp không bảo đảm tiến hành công trình đúng tiến độ và chất lượng kỹ thuật, Ngân hàng Nhà nước phải điều tra xác định nguyên nhân cụ thể và phản ảnh ngay cho xí nghiệp và cấp chủ quản xí nghiệp biết để tìm cách khắc phục. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan, công tác xấu của xí nghiệp gây ra, Ngân hàng có thể tạm ngừng cho vay một thời gian ngắn và cùng xí nghiệp, cấp chủ quản phân tích tình hình, đề ra biện pháp khắc phục. Nếu xí nghiệp không tích cực hoặc trì hoãn việc thực hiện các biện pháp đó thì Ngân hàng sẽ đình chỉ cho vay và thu hồi lại tất cả số tiền đã cho vay về từ tài khoản tiền gửi thanh toán của xí nghiệp hoặc chuyển qua nợ quá hạn.
Việc đình chỉ cho vay do Trưởng chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quyết định căn cứ theo báo cáo cụ thể của Chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước gửi đến và báo cho cấp chủ quản xí nghiệp biết.
29. Nếu biện pháp kỹ thuật được vay không hoàn thành đúng thời hạn và phải kéo dài do những nguyên nhân khách quan thì theo đề nghị của xí nghiệp, Ngân hàng có thể cho hoãn việc trả nợ với điều kiện:
a) Thời gian gia hạn đó không vượt quá 3 tháng,
b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn quy định ở điều 17, kể từ lần nhận tiền vay đầu tiên.
Việc gia hạn này do Trưởng chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quyết định.
30. Khi phát hiện xí nghiệp sử dụng tiền vay sai mục đích hoặc xí nghiệp cố ý làm sai số liệu, chứng từ có liên quan đến việc vay vốn thì Ngân hàng cần báo ngay cho xí nghiệp biết và thu hồi số tiền sử dụng không đúng mục đích. Nếu việc vi phạm đó tiếp tục xảy ra lần thứ hai, thì ngân hàng đình chỉ tiếp tục cho vay và thu hồi số tiền đã cho vay về trước thời hạn, đồng thời yêu cầu xí nghiệp và cấp chủ quản xí nghiệp điều tra, quy trách nhiệm và xử lý đối với những người đã phạm khuyết điểm. Việc đình chỉ tiếp tục cho vay và thu hồi nợ về trước kỳ hạn do Trưởng chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố quyết định.
Sau khi đình chỉ cho vay, ngân hàng cần tiếp tục theo dõi sát và giúp đỡ xí nghiệp khắc phục những khuyết mắc phải.Nếu xí nghiệp tích cực khắc phục những khuỵết điểm đó,bảo đảm việc chấp hành các quy định về sử dụng tiền vay đúng mục đích và nếu xí nghiệp tiếp tục xin vay vốn thì Chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm Ngân hàng Nhà nước báo cáo lên Chi nhánh tỉnh, thành phố để quyết định việc tiếp tục cho xí nghiệp vay.
31. Trong kế hoạch tín dụng ngắn hạn hàng quý các Chi nhánh nghiệp vụ, Chi điếm và Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố dự kiến chỉ tiêu cho vay cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất.
Để dự kiến chỉ tiêu này được sát, trước khi bắt đầu quý kế hoạch các cấp Ngân hàng Nhà nước cần một mặt trao đổi với các xí nghiệp và tổ chức kinh tế, mặt khác điều tra tại chổ nhu cầu vay vốn về chi phí cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất trong quý kế hoạch, tính toán số dư nợ các khoản cho vay này đến cuối quý hiện hành. Số nợ đến hạn phải thu hồi và trên cơ sở đó sẽ định số dư nợ đến cuối kế hoạch.
Các chỉ tiêu kế hoạch và các mức quy định cho vay chi phí cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất được duyệt và phân phối phù hợp với những quy định của thể lệ kế hoạch hóa tín dụng ngắn hạn của Ngân hàng Nhà nước.
32. Thể lệ tạm thời về cho vay cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới hợp lý hóa sản xuất này được ban hành theo Quyết định số 54-QĐ ngày 2 tháng 2 năm 1966 của ông Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
33. Thể lệ này thay thế tất cả những quy định về cho vay cải tiến kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất đối với các xí nghiệp thuộc khu vực kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh trong các văn bản đã ban hành trước đây.
(1) Các mẫu phụ lục số 1 ,2 , 3 , 4 ,5 không đăng công báo | Q. TỔNG GIÁM ĐỐC |
Để gọn hơn ,từ này đến cuối bản thể lệ ,sẽ ghi tắt:
1 “xí nghiệp ,tổ chức kinh tế quốc doanh trung ương ,địa phương và công ty hợp doanh thuộc các ngành ,công nghiệp ,nông nghiệp,lâm nghiệp ,thủy sản ,vận tải ,thương nghiệp v.v…” là “xí nghiệp”.
[2] “ Cải tiến kỹ thuật ,áp dụng kỹ thuật mới và hợp lý hóa sản xuất “ là “cải tiến kỹ thuật”