Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 547/1998/QÐ-TCBÐ

Hà Nội, ngày 03 tháng 09 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VIỆC KẾT NỐI CÁC MẠNG VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ÐIỆN

Căn cứ Nghị định 12/CP ngày 11/3/1996 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện;
Căn cứ Nghị định 109/1997/NÐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về Bưu chính và Viễn thông;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Chính sách Bưu điện,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định tạm thời việc kết nối các mạng viễn thông công cộng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Tổng cục, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC BƯU ÐIỆN




Mai Liêm Trực

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VIỆC KẾT NỐI CÁC MẠNG VIỄN THÔNG CÔNG CỘNG CỦA CÁC DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 547 /1998/QÐ-TCBÐ ngày 03 tháng 09 năm 1998 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện)

MỞ ĐẦU

Ðể các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có cơ sở đàm phán với nhau nhằm đạt được việc kết nối các mạng viễn thông công cộng một cách bình đẳng, hợp lý và có hiệu quả, trên cơ sở Nghị định số 109/1997/NÐ-CP ngày 12/11/1997 của Chính phủ về bưu chính và viễn thông và các khuyến nghị của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Tổng cục Bưu điện ban hành bản Quy định tạm thời này.

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Bản Quy định này xác định những nguyên tắc cơ bản cho việc thực hiện kết nối các mạng viễn thông công cộng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam.

 Quy định này không áp dụng cho việc kết nối các mạng viễn thông chuyên dùng và các hệ thống thiết bị đầu cuối vào mạng viễn thông công cộng.

Điều 2: Ðối tượng điều chỉnh

Các đối tượng liên quan tới hoạt động kết nối nêu trong bản Quy định này bao gồm:

Cơ quan quản lý Nhà nước về bưu chính và viễn thông

Tổng cục Bưu điện là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bưu chính và viễn thông trong phạm vi cả nước, sau đây gọi là cơ quan quản lý.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông là doanh nghiệp Nhà nước hoặc công ty cổ phần mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối hoặc cổ phần đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập để cung cấp dịch vụ viễn thông, sau đây gọi là doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông được phân thành: doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp mới.

Doanh nghiệp đang hoạt động là doanh nghiệp đã có mạng viễn thông công cộng và đang hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông.

Doanh nghiệp mới là doanh nghiệp mới được cấp giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng.

Khách hàng là tổ chức hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp.

Điều 3: Các thuật ngữ

Các thuật ngữ dùng trong bản Quy định này được hiểu như sau:

Kết nối là việc thực hiện các thỏa thuận thương mại và kỹ thuật để kết nối mạng của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, qua đó người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp này có thể truy nhập tới người sử dụng và dịch vụ của doanh nghiệp kia và ngược lại.

Tổng đài đường dài (Toll) là thiết bị chuyển mạch công cộng dùng để chuyển mạch và kết nối cuộc gọi giữa các tỉnh, thành phố, cuộc gọi với mạng quốc tế hoặc với mạng dịch vụ qua các trung kế đường dài liên tỉnh và là điểm tính cước đường dài liên tỉnh và quốc tế của mạng viễn thông.

Tổng đài tandem nội hạt (Local Tandem) là thiết bị chuyển mạch công cộng dùng để chuyển mạch và kết nối cuộc gọi giữa các khu vực trong nội hạt qua các trung kế nội hạt.

Tổng đài kết nối có thể là một trong các loại tổng đài trên có chức năng định tuyến, giám sát, hỗ trợ và truyền tải lưu lượng qua điểm kết nối tới tổng đài kết nối tương ứng trên mạng của doanh nghiệp khác.

Hệ thống đường trục viễn thông quốc gia là một phần của mạng viễn thông công cộng, bao gồm các hệ thống truyền dẫn, chuyển mạch dùng để xử lý và truyền tải lưu lượng viễn thông liên tỉnh và quốc tế đến và đi từ mạng nội tỉnh, nội hạt, di động và các mạng dịch vụ khác.

Tài nguyên viễn thông quốc gia bao gồm phổ tần số vô tuyến điện và kho số quốc gia.

Nghĩa vụ công ích là nghĩa vụ bảo đảm cho mọi người dân trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng dịch vụ điện thoại hoặc một số dịch vụ viễn thông cơ bản theo giá cước hoặc khung giá cước quy định của Nhà nước.

Ðiểm kết nối là điểm nằm trên tuyến kết nối hai tổng đài kết nối, phân định ranh giới trách nhiệm về kinh tế và kĩ thuật giữa hai mạng viễn thông của hai doanh nghiệp.

Giao diện kết nối là tập hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật được chuẩn hóa tại điểm kết nối. 

Cước kết nối là số tiền mà doanh nghiệp có yêu cầu chuyển tiếp hoặc kết cuối cuộc gọi phải trả cho doanh nghiệp thực hiện việc chuyển tiếp hoặc kết cuối cuộc gọi đó. Cước kết nối được tính theo lưu lượng chuyển qua điểm kết nối.

Điều 4: Nguyên tắc quản lý

Trên cơ sở những điều khoản của bản Quy định này, các doanh nghiệp tiến hành đàm phán nhằm đạt thỏa thuận kết nối và trình Tổng cục Bưu điện phê chuẩn. Trong trường hợp các bên tham gia đàm phán không đạt được thỏa thuận, Tổng cục Bưu điện sẽ xem xét và quyết định.

Chương 2:

NGUYÊN TẮC KẾT NỐI

Điều 5: Nguyên tắc bảo đảm quyền được kết nối của các doanh nghiệp

Tất cả các doanh nghiệp đều có quyền kết nối vào mạng viễn thông của các doanh nghiệp khác trong những điều kiện công bằng và hợp lý.

Điều 6: Nguyên tắc bảo đảm sử dụng có hiệu quả hệ thống đường trục viễn thông quốc gia và các tài nguyên viễn thông

Việc kết nối các mạng viễn thông công cộng phải được thực hiện sao cho hệ thống đường trục viễn thông quốc gia cũng như các nguồn tài nguyên viễn thông quốc gia được sử dụng một cách có hiệu quả về kinh tế và kỹ thuật.

Điều 7: Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của khách hàng

Việc kết nối phải bảo đảm được những quyền lợi sau đây của khách hàng:

1. Ðược lựa chọn doanh nghiệp để sử dụng dịch vụ do mạng của doanh nghiệp đó cung cấp;

2. Ðược liên lạc với bất kỳ khách hàng nào, không phụ thuộc vào việc khách hàng đó thuộc mạng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông nào;

3. Ðược cung cấp các dịch vụ với chất lượng tốt và giá cả hợp lý;

4. Ðược bảo đảm bí mật nội dung thông tin;

5. Thuận tiện, chính xác trong việc thanh toán cước phí.

Điều 8: Nguyên tắc bảo đảm chức năng thực hiện nghĩa vụ công ích

Việc kết nối phải bảo đảm cho các doanh nghiệp thực hiện tốt chức năng nghĩa vụ công ích của mình.

Điều 9: Nguyên tắc bảo đảm những yêu cầu kỹ thuật kết nối

Việc kết nối phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật sau đây:

1. Các tiêu chuẩn kĩ thuật về mạng lưới và thiết bị do Tổng cục Bưu điện ban hành và các khuyến nghị của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đã được Tổng cục Bưu điện quyết định áp dụng;

2. Các tiêu chuẩn chất lượng kết nối do doanh nghiệp này cung cấp cho doanh nghiệp khác theo quy định của Tổng cục Bưu điện;

3. Phương pháp kết nối các mạng phải độc lập với các đặc tính bên trong của mỗi mạng (công nghệ chuyển mạch, truyền dẫn v.v) và sự hoạt động của mạng của doanh nghiệp này không gây ảnh hưởng tới hoạt động của mạng của doanh nghiệp khác;

4. Bảo đảm các hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn được triển khai đúng thời hạn và có dung lượng đủ truyền tải lưu lượng cần thiết theo thỏa thuận kết nối giữa các doanh nghiệp;

5. Bảo đảm sự toàn vẹn và an toàn của mạng lưới viễn thông công cộng;

6. Tuân thủ những quy định về kế hoạch đánh số quốc gia (Quyết định số 585/QÐ-CSBÐ ngày 11/5/1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về kế hoạch đánh số dùng trong mạng điện thoại công cộng Việt Nam) và quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện (Quyết định số 85/1998/QÐ-TTg ngày 16/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ).

Điều 10: Nguyên tắc xây dựng cước kết nối

Cước kết nối được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc sau:

1. Tuân thủ các quy định về cơ chế quản lý giá, cước viễn thông của Nhà nước (Quyết định số 99/1998/QÐ-TTg ngày 26/5/1998 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý giá và cước bưu chính, viễn thông);

2. Ðược xây dựng trên cơ sở chi phí của các doanh nghiệp khi tham gia kết nối;

3. Bảo đảm bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi giữa các doanh nghiệp tham gia kết nối;

4. Có sự điều tiết giữa các dịch vụ, giữa các doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nghĩa vụ công ích.

Chương 3:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục I. ĐIỂM KẾT NỐI

Điều 11: Vị trí của điểm kết nối trong cấu trúc mạng

Vị trí điểm kết nối trong cấu trúc mạng là cổng trung kế (trunk side) của các tổng đài kết nối.

Điều 12: Vị trí địa lý của điểm kết nối

Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc nội hạt là các tổng đài tandem nội hạt của doanh nghiệp đang hoạt động.

Vị trí địa lý của điểm kết nối cho liên lạc đường dài trong nước, quốc tế và di động là các tổng đài đường dài của doanh nghiệp đang hoạt động.

Điều 13: Số lượng điểm kết nối

Số lượng điểm kết nối do các doanh nghiệp tự thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc sử dụng có hiệu quả tài nguyên viễn thông và hệ thống đường trục viễn thông quốc gia.

Điều 14: Sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối

Các doanh nghiệp tham gia kết nối áp dụng nguyên tắc sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối ở tất cả những nơi thực tế cho phép nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng mặt bằng của doanh nghiệp đang hoạt động, đồng thời giảm chi phí và sự bất tiện cho tất cả các bên.

Có hai phương pháp sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối là sử dụng chung vị trí thực và sử dụng chung vị trí ảo. Phương pháp sử dụng chung vị trí ảo chỉ được áp dụng khi phương pháp sử dụng chung vị trí thực không thể áp dụng được do doanh nghiệp đang hoạt động không bố trí được mặt bằng và các điều kiện kĩ thuật cần thiết khác.

Trong trường hợp sử dụng chung vị trí thực, doanh nghiệp mới chịu trách nhiệm toàn bộ việc mua sắm, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng đường truyền dẫn dùng cho kết nối, còn doanh nghiệp đang hoạt động bố trí mặt bằng lắp đặt thiết bị kết nối và các điều kiện cần thiết khác đi kèm như nguồn điện, điều hòa, v.v. cho doanh nghiệp mới trong địa điểm tổng đài kết nối của mình. Với trường hợp này vị trí điểm kết nối sẽ là giá phối dây trung kế (DDF) của tổng đài kết nối của doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong trường hợp sử dụng chung vị trí ảo, các doanh nghiệp thỏa thuận xác định loại thiết bị truyền dẫn dùng cho kết nối và trên cơ sở này, mỗi bên tự chịu chi phí mua sắm, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng thiết bị dùng cho kết nối ở phía tổng đài kết nối của mình. Với trường hợp này, vị trí điểm kết nối sẽ là một điểm nằm trên đường truyền dẫn do các doanh nghiệp tự thỏa thuận xác định. Sau khi đã xác định được vị trí điểm kết nối, các doanh nghiệp sẽ thoả thuận phân chia chi phí xây dựng đường truyền dẫn này (nếu có).

Điều 15: Sử dụng chung cơ sở hạ tầng

Cơ sở hạ tầng, bao gồm đất đai, nhà cửa, ống cáp, bể cáp, cột trụ anten, thiết bị trong nhà và các phương tiện khác, phải được các doanh nghiệp sử dụng chung một cách tiết kiệm và có hiệu quả.

Điều 16: Chi phí sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng

Chi phí cho việc sử dụng chung vị trí cho điểm kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng do các doanh nghiệp tự thoả thuận và được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế.

Chi phí sử chung vị trí cho điểm kết nối và cơ sở hạ tầng bao gồm:

- Chi phí thuê vị trí lắp đặt thiết bị phục vụ kết nối;

- Chi phí khác liên quan đến hoạt động của thiết bị phục vụ kết nối;

- Chi phí nhân công vận hành và bảo dưỡng các thiết bị phục vụ kết nối (nếu có);

- Chi phí thuê các cơ sở hạ tầng khác (nếu có).

Mục II. THUÊ KÊNH VIỄN THÔNG

Điều 17: Thuê kênh viễn thông nội tỉnh, nội hạt

Các doanh nghiệp mới được quyền thuê kênh viễn thông nội tỉnh, nội hạt của doanh nghiệp đang hoạt động để kết nối các hệ thống chuyển mạch trong mạng viễn thông của mình và kết nối với mạng của doanh nghiệp đang hoạt động trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Ðơn vị kênh thuê cơ bản là 64kb/s và 2Mb/s. Các doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận các đơn vị thuê kênh khác nếu có nhu cầu.

Điều 18: Thuê kênh viễn thông đường dài liên tỉnh

Các doanh nghiệp mới được quyền thuê kênh viễn thông đường dài liên tỉnh trên hệ thống đường trục viễn thông quốc gia để kết nối mạng của mình. Việc kinh doanh dịch vụ viễn thông đường dài liên tỉnh trên cơ sở kênh thuê chỉ được thực hiện khi có giấy phép. Ðơn vị thuê kênh cơ bản là 2Mb/s. Các doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận các đơn vị thuê kênh khác nếu có nhu cầu.

Mục III. CÁC CHỈ TIÊU KỸ THUẬT

Điều 19: Hệ thống báo hiệu

Tại các điểm kết nối quy định tại Điều 12 của bản Quy định này, hệ thống báo hiệu phải dựa trên Tiêu chuẩn hệ thống báo hiệu số 7 (SS7) do Tổng cục Bưu điện ban hành. Trong trường hợp không sử dụng được tiêu chuẩn hệ thống báo hiệu số 7 thì sử dụng tiêu chuẩn hệ thống báo hiệu R2 do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Điều 20: Giao diện kết nối

Giao diện kết nối giữa các mạng phải tuân theo Tiêu chuẩn giao diện kết nối mạng do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Nếu muốn thực hiện kết nối ở tiêu chuẩn giao diện khác thì doanh nghiệp mới phải thỏa thuận với doanh nghiệp đang hoạt động.

Điều 21: Ðồng bộ

Mạng của doanh nghiệp mới có thể:

- Lấy tín hiệu đồng bộ trực tiếp từ đồng hồ chuẩn của doanh nghiệp đang hoạt động để đồng bộ cho mạng của mình; hoặc

- Ðồng bộ theo đồng hồ được cung cấp qua các thiết bị viễn thông của doanh nghiệp đang hoạt động tại điểm kết nối theo nguyên tắc phân cấp chủ - tớ.

Chất lượng đồng hồ phải tuân thủ Tiêu chuẩn chất lượng đồng hồ trong mạng đồng bộ do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Điều 22: Chất lượng kết nối

Chất lượng kết nối phải tuân thủ Tiêu chuẩn chất lượng mạng viễn thông do Tổng cục Bưu điện ban hành. Mục 4 quản lý cước kết nối, đối soát số liệu và thanh toán

Điều 23: Cước kết nối

Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về cước kết nối do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Điều 24: Cước thuê kênh

Các doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về cước thuê kênh do Tổng cục Bưu điện ban hành.

Điều 25: Ðối soát số liệu và thanh toán cước kết nối

Các doanh nghiệp thực hiện đối soát số liệu hàng tháng và thanh toán cước kết nối hàng quí. Các doanh nghiệp có thể tự thỏa thuận các thời hạn khác cho việc đối soát số liệu và thanh toán cước kết nối.

Chương 4:

THỦ TỤC KẾT NỐI

Mục I. THỦ TỤC BAN ĐẦU

Điều 26: Gửi đơn yêu cầu

Doanh nghiệp muốn kết nối mạng của mình vào mạng của doanh nghiệp khác phải gửi yêu cầu tới doanh nghiệp đó và đồng gửi cơ quan quản lý.

Điều 27: Yêu cầu đàm phán

Việc đàm phán giữa các bên chỉ bắt đầu khi có những điều kiện sau:

1. Thỏa thuận giữa các bên về thời điểm bắt đầu đàm phán, nhưng không được quá 45 ngày kể từ ngày doanh nghiệp đang hoạt động nhận được đề nghị đàm phán;

2. Doanh nghiệp yêu cầu kết nối phải cung cấp cho doanh nghiệp cung cấp kết nối và đồng gửi cơ quan quản lý những thông tin cần thiết sau đây:

- Cấu hình thiết bị kết nối;

- Ðiểm kết nối đề nghị;

- Các giao diện kết nối;

- Dung lượng yêu cầu;

- Dự báo dung lượng yêu cầu cho 12 tháng tiếp theo;

- Yêu cầu về định tuyến;

- Tiêu chuẩn báo hiệu và phương thức đồng bộ;

- Kế hoạch thực hiện.

Điều 28: Cung cấp thông tin phục vụ kết nối cho doanh nghiệp mới

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bằng văn bản, doanh nghiệp đang hoạt động phải cung cấp cho doanh nghiệp mới tất cả những thông tin cần thiết cho việc kết nối được yêu cầu và thông báo cho cơ quan quản lý biết.

Điều 29: Ðáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp mới

Căn cứ vào số liệu dự báo được cung cấp, doanh nghiệp đang hoạt động phải xem xét khả năng đáp ứng của mạng lưới của mình. Nếu không đáp ứng được ngay các yêu cầu về dung lượng và lưu lượng thì phải có kế hoạch tăng cường để đáp ứng.

Doanh nghiệp đang hoạt động phải thông báo cho doanh nghiệp mới về kế hoạch thay đổi mạng lưới mà việc thay đổi đó có thể ảnh hưởng đến hoạt động tại điểm kết nối. Thông báo phải được gửi trước ít nhất 6 tháng trước khi thực hiện thay đổi.

Mục II. THỜI HẠN ĐÀM PHÁN

Điều 30: Thời hạn đàm phán tối đa

Các doanh nghiệp cần phải đạt được thỏa thuận kết nối trong vòng 45 ngày kể từ lúc bắt đầu đàm phán (dưới đây gọi là thời hạn đàm phán).

Điều 31: Trường hợp không đạt được thỏa thuận

Trường hợp không đạt được thỏa thuận trong thời hạn đàm phán, các doanh nghiệp có quyền gửi văn bản tới cơ quan quản lý đề nghị gia hạn thời hạn đàm phán hoặc văn bản đề nghị cơ quan quản lý quyết định. Văn bản đề nghị phải nêu rõ những vấn đề còn tồn tại chưa thống nhất được, quan điểm của mỗi bên về các vấn đề đó và những vấn đề đã được giải quyết.

Trước khi đi tới quyết định, cơ quan quản lý tham khảo ý kiến các bên để quyết định nhằm đạt thỏa thuận hoặc tăng thời hạn đàm phán.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý phải thông báo chính thức cho các bên về quyết định của mình.

Mục III. THỎA THUẬN KẾT NỐI

Điều 32: Yêu cầu đối với thỏa thuận kết nối

Thỏa thuận kết nối giữa hai doanh nghiệp phải:

1. Tuân thủ các nguyên tắc kết nối nêu ở Chương II của bản Quy định này;

2. Bảo đảm chất lượng dịch vụ, kể cả dịch vụ trợ giúp, hướng dẫn; bảo đảm chuyển tiếp các cuộc gọi tới các số máy dịch vụ khẩn cấp được quy định;

3. Bảo đảm tính công bằng, hợp lý trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mới sớm đi vào hoạt động và doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện tốt nghĩa vụ công ích;

4. Bảo đảm an ninh quốc gia và sự toàn vẹn của mạng lưới.

Điều 33: Nội dung thỏa thuận

Các doanh nghiệp tự thỏa thuận những điểm cần thiết về kỹ thuật, kinh tế và thủ tục hành chính theo các điều khoản của bản Quy định này nhằm bảo đảm thực hiện kết nối, thanh toán và cung cấp dịch vụ công cộng.

Nội dung thỏa thuận bao gồm những điểm sau:

- Phạm vi và định nghĩa các dịch vụ;

- Những yêu cầu, nguyên tắc kết nối và điểm kết nối;

- Việc cung cấp thông tin;

- Các thủ tục cung cấp kết nối;

- Những yêu cầu về dung lượng mạng lưới và truyền dẫn;

- Cam kết mức độ dịch vụ kỹ thuật;

- Các đặc điểm và tiêu chuẩn kỹ thuật;

- Tiêu chuẩn và chỉ tiêu truyền dẫn;

- Thủ tục phân giải và thông báo lỗi;

- Trách nhiệm vận hành, bảo dưỡng điểm kết nối;

- Ðo, bảo dưỡng và quản lý mạng lưới;

- Các vấn đề an toàn, bảo vệ mạng lưới;

- Thủ tục vận hành và xử lý cuộc gọi;

- Việc truy nhập vào phương tiện kết nối và sử dụng chung cơ sở hạ tầng;

- Thủ tục tính chi phí, cước và thanh toán;

- Truyền thông tin phân biệt đường dây gọi;

- Các dịch vụ trợ giúp vận hành, thông tin hướng dẫn và hỗ trợ;

- Thời hạn và điều kiện thương mại;

- Ðánh số mạng lưới;

- Bí mật thông tin;

- Trách nhiệm pháp lý và việc bồi thường;

- Tình huống bất khả kháng;

- Vấn đề sở hữu trí tuệ;

- Thời hạn xem xét lại thỏa thuận;

- Trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc xử lý khiếu nại của khách hàng;

- Thời gian thực hiện kết nối:

Trường hợp hai bên không thống nhất được thời gian thực hiện kết nối thì việc kết nối không được chậm hơn 60 ngày kể từ ngày thỏa thuận kết nối được cơ quan quản lý phê chuẩn. Tại những nơi mà hệ thống chuyển mạch, truyền dẫn của doanh nghiệp đang hoạt động không thể đáp ứng ngay được yêu cầu về lưu lượng và dung lượng của doanh nghiệp mới thì thời hạn thực hiện kết nối tối đa là 180 ngày.

Điều 34: Nghĩa vụ tuân thủ thỏa thuận

Các bên doanh nghiệp có nghĩa vụ tuân thủ các điều khoản quy định trong bản thỏa thuận và các quyết định cụ thể của cơ quan quản lý về những vấn đề mà các bên không đạt được thỏa thuận (nếu có). Mục 4 phê chuẩn thỏa thuận kết nối

Điều 35: Trình thỏa thuận kết nối

Thỏa thuận kết nối được lập thành văn bản, đại diện hợp pháp của các bên doanh nghiệp tham gia thỏa thuận phải cùng ký vào văn bản này. Sau khi ký thỏa thuận kết nối, doanh nghiệp yêu cầu kết nối trình văn bản thỏa thuận kết nối tới cơ quan quản lý để xin phê chuẩn.

Điều 36: Phê chuẩn thỏa thuận kết nối

Cơ quan quản lý sẽ xem xét trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản thỏa thuận kết nối để phê chuẩn.

Cơ quan quản lý không phê chuẩn thỏa thuận kết nối trong các trường hợp sau:

1. Thỏa thuận kết nối có điều khoản vi phạm quyền lợi của doanh nghiệp không tham gia thỏa thuận;

2. Thỏa thuận kết nối vi phạm các điều khoản của bản Quy định này.

Trường hợp không phê chuẩn, cơ quan quản lý sẽ trả lời bằng văn bản về những nội dung không được phê chuẩn và yêu cầu các bên doanh nghiệp đàm phán lại những nội dung đó. Thời gian đàm phán lại không quá 30 ngày.

Điều 37: Hiệu lực của thỏa thuận kết nối

Thỏa thuận kết nối giữa các doanh nghiệp chỉ có hiệu lực pháp lý để thực hiện sau khi được cơ quan quản lý phê chuẩn

Chương 5:

KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 38: Quyền khiếu nại tới cơ quan quản lý

Các doanh nghiệp có quyền khiếu nại tới cơ quan quản lý về việc các bên không thực hiện các điều khoản trong Quy định này.

Điều 39: Giải quyết khiếu nại

Các khiếu nại có liên quan đến thỏa thuận kết nối đã được cơ quan quản lý phê chuẩn được giải quyết theo các quy định của pháp luật về khiếu nại và các điều khoản của bản Quy định này.

Điều 40: Giải quyết tranh chấp

Các tranh chấp về hợp đồng kinh tế giữa các bên doanh nghiệp được giải quyết theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

Điều 41: Xử lý vi phạm

Mọi vi phạm liên quan đến hoạt động kết nối được xử lý theo quy định tại Nghị định 79/CP ngày 19/6/1997 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 42: Thời điểm có hiệu lực

Bản Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Tổng cục Bưu điện để xem xét, bổ sung và sửa đổi.