Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 549/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN 5 NĂM 2011 - 2015 CỦA TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011 - 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam với những nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở sử dụng tối ưu nguồn lực sẵn có, tập trung vào các lĩnh vực chủ yếu sau: Công nghiệp than, công nghiệp khoáng sản, công nghiệp điện, công nghiệp cơ khí, công nghiệp hóa chất và công nghiệp vật liệu xây dựng.

Phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tốc độ tăng trưởng tổng doanh thu bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6 - 7%/năm, với cơ cấu phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Về công nghiệp than

a) Về thăm dò than

- Bể than Đông Bắc: Phấn đấu đến cuối năm 2015 thăm dò xong phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300 m và một số khu vực dưới mức -300 m đảm bảo đủ tài nguyên và trữ lượng than huy động vào khai thác trong giai đoạn đến năm 2020.

- Bể than đồng bằng sông Hồng: Lựa chọn một số diện tích chứa than có triển vọng, điều kiện địa chất mỏ đặc trưng, hạn chế thấp nhất việc ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và ô nhiễm môi trường để thăm dò thực hiện đầu tư khai thác thử nghiệm.

b) Về khai thác than

Đảm bảo khai thác than nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng than trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phấn đấu đến năm 2015 sản lượng than thương phẩm đạt 55 triệu tấn.

2. Về công nghiệp khoáng sản

- Đối với khoáng sản khai thác trong nước: Phấn đấu đến năm 2015, sản lượng một số loại khoáng sản chủ yếu như sau:

+ Sản lượng tinh quặng đồng: 80 ngàn tấn/năm;

+ Sản lượng cromit: 150 ngàn tấn/năm;

+ Sản lượng quặng sắt: 800 ngàn tấn/năm;

+ Sản lượng phôi thép: 400 ngàn tấn/năm;

+ Sản lượng alumin: 1.100 - 1.300 ngàn tấn/năm.

- Đối với các dự án khoáng sản đầu tư tại nước ngoài: Triển khai các dự án khai thác và chế biến quặng sắt, luyện cán thép, khai thác và chế biến muối mỏ tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

3. Về công nghiệp điện

Phấn đấu đến năm 2015 đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than với tổng công suất lắp đặt trên 1.850 MW, chiếm 4 - 5% tổng sản lượng điện toàn quốc.

4. Về công nghiệp cơ khí

Nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy cơ khí trong Tập đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu sửa chữa, chế tạo và cung cấp thiết bị, phụ tùng phục vụ cho sản xuất và từng bước vươn ra thị trường ngoài ngành đảm bảo kinh doanh có hiệu quả.

5. Về công nghiệp hóa chất

Sản xuất, cung ứng thuốc nổ công nghiệp và dịch vụ khoan nổ mìn đáp ứng nhu cầu cho sản xuất than - khoáng sản, đồng thời cung cấp cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước; sản xuất nitratamon và các sản phẩm hóa chất khác; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường để tiến tới xuất khẩu.

6. Về công nghiệp vật liệu xây dựng

Phát huy công suất các nhà máy xi măng theo quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư sản xuất gạch đạt 100 triệu viên/năm.

III. CÁC CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH CHỦ YẾU

Các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu phấn đấu đạt được vào năm 2015 như sau:

1. Sản phẩm chủ yếu:

- Than thương phẩm sản xuất: 55,0 triệu tấn.

- Khoáng sản: Sản lượng kẽm thỏi 20.000 tấn; sản lượng tinh quặng đồng 80.000 tấn; sản lượng Fero Crom 20.000 tấn; sản lượng Aluminna 1,2 triệu tấn.

- Sản xuất điện: 10.556 triệu KWh.

2. Tổng doanh thu: 126.500 tỷ đồng.

3. Lợi nhuận: 9.000 tỷ đồng.

4. Vốn chủ sở hữu: 35.000 tỷ đồng.

5. Tổng kim ngạch xuất khẩu: 801 triệu USD.

6. Tổng kim ngạch nhập khẩu: 877 triệu USD.

7. Tổng vốn đầu tư 5 năm 2011 - 2015: 182.748 tỷ đồng.

Danh mục các chỉ tiêu, kế hoạch đầu tư như Phụ lục I, II, III, IV, V, VI, VII kèm theo quyết định này.

IV. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÁC LĨNH VỰC

1. Về công nghiệp than

a) Về thăm dò than

- Bể than Đông Bắc: Thực hiện xong các đề án thăm dò phần tài nguyên và trữ lượng than thuộc tầng trên mức -300 m, trong đó có các khu mỏ mới như nếp lõm Bảo Đài, Đông Triều - Phả Lại, Đông Tràng Bạch, vịnh Cuốc Bê, Đông Quảng Lợi và một số khu vực dưới mới -300 m phục vụ triển khai các dự án khai thác trong giai đoạn đến năm 2020.

- Bể than đồng bằng Sông Hồng: Thăm dò xong một phần tài nguyên và trữ lượng than ở các khu vực có điều kiện địa chất - mỏ tương đối thuận lợi để triển khai một số dự án khai thác thử nghiệm.

- Các mỏ than nội địa: Thực hiện các đề án thăm dò tài nguyên và trữ lượng của 6 mỏ than: Na Dương, Núi Hồng, Khánh Hòa, Làng Cầm, Khe Bố, Nông Sơn.

b) Về khai thác than

- Bể than Đông Bắc: Đầu tư cải tạo và cải tạo mở rộng, đổi mới công nghệ nâng công suất 61 dự án mỏ hiện có; đầu tư xây dựng mới 28 dự án mỏ có công suất đến 2,0 triệu tấn/năm (Cảm Phả: 10 dự án mỏ; Hòn Gai: 02 dự án mỏ; Uông Bí: 16 dự án mỏ).

- Các mỏ than nội địa: Đầu tư cải tạo và mở rộng các dự án mỏ lộ thiên hiện có theo hướng đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến, đồng bộ để tăng sản lượng khai thác; đầu tư xây dựng mới dự án mỏ hầm lò để khai thác phần than phía dưới mỏ lộ thiên Khánh Hòa (Thái Nguyên).

2. Về công nghiệp khoáng sản

- Đầu tư duy trì dự án Tổ hợp đồng Sin Quyển hiện có và đầu tư xây dựng mới dự án đồng Tả Phời để nâng tổng công suất tinh quặng đồng lên 80.000 tấn/năm vào năm 2013.

- Đầu tư cải tạo và mở rộng nâng công suất dự án nhà máy Cromit Cổ Định Thanh Hóa lên 150 ngàn tấn tinh quặng vào năm 2015.

- Đầu tư cải tạo và mở rộng nâng công suất dự án mỏ sắt Nà Lũng, dự án mỏ sắt Nà Rụa và dự án khu liên hợp gang thép Cao Bằng để đạt tổng công suất quặng là 800 ngàn tấn/năm vào năm 2013, tổng công suất phôi thép là 400 ngàn tấn/năm vào năm 2014.

- Đầu tư xây dựng mới dự án nhà máy sản xuất aluminna Nhân Cơ và Tân Rai với tổng công suất đến 1,3 triệu tấn aluminna/năm vào năm 2015.

- Đối với các dự án khoáng sản đầu tư tại nước ngoài: Đầu tư xây dựng mới các dự án: Dự án khai thác và chế biến quặng sắt mỏ Phu Nhoun, bản Nato, huyện Khoun, tỉnh Xiêng Khoảng, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với công suất khai thác và tuyển 540 ngàn tấn/năm, công suất luyện cán thép 220 ngàn tấn/năm; dự án khai thác và chế biến muối mỏ tại khu vực bản Đông Doc Mai, huyện Chăm Phon, tỉnh Savanakhet, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với công suất khai thác 1 triệu tấn/năm và chế biến sâu thành các sản phẩm hóa chất.

3. Về công nghiệp điện

- Vận hành an toàn, hiệu quả các nhà máy nhiệt điện than hiện có.

- Đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện than gồm: Nhiệt điện Cẩm Phả II công suất 330 MW, nhiệt điện Cẩm Phả III công suất 270 MW, nhiệt điện Mạo Khê công suất 440 MW, nhiệt điện Đồng Nai 5 công suất 150 MW, nhiệt điện Lý Sơn công suất 6 MW, nhiệt điện Phú Quốc công suất 200 MW.

- Tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập (Nghệ An); nhà máy nhiệt điện Hải Phòng III đảm bảo đưa vào vận hành an toàn, đúng tiến độ.

- Tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án nhiệt điện than trên cơ sở Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Đầu tư hoặc mua các mỏ than ở nước ngoài nhằm đảm bảo nguồn than cung cấp ổn định, lâu dài cho các nhà máy điện.

4. Về công nghiệp cơ khí

Nâng cao năng lực sản xuất của các nhà máy cơ khí trong Tập đoàn, tiếp tục tham gia chế tạo các thiết bị đồng bộ và phi tiêu chuẩn phục vụ một số dự án nhiệt điện than, nhà máy tuyển than, quặng và phục vụ thi công các hệ thống băng tải; phát triển ngành cơ khí đóng tàu, sản xuất, lắp ráp xe ô tô KAMAZ, SCANIA, máy xúc, các thiết bị hầm lò (giá chống, dàn chống thủy lực…); tập trung sản xuất nhằm gia tăng sản lượng máy biến áp 110 kV do Tập đoàn chế tạo, nghiên cứu chế tạo máy biến áp 220 kV.

5. Về công nghiệp hóa chất

- Dưa vào vận hành nhà máy sản xuất nitratamon tại tỉnh Thái Bình và các nhà máy sản xuất sản phẩm hóa chất khác.

- Nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đảm bảo cung ứng thuốc nổ công nghiệp và dịch vụ khoan nổ mìn cho nhu cầu sản xuất của Tập đoàn ngoài ra còn cung cấp một phần quan trọng cho nhu cầu khác phục vụ phát triển của đất nước và tiến tới xuất khẩu.

6. Về công nghiệp vật liệu xây dựng

- Vận hành an toàn và duy trì công suất các nhà máy xi măng hiện có.

- Đưa vào vận hành nhà máy xi măng Quán Triều; nhà máy xi măng Tân Quang; nhà máy xi măng La Hiên mở rộng.

- Đưa nhà máy sản xuất gạch tại Tiền Giang và Trà Vinh đi vào hoạt động với công suất 100 triệu viên/năm.

V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về quản lý tổ chức

- Nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh bằng việc xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp về: Quản lý, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ; mở rộng hợp tác, liên doanh liên kết trong nước, hội nhập khu vực và quốc tế.

- Đẩy nhanh quá trình đổi mới, tái cấu trúc các đơn vị thành viên.

- Xây dựng và trình Chính phủ các cơ chế thu hút đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính của Tập đoàn.

2. Giải pháp về đầu tư

- Đẩy mạnh đầu tư công tác thăm dò để chuẩn bị đủ tài nguyên và trữ lượng than tin cậy huy động vào khai thác theo kế hoạch.

- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính thông qua việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát huy tối đa mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước; hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ mới tiên tiến, chế tạo thiết bị, xây dựng mỏ, bảo vệ môi trường…

- Đẩy mạnh đầu tư, tăng cường hợp tác - liên kết, đa dạng hóa phương thức đào tạo để chủ động chuẩn bị nguồn nhân lực và đảm bảo nguồn nhân lực cho Tập đoàn phát triển.

3. Giải pháp về khoa học, công nghệ

- Áp dụng các phương pháp tiên tiến trong lĩnh vực quản trị tài nguyên; thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên; tăng cường kiểm soát nguồn tài nguyên từ khâu khai thác, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tiếp nhận chuyển giao công nghệ trong sản xuất nhằm tiếp thu, làm chủ công nghệ và từng bước nội địa hóa thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.

- Các công trình phục vụ sản xuất được đầu tư xây dựng mới phải có công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam; từng bước nâng cao, cải tạo công trình hiện có để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh tế và môi trường.

- Nghiên cứu, triển khai các công nghệ chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau trong nước.

4. Giải pháp về thị trường

- Làm tốt công tác thông tin và dự báo thị trường.

- Hình thành khâu sản xuất - cung cấp - tiêu thụ nhằm tạo mối liên hệ chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra.

5. Giải pháp về an toàn và môi trường

- Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường; thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống quản lý công tác an toàn - sức khỏe - môi trường trong toàn Tập đoàn; thực hiện kiểm tra giám sát theo quy định; không ngừng cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

- Thực hiện chế độ kiểm tra, bảo dưỡng các công trình, dịch vụ liên quan, bảo đảm độ tin cậy của các thiết bị công trình; kiểm soát chặt chẽ an toàn hóa chất, các chất thải, đặc biệt là những hóa chất có mức độ độc hại cao ở các cơ sở sản xuất và dịch vụ.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn lao động; hiện đại hóa công nghệ, trang thiết bị và nhân lực cho công tác đảm bảo an toàn lao động theo hướng chuyên nghiệp; đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị an toàn tiên tiến; trang bị đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu cá nhân cho công nhân trực tiếp sản xuất theo quy định về an toàn.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút vốn đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích thu hút hỗ trợ tài chính từ nước ngoài để bảo vệ môi trường.

- Xây dựng các quy chế tài chính về môi trường trong các lĩnh vực sản xuất; tính đúng, tính đủ chi phí môi trường trong đầu tư, giá thành.

6. Giải pháp về tài chính và thu xếp vốn

- Từng bước tăng khả năng huy động tài chính nội bộ trong các đơn vị của Tập đoàn thông qua các giải pháp: Nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động của các đơn vị trong Tập đoàn, bảo đảm có tích lũy, đảm bảo vốn tự có cho đầu tư phát triển theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế; tiến tới nguồn huy động vốn chính để phát triển là vốn tự tích lũy của Tập đoàn.

- Phát triển Tập đoàn theo hướng đảm bảo có tín nhiệm tài chính cao để giảm chi phí huy động vốn cho các dự án, tự huy động vốn không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ.

- Đa dạng hóa việc huy động vốn đầu tư theo hình thức: Thuê mua tài chính, thuê khoán, đấu thầu một số hoạt động mỏ, phát hành trái phiếu, cổ phiếu, vay thương mại để đầu tư phát triển.

- Tăng cường huy động nguồn vốn của các tổ chức trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề về nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ mới, môi trường, môi sinh trong sản xuất đảm bảo phát triển bền vững.

- Đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp mà nhà nước không cần thiết phải nắm giữ 100% vốn.

- Ưu tiên thu xếp vốn cho các công trình, dự án trọng điểm và các hoạt động chính của Tập đoàn; bảo đảm tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay một cách cân đối, hợp lý, bảo đảm khả thi và an toàn trong đầu tư; đẩy mạnh phát hành trái phiếu, cổ phần hóa và thoái vốn các lĩnh vực không phải lĩnh vực chính để có vốn đầu tư cho các lĩnh vực chính; quyết định đầu tư khi đã có phương án thu xếp vốn.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương

a) Chịu trách nhiệm chính trong việc thường xuyên giám sát, đánh giá toàn diện tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, bảo đảm doanh nghiệp thực hiện hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt.

b) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kịp thời xử lý những phát sinh cần giải quyết trong quá trình thực hiện kế hoạch; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

2. Các Bộ, ngành liên quan theo thẩm quyền chức năng được giao chỉ đạo và phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ để Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cụ thể hóa kế hoạch đề ra.

4. Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện chế độ báo cáo việc thực hiện kế hoạch và những vấn đề vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, TH, PL, ĐMDN, QHQT;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải