Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2014/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 8 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC LỰA CHỌN NHÀ THẦU ĐỂ MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NHẰM DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 ;

Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Thông tư số 01/2014/TT-BTTTT ngày 20 tháng 2 năm 2014 của Bộ Thông tin và truyền thông quy định về ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Căn cứ Quyết định số 54/2014/QĐ-UBND ngày 20 tháng 8 năm 2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 2101/TTr-STC ngày 15 tháng 8 năm 2014 và Báo cáo thẩm định số 812/BC-STP ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định việc lựa chọn nhà thầu để mua sắm tài sản nhà nước nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2014.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này../.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài chính;
- Cục KTVBQPPL - Bộ Tư pháp;
- TV Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT và các Phó CT UBND tỉnh;
- Cổng TT ĐT tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế;
- Lưu: VT, TC (02), TH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

QUY ĐỊNH

VIỆC LỰA CHỌN NHÀ THẦU ĐỂ MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC NHẰM DUY TRÌ HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, ĐƠN VỊ THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2014/QĐ-UBND ngày 21 tháng 8 năm 2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thuộc phạm vi quản lý của tỉnh (sau đây gọi tắt là cơ quan, tổ chức, đơn vị) khi mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ (không thuộc dự án đầu tư xây dựng) nhằm duy trì hoạt động thường xuyên từ các nguồn kinh phí theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quy định này phải thực hiện đấu thầu theo các quy định tại Quyết định này và quy định của pháp luật có liên quan.

2. Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân đóng trên địa bàn khi mua sắm tài sản để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí của ngân sách địa phương thực hiện theo quy định này.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

1. Nguồn kinh phí mua sắm tài sản, gồm:

a) Kinh phí NSNN được cơ quan có thẩm quyền giao trong dự toán chi ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị;

b) Vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh; vốn khác do nhà nước quản lý (nếu có);

c) Nguồn vốn đầu tư phát triển (ODA) vay ưu đãi (trừ trường hợp Hiệp định vay hoặc điều ước quốc tế có quy định khác);

d) Nguồn viện trợ, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thuộc ngân sách nhà nước (trừ trường hợp phải mua sắm theo yêu cầu của nhà tài trợ);

e) Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi của đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức khoa học và công nghệ công lập;

f) Nguồn thu từ phí, lệ phí được sử dụng theo quy định của pháp luật;

g) Nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định (nếu có).

2. Nội dung mua sắm thường xuyên: Theo quy định tại Điều 73, Mục 2, Chương 7, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu

1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu: Người có thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản theo phân cấp hiện hành có trách nhiệm phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

2. Cơ quan thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

a) Sở Tài chính chịu trách nhiệm thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của Chủ tịch UBND tỉnh (trừ gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế);

b) Sở Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định mua sắm.

c) Phòng Tài chính kế hoạch chịu trách nhiệm tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Chủ tịch UBND cấp huyện) theo phân cấp hiện hành;

d) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện việc thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản theo phân cấp hiện hành.

3. Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu:

a) Thời gian kiểm tra hồ sơ, lập báo cáo thẩm định không quá 07 (bảy) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

b) Thời gian phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định và hồ sơ liên quan.

Điều 4. Thẩm quyền phê duyệt Hồ sơ mời thầu, Kết quả lựa chọn nhà thầu

1. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện mua sắm tài sản tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ chào hàng cạnh tranh. Trường hợp không đủ năng lực thẩm định thì thuê tổ chức tư vấn thẩm định làm cơ sở phê duyệt.

2. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện mua sắm tài sản tổ chức thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, xử lý tình huống đấu thầu. Trường hợp không đủ năng lực đánh giá, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu thì thuê tổ chức tư vấn thẩm định làm cơ sở phê duyệt.

3. Ủy quyền cho cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện mua sắm tài sản các gói thầu thuộc thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản của Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, hồ sơ chào hàng cạnh tranh và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, xử lý tình huống đấu thầu. Trường hợp không đủ năng lực thẩm định thì thuê tổ chức tư vấn thẩm định làm cơ sở phê duyệt.

Điều 5. Thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm

1. Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện mua sắm tài sản tự tổ chức thẩm định giá làm cơ sở lập, trình, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Trước khi tổ chức thẩm định giá, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện mua sắm tài sản phải lấy ý kiến góp ý của các cơ quan quản lý chuyên ngành (về đặc tính kỹ thuật, xuất xứ hàng hoá, công năng sử dụng, cơ sở pháp lý …) đối với gói thầu mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích công nghệ, bản quyền mà không thể mua từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính chất đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu của gói thầu; gói thầu mua sắm theo phương thức tập trung với số lượng mua sắm nhiều, tổng giá trị mua sắm lớn và có yêu cầu được trang bị đồng bộ, hiện đại.

2. Sau khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện mua sắm tài sản quyết định phê duyệt dự toán làm cơ sở lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.

Điều 6. Căn cứ lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; Hình thức lựa chọn nhà thầu; Hạn mức trong đấu thầu; Quy trình thực hiện mua sắm thường xuyên

Việc lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên được thực hiện theo quy định về lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu thuộc dự án nêu tại Chương II, Chương III của Luật đấu thầu và Chương II, Chương III, Chương IV, Chương V của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

Điều 7. Quản lý trong đấu thầu

1. Công tác quản lý đấu thầu phải tuân thủ theo quy định của Luật Đấu thầu Luật đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

2. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm gửi các hồ sơ có liên quan về công tác đấu thầu đến cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo về đấu thầu trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.

Điều 8. Quy định việc mua sắm một số hàng hóa đặc thù

1. Qui định về đấu thầu cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập.

Các cơ sở y tế công lập có sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác (gọi chung là nguồn kinh phí ngân sách) theo quy định để mua thuốc, hóa chất, dịch truyền, vật tư tiêu hao (gọi chung là thuốc) phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và phòng bệnh, khi thực hiện việc đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn riêng của Liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.

2. Đối với sửa chữa tài sản, thiết bị: Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức thực hiện theo đúng quy định về phân cấp quản lý tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.

3. Qui định về đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.

a) Phải ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

b) Trường hợp sản phẩm cần đầu tư, mua sắm là loại trong nước đã sản xuất được, nhưng do yêu cầu kỹ thuật đặc thù của dự án chỉ có sản phẩm nhập ngoại mới đáp ứng được, thì phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông.

c) Dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải đảm bảo sự cân đối, hợp lý, đồng bộ giữa mua sắm phần mềm và phần cứng; phải ưu tiên mua sắm, đầu tư xây dựng các giải pháp, sản phẩm phần mềm và nội dung thông tin số để đảm bảo sự đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là hiệu quả, tiết kiệm.

d) Nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ trong mua sắm, sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin, đặc biệt là các sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số.

e) Ưu tiên đầu tư, mua sắm sử dụng các sản phẩm phần mềm mã nguồn mở, đặc biệt là các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước khai thác, cung cấp.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện

1. UBND tỉnh thống nhất quản lý việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo Quy định này.

3. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương được giao thực hiện việc đấu thầu để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên có trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đấu thầu đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả; thực hiện báo cáo tài sản nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc; các đơn vị phản ảnh về Sở Tài chính để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh bổ sung cho phù hợp./.