Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2018/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 22 tháng 10 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Bưu chính ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Xuất bản ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng ngày 19 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Báo chí ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1134/TTr-STTTT ngày 10 tháng 10 năm 2018.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2018 và thay thế Quyết định số 35/2007/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn ban hành Quy chế phối hợp công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại tỉnh Lạng Sơn.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chính phủ;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cục kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT, Công báo tỉnh, Báo Lạng Sơn;
- PCVP UBND tỉnh, các phòng CM, TH-CB;
- Lưu: VT, NC (BMB).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Thưởng

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2018/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

2. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hoạt động thông tin và truyền thông.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, bí mật, tuân thủ các quy định của pháp luật và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các bên có liên quan.

2. Bảo đảm sự nhất quán, phát huy tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh. Xử lý vụ việc thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của đơn vị nào thì đơn vị đó chủ trì, các đơn vị khác phối hợp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi đơn vị. Những vướng mắc phát sinh phải được trao đổi, giải quyết theo quy định của pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ của mỗi đơn vị. Trường hợp có ý kiến khác nhau thì Sở Thông tin và Truyền thông kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có liên quan trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

2. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

3. Xác minh hành vi, hình thức, thủ đoạn, mức độ, công nghệ đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

4. Cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.

6. Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp thực hiện theo thẩm quyền để nâng cao hiệu quả phòng, chống các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Điều 5. Phương thức phối hợp

1. Trao đổi, phối hợp, cung cấp thông tin giữa các cơ quan, đơn vị được thực hiện bằng văn bản giấy, văn bản điện tử, điện thoại, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức họp bàn giữa các các đơn vị có liên quan.

3. Thành lập các đoàn liên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra.

4. Tổ chức các hội nghị tập huấn, sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp hạn chế các hành vi vi phạm.

Chương II

TRÁCH NHIỆM PHỐI HỢP CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 6. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật về thông tin và truyền thông cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; tăng cường phối hợp tham mưu cho Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, quản lý các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

2. Thông báo, phổ biến những phương thức, thủ đoạn mới của các loại đối tượng thực hiện hành vi vi phạm; hướng dẫn các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân thực hiện phòng ngừa và hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm.

3. Tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực thông tin và truyền thông khi cần thiết; kịp thời chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định xử phạt. Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chuyển các tài liệu, chứng cứ có liên quan đến cơ quan Công an có thẩm quyền để tiến hành điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Công an tỉnh làm đầu mối tiếp nhận thông tin về các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, đồng thời tùy theo vụ việc, lĩnh vực cụ thể, kịp thời cung cấp số liệu, tài liệu và phối hợp với đơn vị liên quan trực tiếp để xử lý vi phạm.

5. Tiếp nhận yêu cầu giám định; tổ chức thực hiện giám định về lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

6. Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh về công tác phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

7. Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp đường dây nóng, địa chỉ email để tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Điều 7. Công an tỉnh

1. Chủ trì tổ chức công tác nắm tình hình, điều tra, xác minh và xử lý đối tượng có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.

2. Tiếp nhận các thông tin về hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông xử lý theo đúng thẩm quyền. Chủ trì thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, phối hợp tổ chức lực lượng giám sát đối tượng trong quá trình Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra hành chính, không để đối tượng xóa dấu vết, tẩu tán phương tiện, thiết bị, tang vật vi phạm.

3. Thông báo tình hình, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động, diễn biến mới của tội phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan có biện pháp phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn.

4. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng mạng lưới thông tin và truyền thông để hoạt động khủng bố, phát tán tài liệu chống Đảng, Nhà nước gây nguy hại đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố, các đơn vị nghiệp vụ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật khác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

5. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các đơn vị có liên quan xây dựng phương án, kế hoạch bố trí lực lượng bảo vệ an toàn, đảm bảo an ninh trật tự cho các công trình, mục tiêu thông tin và Truyền thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh gồm: Các trung tâm truyền thanh, truyền hình; hệ thống lưu trữ dữ liệu điện tử của các sở, ngành; các tuyến cáp thông tin; các cột, trạm thu phát sóng truyền thanh truyền hình và sóng viễn thông.

6. Hướng dẫn cho các Sở, ban, ngành tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh cho hệ thống máy tính tại cơ quan, chủ động phòng ngừa lộ, lọt thông tin bí mật Nhà nước trên mạng internet. Phối hợp với cơ quan chủ quản thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi trộm cắp, phá hoại cáp thông tin, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị viễn thông.

Điều 8. Cục Hải quan tỉnh

1. Chịu trách nhiệm quản lý về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo quy định của pháp luật; tiếp nhận thông tin, kiểm tra phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu, các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.

2. Chủ động cung cấp thông tin về tình hình vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông của các tổ chức, cá nhân, được phát hiện trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới cho Sở Thông tin và Truyền thông và cơ quan Công an để phối hợp xử lý. Cung cấp các thông tin liên quan phục vụ công tác thẩm tra, xác minh, làm rõ đối tượng vi phạm khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh.

Điều 9. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

1. Chủ trì tổ chức nắm tình hình, xác minh các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông hoạt động ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Vụ việc liên quan cần có sự phối hợp thì kịp thời thông báo, cung cấp thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan để phối hợp xử lý.

2. Tổ chức lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trong quá trình Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra hành chính, không để đối tượng xóa dấu vết, tẩu tán phương tiện, thiết bị, tang vật.

3. Sau khi kết thúc điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc phạm vi thẩm quyền, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông và đơn vị tham gia phối hợp biết.

Điều 10. Cục Quản lý thị trường

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử theo quy định của pháp luật; các trường hợp vi phạm về tàng trữ, lưu thông, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc thẩm quyền quản lý. Kịp thời tổ chức kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi nhận được thông báo và đề nghị của các đơn vị tham gia phối hợp.

2. Thông tin kịp thời cho các ngành, các đơn vị liên quan về tình hình tàng trữ, lưu thông hàng lậu, hàng giả, hàng cấm thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện vi phạm trong việc buôn bán, vận chuyển sản phẩm, hàng hóa qua mạng bưu chính, chuyển phát, thương mại điện tử, các sản phẩm hàng hóa thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo, đề nghị phối hợp (nếu cần) với Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Công an tỉnh nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố

1. Chỉ đạo các bộ phận trực thuộc phối hợp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông thuộc thẩm quyền quản lý.

2. Thông báo cho Cơ quan điều tra của Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông khi phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo về các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

1. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn trộm cắp cước viễn thông, việc kinh doanh trái phép dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet; kinh doanh, đưa vào sử dụng các loại thiết bị viễn thông, thiết bị đầu cuối cấm nhập khẩu, không hợp chuẩn chất lượng; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; các hành vi vi phạm liên quan đến việc cung cấp, sử dụng dịch vụ bưu chính, viễn thông, internet; mua bán, trao đổi thông tin thuê bao bất hợp pháp, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan cho cơ quan Công an, Sở Thông tin và Truyền thông để phối hợp xử lý.

2. Chủ động tổ chức, thực hiện các biện pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông gây ra; cung cấp thông tin, tài liệu đầy đủ, kịp thời, chính xác theo đề nghị của cơ quan Công an và Sở Thông tin và Truyền thông, tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất để xác minh, xử lý đối tượng vi phạm.

3. Kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến việc giám định theo đề nghị của cơ quan trưng cầu giám định; chịu trách nhiệm về số liệu và tính chính xác của số liệu đã cung cấp.

4. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, pháp luật cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị và khách hàng sử dụng dịch vụ; triển khai các phương án bảo vệ, kế hoạch đảm bảo an toàn mạng lưới bưu chính, viễn thông và an ninh thông tin.

5. Cử người có thẩm quyền, đủ trình độ làm đầu mối phối hợp, tiếp nhận, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật cho Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Công an. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRƯỜNG HỢP PHẢI BÁO CÁO, THÔNG TIN KHI PHÁT HIỆN HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Điều 13. Trong hoạt động bưu chính và chuyển phát

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bưu chính - chuyển phát kịp thời báo cho Sở Thông tin và Truyền thông hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất khi phát hiện (từ khâu nhận gửi, vận chuyển và phát) các hành vi vi phạm sau:

1. Bưu gửi (thư, báo, ấn phẩm, gói, kiện hàng hóa) có nội dung phản động, kích động, gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Bưu gửi có chứa hoặc nghi chứa vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma túy, vi trùng dịch bệnh hoặc các vật, chất cấm khác nhằm phục vụ mục đích khủng bố, xâm hại sức khỏe, tính mạng, tài sản gây mất trật tự, an toàn xã hội.

3. Bưu gửi chứa văn hóa phẩm có nội dung trái đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của Việt Nam;

4. Chiếm đoạt, trộm cắp bưu gửi, tráo đổi nội dung bưu gửi, bóc mở, hủy bưu gửi trái pháp luật.

5. Xâm hại công trình bưu chính công cộng, cản trở hoạt động bưu chính hợp pháp.

Điều 14. Trong hoạt động viễn thông

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông kịp thời báo cho Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Công an nơi gần nhất khi phát hiện các hành vi sau:

1. Sử dụng dịch vụ viễn thông (đàm thoại, nhắn tin,…) để truyền đưa thông tin có nội dung phản động, chống phá, tiết lộ bí mật nhà nước, tuyên truyền kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan.

2. Gọi điện hoặc nhắn tin có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; lừa đảo, tống tiền, đe dọa, quấy rối, khủng bố.

3. Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật.

4. Trộm cắp cước, thiết bị viễn thông; phá hoại cơ sở hạ tầng viễn thông; thu, nghe, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông.

5. Kinh doanh SIM thuê bao di động trả trước đã có thông tin thuê bao.

6. Cản trở trái pháp luật việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông, việc cung cấp và sử dụng hợp pháp các dịch vụ viễn thông.

7. Mua bán, kết nối vào mạng viễn thông những thiết bị không đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Điều 15. Trong hoạt động không gian mạng

Tổ chức, cá nhân kịp thời báo cho UBND tỉnh, Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông khi phát hiện các hành vi sau:

1. Sử dụng không gian mạng để:

a) Tổ chức cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết, xúc phạm tôn giáo; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong dư luận, gây ảnh hướng xấu đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước; tuyên truyền kích động người khác vi phạm pháp luật; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.

b) Đăng tải, phát tán lên không gian mạng các thông tin có nội dung: Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ.

2. Lợi dụng internet để quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dụ dỗ mua bán người.

3. Các tệ nạn xã hội do mặt trái của internet và trò chơi trực tuyến gây ra như: Trộm cướp, gây mất trật tự, học sinh vi phạm pháp luật do ảnh hưởng từ trò chơi điện tử.

4. Hành vi gây rối, phá hoại hệ thống thiết bị và cản trở trái pháp luật việc quản lý, cung cấp, sử dụng các dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet.

Điều 16. Trong hoạt động công nghệ thông tin và điện tử

Tổ chức, cá nhân phải báo ngay cho Sở Thông tin và Truyền thông và Công an tỉnh khi phát hiện các hành vi sau:

1. Truy cập bất hợp pháp vào hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan hành chính nhà nước nhằm phá hoại, sửa đổi dữ liệu, trộm cắp dữ liệu và thay đổi giao diện; thực hiện tấn công từ chối dịch vụ làm tắc nghẽn đường truyền của địa chỉ trang thông tin điện tử đã định trước.

2. Sử dụng dữ liệu của máy tính, hoặc mạng máy tính để tạo, lan truyền, phát tán các chương trình virus, phần mềm gián điệp nhằm xâm nhập vào máy tính cá nhân để lấy cắp thông tin địa chỉ thư điện tử, thông tin thẻ tín dụng và thông tin cá nhân (mật khẩu truy cập và các thông tin liên quan khác); đưa thông tin lấy cắp được lên mạng để mua bán, trao đổi, cho tặng; phá hoại, làm thay đổi thông tin, dữ liệu của cá nhân, tổ chức.

3. Dùng phương tiện công nghệ thông tin làm công cụ để thực hiện các hành vi phạm tội: Lừa đảo qua quảng cáo bán hàng trực tuyến, trên các sàn giao dịch ảo như ngoại tệ, vàng, bất động sản, huy động vốn tín dụng; lừa đảo bằng thư điện tử thông báo trúng thưởng lớn, đề nghị tham gia rửa tiền, đề nghị nhận hộ tiền thừa kế; tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy qua mạng; tổ chức hoạt động mại dâm qua mạng; thực hiện các hoạt động khủng bố, gây rối qua mạng; tuyên truyền thông tin đồn nhảm, thất thiệt; gửi thư điện tử, nhắn tin lừa đảo, tống tiền, đe dọa, quấy rối, khủng bố; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

4. Sản xuất, lưu hành sản phẩm công nghệ thông tin và điện tử trái pháp luật; giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác.

5. Xuất, nhập khẩu trái phép sản phẩm, hàng hóa công nghệ thông tin, điện tử như máy vi tính, máy in, máy scan, máy photocopy, máy điện thoại, máy ghi âm, máy ghi hình.

6. Kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng các sản phẩm, linh kiện điện tử, công nghệ thông tin.

Điều 17. Trong hoạt động in, photocopy và phát hành

Cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời báo cho Sở Thông tin và Truyền thông khi phát hiện các hành vi sau:

1. In, xuất bản phẩm lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm.

2. In, photocopy nhân bản báo chí, xuất bản phẩm nhằm mục đích kinh doanh; thay đổi, làm sai lệch nội dung bản thảo đã được ký duyệt hoặc bản thảo tài liệu không kinh doanh có dấu của cơ quan cấp giấy phép xuất bản; xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép.

3. In các sản phẩm cấm lưu hành; in, photocopy trái phép tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước.

4. In, xuất bản mà không đăng ký, không có quyết định xuất bản hoặc không có giấy phép xuất bản.

5. Xuất, nhập khẩu báo chí, xuất bản phẩm lậu.

6. Phát hành (bán, phân phát, cho thuê, đưa lên mạng internet) xuất bản phẩm nhập lậu, in lậu, có nội dung tuyên truyền mê tín dị đoan, tuyên truyền lối sống đồi trụy, khiêu dâm, kích động bạo lực.

7. Phát hành xuất bản phẩm đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Chế độ báo cáo

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có trách nhiệm báo cáo việc phối hợp phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, doanh nghiệp gửi ý kiến cho Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, trình UBND tỉnh, xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.