ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 550/QĐ-UBND | Cần Thơ, ngày 12 tháng 3 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 11476/QĐ-BCT ngày 18 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2903/QĐ-BCT ngày 16 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 397/TTr-SCT ngày 25 tháng 02 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại” với những nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ phải đặt trong mối quan hệ tổng thể với tái cơ cấu kinh tế của thành phố, phù hợp quá trình tái cơ cấu công nghiệp chung của cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời gắn với quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đảm bảo phát triển công nghiệp thành phố Cần Thơ tương xứng với vai trò đầu tàu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu nội bộ các ngành công nghiệp thành phố theo hướng tăng dần cơ cấu công nghiệp công nghệ cao, trên cơ sở sắp xếp các nhóm ngành công nghiệp theo mức độ ưu tiên để phân bổ các nguồn lực hợp lý và phù hợp với thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Thứ ba, chú trọng đẩy mạnh phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao; tập trung vào công nghiệp chế biến theo hướng tinh chế nhằm nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu gắn với thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Thứ tư, phát triển công nghiệp thành phố theo phương châm nội lực là quyết định, đồng thời tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi nhằm đa dạng hóa nguồn vốn và thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển công nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư từ Trung ương và các địa phương bên ngoài để xây dựng hệ thống hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hướng doanh nghiệp sản xuất và đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã quy hoạch.
Thứ năm, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong các ngành sản xuất công nghiệp, tăng tỷ trọng giá trị nội địa trong sản xuất công nghiệp; từng bước nâng cao năng lực quản lý điều hành, năng lực hội nhập kinh tế quốc tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ gắn với điều chỉnh cơ cấu ngành nghề đào tạo.
Thứ sáu, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và từng bước tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, hợp tác liên tỉnh, liên vùng trong đầu tư phát triển công nghiệp.
Thứ bảy, phát triển và tái cơ cấu sản xuất công nghiệp phải trên cơ sở hài hòa với các ngành kinh tế khác như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; phát triển công nghiệp đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội.
a) Mục tiêu chung
- Giai đoạn đến năm 2025: Thành phố Cần Thơ phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước và mang tầm khu vực về công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Giai đoạn đến năm 2030: Thành phố Cần Thơ phấn đấu có một số nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
b) Mục tiêu cụ thể và lộ trình phát triển
- Giai đoạn 2021-2025
+ Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp có lợi thế, tạo động lực phát triển theo hướng từng bước đầu tư chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm, bao gồm: chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, thực phẩm; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất; sản xuất kim loại, sản phẩm điện tử, cơ khí, chế tạo...
+ Đẩy mạnh và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp sử dụng khí thiên nhiên, năng lượng sạch. Từng bước hình thành và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung thu hút đầu tư sản xuất một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chủ yếu (trong các ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống; cơ khí, chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao; dệt may, da giày), từ đó gắn kết phát triển sản xuất công nghiệp của thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Tiếp tục khai thác và vận hành có hiệu quả Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), đầu tư Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; tập trung lấp đầy diện tích và đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch.
+ Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu, cụm công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và phát triển các dự án công nghiệp. Lựa chọn các dự án công nghiệp có hiệu quả đầu tư và công nghệ cao, có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường tiên tiến.
+ Xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao Cần Thơ, từng bước hình thành rõ nét trung tâm công nghiệp công nghệ cao, tạo nền tảng để công nghiệp thành phố phát triển bền vững.
- Giai đoạn 2026-2030
+ Phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế theo hướng đầu tư công nghệ chế biến sâu, tinh chế, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng sản phẩm xuất khẩu.
+ Phát triển công nghiệp dệt may, da giày theo hướng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
+ Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực cơ khí, chế tạo như ôtô, máy nông nghiệp, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, thiết bị y tế...
+ Phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh và một số ngành công nghiệp mới ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
+ Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nhằm tạo ra nền tảng công nghệ số cho các ngành công nghiệp và kinh tế khác.
c) Chỉ tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Tăng trưởng kinh tế của thành phố phấn đấu đạt từ 7,5-8,0%/năm; trong đó ngành công nghiệp và xây dựng phấn đấu tăng bình quân từ 9-9,5%/năm.
+ Tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực và có xu hướng tăng nhẹ, chiếm khoảng 33,7-34,0% trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tính riêng ngành công nghiệp chiếm khoảng 28-29%.
- Giai đoạn 2026-2030:
+ Dự báo kinh tế thành phố đạt bình quân khoảng 7-7,5%/năm; trong đó ngành công nghiệp và xây dựng của thành phố đạt mức tăng trưởng 7,5-8,0%/năm.
+ Đến năm 2030, tỷ trọng của ngành công nghiệp và xây dựng trong cơ cấu kinh tế của thành phố sẽ duy trì hoặc Tăng nhẹ so với năm 2025, đạt khoảng 34,02-34,28% trong cơ cấu kinh tế thành phố Cần Thơ.
Từ mức dự báo tăng trưởng nền kinh tế và ngành công nghiệp thành phố trong giai đoạn 10 năm 2021-2030, dự kiến GRDP/người của thành phố theo giá hiện hành sẽ đạt khoảng 9.400-11.000 USD), tương đương với 125-146% mức trung bình của cả nước.
3. Định hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất công nghiệp
a) Tập trung phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh, năng suất, chất lượng và hiệu quả; định hướng tăng dần cơ cấu các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành công nghiệp đem lại giá trị gia tăng cao nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu công nghiệp theo hướng hiện đại, làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến của các địa phương khác theo phân khu chức năng của vùng.
b) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, nâng cao hàm lượng chế biến, chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp.
c) Định hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị hiện đại phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và yêu cầu của nhà nhập khẩu để gia tăng giá trị và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu của các sản phẩm công nghiệp.
d) Chú trọng định hướng phát triển các ngành công nghiệp mới ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường mà thành phố có lợi thế và phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, từng vùng.
đ) Định hướng phát triển một số ngành công nghiệp sử dụng hợp lý lao động mà thành phố vẫn đang có lợi thế; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất công nghiệp và nông nghiệp của thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu đầu vào tại chỗ, đồng thời tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất công nghiệp của thành phố.
Ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên phát triển
1 | Nhóm ngành công nghiệp ưu tiên phát triển | Chế biến lương thực, thực phẩm, thủy hải sản |
Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (dược phẩm, phân bón, cao su, nhựa) | ||
Các ngành công nghiệp công nghệ cao (Điện tử, viễn thông, CNTT,...) | ||
Ngành cơ khí, chế tạo (sản xuất máy móc, thiết bị,...) | ||
Vật liệu mới theo hướng thích ứng với BĐKH | ||
Ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo. | ||
2 | Nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ | Công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống |
Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo, điện tử, công nghiệp công nghệ cao. | ||
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày. |
4. Nội dung tái cơ cấu theo nhóm ngành công nghiệp chủ yếu
a) Sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống
- Nhóm chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản:
Chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng, giảm mạnh tỷ lệ các sản phẩm sơ chế, trên cơ sở đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.
Hạn chế đầu tư mới các cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản sơ chế, chỉ khuyến khích đầu tư cơ sở chế biến sản phẩm thủy sản có hàm lượng chế biến cao và tinh chế có giá trị gia tăng cao. Phát triển một số nhà máy chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản dưới dạng sản phẩm chế biến sẵn, ăn liền sản xuất theo công nghệ mới với các sản phẩm như: Surimi, xúc xích, pa tê, chà bông, thủy sản đông lạnh chế biến sẵn, đồ hộp sấy, hút chân không...
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến phụ phế phẩm thủy sản với công nghệ tiên tiến, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường (các phụ phẩm trong chế biến cá phi lê đông lạnh như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ... được tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như dầu cá, bột cá, bong bóng, bao tử cá...).
- Sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản:
Ngành công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản của Cần Thơ sẽ được khuyến khích phát triển với quy mô lớn, chất lượng cao để hạ giá thành, đảm bảo cung cấp cho ngành chăn nuôi và chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản phát triển mạnh, phấn đấu đưa ngành sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản của thành phố trở thành một ngành sản xuất phát triển mạnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
- Công nghiệp xay xát và chế biến bột:
Công nghiệp xay xát và chế biến bột được khuyến khích đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến và đồng bộ từ khâu dự trữ thóc, xay xát, phân loại, đánh bóng, đóng bao, bảo quản...
Chú trọng xây dựng và tổ chức tốt khâu thu hoạch và sau thu hoạch, sấy khô, bảo quản, dự trữ nhàm giảm ty lệ hao hụt và đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất các sản phẩm gạo có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Tùy theo nhu cầu, tiếp tục khuyến khích các nhà máy xay xát lương thực đầu tư trang bị thêm thiết bị phơi sấy, thiết bị phân loại, đánh bóng, tách màu, chọn hạt để không ngừng nâng cao chất lượng gạo, đặc biệt là gạo xuất khẩu.
- Chế biến và bảo quản rau quả:
Khuyến khích đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp (rau, củ, quả) tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tạo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm; đầu tư các dây chuyền chiên, sấy chân không củ, quả các loại...
Phát triển các sản phẩm bột dinh dưỡng từ rau, củ, quả; sản phẩm bột gia vị; các sản phẩm chế biến rau quả tươi bảo quản lạnh được đóng gói trong bao chất dẻo...
- Chế biến, bảo quản thịt và sản phẩm từ thịt;
Phát triển các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với quy mô phù hợp theo từng địa bàn chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung cấp thịt sạch, đảm bảo yêu cầu kiểm dịch và vệ sinh môi trường; gắn kết chuỗi giá trị từ chăn nuôi đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Phát triển các cơ sở chế biến thịt (sản phẩm súc sản đông lạnh, thịt chế biến sẵn, đồ hộp, xúc xích, giăm bông...) tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của đô thị và khách du lịch.
b) Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất
Tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất nhằm phát huy tối đa hiệu quả cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, chú trọng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; phát huy tốt vai trò của ngành là một trong những hạt nhân, động lực thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của thành phố.
Mở rộng quy mô sản xuất của ngành phù hợp; đầu tư chiều sâu, từng bước đổi mới công nghệ, thiết bị lên ngang tầm với trình độ tiên tiến trong khu vực nhằm cung cấp cho thị trường trong nước và hướng vào xuất khẩu.
- Nhóm ngành sản xuất nhựa và cao su tổng hợp:
Sản xuất nguyên liệu nhựa, các sản phẩm cao su, nhựa kỹ thuật cao cấp... là những sản phẩm luôn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, công nghệ phức tạp, do đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực đầu tư nước ngoài tham gia phát triển sản xuất.
Từng bước chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm theo hướng giảm dần tỷ trọng các nhóm sản phẩm bao bì và nhựa gia dụng; tăng dần tỷ trọng nhóm sản phẩm nhựa, cao su vật liệu xây dựng và nhựa, cao su kỹ thuật.
- Nhóm ngành hóa chất cơ bản, phân bón và hợp chất ni tơ:
Các sản phẩm hóa chất luôn có nhu cầu tiêu thụ cao, do vậy, cần khuyến khích doanh nghiệp trong nước và FDI tập trung sản xuất các sản phẩm như sản phẩm phục vụ chăn nuôi; thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt cỏ; hóa chất xây dựng; sản phẩm vệ sinh cá nhân và công nghiệp, xịt thơm; vật tư làm giày, mouse; dụng cụ thể thao; bao bì sản phẩm, keo dán tổng hợp, sơn các loại, tinh dầu; thuốc thú y, thuốc BVTV...
Phát triển đa dạng các sản phẩm phân bón (hữu cơ, vô cơ, vi sinh...) đảm bảo cung cấp cho thị trường trong nước và hướng vào xuất khẩu.
- Nhóm ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu:
Tiếp tục phát triển mạnh các sản phẩm thuốc chứa penixilin và các kháng sinh khác (dạng viên, dạng lỏng, dạng bột); thuốc mỡ kháng sinh; vitamin, tiền vitamin và các chất dẫn xuất của vitamin...
Khuyến khích đầu tư phát triển các dự án bào chế thuốc đạt chuẩn GMP; dự án sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc, nguyên liệu hóa dược vô cơ, sản xuất tá dược thông thường và tá dược cao cấp; sản xuất nguyên liệu kháng sinh thế hệ mới.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm cao cấp, có giá trị gia tăng cao dùng trong ngành dược phẩm hoặc mỹ phẩm như: Tinh dầu cá, gelatine, thực phẩm chức năng chứa vi chất...
c) Sản xuất kim loại, máy móc, thiết bị, sản phẩm điện tử, máy vi tính
- Nhóm ngành sản xuất kim loại, máy móc, thiết bị:
Phát triển ngành sản xuất kim loại, sản xuất máy móc, thiết bị thành phố Cần Thơ theo hướng nâng dần quy mô sản xuất kinh doanh, phục vụ yêu cầu trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường cơ khí toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vừa phát triển theo chiều rộng để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp các phân ngành, vừa tranh thủ đầu tư chiều sâu vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, đi thẳng vào những công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao về giá trị gia tăng, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng, thân thiện môi trường.
Khai thác tiềm năng và huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển ngành cơ khí, quan tâm đặc biệt đến xúc tiến đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn và công nghệ mới, hình thành các doanh nghiệp lớn, dẫn đầu hỗ trợ cho các cơ sở cơ khí vệ tinh phát triển, tham gia cung cấp máy móc, thiết bị, phụ tùng, linh kiện cho các dự án lớn.
Hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển các sản phẩm cơ khí, thiết bị tự động hóa và cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, lắp ráp, sửa chữa và tiến tới chế tạo các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp trong khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch nhằm phát triển đồng bộ ngành công nghiệp và nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Khuyến khích doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng mối quan hệ hữu cơ trên cơ sở chuyên môn hóa và hợp tác hóa, giữa các đơn vị trong và ngoài địa phương và các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.
- Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính:
Tạo môi trường thuận lợi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài phát triển các sản phẩm linh, phụ kiện điện tử theo hướng gắn kết vào chuỗi sản xuất, cung ứng quốc tế.
Gắn kết phát triển sản xuất công nghiệp điện tử với sản xuất cơ điện tử, cơ khí chính xác để phát triển các sản phẩm kết hợp như: máy móc gia công cơ khí chính xác, máy móc sử dụng công nghệ cao cho các ngành công nghiệp.
d) Công nghiệp sản xuất và phân phối điện
Phát triển lưới điện truyền tải và phân phối của thành phố Cần Thơ gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương trong vùng, đảm bảo chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện ngày càng được nâng cao.
Đầu tư hạ tầng cung cấp điện, đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện việc hiện đại hóa và từng bước ngầm hóa lưới điện trong khu vực đô thị.
Đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí từ Kiên Giang đến ô Môn (công suất 3,4 tỷ m3/năm) và thay thế nhiên liệu của Nhà máy điện Ô Môn 1 (công suất 2 x 330Mw) từ chạy dầu FO sang chạy khí để đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Xây dựng và hoàn thiện Trung tâm điện lực ô Môn (gồm các dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I, II, III và IV với tổng công suất dự kiến 3.810 MW) đáp ứng nhu cầu phát triển chung của thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khuyến khích phát triển nguồn điện năng lượng sạch (các nguồn năng lượng mặt trời, tái tạo từ chất thải rắn...). Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng quản lý và khai thác lưới điện phân phối; kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện với các địa phương trong vùng.
5. Một số giải pháp, chính sách thực hiện
a) Giải pháp tạo lập môi trường đầu tư và cải cách hành chính
- Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư từ khâu khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư đến khâu triển khai thực hiện và đưa dự án vào hoạt động. Tập trung vào một đầu mối giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư phát triển ngành công nghiệp.
- Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính, đảm bảo phần lớn các giao dịch hành chính, cung cấp dịch vụ công, thông tin về cơ chế, chính sách được thực hiện qua mạng; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ... của cán bộ, công chức, nhất là khi làm việc với các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
b) Chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ tài chính, tín dụng cho các doanh nghiệp công nghiệp
- Xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư của thành phố phù hợp với từng ngành, lĩnh vực công nghiệp với mức ưu đãi cao nhất trong khung pháp lý chung của nhà nước, chú trọng các hình thức đầu tư mới gắn quyền lợi và trách nhiệm của nhà đầu tư.
- Quyết liệt chỉ đạo ban hành chính sách tín dụng ưu đãi cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển của thành phố, với cơ chế sử dụng nguồn vốn thương mại lãi suất thấp do ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 3%/năm) trong một thời hạn nhất định. Xây dựng ưu đãi đầu tư cho các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm có thị trường ổn định, đặc biệt là hàng xuất khẩu; các ngành công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nhiều nguyên liệu tại chỗ, thu hút nhiều lao động; các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
- Ban hành và áp dụng một số chính sách ưu đãi đầu tư như ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, khuyến khích các doanh nghiệp lớn gắn với doanh nghiệp nhỏ nhằm cung cấp vốn, thông tin, tư vấn hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ đào tạo; ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ về thủ tục thuê đất đơn giản, thỏa thuận địa điểm cấp đất, đền bù giải tỏa, tổ chức cấp giấy phép đầu tư, cấp giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng; ưu đãi các cơ sở sản xuất bố trí tập trung tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp về cho vay tín dụng, thuế lợi tức thấp hơn, thời gian thẩm định dự án ngắn.
c) Giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển dịch vụ công nghiệp
- Xây dựng chính sách tạo lập môi trường khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai đồng bộ và quyết liệt các đề án, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố và quốc gia. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị, thực hiện theo Luật số 04/2017/QH14 ngày 12 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp khi áp dụng đăng ký qua mạng điện tử quốc gia và phí công bố thành lập doanh nghiệp lần đầu thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố Cần Thơ.
- Hình thành hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ tư vấn phát triển công nghiệp; phát triển tổng hợp các loại hình dịch vụ, đa dạng hóa quan hệ thị trường và đối tác hợp tác với sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và lĩnh vực công nghiệp, thương mại, như: dịch vụ công quản lý nhà nước về đầu tư và quản lý sản xuất kinh doanh, dịch vụ tài chính, thuế quan, ngân hàng, viễn thông, mạng lưới vận tải, nhà ở, thương mại, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và dịch vụ công nghệ cao.
d) Giải pháp, chính sách phát triển khoa học và công nghệ
- Đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đồng bộ thị trường khoa học - công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ trên địa bàn thành phố. Xây dựng sàn giao dịch công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và kinh doanh trong các doanh nghiệp công nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tập trung đầu tư cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất, đồng bộ hóa công nghệ trong những ngành có lợi thế của thành phố như chế biến sản phẩm thủy sản, thực phẩm; sản xuất hóa chất, sản phẩm hóa chất, hóa dược.
- Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, nhất là sở hữu trí tuệ trong thời đại số. Ban hành và thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu được cấp chứng nhận, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với mỗi sáng chế, giải pháp hữu ích; chi phí đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu công nghiệp đối với mỗi kiểu dáng công nghiệp, đăng ký bảo hộ cho một nhãn hiệu tại nước ngoài được thực hiện theo chính sách Nhà nước và quy định của thành phố hiện hành.
e) Giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực
- Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, từng bước thực hiện đào tạo theo yêu cầu và địa chỉ, gắn chương trình đào tạo với yêu cầu thực tiễn công việc, nhằm đảm bảo cho người lao động đào tạo ra được sử dụng đúng với chương trình đào tạo.
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chất lượng cao, khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực công nghiệp chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động công nghiệp, khuyến khích tổ chức đào tạo lao động tại chỗ, đặc biệt là lao động kỹ thuật cao.
- Có chính sách phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghiệp trong thành phố. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách và các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa ngành công nghiệp, đặc biệt là yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Đầu tư, hỗ trợ thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực các trung tâm ứng dụng, trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng, các viện nghiên cứu chuyên ngành. Hình thành sản giao dịch công nghệ, kết nối Cần Thơ với các trung tâm trong nước và quốc tế.
g) Giải pháp bảo vệ môi trường
- Đẩy mạnh công tác truyền thông về môi trường nhằm tăng cường thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với môi trường. Tăng cường công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động nhằm phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất công nghiệp.
- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động các thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, nước thải trong các hoạt động sản xuất công nghiệp.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường, trở thành ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, sản phẩm môi trường, dịch vụ xử lý chất thải rắn, nước thải, tái sử dụng chất thải... phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất về đất đai, vốn, thuế theo các quy định của pháp luật.
a) Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành có liên quan và UBND quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện nội dung của Đề án “Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng hiện đại” theo đúng quan điểm, mục tiêu và định hướng đã đề ra.
Trên cơ sở Đề án này, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND thành phố cập nhật, điều chỉnh các giải pháp, chính sách thích hợp để thực hiện có hiệu quả việc thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố trong giai đoạn tới.
b) Các cơ quan chuyên môn
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của đơn vị; phối hợp với Sở Công Thương xử lý các vấn đề phát sinh theo đề xuất của các sở, ban ngành.
c) UBND quận, huyện
Trên cơ sở định hướng, mục tiêu tái cơ cấu ngành công nghiệp nêu trong Đề án, cụ thể hóa và điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển ngành công nghiệp và các đề án, kế hoạch có liên quan khác trên địa bàn.
Lồng ghép nội dung Đề án này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 05 năm của địa phương.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |