Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 552/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 04 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG, TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với nội dung chủ yếu sau đây:

I. PHẠM VI, QUY MÔ, MỤC TIÊU QUY HOẠCH

1. Phạm vi và quy mô lập quy hoạch

Trong phạm vi Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, bao gồm các xã, phường: Hy Cương, Chu Hóa và Vân Phú (thành phố Việt Trì); Tiên Kiên (huyện Lâm Thao) và Phù Ninh (huyện Phù Ninh); với tổng diện tích 845 ha.

2. Mục tiêu quy hoạch

a) Bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Định hướng kế hoạch tổng thể quản lý và đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Xác định lộ trình và các nhóm giải pháp chính để triển khai các dự án.

b) Tạo lập các không gian tưởng niệm, tôn vinh các vua Hùng và các bậc tiền nhân thời đại Hùng Vương, để Khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, điểm du lịch về với cội nguồn dân tộc đặc biệt hấp dẫn; tổ chức hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn và tôn tạo khu di tích. Xác định chức năng và chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư và khu vực cảnh quan xung quanh.

c) Hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú, trên nguyên tắc bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương.

d) Tạo căn cứ pháp lý cho việc lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai các dự án thành phần đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị khu di tích gắn với phát triển du lịch theo đồ án Quy hoạch được duyệt.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH CHỦ YẾU

1. Định hướng quy hoạch không gian và phân vùng chức năng

a) Đối với Khu vực I (vùng lõi), diện tích 32,2ha: Là khu vực bao gồm các di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng, Lăng Vua Hùng, Chùa Thiên Quang, Bảo tháp, Nhà thờ Tổ, gác Chuông. Khu vực này tiếp tục bảo tồn nguyên trạng các di tích, hệ thống đường bậc, cây xanh cảnh quan và rừng nguyên sinh.

b) Đối với Khu vực II (vùng đệm), diện tích 812,8ha: Bao gồm các khu Núi Vặn, núi Trọc; khu Trung tâm lễ hội; khu cảnh quan Hồ Mẫu; khu rừng quốc gia Đền Hùng và cảnh quan sinh thái phía Bắc; tháp Hùng Vương; đài tưởng niệm liệt sỹ và đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân và khu dân cư hiện trạng. Định hướng phát triển chủ yếu là không gian kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên bảo vệ khu di tích, không gian tổ chức lễ hội và dịch vụ du lịch. Phân vùng chức năng cụ thể như sau:

- Khu núi Trọc, núi Vặn, diện tích 61ha: Thực hiện bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, trồng bổ sung và phục hồi các loài cây bản địa. Tiếp tục tôn tạo Đền thờ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn.

- Khu trung tâm lễ hội, diện tích 172,2ha:

+ Duy tu, bảo dưỡng các công trình đã xây dựng, gồm: Cổng vào Khu trung tâm lễ hội, trục hành lễ nối từ cổng vào sân lễ hội, nhà làm việc (cũ) của Khu di tích trên đồi Công Quán, nhà chụp ảnh nghệ thuật; nhà triển lãm các tác phẩm nghệ thuật; nhà làm việc (mới) của Khu di tích, nhà đón tiếp, chợ quê Hy Cương, khu trưng bày phong lan và sinh vật cảnh, các công trình dịch vụ du lịch và các công trình hạ tầng kiến trúc cảnh quan phục vụ lễ hội (Khu dịch vụ ngã năm Đền Giếng, khu hồ Gò Cong, hồ Cây Xẻn, hồ Ngã Năm, hồ Cây Khế và cảnh quan xung quanh hồ Cây Khế). Thực hiện trồng bổ sung cây xanh, cây bóng mát để tạo cảnh quan; cải tạo, chỉnh trang kè đá, lối đi xung quanh các hồ nước;

+ Tôn tạo cảnh quan đồi Công Quán; tu bổ, nâng cấp trang thiết bị và nội thất Bảo tàng Hùng Vương; tu bổ, tôn tạo bãi xe và giếng Rồng;

+ Di chuyển Trung tâm thanh thiếu niên Hùng Vương ra khỏi đồi Phân Bùng, dành quỹ đất xây dựng Tượng đài Hùng Vương. Tổ chức không gian khu vực tượng đài bảo đảm gắn kết hài hòa với tổng thể khu trung tâm lễ hội; quy mô khu vực xây dựng có diện tích 7,6ha, bao gồm các hạng mục: Tượng đài Hùng Vương (đặt trên đỉnh đồi Phân Bùng), phù điêu, khối phụ trợ và các công trình kiến trúc cảnh quan, sân vườn, cây xanh bao quanh;

+ Vườn cây lưu niệm số 1 có diện tích 3,3ha nằm trên đồi Phân Đăng: Giữ nguyên chức năng để tiếp tục chăm sóc;

+ Đối với các khu vực cảnh quan còn lại chưa được đầu tư tôn tạo như khu gò Đốt, núi Nỏn, núi Yên Ngựa, núi Hình Nhân, đồi Lật Mật và một số khu vực kiến trúc cảnh quan tiếp giáp với trục hành lễ, tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 967/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2008.

- Khu cảnh quan Hồ Mẫu, diện tích 45ha:

+ Hệ thống công trình cảnh quan gồm 05 hồ nước, quy mô mặt nước khoảng 10,7ha. Triển khai đầu tư tôn tạo theo phương án thiết kế đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại văn bản số 427/TTg-KGVX ngày 15 tháng 3 năm 2016;

+ Tiếp tục đầu tư xây dựng các khu vườn Tre Việt, rừng cọ, đồi chè, nhà thuyền, khu du lịch sinh thái hồ, khu biểu diễn ngoài trời và các công trình dịch vụ phụ trợ ven đường theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 1809/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2011.

- Rừng quốc gia và khu cảnh quan sinh thái phía Bắc, diện tích 249ha: Khu vực này địa hình chủ yếu là các vùng đồi núi, ruộng, khe núi thuộc phía Bắc Đền Hùng được chia thành các khu chức năng:

+ Bãi đỗ xe (số 5, số 8) và khu vực đón tiếp: Đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết hợp với các công trình vệ sinh, công trình dịch vụ, khu sinh thái nghỉ dưỡng theo kiến trúc truyền thống của địa phương;

+ Khu vườn ươm, ruộng lúa nước, đồi rừng quốc gia: Giữ nguyên như hiện trạng; thực hiện bảo tồn các loài cây bản địa, thực hiện trồng bổ sung các cây mới có giá trị cao thay thế các loại cây phụ trợ như: keo, bạch đàn...

+ Khu mặt nước: Tiến hành kè các hồ nước liên hoàn tạo cảnh quan phù hợp với các thiết chế văn hóa đã có kết hợp với mục đích tích nước phòng chống cháy rừng; cải tạo hệ thống đường dạo, đường cảnh quan quy mô nhỏ phục vụ khách du lịch;

+ Vườn cây lưu niệm số 2, diện tích 4,83ha nằm trên đồi Hóc Cọc: Giữ nguyên chức năng để tiếp tục chăm sóc.

- Khu Tháp Hùng Vương, diện tích 100ha: Đầu tư xây dựng trên đồi Mom Gà nhằm hình thành trục cảnh quan hướng về phía Tây Nam ra đường Trường Chinh. Trục này được kết nối với trục khu Trung tâm lễ hội theo quy hoạch chung thành phố Việt Trì đến năm 2030. Cổng vào bố trí một bãi đỗ xe, còn lại ở các khu đồi, núi xung quanh được bố trí các công trình hạ tầng kiến trúc cảnh quan sinh thái phù hợp với từng địa hình nhằm phục vụ khách thăm quan du lịch.

- Đài tưởng niệm liệt sỹ và Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, diện tích 79,4ha:

+ Đài tưởng niệm liệt sĩ trên đồi Cá Chuối: Tiếp tục bổ sung hệ thống bồn hoa, cây xanh, đường dạo cảnh quan;

+ Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên đồi Sim: Tiếp tục hoàn thiện không gian cảnh quan xung quanh;

+ Khu cảnh quan thiên nhiên xung quanh, bao gồm: núi Tay Ngai, đồi Mui Rùa, đồi Cá Chuối: Trồng bổ sung các loài cây bản địa thay thế dần cây keo và bạch đàn; tạo hồ nước và xây dựng hệ thống đường dạo, bổ sung cây xanh cảnh quan. Điều chỉnh chức năng Khu hội chợ Hùng Vương, dự kiến xây dựng trên đồi Mui Rùa theo đồ án quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ giai đoạn trước, thành khu vực cây xanh cảnh quan.

- Khu dân cư hiện trạng với khoảng 1.138 hộ dân, trên 4.500 nhân khẩu sinh sống trong phạm vi chỉ giới quy hoạch của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, diện tích 106,2 ha, định hướng quy hoạch như sau:

+ Di dời các hộ dân nằm trong khu vực núi Nghĩa Lĩnh, núi Trọc, núi Vặn và khu nhỏ lẻ nằm trong phạm vi quy hoạch;

+ Đối với các khu dân cư hiện có số dân đông đang sinh sống tập trung theo từng khu vực trong ranh giới quy hoạch thuộc phạm vi khu vực II sẽ được giữ lại, đồng thời xem xét để cấp xen, ghép cho các hộ tái định cư tại chỗ phải di dời trong khi triển khai các dự án nhằm bảo đảm ổn định cuộc sống. Tại các khu này, sẽ ban hành quy chế quản lý đầu tư xây dựng riêng để bảo đảm phù hợp quy hoạch và cảnh quan chung của khu di tích lịch sử Đền Hùng.

2. Quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật

a) Về giao thông đối ngoại:

- Thực hiện giữ gìn và duy tu hàng năm 2 tuyến giao thông chính là: Tuyến từ quốc lộ 32C và Tuyến từ ngã ba Hàng giao với Quốc lộ 2 kết nối tới khu Trung tâm lễ hội.

- Xây dựng cải tạo, mở rộng 2 tuyến đường giao thông với mặt cắt 33m theo quy hoạch chung thành phố Việt Trì, gồm: Tuyến số 1 từ nút giao IC8 (thuộc cao tốc Nội Bài - Lào Cai) qua khu rừng phía Bắc về bãi xe khu Trung tâm lễ hội và Tuyến số 2 nối tiếp từ ngã 3 khu công nghiệp Đồng Lạng rẽ vào bãi xe số 5 hiện có.

- Mở mới tuyến đường mặt cắt 33m từ khu Trung tâm lễ hội qua khu du dịch vụ lịch phía Nam Đền Hùng đến tháp Hùng Vương, kết nối giao với đường Nguyễn Tất Thành kéo dài tại đường Trường Chinh hiện có.

b) Về giao thông đối nội:

- Tiếp tục tôn tạo, nâng cấp các tuyến giao thông nội bộ trong khu di tích, bảo đảm phục vụ khách tham quan và dự lễ hội.

- Xây dựng mới các tuyến đường, gồm: Tuyến đường vành đai xung quanh khu vực rừng phía Đông Bắc kết nối với các tuyến đường giao thông chính; 2 tuyến trong khu Tháp Hùng Vương kết nối với quốc lộ 32C.

c) Chuẩn bị kỹ thuật san nền: Tận dụng tối đa địa hình thiên nhiên, hạn chế đào, đắp lớn. Các vùng trũng có thể xây dựng các hồ nước tạo cảnh quan đẹp và giữ nước phục vụ tưới cây, cứu hỏa.

d) Về cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường

- Cấp nước: Sử dụng nguồn nước từ hệ thống cấp nước của thành phố Việt Trì phục vụ sinh hoạt tại chỗ và nhu cầu của khách du lịch. Nguồn nước tưới cây, rửa đường, cứu hỏa lấy từ các hồ, đập trong khu di tích.

- Thoát nước: Bảo đảm đầy đủ, đồng bộ hệ thống thoát nước. Thoát nước mưa theo địa hình tự nhiên và theo hệ thống mương hở, mương có nắp đan, cống tràn; bảo đảm tiêu thoát nước nhanh không bị ngập úng. Nước thải được thu gom, xử lý trước khi đưa trở lại môi trường.

- Vệ sinh môi trường: Phân loại chất thải rắn tại nguồn, Bố trí hệ thống thu gom rác tại các bãi tập kết, phù hợp với cảnh quan khu di tích.

đ) Cấp điện và thông tin liên lạc

- Điện cấp cho khu di tích lấy từ trạm cấp điện Việt Trì và đường dây cấp điện cho khu công nghiệp Đồng Lạng đi qua khu vực phía Bắc Đền Hùng.

- Thông tin liên lạc: Bảo đảm đấu nối đồng bộ với hệ thống cáp thông tin liên lạc khu vực di tích và vùng phụ cận với tuyến cáp quốc gia hiện có. Lắp đặt mạng internet không dây tốc độ cao trong khu vực quy hoạch.

3. Định hướng phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn với phát triển du lịch bền vững

- Xây dựng Khu di tích lịch sử Đền Hùng trở thành trung tâm lễ hội của thành phố Việt Trì - Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam:

+ Phát huy giá trị các lễ hội gắn với di tích (lễ hội Đền Hùng, lễ hội bơi chải Bạch Hạc, lễ hội hát Xoan...), các di sản ẩm thực của địa phương để hình thành những sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với lịch sử hình thành vùng đất Tổ;

+ Hình thành tuyến du lịch liên kết di tích lịch sử Đền Hùng với các di tích về thời đại Hùng Vương trên địa bàn.

- Xây dựng các tour du lịch kết nối với các tỉnh, thành phố lân cận; lồng ghép khu di tích trong các chương trình du lịch, tuyến du lịch quốc gia, quốc tế đi qua khu vực như các tuyến: Hà Nội - Tây Thiên - Tam Đảo - Đền Hùng - Sapa; Hà Nội - Đền Hùng - Hồ thủy điện Thác Bà...

- Phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn như: tín ngưỡng - tâm linh; văn hóa lịch sử; sinh thái; trải nghiệm cuộc sống của cộng đồng dân cư trong khu vực xung quanh Khu di tích...

- Xây dựng các chương trình giới thiệu, tuyên truyền quảng bá hình ảnh Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại Hát Xoan Phú Thọ... trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình, sách báo, tạp chí, các phương tiện thông tin truyền thông ở trong và ngoài nước.

- Đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ để phát triển du lịch tại khu di tích cũng như trên địa bàn toàn tỉnh, theo hướng chuyên nghiệp.

- Khuyến khích, tạo điều kiện để người dân trong vùng và người dân tại các xã vùng ven khu di tích tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại khu vực.

4. Các nhóm dự án thành phần và phân kỳ đầu tư

a) Các nhóm dự án thành phần:

- Tiếp tục thực hiện các nhóm dự án thành phần đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt từ giai đoạn trước, gồm:

+ Nhóm dự án số 1: Bảo tồn, tôn tạo và bảo vệ khu di tích;

+ Nhóm dự án số 2: Xây dựng Khu Trung tâm lễ hội;

+ Nhóm dự án số 3: Bảo vệ, tôn tạo Rừng quốc gia Đền Hùng;

+ Nhóm dự án số 4: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu di tích;

+ Nhóm dự án số 5: Hỗ trợ phát triển kinh tế vùng ven;

+ Nhóm dự án số 6: Xây dựng tháp Hùng Vương.

- Dự án nghiên cứu để xem xét bổ sung: Xây dựng Tượng đài Hùng Vương.

b) Phân kỳ đầu tư: Thời gian thực hiện quy hoạch đến năm 2025, cụ thể:

- Giai đoạn 2017 - 2020: Triển khai Nhóm dự án số 1, số 2, số 4 và Dự án bổ sung (Xây dựng Tượng đài Hùng Vương).

Dự án xây dựng Tượng đài Hùng Vương chỉ triển khai khi bảo đảm đủ các điều kiện theo quy định và có ý kiến chấp thuận của Ban Bí thư.

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tiếp tục thực hiện dự án thành phần còn lại trong Nhóm dự án số 2, số 4; các Nhóm dự án số 3, số 5 và số 6.

c) Nguồn vốn đầu tư: Vốn ngân sách nhà nước và các nguồn khác theo quy định, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Trung ương được bố trí căn cứ vào nội dung dự án đầu tư và khả năng cân đối của ngân sách Trung ương hằng năm, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành;

- Vốn ngân sách địa phương (ngân sách tỉnh, thành phố, huyện có di tích liên quan trong phạm vi quy hoạch);

- Các nguồn vốn hợp pháp khác, gồm Tiền thu từ việc bán vé vào cửa khu di tích, thu từ dịch vụ du lịch; đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước; đóng góp của nhân dân; đóng góp của các quỹ hỗ trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

5. Giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch

a) Giải pháp về quản lý

- Quản lý theo Quy hoạch tổng thể, phân vùng quy hoạch (chi tiết trong Hồ sơ quy hoạch tổng thể được duyệt); các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành khác có liên quan trong phạm vi quy hoạch này cần thực hiện theo Quy hoạch này.

- Hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực của Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

- Tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái khu vực di tích.

- Quản lý, tổ chức lễ hội: Xây dựng, hoàn thiện kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm; tiếp tục nghiên cứu chuẩn hóa các nghi lễ theo truyền thống.

b) Giải pháp về liên kết và đầu tư

- Khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch tại khu di tích; lựa chọn, ưu tiên đầu tư bảo tồn và phục hồi các di tích quan trọng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, hình thành sản phẩm du lịch mới, độc đáo, hấp dẫn du khách.

- Căn cứ từng dự án thành phần cụ thể liên quan đến khai thác dịch vụ du lịch tại khu di tích để có thể giao cho doanh nghiệp hợp tác đầu tư khai thác (hình thức hợp tác công - tư).

- Kết hợp triển khai với các chương trình dự án có liên quan và phù hợp trên địa bàn như: Các chương trình, dự án về phát triển du lịch trong Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Chương trình nông thôn mới, Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch...

- Phát huy mối liên kết giữa người dân, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý có liên quan tạo sự thống nhất trong việc tổ chức triển khai hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội và phát triển du lịch của địa phương.

- Nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế đầu tư, cơ chế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh dịch vụ, du lịch trong khu di tích.

c) Giải pháp huy động nguồn lực bảo vệ và quản lý di tích

- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư hoàn thiện khu di tích lịch sử Đền Hùng theo quy hoạch được duyệt. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị của khu di tích lịch sử Đền Hùng gắn với xây dựng thành phố Việt Trì - Thành phố lễ hội.

- Hợp tác với cơ quan giáo dục về bảo tồn di tích; xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường và tham gia công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

- Khuyến khích phát triển các nghề truyền thống; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ

a) Công bố công khai Quy hoạch, tiến hành cắm mốc giới, di dời các hộ dân trong Khu vực di tích theo hồ sơ quy hoạch được duyệt.

Lộ trình thu hồi đất để bàn giao triển khai kế hoạch bảo vệ di tích và thực hiện các dự án đầu tư sẽ thực hiện từng phần căn cứ vào điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương.

b) Phê duyệt quy hoạch chi tiết các nhóm dự án thành phần trên cơ sở Quy hoạch được duyệt. Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền Điều lệ quản lý quy hoạch trong phạm vi khu di tích; thực hiện quản lý hoạt động bảo tồn, đầu tư và xây dựng theo Điều lệ quản lý quy hoạch được duyệt; đặc biệt đối với các khu dân cư vẫn nằm trong quy hoạch.

c) Chỉ đạo Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư, trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê duyệt.

d) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành liên quan xây dựng Kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản số 465/TTg-KGVX ngày 01 tháng 4 năm 2009.

đ) Cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương; tổ chức huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện Quy hoạch.

2. Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Thẩm định nội dung chuyên môn đối với các dự án thành phần liên quan đến bảo tồn, tôn tạo di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và các dự án thành phần thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

b) Theo dõi, giám sát, kiểm tra tiến độ thực hiện Quy hoạch, bảo đảm thực hiện theo đúng mục tiêu, nội dung và kế hoạch được phê duyệt.

3. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính: Xem xét cân đối vốn thuộc ngân sách Trung ương để thực hiện các nhóm dự án đầu tư được phê duyệt phù hợp với nội dung Quy hoạch. Giám sát, kiểm tra việc triển khai các dự án đầu tư theo thẩm quyền.

4. Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 theo các quy định hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng.

b) Chủ trì tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị điều chỉnh ranh giới, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng quốc gia Đền Hùng; bảo đảm phù hợp với các quy định hiện hành về bảo vệ và phát triển rừng và quy hoạch bảo tồn đã được phê duyệt.

5. Trách nhiệm của Bộ Tài Nguyên và Môi trường

a) Kiểm tra việc thực hiện quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch, bảo đảm đúng quy định của Luật đất đai hiện hành.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cập nhật ranh giới diện tích Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử Đền Hùng, diện tích 155 ha đất tại khu dịch vụ du lịch Nam Đền Hùng và 30 ha đất tại khu vực Đập Im, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vào kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Phú Thọ; chủ trì tổ chức thẩm định Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh Phú Thọ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

6. Các Bộ, ngành liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn có trách nhiệm phối hợp, theo dõi, giám sát, tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh Phú Thọ triển khai thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ;
- Cục DSVH, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL);
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN, NN, KTTH, QHĐP;
- Lưu: VT, KGVX (3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG





Vũ Đức Đam