Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 554/2014/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 30 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 02/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09/02/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí cho lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 175/QĐ-TTg ngày 27/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 159/2014/NQ-HĐND17 ngày 11/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực dịch vụ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT Đ2ỊNH:

Điều 1: Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực Dịch vụ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển:

Thứ nhất, phát triển lĩnh vực dịch vụ nhanh, hiệu quả, đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Thứ hai, tích hợp quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa gắn với xu thế phát triển dịch vụ, chuyển nền kinh tế thích ứng với mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và đảm bảo hội nhập quốc tế.

Thứ ba, đảm bảo sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong phát triển các lĩnh vực dịch vụ; khuyến khích cung cấp dịch vụ trên địa bàn tỉnh cho các khu công nghiệp.

Thứ tư, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch; phát triển đồng bộ, hoàn chỉnh và ngày càng hiện đại các loại thị trường nhằm thúc đẩy phát triển dịch vụ.

Thứ năm, quan tâm tổ chức không gian và hạ tầng kỹ thuật thúc đẩy dịch vụ phát triển.

2. Mục tiêu:

Phát triển khu vực dịch vụ hiệu quả, đạt chất lượng với việc phát huy các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế so sánh, có sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, phù hợp với việc chuyển nền kinh tế thích ứng với quá trình đô thị hóa, thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đảm bảo phát triển bền vững và dần từng bước chuyển sang nền kinh tế tri thức.

3. Các khâu đột phá:

Một là, quy hoạch và tổ chức không gian phát triển dịch vụ gắn với quy hoạch và điều chỉnh chức năng đô thị Bắc Ninh, hướng tới xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Hai là, thu hút đầu tư các dự án dịch vụ có quy mô lớn tạo ảnh hưởng lan tỏa, thu hút các nhà đầu tư bất động sản cũng như các dự án đầu tư vào những khu du lịch gắn với phát triển làng nghề; thu hút đầu tư dịch vụ của các tập đoàn đa quốc gia để tạo đột phá về các thương hiệu dịch vụ trên địa bàn.

Ba là, xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ, đầu tư vào các khu du lịch và các khu nghỉ dưỡng trọng điểm.

Bốn là, chú trọng công tác đào tạo nhân lực phát triển dịch vụ.

4. Phát triển 13 ngành dịch vụ gồm:

Thương mại; Du lịch; Thông tin truyền thông; Dịch vụ tài chính; Dịch vụ ngân hàng; Dịch vụ vận tải và logistics; Giáo dục - đào tạo; Y tế; Văn hóa, phát thanh truyền hình; thể dục thể thao; Khoa học và công nghệ; Cứu trợ và an sinh xã hội; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh.

5. Tổ chức không gian phát triển Dịch vụ:

Theo định hướng xây dựng vùng tỉnh; phát triển vành đai dịch vụ xanh "du lịch, văn hóa và sinh thái” sông Đuống. Phát triển hạ tầng khu nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, xây dựng “làng đại học” thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tầm cỡ quốc gia; hình thành và phát triển khu đô thị đại học hiện đại, văn minh với hàm lượng cao về kinh tế tri thức; khai thác có hiệu quả khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; thu hút đầu tư công nghệ thông tin và sản xuất phần mềm tại khu tổ hợp công nghệ thông tin; quy hoạch vườn ươm doanh nghiệp và trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, học viện doanh nghiệp và phát triển kinh doanh trong làng đại học.

Tổ chức không gian phát triển du lịch “Về miền Quan họ”; khu văn hóa, lễ hội đền Bà Chúa Kho; khu du lịch - vui chơi giải trí núi Dạm; Đền Đầm gắn với Lãng sơn cấm địa nhà Lý và cảnh quan Tiêu Tương; không gian lễ hội Lim; khu chiến tuyến lịch sử Như Nguyệt; khu du lịch sinh thái và tâm linh Phật Tích; làng cổ Vạn Ninh, làng nghề tranh tre Xuân Lai, gò đúc đồng Đại Bái; tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, du lịch sông Đuống thăm viếng đền Cao Lỗ Vương, lãng và đền thờ Kinh Dương Vương, Chùa Bút Tháp, chùa Dâu, thành cổ Luy Lâu, di tích Lệ Chi Viên, Đền thờ Lê Văn Thịnh, cảnh quan núi Thiên Thai...

Phát triển khu vực dịch vụ Logistics, quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics tại các khu công nghiệp Yên Phong, VISIP, các cảng cạn ICD và các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này phát triển. Rà soát tạo điều kiện về không gian và mặt bằng, trang trí, quảng cáo để phát triển khu phố ngân hàng và dịch vụ tài chính tại thành phố Bắc Ninh; mở rộng đường truyền băng thông rộng phục vụ các dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Phát triển Dịch vụ trong tam giác tăng trưởng tỉnh Bắc Ninh và hành lang thương mại, dịch vụ đô thị lõi Bắc Ninh - Tiên Du - Từ Sơn theo định hướng tổ chức không gian phát triển hợp lý tạo thành hành lang thương mại dịch vụ xuyên suốt khu vực, tạo chuỗi kết nối với Thủ đô Hà Nội, các tỉnh trong vùng và cả nước.

Hình thành các trung tâm dịch vụ quốc tế (Trung tâm nghiên cứu triển khai; trung tâm giao lưu văn hóa truyền thống, triển lãm quốc tế); hành lang thương mại, dịch vụ hiện đại với vành đai dịch vụ xanh và là bố cục không gian chủ yếu có tính đặc sắc của Bắc Ninh nằm trong xu hướng phát triển đô thị Bắc Ninh hiện đại, hài hòa, bản sắc và bền vững theo mục tiêu quy hoạch vùng Bắc Ninh.

6. Các giải pháp thực hiện quy hoạch:

Nâng cao nhận thức về phát triển khu vực dịch vụ.

Xác định các sản phẩm dịch vụ có lợi thế cạnh tranh.

Phát triển các loại hình dịch vụ cung cấp cho các khu công nghiệp và hỗ trợ kinh doanh, trước mắt tập trung vào các dịch vụ nhà ở, tài chính, ngân hàng, y tế, vận tải, bảo vệ và an ninh cho các khu công nghiệp.

Khuyến khích và hỗ trợ phát triển dịch vụ.

Giải pháp huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển khu vực dịch vụ.

Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của khu vực dịch vụ năng động, hiện đại.

Nâng cao năng suất, thúc đẩy cạnh tranh trong phát triển khu vực dịch vụ.

Điều 2: Tổ chức thực hiện

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức công bố công khai Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực Dịch vụ tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị nhằm thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu đã đề ra; giám sát, tổ chức hệ thống thông tin và xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về khu vực dịch vụ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 4. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các đơn vị thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thị xã; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Tư pháp (b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Lương Thành