ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5562/1999/QĐ-UB-VX | TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 9 năm 1999 |
V/V BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG THI ĐUA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
- Căn cứ Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ; cụ thể hóa tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương Lao động ;
- Xét đề nghị của Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. - Nay ban hành kèm theo quyết định này quy định về công tác khen thưởng thi đua tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. - Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Hội đồng Thi đua và Khen thưởng thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận : | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG THI ĐUA TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5562 /QĐ-UB-VX ngày 22 tháng 9 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố).
Thực hiện Nghị định số 56/1998/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 1998 và Hướng dẫn số 432/TĐ/CT ngày 17/9/1998 của Viện thi đua và khen thưởng Nhà nước quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp ; cụ thể hóa tiêu chuẩn khen thưởng Huân chương lao động. Căn cứ vào tình hình cụ thể của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quy định về công tác khen thưởng thi đua tại thành phố Hồ Chí Minh như sau :
CÁC HÌNH THỨC, DANH HIỆU THI ĐUA, ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG.
Điều 1. - Danh hiệu vinh dự cấp Nhà nước gồm có :
- Anh hùng lao động.
- Anh hùng lực lượng vũ trang.
- Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
- Nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú.
Điều 2. - Đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng danh hiệu Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang thực hiện theo quyết định số 38/1999/QĐ-TTg ngày 6/3/1999 của Thủ tướng Chính phủ ; Hướng dẫn số 291/T/CT ngày 08/5/1999 của Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước và được quy định cụ thể tại điều 3, điều 4 quy định này.
Điều 3. - Công dân Việt Nam hay người nước ngoài, kể cả người đã hy sinh hay từ trần, không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, dân tộc, nghề nghiệp, thành phần xã hội, nơi cư trú trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp trong các thành phần kinh tế có công đặc biệt xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, đủ tiêu chuẩn quy định tại điều 4 dưới đây đều được tặng hoặc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động hoặc Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Điều 4. - Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân quy định sau :
1- Tiêu chuẩn chung đối với Anh hùng.
Trung thành với Tổ quốc, với Chủ nghĩa Xã hội. Có hành vi anh hùng (dám nghĩ, dám làm) lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động chân tay hoặc lao động trí óc, trong chiến đấu, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Tiêu biểu cho thành tích thi đua yêu nước của nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới, là tấm gương mẫu mực về mọi mặt của đơn vị, địa phương, của ngành, được đồng nghiệp, đơn vị và nhân dân địa phương thừa nhận, suy tôn.
2- Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động :
2.1- Tiêu chuẩn đối với cá nhân : Cá nhân được khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động phải đạt được các tiêu chuẩn sau :
a) Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, lao động sáng tạo, dũng cảm, quên mình đạt năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác cao nhất thành phố và ngành (cùng tính chất công việc và cùng ngành, nghề) ; đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, ngành và đất nước.
b) Có nhiều thành tích trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới : có sáng kiến cải tiến hoặc giải pháp có giá trị, có sản phẩm, công trình khoa học, hoặc có tác phẩm sáng tác văn học và nghệ thuật nổi tiếng, có giá trị đặc biệt ; được ứng dụng trong sản xuất, công tác, đem lại hiệu quả cao về kinh tế.
c) Có trình độ chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo cho đồng nghiệp và thế hệ trẻ, hoặc trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho địa phương, cho ngành.
d) Có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc, thực hành cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Nêu cao tinh thần hợp tác tương trợ, là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong tập thể. Là tấm gương trong xây dựng cuộc sống gia đình có văn hóa.
2.2- Tiêu chuẩn đối với tập thể : Tập thể được khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động phải đạt được các tiêu chuẩn sau :
a) Là tập thể tiêu biểu đi đầu tỉnh, thành phố hoặc nhiều tỉnh, thành phố trong cùng khu vực hoặc đi đầu ngành toàn quốc về các mặt: năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế- xã hội, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, ngành và đất nước.
b) Đi đầu trong việc đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái.
c) Đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động là điển hình về công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để các tập thể khác noi theo.
d) Đi đầu trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tập thể đoàn kết nhất trí ; Tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh ; Tổ chức chính quyền đoàn thể vững mạnh toàn diện.
e) Quản lý tốt tiền vốn, tài sản, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên chức và lao động trong đơn vị.
f) Tập thể được chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương tin tưởng và ca ngợi.
3- Tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân :
3.1- Tiêu chuẩn đối với cá nhân : Cá nhân được khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phải đạt được các tiêu chuẩn sau :
a) Dũng cảm, mưu trí, hy sinh quên mình, đạt hiệu suất chiến đấu, huấn luyện, công tác, nghiên cứu cao nhất đơn vị, nhất binh chủng, quân chủng.
b) Có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, địa phương hoặc toàn quân.
c) Say mê nghiên cứu, có sáng kiến, cải tiến, hoặc giải pháp có giá trị. Có công trình nghiên cứu có giá trị đặc biệt, được ứng dụng vào thực tiễn hoạt động quân sự, an ninh hoặc kinh tế-xã hội đem lại hiệu quả thiết thực.
d) Có trình độ kỹ thuật, chiến thuật giỏi, chuyên môn nghiệp vụ thông thạo. Không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ và chính trị, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
e) Có công lớn trong việc bồi dưỡng về kỹ thuật, chiến thuật về chuyên môn nghiệp vụ cho đồng đội.
f) Có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lập trường trước mọi hy sinh, thử thách.
g) Có phẩm chất, đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong khoa học trong làm việc và sinh hoạt. Nêu cao tinh thần đoàn kết hợp tác tương trợ, đoàn kết quân dân, là hạt nhân xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong tập thể.
3.2- Tiêu chuẩn đối với tập thể : Tập thể được khen thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân phải đạt được các tiêu chuẩn sau :
a) Dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, là ngọn cờ tiêu biểu trong phong trào thi đua quyết thắng (đối với quân đội) hoặc phong trào thi đua thực hiện 6 Điều Bác Hồ dạy, phong trào vì an ninh Tổ quốc (đối với Công an nhân dân), có nhiều đóng góp vào sự phát triển của ngành.
b) Đi đầu trong việc đổi mới kỹ thuật, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chiến đấu, huấn luyện và công tác.
c) Đi đầu trong phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ huy và lề lối làm việc.
d) Đi đầu trong việc bồi dưỡng, đào tạo về kỹ thuật, chiến thuật, về chuyên môn nghiệp vụ và chính trị cho cán bộ, chiến sĩ.
e) Đi đầu trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước. Gương mẫu chấp hành kỷ luật, Điều hành, Điều lệ của quân đội và công an.
f) Nêu cao tinh thần đoàn kết nội bộ, hợp tác giúp đỡ và đoàn kết quân dân.
g) Quản lý tốt vũ khí và cơ sở vật chất kỹ thuật, an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
h) Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ.
i) Tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tổ chức chính quyền đoàn thể vững mạnh toàn diện.
k) Tham gia tích cực các phong trào ở địa phương nơi đóng quân, được chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương tin yêu.
4- Những người lập thành tích đột xuất :
- Dũng cảm, sáng tạo, mưu trí, dám hy sinh thân mình bảo vệ tính mạng, tài sản của tập thể, của nhân dân ; nêu tấm gương sáng cho địa phương, cho ngành, cần được xem xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân kịp thời.
5- Đối với danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng ; thầy giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân ; thầy giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ ưu tú có hướng dẫn riêng của các Bộ ngành Trung ương.
Điều 5. - Các hình thức khen thưởng thi đua cấp Nhà nước gồm có:
1- Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc :
a) Tiêu chuẩn :
- Là những người tiêu biểu, xuất sắc nhất trong số chiến sĩ thi đua cấp thành phố hoặc Bộ, Ngành Trung ương.
- 2 lần liền là chiến sĩ thi đua cấp thành phố hoặc chiến sĩ thi đua ngành Trung ương.
b) Nguyên tắc xét chọn :
Danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc 5 năm xét khen thưởng một lần vào năm cuối của kế hoạch 5 năm do Thủ tướng Chính phủ quy định.
c) Chế độ thưởng :
Cá nhân được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc được cấp giấy chứng nhận, được thưởng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, kèm theo tiền thưởng theo chế độ quy định.
2- Các hình thức khen thưởng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ :
2.1- Cờ thi đua của Chính phủ :
2.1.1- Tiêu chuẩn :
a) Dẫn đầu các Hợp tác xã thuộc các ngành nghề ; dẫn đầu các xã- phường, huyện-quận ; dẫn đầu các Sở, Ban ngành ; dẫn đầu các tổ chức chính trị-xã hội ; dẫn đầu các đơn vị cơ sở trong cùng ngành kinh tế-kỹ thuật thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý trong việc hoàn thành vượt mức, toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao hàng năm.
b) Dẫn đầu về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác.
c) Có nhân tố mới, mô hình mới tiêu biểu cho cả nước học tập ; đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội có hiệu quả thiết thực.
2.1.2- Nguyên tắc xét chọn và chế độ thưởng :
a) Cờ thi đua của Chính phủ mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
b) Các đơn vị được khen thưởng cờ thi đua của Chính phủ được thưởng Cờ kèm theo tiền thưởng theo chế độ quy định.
2.1.3- Đối tượng được xét khen thưởng :
Các Hợp tác xã thuộc các ngành nghề, xã-phường, quận-huyện và cấp tương đương ; đơn vị cơ sở trực thuộc các Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương ; Sở, Ban ngành, các tổ chức chính trị-xã hội cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương.
2.2- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ :
2.2.1- Tiêu chuẩn và đối tượng được xét khen thưởng :
a) Các cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất, xuất sắc tiêu biểu của Bộ, Ngành, Tỉnh, Thành phố hàng năm.
b) Các cá nhân, tập thể đã được Tỉnh, Thành phố, Bộ, Ngành Trung ương khen thưởng Bằng khen, sau 3 năm liên tục, lập được thành mới xuất sắc hơn hoặc các cá nhân được khen thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ 5 năm trở lên.
c) Tập thể được khen thưởng danh hiệu Lao động xuất sắc hoặc đơn vị Quyết thắng, Hộ gia đình kiểu mẫu từ 3 lần trở lên.
2.2.2- Nguyên tắc xét chọn và chế độ thưởng :
a) Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được xét hàng năm và do Thủ tướng ra Quyết định.
b) Các cá nhân, tập thể được khen thưởng Bằng khen kèm theo khung bằng và tiền thưởng theo chế độ quy định.
3- Huân chương lao động các hạng :
3.1- Tiêu chuẩn cụ thể để xét khen thưởng Huân chương lao động các hạng
a) Khen thưởng Huân chương lao động hạng Ba, đối với cá nhân là chiến sĩ thi đua cơ sở 10 lần trở lên, hoặc Chiến sĩ thi đua tỉnh, thành phố, chiến sĩ thi đua ngành toàn quốc từ 3 lần trở lên hoặc những người tiêu biểu trong số những người là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các tập thể xuất sắc tiêu biểu của thành phố hoặc Bộ, Ngành từ 5 năm trở lên.
b) Khen thưởng Huân chương lao động hạng Nhì đối với cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong số những người là Chiến sĩ thi đua toàn quốc 2 lần và các tập thể xuất sắc, tiêu biểu khu vực từ 3 năm trở lên.
c) Khen thưởng Huân chương hạng Nhất đối với cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong số những người là chiến sĩ thi đua toàn quốc 3 lần và các tập thể xuất sắc tiêu biểu toàn quốc 4 năm trở lên.
3.2- Tiêu chuẩn chung để xét Huân chương lao động các hạng đối với các doanh nghiệp thuộc các phần kinh tế và các hợp tác xã thuộc các ngành nghề :
a) Tốc độ tăng trưởng bình quân của doanh thu (đối với hoạt động kinh doanh). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về giá trị tổng sản lượng, sản phẩm chủ yếu hoặc khối lượng công tác dịch vụ (đối với hoạt động công ích).
b) Năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước (đối với loại hình hoạt động kinh doanh). Năng suất, chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ cao (đối với loại hình công ích).
c) Bảo vệ môi trường tốt, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người lao động.
3.3- Những người hoạt động trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, an ninh-quốc phòng, ngoại giao, được cấp có thẩm quyền đánh giá là xuất sắc ; thành tích có giá trị đối với tỉnh, thành phố, Bộ, Ngành, khu vực hoặc có giá trị toàn quốc sẽ được khen thưởng Huân chương lao động các hạng như quy định tại điểm 3.1, khoản 3 điều 5 của quy định này.
3.4- Cá nhân, tập thể người nước ngoài, tổ chức quốc tế có thành tích xuất sắc giúp đỡ Việt Nam phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ tổ quốc sẽ được khen thưởng Huân chương lao động các hạng hoặc Huy chương, Huân chương hữu nghị.
3.5- Nguyên tắc xét chọn và chế độ khen thưởng :
a) Huân chương lao động các hạng và Huy chương, Huân chương hữu nghị do Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch Nước quyết định.
b) Cá nhân, tập thể được khen thưởng Huân chương lao động các hạng được khen thưởng bằng Huân chương kèm theo Huân chương, khung bằng khen và tiền thưởng theo chế độ quy định.
Điều 6. - Danh hiệu thi đua cấp thành phố gồm có :
6.1- Đối với các ngành kinh tế, cơ quan hành chính sự nghiệp :
a) Tập thể lao động xuất sắc.
b) Chiến sĩ thi đua cấp thành phố.
6.2- Đối với lực lượng vũ trang và công an nhân dân :
a) Đơn vị quyết thắng.
Điều 7. - Tiêu chuẩn và chế độ khen thưởng cụ thể đối với hình thức khen thưởng các danh hiệu thi đua nêu tại điều 6 của quy định này bao gồm :
7.1- Tập thể lao động xuất sắc, đơn vị quyết thắng : là những tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở được công nhận danh hiệu phải đạt các tiêu chuẩn sau :
a) Sáng tạo vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước. Có phong trào thi đua nề nếp, thiết thực được đơn vị bạn suy tôn học tập.
Có ít nhất 50% cá nhân được khen thưởng danh hiệu lao động giỏi hoặc chiến sĩ giỏi, có cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua và không có người bị kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
b) Gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương, chánh sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, tập thể đoàn kết trong sạch vững mạnh.
Danh hiệu tập thể xuất sắc, đơn vị quyết thắng của lực lượng vũ trang thành phố thực hiện theo Thông tư số 05/1999/TT-BCA (X15) của Bộ Công an và hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Tập thể lao động xuất sắc và đơn vị quyết thắng được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.
7.2- Chiến sĩ thi đua thành phố :
a) Là những người tiêu biểu, xuất sắc nhất trong số chiến sĩ thi đua cơ sở và từ 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở hoặc chưa đủ 3 năm liền là chiến sĩ thi đua cơ sở thì thành tích phải là tấm gương sáng của thành phố hoặc Ngành, Trung ương.
b) Danh hiệu chiến sĩ thi đua thành phố 5 năm xét chọn 2 lần vào năm thứ 3 và năm thứ 5 của Kế hoạch 5 năm và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.
c) Mỗi lần được công nhận chiến sĩ thi đua thành phố được cấp giấy chứng nhận, được thưởng Huy hiệu và được một khoản tiền thưởng theo chế độ quy định.
Điều 8. - Các hình thức khen thưởng thi đua của thành phố gồm có :
- Cờ thi đua xuất sắc.
- Cờ dẫn đầu thi đua
- Cờ truyền thống.
- Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố.
- Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 9. - Tiêu chuẩn cụ thể đối với hình thức khen thưởng thi đua nêu tại điều 8 của quy định này bao gồm :
9.1- Cờ thi đua của Ủy ban nhân dân thành phố được xét khen thưởng hàng năm đối với các đơn vị :
a) Hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao tăng hơn năm trước thuộc loại tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu thi đua ở các ngành kinh tế kỹ thuật, các quận, huyện, sở, ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội, các phường, xã ở mọi thành phần.
b) Có nhân tố mới, mô hình mới để các đơn vị khác trong ngành, địa phương học tập, thực hành tiết kiệm, không có tham nhũng, buôn lậu và chống các tệ nạn xã hội, có hiệu quả thiết thực.
9.2- Cờ dẫn đầu thi đua : Tặng cho các quận, huyện dẫn đầu phong trào thi đua trong 4 cụm thi đua quận, huyện và 6 khối thi đua của Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể của thành phố qua chấm điểm xếp hạng hàng năm.
9.3- Cờ truyền thống của Ủy ban nhân dân thành phố dành tặng cho các đơn vị có tổ chức kỷ niệm 10 năm, 20 năm, 30 năm ... ngày thành lập đơn vị. Các đơn vị được tặng cờ truyền thống phải là những đơn vị xuất sắc liên tục trong 5 năm, 10 năm, 20 năm gần năm kỷ niệm ngày thành lập đơn vị.
9.4- Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố dùng để tặng cho tập thể hoặc cá nhân có thành tích xuất sắc hàng năm hoặc đột xuất, gương người tốt việc tốt, có tác dụng ảnh hưởng trong phạm vi thành phố và hộ gia đình kiểu mẫu đạt liên tục cấp quận, huyện 5 năm trở lên.
9.5- Huy hiệu thành phố dùng để tặng cho các cá nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 5 năm liền hoặc tặng cho những cá nhân nước ngoài có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố. Huy hiệu thành phố chỉ tặng cho các cá nhân một lần và có ý nghĩa như người công dân ưu tú của thành phố.
Điều 10. - Danh hiệu thi đua cấp cơ sở gồm có :
10.1- Đối với các ngành kinh tế, cơ quan hành chánh sự nghiệp :
1. Tập thể lao động giỏi.
2. Lao động giỏi.
3. Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở do quận, huyện, sở, ngành công nhận.
10.2- Đối với lực lượng vũ trang và công an nhân dân :
1. Đơn vị giỏi.
2. Chiến sĩ giỏi.
10.3- Đối với quận-huyện có thêm danh hiệu :
- Hộ gia đình kiểu mẫu.
Điều 11. - Tiêu chuẩn cụ thể đối với hình thức khen thưởng danh hiệu thi đua nêu tại điều 10 của quy định này bao gồm :
11.1- Tập thể lao động giỏi, đơn vị giỏi :
Tập thể nhỏ trong đơn vị cơ sở được khen thưởng danh hiệu Tập thể lao động giỏi, đơn vị giỏi phải đạt các tiêu chuẩn sau :
a) Hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch giao, tổ chức phong trào thi đua nề nếp và có hiệu quả thiết thực.
b) Có 30% cá nhân trong đơn vị được khen thưởng danh hiệu lao động giỏi hoặc chiến sĩ giỏi và không có người bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
c) Chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, xây dựng tập thể đoàn kết vững mạnh.
Danh hiệu tập thể lao động giỏi, đơn vị giỏi mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Thủ trưởng cấp cơ sở quyết định.
11.2- Lao động giỏi, chiến sĩ giỏi :
Cá nhân được khen thưởng danh hiệu lao động giỏi, chiến sĩ giỏi phải đạt được các tiêu chuẩn sau :
a) Giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, đạt năng suất, chất lượng tốt.
b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực cánh sinh, đoàn kết tương trợ, tích cực tham gia các phong trào thi đua.
c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ.
Danh hiệu lao động giỏi mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Thủ trưởng cấp cơ sở quyết định.
Cá nhân được khen thưởng danh hiệu này được cấp 1 giấy chứng nhận kèm theo khoản tiền theo chế độ quy định.
11.3- Chiến sĩ thi đua cơ sở :
Cá nhân được khen thưởng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở phải đạt được các tiêu chuẩn sau :
a) Hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, đạt năng suất chất lượng, hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác, huấn luyện chiến đấu cao, tích cực phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng kỹ thuật mới.
b) Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, có tinh thần tự lực cánh sinh, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.
c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ.
Danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận-huyện, Giám đốc Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, hoặc cấp tương đương ra quyết định.
Cá nhân được khen thưởng chiến sĩ thi đua cơ sở được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.
11.4- Hộ gia đình kiểu mẫu :
Hộ gia đình được khen thưởng danh hiệu Hộ gia đình Kiểu mẫu ở xã- phường, Thị trấn phải đạt các tiêu chuẩn sau :
a) Là hộ gia đình tổ chức lao động sản xuất, kinh doanh và công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế, hiệu suất công tác cao.
b) Gia đình hòa thuận, hạnh phúc.
c) Gương mẫu chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào của địa phương.
Danh hiệu Hộ gia đình Kiểu mẫu mỗi năm xét khen thưởng một lần và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận-huyện quyết định.
Hộ gia đình Kiểu mẫu được cấp giấy chứng nhận kèm theo một khoản tiền theo chế độ quy định.
Điều 12. - Hình thức khen thưởng giấy khen cấp cơ sở :
12.1- Giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã, Giám đốc các Sở Ban, Ngành, đơn vị cơ sở (có tư cách pháp nhân).
12.2- Tiêu chuẩn cụ thể đối với hình thức khen Giấy khen : Là hình thức khen đối với cá nhân, tập thể được tiến hành thường xuyên, khi kết thúc một cuộc vận động, hoàn thành một hạng mục công trình hoặc khen thưởng thành tích đột xuất, gương người tốt-việc tốt có tác dụng nêu gương trong phạm vi đơn vị cơ sở, xã-phường, quận-huyện, Sở, Ban, Ngành thành phố.
12.3- Giấy khen của cấp nào thì do cấp đó ra quyết định.
12.4- Các đối tượng được khen giấy khen của các cấp (được khen thưởng giấy khen kèm theo khung và một khoản tiền thưởng theo chế độ quy định).
NGUYÊN TẮC, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KHEN THƯỞNG
Điều 13. - Nguyên tắc khen thưởng:
Thủ trưởng các ngành, các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận- huyện, phường-xã có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, xây dựng phong trào thi đua ở các đơn vị thuộc cấp, ngành mình quản lý. Định kỳ hàng năm có trách nhiệm xem xét, đánh giá, xét chọn những đơn vị xuất sắc để khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng theo nguyên tắc chung là :
13.1- Khen thưởng phải đáp ứng được yêu cầu, khẳng định, ghi nhận, đánh giá thành tích, công lao của đơn vị và cá nhân, đồng thời phải đúng với đối tượng, chính xác, kịp thời và có tác dụng thiết thực.
13.2- Chú trọng khen thưởng những đơn vị cơ sở, cá nhân và khen thưởng đột xuất.
13.3- Cần bảo đảm được tính công khai, dân chủ, có so sánh trong xét duyệt khen thưởng và thủ trưởng quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng cho các đơn vị và cá nhân thuộc mình quản lý. Đồng thời thực hiện tốt việc phân công, phân cấp trong xét duyệt, đề nghị và khen thưởng theo Nghị định 56/NĐ-CP của Chính phủ đã ban hành.
13.4- Trong xét duyệt, đề nghị khen thưởng phải bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc cấp dưới khen thưởng nhiều hơn cấp trên, khen càng cao thì số lượng càng ít. Theo tỷ lệ : cấp cơ sở khen không quá 1/2 số đơn vị và 70% cá nhân thuộc mình quản lý và đề nghị cấp trên khen không quá 1/10 số đơn vị và 1/5 số cá nhân đề nghị cấp quận, huyện, sở, ngành khen thưởng.
13.5- Các cơ quan Đảng, Đoàn thể các cấp hàng năm đều xét, tặng Danh hiệu thi đua cho các cá nhân, tập thể thuộc mình quản lý. Riêng đối với cá nhân là lãnh đạo Đảng, Đoàn thể do cấp trên cơ sở xét , công nhận danh hiệu thi đua hàng năm.
13.6- Các Hợp tác xã, Công ty Trách nhiệm hữu hạn thuộc ngành thành phố quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ thì do các ngành xem xét, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng hàng năm hoặc đột xuất nhưng phải có ý kiến đánh giá, nhận xét về chấp hành chế độ, chính sách của Ủy ban nhân dân các quận-huyện. Riêng các doanh nghiệp tư nhân, cá thể, hộ gia đình ở lãnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ thì do Ủy ban nhân dân quận-huyện đề xuất khen thưởng hoặc khen thưởng theo đúng sự phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân thành phố.
13.7- Các đơn vị liên doanh, có vốn đầu tư nước ngoài thì do cơ quan được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý đơn vị đó đề nghị.
13.8- Chính quyền cùng cấp không khen thưởng các cơ quan Đảng, Đoàn thể cùng cấp nhưng các tổ chức Đảng, Đoàn thể được đề nghị Đảng, Đoàn thể cấp trên trực tiếp khen thưởng hoặc đề xuất Chính phủ khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong năm hoặc đột xuất.
13.9-- Các phòng ban chuyên môn nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân các quận-huyện thì do quận-huyện khen thưởng và đề xuất cấp trên khen thưởng nhưng phải có ý kiến đánh giá, nhận xét của các Sở, Ngành thành phố. Riêng các cá nhân là Lãnh đạo Phòng khi được đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cần có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ngành thành phố.
Điều 14. - Thủ tục đề nghị khen thưởng :
Hồ sơ đề nghị xét khen thưởng gồm có :
a) Công văn hoặc tờ trình của Thủ trưởng cấp quản lý trực tiếp (Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện hoặc cấp tương đương).
b) Biên bản họp Hội đồng Thi đua khen thưởng của cấp đề nghị. Riêng đối với cá nhân được đề nghị khen thưởng từ Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên phải có biên bản bỏ phiếu tín nhiệm của đơn vị cơ sở (theo mẫu quy định chung) gồm các cột, mục : đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác hoặc năng lực công tác, quan hệ với quần chúng hoặc phong cách lãnh đạo, phẩm chất đạo đức.
c) Các đơn vị sản xuất - kinh doanh, sự nghiệp có thu và Giám đốc, Phó Giám đốc ở các đơn vị này khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ, hoặc Chủ tịch Nước khen thưởng Cờ thi đua, Bằng khen, Huân chương lao động phải có xác nhận về tình hình chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách, nộp thuế 1 năm đối với cờ thi đua, 3 năm đối với Bằng khen hoặc 5 năm đối với khen thưởng Huân chương lao động. Ngoài ra, cần kèm theo biên bản kiểm toán hoặc quyết toán tài chính hàng năm của đơn vị.
d) Báo cáo thành tích và tóm tắt thành tích đối với đơn vị và cá nhân được đề nghị khen cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân thành phố trở lên. Riêng đối với các hình thức khen thưởng khác phải có báo cáo tóm tắt thành tích và có xác nhận của Thủ trưởng cấp trên trực tiếp quản lý.
đ) Các đoàn thể khi đề nghị khen thưởng phải có ý kiến nhận xét của Chính quyền cùng cấp và ý kiến Đoàn thể cấp trên.
e) Để bảo đảm khen thưởng các đợt trong năm theo quy định của Chính phủ :
- Đợt ngày 1/5 hồ sơ gửi trước ngày 10/3.
- Đợt ngày 2/9 hồ sơ gửi trước ngày 15/7.
- Đợt ngày 27/7 (đối với thành tích lao động TBXH) hồ sơ gửi trước ngày 30/5.
- Đợt ngày 20/11 (nhân dịp ngày Nhà giáo) hồ sơ gửi trước ngày 20/9.
CHẾ ĐỘ KHEN THƯỞNG VÀ PHÂN CẤP KHEN THƯỞNG
Điều 15. - Đối tượng áp dụng và mức chi khen thưởng :
Thực hiện đúng quy định nêu tại điểm I và II Thông tư số 24/1999/BTC-TT ngày 04/3/1999 của Bộ Tài Chính và hướng dẫn của Sở Tài chính-Vật giá.
Điều 16. - Nguồn kinh phí khen thưởng :
16.1- Nguồn kinh phí thưởng được thực hiện theo nguyên tắc : thủ trưởng cơ quan đơn vị cấp nào ra quyết định khen thưởng đồng thời chịu trách nhiệm thực hiện chi tiền thưởng theo quy định từ nguồn tiền thưởng do cấp mình quản lý.
16.2- Quỹ khen thưởng các danh hiệu thi đua cho các cá nhân và tập thể trong khu vực hành chánh sự nghiệp được thực hiện như sau :
a) Tiền thưởng cho các cơ quan đơn vị hành chánh sự nghiệp thành phố, quận, huyện và phường, xã hưởng kinh phí từ ngân sách Nhà Nước, bố trí trong dự toán ngân sách đã được Ủy ban nhân dân các cấp giao hàng năm, theo mục chi của mục lục ngân sách Nhà nước với mức bằng 8% tổng quỹ lương theo ngạch bậc của cán bộ, công nhân viên chức theo chỉ tiêu biên chế được giao cả năm (kể cả hợp đồng trong chỉ tiêu) để chi cho cá nhân và tập thể có thành tích công tác xuất sắc tại cơ quan đơn vị.
Riêng đối với cơ quan đơn vị sự nghiệp có thu (đơn vị gán bù thu chi, đơn vị sự nghiệp tự trang trải) : kinh phí khen thưởng được tính bằng mức trích 8% trên tổng quỹ lương ngạch, bậc trong dự toán chi từ nguồn thu hàng năm để chi khen thưởng thi đua cho các cá nhân và tập thể có thành tích công tác xuất sắc tại cơ quan đơn vị.
b) Tiền thưởng của các Sở, Ngành thành phố có nhiều đơn vị cơ sở và đơn vị trực thuộc được thu xếp trong dự toán kinh phí được duyệt của Sở, Ngành để chi khen thưởng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen cho cá nhân và tập thể của đơn vị cấp cơ sở và đơn vị trực thuộc do Giám đốc Sở, Ngành khen tặng.
c) Đối với cơ quan tài chánh : Trong phạm vi dự toán chi ngân sách được giao của từng cấp ngân sách (ngân sách thành phố, ngân sách quận-huyện, ngân sách phường-xã) bố trí nguồn kinh phí khen thưởng hợp lý để làm quỹ khen thưởng do Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã khen tặng, nhưng không vượt quá tỷ lệ cho phép bằng 0,5% dự toán chi thường xuyên của ngân sách từng cấp (trong đó bao gồm 8% quỹ lương cơ bản, tiền thưởng tại Sở, Ngành và các chi phí in ấn, khung bằng khen, giấy khen).
16.3- Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, nguồn để trích thưởng cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc từ quỹ khen thưởng của đơn vị, được hình thành theo quy định của Nghị định số 59/CP ngày 03/10/1996 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước.
Điều 17. - Sử dụng nguồn tiền thưởng và phân cấp chi khen thưởng:
- Quỹ khen thưởng của thành phố (được cấp qua Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố) : Dùng để chi khen thưởng các danh hiệu thi đua và các hình thức khen cho cá nhân, tập thể, cơ quan đơn vị trong khu vực hành chánh sự nghiệp thành phố, quận huyện, phường xã (không có thu) được Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ khen tặng.
17.2- Đối với các đơn vị sản xuất-kinh doanh, đơn vị hành chánh sự nghiệp Trung ương trên địa bàn và cơ quan ngành dọc hưởng lương từ Ngân sách Trung ương, đơn vị sự nghiệp có thu của thành phố và quận huyện... Ủy ban nhân dân chỉ khen tặng các danh hiệu thi đua như : Chiến sĩ thi đua thành phố, bằng khen Ủy ban nhân dân thành phố, Cờ thi đua xuất sắc...). Còn tiền thưởng kèm theo các danh hiệu, các hình thức khen này do đơn vị tự chi từ quỹ khen thưởng (đối với đơn vị sản xuất-kinh doanh) hoặc chi trong dự toán kinh phí của đơn vị (đối với đơn vị hành chánh sự nghiệp Trung ương), hoặc chi từ nguồn thu (đối với đơn vị sự nghiệp có thu).
17.3- Quỹ khen thưởng của quận-huyện, phường-xã : Dùng để chi thưởng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá nhân, tập thể được Ủy ban nhân dân quận-huyện, phường-xã khen tặng.
17.4- Về các khoản chi : in ấn, làm khung, tiền mua và thêu cờ... được tính trong tỷ lệ % quỹ khen thưởng của từng cấp ra quyết định khen tặng.
17.5- Riêng tiền thưởng cho các danh hiệu, hình thức khen thưởng của ngành thể dục thể thao và giáo dục sẽ có quy định cụ thể ngoài quy định chung của thành phố.
17.6- Khoản chi khen thưởng được phản ảnh vào mục 104 “Tiền thưởng” theo Chương, Loại, Khoản tương ứng của từng đơn vị. Cuối năm, nếu mục chi khen thưởng không sử dụng hết thì được điều chỉnh sang các nội dung chi khác trong tổng mức dự toán của đơn vị.
Điều 18. - Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức về thi đua-khen thưởng của cấp, ngành mình phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ và hướng dẫn của liên ngành Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ và Viện Thi đua khen thưởng Nhà nước để đưa công tác Thi đua khen thưởng đi vào nề nếp, có tác dụng động viên các ngành, các giới hăng hái thi đua phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội Chủ nghĩa.
- Hội đồng Thi đua khen thưởng thành phố tổ chức hướng dẫn thực hiện Nghị định 56/1998/NĐ-CP của Chính phủ và quy định này của Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thi đua khen thưởng trên địa bàn.
- Các đơn vị Trung ương trên địa bàn thành phố căn cứ vào hướng dẫn của các Bộ, Ngành Trung ương và vận dụng quy định của thành phố để thực hiện tốt công tác thi đua - khen thưởng đơn vị mình, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố trong thực hiện cơ chế mới./.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
- 1 Quyết định 1280/QĐ-UB năm 2001 về Quy chế khen thưởng thi đua do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành
- 2 Quyết định 198/1999/QĐ-UB về việc ban hành bản quy định công tác khen thưởng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành.
- 3 Quyết định 38/1999/QĐ-TTG Quy định về đối tượng và tiêu chuẩn danh hiệu Anh hùng Lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ đổi mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 24/1999/TT-BTC hướng dẫn công tác quản lý tài chính thực hiện chế độ khen thưởng thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc do Bộ Tài chính ban hành
- 5 Nghị định 56/1998/NĐ-CP quy định các hình thức, đối tượng và tiêu chuẩn khen thưởng của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp, cụ thể hoá tiêu chuẩn khen thưởng huân chương lao động
- 6 Nghị định 59-CP năm 1996 ban hành Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước
- 7 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 1 Quyết định 169/2006/QĐ-UBND về công tác thi đua, khen thưởng tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2 Quyết định 1280/QĐ-UB năm 2001 về Quy chế khen thưởng thi đua do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành
- 3 Quyết định 198/1999/QĐ-UB về việc ban hành bản quy định công tác khen thưởng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành.