BỘ CÔNG NGHIỆP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/2002/QĐ-BCN | Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2002 |
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP
Căn cứ Nghị định số 74/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Công nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp thành doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ, thí điểm tổ chức theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp tại Tờ trình số 968/TT-TH ngày 04 tháng 12 năm 2002 về việc thực hiện Quyết định số 139/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2002;
Theo đề nghị của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công nghiệp và Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Chuyển Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, đơn vị thành viên Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp thành doanh nghiệp hoạt động khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Công nghiệp và tổ chức lại thành Công ty mẹ nhà nước, thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con.
1. Công ty mẹ có:
a) Tên gọi là: viện máy và dụng cụ công nghiệp, gọi tắt là Viện IMI;
b) Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh: INDUSTRIAL MACHINERY AND INSTRUMENTS Holding, gọi tắt là IMI HOLDING;
c) Trụ sở chính đặt tại: 46 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội;
d) Vốn điều lệ tại thời điểm chuyển thành Công ty mẹ là: 17.613.098.207 đồng. Trong đó:
- Vốn ngân sách Nhà nước cấp: 15.658.064.206 đồng;
- Vốn tự tích luỹ, bổ sung từ lợi nhuận là : 1.955.034.001 đồng.
2. Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp trực tiếp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo thông qua các bộ môn khoa học, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các cơ sở đào tạo; đồng thời thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh và có vốn đầu tư ở các công ty con, công ty liên kết; chịu trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại Công ty mẹ và vốn đầu tư vào các Công ty con, Công ty liên kết.
Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp có tư cách pháp nhân, thực hiện hạch toán kinh tế độc lập, có con dấu, có tài khoản tại Ngân hàng; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo Quy chế tài chính thí điểm của Công ty mẹ - Công ty con do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, theo luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Khoa học và Công nghệ và theo các quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ chủ yếu của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp :
1. Các lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ:
a) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực công nghiệp, bao gồm: công nghệ gia công đặc biệt, công nghệ gia công có phoi, công nghệ gia công không phoi, ăn mòn và chống ăn mòn kim loại, máy công cụ, thiết bị kỹ thuật môi trường, đo lường và điều khiển tự động, truyền dẫn thuỷ khí, cơ điện tử và công nghệ thông tin trong ngành chế tạo máy;
b) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, thiết kế, chế tạo máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ mới trong công nghiệp;
c) Đào tạo đại học và trên đại học về công nghệ cao trong ngành cơ khí, điện tử;
d) Tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khoa học và công nghệ, bao gồm: lập và thẩm định các dự án đầu tư, tư vấn quản lý dự án, tư vấn đấu thầu và hợp đồng kinh tế, tư vấn mua sắm vật tư thiết bị và công nghệ;
2. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh:
a) Sản xuất, kinh doanh, lắp đặt các loại máy, thiết bị công nghệ, các hệ thống điều khiển tự động, thiết bị tự động hoá, điện tử công nghiệp và phần mềm ứng dụng trong sản xuất công nghiệp;
b) Kinh doanh xuất nhập khẩu các loại vật tư; thiết bị điện tử; máy, thiết bị, dụng cụ và dây chuyền công nghệ trong công nghiệp;
c) Đầu tư tài chính vào các công ty con và các loại hình doanh nghiệp khác;
3. Các lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ và các ngành nghề khác phù hợp với năng lực của Viện và được pháp luật cho phép.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức quản lý của Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp:
1. Viện trưởng;
2. Các Phó Viện trưởng;
3. Kế toán trưởng;
4. Các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ.
Điều 4. Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp có các loại hình Công ty con sau đây:
1. Các doanh nghiệp được Công ty mẹ đầu tư vốn (100% hoặc một phần vốn thông qua chuyển giao li-xăng, bí quyết công nghệ hoặc góp vốn trực tiếp), chịu sự chi phối của Công ty mẹ theo tỷ lệ đầu tư vốn, gồm có:
a) Công ty con nhà nước do Công ty mẹ nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Công ty mẹ nắm giữ toàn bộ vốn điều lệ;
c) Công ty trách nhiệm hữu hạn từ hai thành viên trở lên trong đó có một thành viên là Công ty mẹ;
d) Công ty cổ phần do Công ty mẹ giữ cổ phần chi phối.
2. Các đơn vị sự nghiệp: cơ sở đào tạo, trung tâm nghiên cứu ứng dụng.
Giao Viện trưởng Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp lập đề án trình Bộ Công nghiệp quyết định thành lập các Công ty con.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ các văn bản trước đây có nội dung trái với Quyết định này.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp và Viện trưởng Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| BỘ TRƯỞNG |